CON ĐƯỜNG CÓ CÁI BA-RI-E


Nguyễn Thị Hậu
Trung tâm quận Một TPHCM có những con đường vỉa hè rộng rãi, hàng cây xanh cao luôn tỏa bóng mát cho dịu cái nắng quanh năm ở thành phố. Trừ một số con đường buôn bán sầm uất vỉa hè luôn tấp nập người qua lại thì vỉa hè những con đường khác tương đối thoáng đãng, ít khách bộ hành, người buôn gánh bán bưng có thể thong thả đi lại hay nghỉ ngơi dưới bóng cây mát rượi.
Trước đây vỉa hè cao hơn lòng đường và được bó vỉa bằng những tảng đá xanh vuông vắn qua hàng trăm năm. Nhưng rồi người ta đào lên vứt bỏ, đổ bêtông và lát gạch con sâu, rồi thay bằng đá hoa cương. Vì nhu cầu của người dân ở mặt tiền nhất là đường nào có nhiều quán xá bán buôn, người ta làm một số chỗ dốc cho xe máy lên xuống. Thế là nhiều đoạn vỉa hè ở những con đường thường xuyên kẹt xe trở thành lối thoát cho xe máy.
Quá trình “hiện đại hóa” khu trung tâm thành phố bằng việc xây dựng nhiều nhà cao tầng, các tòa tháp; công sở, chung cư càng mọc lên thì đường phố ngày càng bị nén chặt bởi phương tiện giao thông. Xe máy, xe hơi, xe bus… lúc nào cũng san sát nhau trên tất cả các làn đường, cho nên chỉ cần dừng đèn đỏ trong phút chốc thì xe máy lập tức tranh thủ leo lên vỉa hè để chạy lên trước, để rẽ phải, thậm chí để chạy ngược chiều. Dù biết đó là vi phạm luật nhưng ai cũng phải làm để có thể thoát khỏi đám kẹt xe mà kịp đưa đón vợ con, đến công sở, hay đơn giản chỉ là tránh cơn mưa đang ào ào kéo tới và sẽ làm ngập đường trong chốc lát.
Gần đây nhiều đoạn vỉa hè ở quận 1 mọc lên những thanh chắn ngang bằng inox, cao khoảng 30cm có phản quang nhằm ngăn cản xe máy chạy trên vỉa hè, như đoạn đầu đường Nguyễn Bỉnh Khiêm cắt Nguyễn Thị Minh Khai, đoạn Lý Tự Trọng trước Thư Viện tổng hợp và Bảo tàng TP. Đây là hai con đường một chiều, đường Lý Tự Trọng giờ cao điểm có mật độ xe cộ rất cao, xe máy thường leo lề để thoát ra đường Pasteur. Đường Nguyễn Bỉnh Khiêm thì lắp thanh chắn ở vỉa hè phía có trường học ngăn xe máy leo lề chạy ngược chiều, mà phần lớn là phụ huynh đưa đón con đi học, bởi vì nếu đi đúng đường thì phải qua giao lộ Nguyễn Thị Minh Khai – Đình Tiên Hoàng là một nơi lúc nào giao thông cũng trong tình trạng “ùn ứ”. Vậy là không leo lề được thì người ta đi ngược chiều dưới lòng đường!
Những “chướng ngại vật” được dựng nên đã làm giảm đáng kể số lượng xe máy chạy trên vỉa hè, bớt được lực lượng công an, thanh niên công ích phải đứng ngăn chặn xe máy, tức là khá thuận lợi cho “nhà quản lý”, đúng dự tính của sáng kiến này. Nhưng về phía người dân thì sao?
Thứ nhất, trong khi mật độ dưới lòng đường quá cao thì nhiều vỉa hè thông thoáng vì ít người đi bộ (như hai đoạn vỉa hè trên). Thực tế này làm nảy sinh nhu cầu sử dụng vỉa hè cho mục đích di chuyển nhanh hơn của những người tham gia giao thông bằng xe máy – phương tiện linh hoạt nhất. Vỉa hè chính là “chỗ trũng” trong dòng xe cộ như nước lũ trên đường thành phố nhất là vào những giờ cao điểm. Như vậy, cặp đôi “xe máy + vỉa hè” là một “hằng số” trong tình trạng giao thông thường xuyên quá tải như hiện nay.
Thứ hai, việc dựng chướng ngại vật làm người dân phải đi đúng đường vì không thể “lách luật” chứ không phải từ ý thức tự giác, đó là tâm lý đối phó chứ không phải sự chấp hành luật pháp. Mặt khác, cần nhận thấy những đoạn đường trên thường xảy ra việc xe máy leo lề vào giờ cao điểm, còn khi đường thông thoáng thì hầu như không có hiện tượng này, tức là chỉ xảy ra cục bộ.
Thứ ba, những thanh chắn ngang là nguy cơ gây ra tai nạn cho chính người đi bộ - đối tượng mà nó hướng đến trong “cuộc chiến” giành vỉa hè – nhất là với người khiếm thị, người tàn tật, người sử dụng xe lăn, người già và trẻ em, trong đó có nhiều người nghèo mưu sinh bằng bán vé số hoặc gánh hàng rong, đi lại nơi này vào ban đêm hoặc khi thiếu ánh sáng thì cực kỳ nguy hiểm. Đặc biệt đối với du khách thì hình ảnh những thanh chắn này mang lại cảm giác một thành phố không thân thiện, luôn phải cảnh giác khi đi trên đường thì còn đâu tâm trạng để ngắm nhìn hay thư giãn.
Thực trạng xe máy đi trên vỉa hè chắc chắn phải chấm dứt nhưng không thể nóng vội. Xử lý việc này bằng cách dựng thanh chắn cho thấy cơ quan quản lý nhà nước có cố gắng lập lại trật tự bằng cách dễ nhất là “ngăn cấm”, nhưng lại đẩy những bất tiện về phía người dân. Chỉ đơn giản là một “thanh chắn” nhưng đó chính là cái ba-ri-e ngăn cách giữa người dân và nhà quản lý, thậm chí nó tạo ra tâm lý đối lập giữa chính quyền và cộng đồng bởi vì nó là biểu tượng của sự cấm đoán.
TP. Hồ Chí Minh vốn được xem là một thành phố thân thiện, khoan hòa. Khi chưa thể giải quyết tận gốc rễ vấn nạn giao thông thì cũng không nên dựng những thanh chắn trên vỉa hè, đừng để câu hát thơ mộng “con đường có lá me bay” sẽ thành “con đường có cái ba-ri-e” đầy vẻ đe dọa lạnh lùng.
Sài Gòn 16.2.2017

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

LÀNG NGHỀ SÀI GÒN MỘT THỦA VANG DANH

   (Người Đô Thị Xuân Giáp Thìn 2024) Nguyễn Thị Hậu Sài gòn là một đô thị từ khi khởi lập. Tính chất đô thị của Sài Gòn không chỉ ở chứ...