Nguyễn Thị Hậu
Chợ
là nơi trao đổi buôn bán hàng hóa trong một khu vực địa lý. Ở đô thị ngày nay
chợ “truyền thống” là một trong số ít ỏi dấu tích còn lại của những làng xóm
xưa, điểm lại các chợ ở Sài Gòn ta nhận ra phần lớn tên chợ lưu lại địa danh quen
thuộc một thời nổi tiếng: Đa Kao, Cầu Kho, Tân Định, Xóm Chiếu, Bàu Sen, Bà
Chiểu, Thị Nghè, Phú Nhuận, Gò Vấp, Hòa Hưng…
Nam
bộ sông rạch nhiều nên đi lại bằng ghe xuồng là chính. Chợ xưa là nơi bến sông ghe
xuồng neo đậu trao đổi hàng hóa nông sản. Dần dần trên bờ hình thành thị tứ, có
nhà cửa, tiệm chạp pô, tiệm ăn, kho hàng của người Hoa, rồi hàng thịt cá rau
trái bày bán giữa đường hay trên các sạp dựng ở lòng đường, dần hình thành một
cái chợ… Chợ Bến Thành xưa – nay là Chợ Cũ cũng được hình thành như vậy. Người
Pháp mang đến kiến trúc “nhà lồng” cho chợ Bến Thành mới, từ đó “nhà lồng chợ” thường
là trung tâm của một thị tứ ở Nam bộ. Người ta đánh giá địa phương đó có trù
phú, phát đạt hay không là nhìn vào quy mộ của nhà lồng chợ. Trong cuốn hồi ký
của Paul Doumer toàn quyền Đông Dương hồi đầu thế kỷ 20 có nhận xét rằng, một trong những cơ sở quan trọng nhất của một
làng ở Nam kỳ là cái chợ, và làng nào cũng tự hào về chợ làng mình chẳng khác
gì tự hào về đình làng vậy.
Ở
Sài Gòn nhiều chợ có đặc điểm riêng về dân cư và sản phẩm. Đi mỗi chợ có thể nhận biết nhiều điều về nơi ấy:
dân cư, ngôn ngữ, sản phẩm, các mối quan hệ xã hội qua xưng hô. Đi chợ hàng
ngày là nhu cầu không phải chỉ mua bán mà còn là gặp gỡ, giao lưu, thể hiện các
mối quan hệ xã hội. Nghe lời nói thách trả giá mặc cả… biết giá cả chất lượng
hàng hóa và còn có thể biết được tình cảm của những người mua bán. Hiện nay chợ
truyền thống thường là nhà lồng cao ráo, thông thoáng, sạp hàng bố trí, sắp xếp
khoa học, vệ sinh môi trường tương đối tốt, bên cạnh đó là việc giữ gìn “thương
hiệu” ngành hàng của những tiểu thương buôn bán lâu năm.
Những
chợ hẻm, chợ vỉa hè… mọc lên ở những khu dân cư mới chỉ có siêu thị mà không có
chợ. Đó là nhu cầu hàng ngày của phần đông dân cư, bởi vì đâu thể nhốt mọi sinh
hoạt thường nhật của người dân vào các trung tâm thương mại hào nhoáng và lạnh
lùng. Khi nhà quy hoạch không lưu ý nhu
cầu này thì tất yếu sẽ có chợ tự phát, dẫn đến lấn chiếm lòng lề đường, cản trợ
giao thông, ảnh hưởng vệ sinh môi trường… Nhưng trong những xóm lao động hay
khu công chức lâu đời vẫn còn nhiều chợ hẻm chỉ nhộn nhịp bán mua vào buổi
sáng, đến trưa thì chợ đã tan. Hẻm trở lại yên tĩnh thậm chí còn có tiếng gà
gáy te te lúc đứng bóng… Bạn tôi làm việc ở Thái Lan, nhà trong một hẻm nhỏ có
cái chợ giống hệt như vậy: cũng những xe bán trái cây, rau củ, xe bán thức ăn
chín, sạp quần áo treo đồ lên hàng rào, rồi xe nước ngọt siro đá bào, gánh chè,
xe hủ tiếu nước lèo thơm phức… Bạn nói, chọn thuê nhà ở đây là vì cái chợ này,
ra vô nhìn thấy nó như mình đang ở Sài Gòn.
Hiện
nay siêu thị, trung tâm thương mại xây dựng khắp nơi, từ đô thị đến vùng nông
thôn. Nhà đầu tư thường chọn ngay vị trí chợ truyền thống hoặc địa điểm công
cộng – tức là chiếm đoạt giá trị về ký ức nơi chốn của cộng đồng - để xây dựng những
tòa nhà cao tầng, hình thức kiến trúc và nội thất trang trí sắp xếp như nhau.
Tên gọi của siêu thị, trung tâm thương mại ít khi mang địa danh truyền thống.
Trong đó việc mua bán sòng phẳng, lịch sự, người mua hàng có thể chọn lựa thỏai
mái, tự mình quyết định khi mua món hàng nào đó theo giá ấn định sẵn. Siêu thị,
trung tâm thương mại phản ánh mối quan hệ của xã hội đô thị hiện đại: coi trọng
sự riêng tư, cá nhân, chủ yếu là sự “tương tác” giữa người mua hàng với sản
phẩm, quan hệ người mua người bán không còn, “tình cảm” trong việc mua bán nhạt đi, mất đi…
Tính chất văn hóa địa phương (đặc sản, ngôn ngữ, xưng hô…) không thể hiện trong
siêu thị, trung tâm thương mại mà là ứng xử “văn minh thương nghiệp” phổ biến
mọi nơi.
Thành
phố dù hiện đại đến đâu cũng cần những ngôi chợ truyền thống, không chỉ phục vụ
cuộc sống hàng ngày mà còn là một địa điểm du lịch, bởi vì nó phản ánh văn hóa
địa phương qua sản phẩm, ẩm thực, ứng xử giao tiếp của con người… Lưu giữ chợ truyền
thống vì hoạt động thương nghiệp của tiểu thương và khách hàng cũng là những
giá trị văn hóa. Siêu thị và trung tâm thương mại không thể thay thế hoàn toàn
chợ, kể cả chợ bán lẻ và nhất là những chợ đầu mối, bán sỉ và có truyền thống
lâu đời.
Bảo
tồn chợ truyền thống cần bắt đầu từ việc bảo toàn giá trị ký ức từ địa điểm nơi
chốn, bảo toàn giá trị văn hóa qua sản phẩm và ứng xử trong mua bán. Và trước
hết, nó phải được bắt đầu từ các nhà quản lý và quy hoạch đô thị.
Sài Gòn 24.2.2017
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét