CÓ CẦN MỘT “CUỘC CHIẾN” VỈA HÈ?

Nguyễn Thị Hậu

Quận Một TPHCM đang tiến hành “cuộc chiến” giành lại vỉa hè cho người đi bộ. Tiếp sau việc làm rào ngang trên vỉa hè ngăn xe máy, quận Một tiếp tục “chiến dịch ra quân”, thu giữ, đập phá… những gì lấn chiếm vỉa hè.
Dư luận phần lớn ủng hộ việc này vì cho rằng cần lập lại kỷ cương trật tự trong văn minh đô thị, rằng cần phải làm mạnh như vậy để dứt điểm hiện tượng vi phạm luật pháp… Tràn ngập tin tức, hình ảnh, video về chiến dịch này cho thấy thái độ và hành xử triệt để của chính quyền mà “đỉnh cao” là việc đập một trụ sở dân phòng và phá hàng rào, dọn bốt gác của Ngân hàng nhà nước (và ngay sau đó phải cho tái lập trước sự phản ứng của Ngân hàng).

Nhưng bên cạnh đó không ít ý kiến cho rằng, mục đích công việc là đúng nhưng cách thực hiện như quận Một đang làm là hoàn toàn không phù hợp, đặc biệt, đã không tính đến cuộc sống của hàng ngàn người buôn bán nhỏ lấy vỉa hè làm nơi kinh doanh, từ lâu đã hình thành nền “kinh tế vỉa hè” đặc trưng cho các đô thị. Vấn đề là diện mạo của nền kinh tế ấy văn minh hay không văn minh, mà điều này lại phụ thuộc phần lớn vào trình độ, năng lực của nhà quản lý đô thị.

Vỉa hè cho người đi bộ. Đúng, nhưng chưa đủ!

Cấu trúc đường giao thông đô thị có lòng đường dành cho xe (cơ giới, thô sơ) và vỉa hè, vừa là giới hạn lòng đường vừa mở ra một “không gian” khác: nơi trồng cây xanh, bồn hoa cỏ tạo bóng mát và cảnh quan, góp phần điều hòa khí hậu, dành cho người đi bộ và là khoảng cách an toàn giữa nhà  “mặt tiền” với đường giao thông. Vỉa hè là không gian công cộng nhưng cũng là không gian giao tiếp đầu tiên, thường xuyên của nơi kinh doanh và khách hàng. 

Chính tính chất linh động của khoảng không gian này mà vỉa hè được sử dụng, thậm chí tận dụng: những cửa hàng, quán ăn… luôn sử dụng vỉa hè trước nhà để bảng hiệu, bàn ghế, sạp hàng… rồi sau là để xe cộ… phục vụ cho việc kinh doanh trong nhà hay ngay trước cửa nhà. Rồi buôn gánh bán bưng, xe hàng rong khi chiếm chỗ cố định khi di động… cũng tận dụng vỉa hè làm nơi buôn bán.

Các đô thị Việt Nam hiện nay có một lượng xe máy rất lớn nên nhu cầu bãi để/giữ xe rất cấp bách, đặc biệt là khu trung tâm. Gần đây khi xe hơi phát triển nhanh chóng thì một số con đường đã được phép đậu xe hơi có thu phí trong khi đó việc giữ xe máy trên lề đường, vỉa hè thì hầu như rất ít nơi được cấp phép. Mặt khác, giao thông công cộng chưa phát triển nên người đi bộ thường tập trung ở các đường phố chính, một số khu vực kinh doanh thương mại hoặc ẩm thực… Hầu hết các con đường ngoài khu vực đó mật độ người đi bộ không cao.

Do vậy, vỉa hè – nhất là ở các đường phố khu trung tâm - không chỉ có một chức năng dành cho người đi bộ. Thực tế ở bất cứ nước nào vỉa hè cũng được xem là một nguồn “vốn xã hội” được chính quyền quản lý sao cho có lợi về kinh tế và về văn hóa - xã hội. Quản lý tốt thì lợi ích kinh tế đi và lợi ích văn hóa - xã hội không mâu thuẫn mà còn là điều kiện cho nhau phát triển.

Lợi ích xã hội và lợi ích cá nhân

Khu trung tâm của nhiều thành phố trên các đường phố hầu hết là quán cà phê, tiệm ăn, tiệm bánh, trái cây, đồ lưu niệm và những dịch vụ khác… mặt tiền và một phần vỉa hè được chính quyền cho sử dụng đặt bàn ghế, sạp hàng để phục vụ du khách. Khoảng vỉa hè được phép kinh doanh ghi rõ trong giấy phép, thậm chí trang trí của quán còn phải phù hợp với cảnh quan của khu phố cổ, tạo điều kiện cho những quán nổi tiếng giữ thương hiệu ngay từ việc trang trí, bảng hiệu và sinh hoạt ở vỉa hè như xưa. Tất nhiên, thuế không nhẹ, và tuyệt đối không được lấn chiếm ngoài phạm vi cho phép. Nếu vi phạm sẽ bị cảnh sát đến nhắc nhở và phạt để chủ quán tự giác dọn dẹp, nếu “ngoan cố” sẽ bị cưỡng chế đồng thời phạt rất nặng, có thể thu hồi giấy phép kinh doanh.

Nếu là khu đi bộ thì hầu hết vỉa hè được sử dụng để kinh doanh, thậm chí cả một phần lòng đường, nếu đường dành cho xe cộ lưu thông thì vỉa hè chỉ được sử dụng một phần, tối đa là ½ chiều ngang, phần còn lại dành cho người đi bộ. Đồng thời, trên vỉa hè còn đặt nhiều ghế băng cho khách bộ hành nghỉ chân. Vẫn có xe bán hàng rong hay nghệ sĩ đường phố biểu diễn nhưng hạn chế di chuyển tránh cản trở người đi bộ. Điều kiện đầu tiên là phải đảm bảo vệ sinh nơi kinh doanh. Để tình trạng mất vệ sinh hay lừa đảo khách nếu bị phát hiện cũng bị phạt.

Như vậy, chính quyền thu được một khoản thuế từ kinh doanh và từ việc “cho thuê mặt bằng”, chưa kể khoản thu phạt “vi phạm hành chính”; xã hội phát triển dịch vụ phục vụ du khách, đồng thời duy trì, bảo tồn những nét văn hóa đặc trưng  như ẩm thực, đồ thủ công mỹ nghệ, những sinh hoạt văn hóa của cộng đồng. Đây cũng là cách giải quyết việc làm cho nhiều người  nhất là những người nghèo kiếm sống bằng cách bán hàng nhỏ lẻ, tuy vậy vẫn có biện pháp chế tài chứ không vì “nghèo” mà vi phạm quy định.

Để làm được như vậy nhà quản lý phải là người tuân thủ nguyên tắc đầu tiên, không có ngoại lệ. Nhưng trước đó, những quy tắc luật lệ được áp dụng đều xuất phát từ điều kiện hoàn cảnh thực tế và biện pháp chế tài theo hướng trước hết đảm bảo lợi ích của cộng đồng (xã hội) và sau là lợi ích của cá nhân (doanh nghiệp, tư nhân).

Sửa sai bằng cách xác định sai từ đâu

Ở TPHCM tình trạng lấn chiếm vỉa hè để buôn bán, giữ xe, hàng rong… là chuyện dài nhiều tập, mà sau mỗi lần “ra quân” vài hôm thì đâu lại vào đấy. Rõ ràng cách làm kiểu phong trào không giải quyết tận gốc tình trạng này.

Lấn chiếm vỉa hè bất cứ hình thức mức độ nào cũng là sai trái. Cái sai này cả từ hai phía: một phía là các hộ kinh doanh và người buôn bán đã sử dụng “không gian công cộng” mà không được cấp/cho phép sử dụng; và phía kia là chính quyền cơ sở đã không kịp thời, thường xuyên thực hiện quy định và biện pháp chế tài để không cho người dân vi phạm, ngăn ngừa tái phạm. Một bên là ý thức tuân thủ pháp luật không cao, còn một bên là ý thức trách nhiệm của nhà quản lý cũng không đến nơi đến chốn, do đó nếu chỉ chế tài một phía thì không thỏa đáng. Vì nhu cầu cuộc sống họ sẽ tiếp tục vi phạm nếu chính quyền cơ sở vẫn làm ngơ, thậm chí dung túng, tiếp tay.

Để giải quyết một cách căn cơ tình trạng lấn chiếm vỉa hè, thiết nghĩ, cần thực hiện từng bước nhằm xác định rõ trách nhiệm cũng như nâng cao ý thức của cả hai phía. Hiện nay một số quận khác cũng đã triển khai việc giải tỏa vỉa hè nhưng bằng cách làm từng bước ôn hòa: Quận thông báo về phường chủ trương, cách thức tiến hành và thời hạn thi hành. Phường ra thông báo cụ thể thời hạn các hộ, người kinh doanh, nơi vi phạm (cơ quan nhà nước, công ty…)  tự giải tỏa, dọn dẹp. Có thể tổ chức họp các hộ kinh doanh để cùng tìm ra nguyên nhân và cách thức thực hiện tốt nhất, hạn chế lãng phí công sức, tiền bạc và tài sản.

Đến thời hạn ai không chấp hành hoặc chấp hành không nghiêm thì cưỡng chế, phạt thật nặng và rút giấy phép kinh doanh, chi phí cưỡng chế nơi vi phạm phải chi trả. Quận sẽ kiểm tra giám sát chặt chẽ, phường nào làm không nghiêm, không thực hiện đúng yêu cầu thì lãnh đạo phường đó chịu trách nhiệm, thậm chí xử lý kỷ luật nếu phát hiện dung túng hay bao che sai phạm.

Đấy là cách để hạn chế “cuộc chiến vỉa hè” với nhiều hành vi mang tính bạo lực sẽ “phổ biến” đến những nơi khác trong thành phố. Cưỡng chế, đập bỏ, phá hủy… không những gây lãng phí, nguy hiểm mà còn để lại hậu quả tiêu cực trong tâm lý xã hội.

Bên cạnh đó vai trò và trách nhiệm quản lý của các cơ quan chức năng là tiếp tục nghiên cứu tìm ra những biện pháp sử dụng vỉa hè sao cho hợp lý, không lãng phí mà vẫn đảm bảo quyền lợi của mọi người dân và mỹ quan đô thị. Một đô thị văn minh hiện đại còn là một đô thị nhân văn khi quyền lợi của cộng đồng hay cá nhân đều được chính quyền quan tâm và giải quyết thỏa đáng, công bằng.

 Sài Gòn 1.3.2017

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

TRAO TẶNG TÀI LIỆU HIỆN VẬT CỦA NSUT - ĐẠO DIỄN NGUYỄN NGỌC BẠCH

  Lời đầu tiên, thay mặt gia đình tôi xin trân trọng cám ơn Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM, Hội Di sản văn hóa TPHCM, Bảo tàng TP.HCM đã nhiệt...