XÁCH VALI LÊN VÀ ĐI ĐÂU ĐÓ...

Lâu lắm tôi mới lại về một “nhà quê” dù nơi này là một huyện ngoại thành chỉ cách Sài Gòn khoảng 70 km.
Homestay đơn giản, là ngôi nhà một lầu của một cặp vợ chồng lớn tuổi, chồng người Đức vợ quê ở ngay đây. Hai anh chị về đây làm cái homestay này đã hơn 10 năm, chỉ có hai phòng đôi, khách lúc nào cũng có thường là khách Tây vì nơi này gần vài di tích thời chiến tranh. Sự đơn giản và sạch sẽ của phòng ngủ, phòng khách chung và cái bếp nhỏ cũng là một kiểu “Tây” chứ khách Việt thì thích, và phải có, những tiện nghi sang trọng hơn.
Khi anh lái xe đưa tôi đến nơi, anh nghi ngại nhìn ngôi nhà rồi hỏi: phải đây không chị? Khi tôi xác nhận và chào anh, kéo vali đến mở cửa hàng rào, anh vẫn còn ngồi trong xe nhìn ra như e ngại điều gì cho tôi. Chủ nhà ra đón – ông tây già quần cụt áo thun, hỏi tên tôi rồi đưa tôi vào nhà, tôi quay lại vẫy tay chào, anh mới yên tâm lái xe đi.
Một bầy mèo không biết bao nhiêu con và ba con chó sủa nhặng lên chào đón. Ngôi nhà rộng rãi. Mái nhà ngói khung cửa gỗ màu trắng, kế bên là nhà bếp và phòng ăn chung lợp lá dừa dày dặn. Xung quanh xanh ngát vườn cây. Mặt tiền là một “tỉnh lộ” nhưng hầu như không có xe hơi chạy qua, thỉnh thoảng có vài chiếc xe máy. Chỉ một đoạn nữa là đến bờ sông Sài Gòn... Từ trưa đến chiều mùi gió sông qua những vườn cây tràn về, trong lành, dịu mát... Sự yên tĩnh mang lại một nỗi buồn dịu dàng như khi ta phải chia tay một người thân yêu...
Chị chủ nhà xởi lởi, nhiệt tình. “Ít khi tụi tui nhận khách Việt, lần này sao gặp được chị, hay quá...”. Cứ sau một ngày tôi làm việc, chiều chị chở tôi đi vòng vòng trên chiếc xe máy không biết loại gì và thời nào, nhưng ngon lành, đạp là nổ và không chết máy giữa đường, như chị vui vẻ nói khi thấy tôi hơi ngần ngại. Cách nhà chỉ khoảng vài trăm met là một “thị tứ” nhỏ xíu quanh một ngã tư, chợ nhỏ, siêu thị cũng nhỏ, nhưng có tới hai cây xăng và vài quán cà phê rộng rãi, màn hình TV lớn, loa lớn, ‘tối chủ nhật có chương trình hát với nhau” và “tất cả các trận von cup” – như quán dán thông báo. Kể mà ở đến chủ nhật thế nào cũng ra đây hát, lâu rồi không karaoke từ Hoàng hôn màu lá tới Tôi ru em ngủ đến Phượng buồn rồi Chim trắng mồ côi...
Dọc con đường là vài tiệm tạp hóa, quán ăn: cháo gỏi gà vịt, bánh xèo, phở bò... Tô phở bò ngon quá, bò vàng nhà nuôi, hai ba ngày mổ một con, vừa nấu phở vừa bán thịt tươi, có cả bò tơ nữa... Bữa về sẽ ghé mua mang về nhà. Bò vùng này ngon nổi tiếng (như có chị kia nói trong đám nhậu: bò trên em rất ngon! làm nhiều anh ngẩn ngơ)
Trưa trưa đứng nắng tiếng vọng cổ từ nhà ai vẳng tới, đúng là một làng quê Nam bộ. Chiều tối thì bolero chiếm lĩnh không gian một vùng nông thôn đã bắt đầu đô thị hóa, sau một ngày với đủ thứ bề bộn người ta cũng cần “thả lỏng” cả tinh thần và thể chất. Nhưng sáng sớm, rất sớm, lại vang tiếng “loa phường” về những chuyện luôn luôn phải nghe mà thường xuyên không muốn hiểu. May mà homestay ở chỗ này ngược gió nên không nghe rõ tiếng loa. Còn tôi, cả ngày làm việc thường gắn headphone nghe... tình ca Pháp.
Buổi sáng hay chiều mát thả bộ trên đường lang thang ra tới “thị tứ”, đi trên lề đường lát gạch mà thảm hoa vàng trong vườn nhà ai vẫn chờm ra che kín, chim sâu lách chách, lá dừa lá xoài xào xạc, lại thêm mấy con chó cứ lẽo đẽo đi theo (người tuổi tuất), thoang thoảng ngai ngái mùi chuồng gia súc quen thuộc như thời xa xưa... Chỉ vài ngày ở “nhà quê” nhưng đã mang lại cho “người thành phố” một sự an yên còn hơn là “thiền”, để một lần nữa có thể bình tâm “nhìn theo đường hun hút còn xa, xin cám ơn những điều đã qua...”
Một lần tôi đã viết “Cuộc sống thì không có bảo hành. Nhưng khi nó đóng một cánh cửa thì sẽ mở ra một cánh cửa khác”. Đúng vậy, mỗi ngày sẽ là một ngày mới, miễn là mình biết từ chối “sống mòn”...
Sài Gòn 22.6.2018

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

DI SẢN LỊCH SỬ - VĂN HÓA CÁC ĐÔ THỊ NAM BỘ NHÌN TỪ GIA ĐỊNH THÀNH THÔNG CHÍ CỦA TRỊNH HOÀI ĐỨC

Vài nét về công trình Gia Định thành thông chí Gia Định thành thông chí ( 嘉定城通志 ) còn có tên Gia Định thông chí ( 嘉定通志 ), là một quyển địa...