Nguyễn Thị Hậu
“Chiến dịch” giải
tỏa vỉa hè đã lan rộng nhiều nơi, vẫn với phương thức chính là thu giữ và phá
hủy những gì lấn chiếm vỉa hè. Làn sóng ủng hộ cách làm này vẫn mạnh mẽ, như
muốn nhấn chìm những tiếng nói bình tĩnh phân tích lợi hại của việc khai thác
vỉa hè.
Chuyện vỉa hè ở bất
cứ đâu không bao giờ chỉ là chuyện của người đi bộ! Nhiều thành phố trên thế
giới đã cho thấy những lợi ích to lớn cho xã hội, cho cộng đồng từ việc quản lý
và sử dụng vỉa hè. Chẳng cần nhìn ở đâu và phấn đấu bằng ai cho xa, cứ nhìn
sang Bangkok thôi cũng sẽ có được những bài học, kinh nghiệm hoàn toàn có thể
ứng dụng được ở TPHCM hay Hà Nội.
Bangkok là một thành
phố mà phương tiện giao thông công cộng phát triển đáp ứng nhu cầu của phần lớn
người dân. Do đó lượng người đi bộ cũng chiếm tỷ lệ lớn và dĩ nhiên, vỉa hè
dành cho người đi bộ là chính. Nhưng “chính” không có nghĩa là tất cả, vỉa hè ở
đây còn phục vụ việc mua bán, ăn uống, tham quan du lịch… Bangkok có một nền
“kinh tế vỉa hè” phong phú, đa dạng, sinh động đồng thời trật tự, ngăn nắp,
tuân thủ pháp luật. Nếu sự “phong phú, đa dạng, sinh động” là đặc tính vốn có
của hoạt động kinh tế - văn hóa này thì sự “trật tự, ngăn nắp, tuân theo pháp
luật” có được là nhờ vai trò của bộ máy quản lý đô thị.
Đô thị là một không
gian giới hạn, trong đó quyền lợi và nghĩa vụ của mọi thành phần dân cư đan
xen, nương nhờ vào nhau và có khi mâu thuẫn với nhau trong việc sử dụng không
gian công cộng. Chức năng, vai trò và phương thức thực hiện của nhà quản lý là
nhằm điều tiết các quyền lợi và nghĩa vụ đó, sao cho có sự công bằng tương đối
cho các bên liên quan. Vỉa hè chính là phép thử đồng thời thể hiện cái tầm của nhà quản lý cũng như cái tâm của chính quyền đối với dân cư,
nhất là tầng lớp kiếm sống nhờ vỉa hè.
Ai cũng biết quản
lý và quản lý đô thị là một khoa học, vì vậy điều quan trọng và đầu tiên là cần
nhận biết tính quy luật của sự việc, hiện tượng cùng với nguyên nhân của nó, từ
đó mới có thể tìm ra giải pháp tối ưu. Nếu chỉ tư duy theo kiểu “thực trạng và
giải pháp” sẽ dẫn đến những việc “ra quân, phong trào, chiến dịch” thể hiện tư
duy thời chiến lại trở thành công cụ quản lý xã hội trong thời bình.
***
TP.Hồ Chí Minh và
Hà Nội dù đang quyết liệt ra quân giành lại vỉa hè cho người đi bộ, nhưng vẫn
không cho thấy hướng giải quyết lâu dài và triệt để. Thứ nhất, thói quen và nhu
cầu mua bán ở vỉa hè không chỉ ở người bán mà còn ở cả người mua, đã hình thành
từ rất lâu trong bối cảnh xã hội bao cấp. Thứ hai, giải tỏa vỉa hè thì hàng
trăm ngàn người buôn bán trên vỉa hè sẽ đi đâu, chuyển nghề gì để sinh sống? Thứ
ba, hàng chục ngàn ngôi nhà sử dụng mặt tiền làm quán xá sẽ giải quyết xe cộ
của khách hàng thế nào? Thứ tư, với hàng triệu xe máy lưu thông nhưng không có
bãi giữ xe để có thể đi bộ thì lượng xe ấy ở đâu nếu không ở trên mặt đường, và
khi tắc đường thì vỉa hè lại chính là lối thoát, dù chỉ là tạm thời.
Chừng nào chưa giải
quyết được những vấn đề này thì vỉa hè vẫn còn bị sử dụng bừa bãi. Vậy tại sao
không đặt vấn đề sử dụng vỉa hè một cách hợp lý và từng bước sắp xếp lại theo
luật pháp? Khi đó sẽ căn bản giải quyết được những vấn đề trên và có thêm một
nguồn thu đủ để duy tu sửa chữa và quản lý hoạt động trên vỉa hè.
Nhiều người cho
rằng, trong tình trạng hiện nay cần có biện pháp mạnh để chấm dứt nạn lấn chiếm
vỉa hè. Nhưng “lấn chiếm vỉa hè” không thể trở thành vấn nạn nếu không có sự
dung túng và lợi dụng của chính quyền cơ sở hay cá nhân một số người quản lý.
Nếu chính quyền cơ sở, nhà quản lý không coi đó là một nguồn thu của ngân sách
hay nguồn quỹ của địa phương, thực sự trong sạch không tư túi, không bao che
cho người quen thân lấn chiếm vỉa hè… thì chỉ cần một mệnh lệnh hành chính đúng
luật pháp cũng sẽ được người dân tuân thủ.
Chính quyền luôn có
một sức mạnh khi thực thi quản lý xã hội, đó là sự chính danh. Danh chính thì
ngôn thuận, nhà nước có trách nhiệm thuyết phục và đối thoại với người dân trên
cơ sở tôn trọng lẫn nhau. Bạo lực dù dưới bất cứ hình thức nào chỉ có thể xảy
ra khi sự đối thoại bất lực. Thái độ và hành xử theo kiểu luôn coi người dân là
“đối tượng vi phạm luật pháp cần phải trừng trị” là sự thể hiện “quyền lực” của
một bộ máy bất lực trong quản lý xã hội.
Sài Gòn 11.3.2017
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét