THẦY PHAN HUY LÊ CỦA CHÚNG TÔI

Chia tay giáo sư Phan Huy Lê - người thầy của nền sử Việt - Ảnh 1.

TS. Nguyễn Thị Hậu
Tổng Thư ký Hội Sử học TP.HCM
Cho đến nay, chúng tôi, sinh viên khoa Lịch sử của trường Đại học tổng hợp TPHCM những khóa đầu tiên sau 1975 vẫn gọi Thầy Phan Huy Lê một cách kính trọng và giản dị như thế dù Thầy có rất nhiều danh hiệu và giải thưởng cao quý. Bởi lẽ đối với nhiều thế hệ học trò, Thầy Phan Huy Lê luôn là một người Thầy điềm đạm, chu đáo và cẩn trọng trong giảng dạy và nghiên cứu khoa học, nhân hậu và tình cảm với mọi người.
Những giờ học đầu tiên của chúng tôi về Lịch sử là những trang sử thời cổ - trung đại Việt Nam do Thầy Lê phụ trách. Mười thế kỷ chống ách đô hộ của các triều đại phong kiến Trung quốc, những cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên - Minh – Thanh, qua bài giảng của Thầy đã trở nên sống động và gần gũi với chúng tôi, không phải chỉ từ những chiến thắng hào hùng mà còn từ những “góc khuất” của lịch sử. Những góc khuất ấy, như Thầy nói, không hề làm giảm giá trị của vinh quang mà khi sáng tỏ sẽ làm cho Lịch sử trở nên cao quý hơn!
Thập kỷ đầu tiên của thế kỷ XXI được ghi dấu ấn bằng việc phát hiện hàng lọat di tích khảo cổ - lịch sử về kinh thành Thăng Long cổ xưa. Người “đứng mũi chịu sào” đưa ra những kiến nghị về việc cần thiết bảo tồn khu di tích này với tinh thần trách nhiệm, khoa học và đau đáu nỗi lòng với những di sản văn hóa Thăng Long – Hà Nội là Thầy Phan Huy Lê – Chủ tịch Hội KHLSVN. Với riêng tôi, Thầy Lê dù quê hương ở vùng sông Lam núi Hồng nhưng là một “người Hà Nội” vì đây là nơi ông đã sống, làm việc trọn đời, và còn vì ông đã gửi gắm tình yêu và cống hiến cho sự nghiệp nghiên cứu và bảo vệ di sản lịch sử - văn hóa Thăng Long – Hà Nội.
Được làm việc với Thầy trong BCH Hội Khoa học lịch sử VN trong nhiều khóa từ năm 2005 đến nay, tôi luôn nhận được sự chỉ bảo tận tâm của Thầy trong công tác Hội, khi tham gia nghiên cứu lịch sử vùng đất phía Nam, trong cách thức “phản biện” các vấn đề xã hội... Thầy gửi cho tôi những cuốn sách mới của Thầy, mỗi lần gặp Thầy lại động viên “Mình mới đọc bài của Hậu viết về bảo tồn di sản Sài Gòn. Cố gắng nhé!”. Vài năm sau này, quanh việc nghiên cứu Triều Nguyễn và một số nhân vật lịch sử, Thầy đã chia sẻ với chúng tôi về trách nhiệm của người nghiên cứu là phải vượt qua bằng được những khó khăn để có thể khôi phục “sự thật lịch sử”.
Dẫu biết Thầy đã phải nằm viện từ những ngày trước, nhưng thật đột ngột là tin Thầy đã ra đi... Với chúng tôi, sự ra đi của những người Thầy như Thầy Trần Quốc Vượng, Thầy Đinh Xuân Lâm và Thầy Phan Huy Lê đã để lại những khoảng trống không dễ gì bù đắp, dù các Thầy không bao giờ muốn học trò coi mình là “thần tượng”.
Sài Gòn 23.6.2018
https://tuoitre.vn/chia-tay-giao-su-phan-huy-le-nguoi-thay-cua-nen-su-viet-2018062411391966.htm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

DI SẢN LỊCH SỬ - VĂN HÓA CÁC ĐÔ THỊ NAM BỘ NHÌN TỪ GIA ĐỊNH THÀNH THÔNG CHÍ CỦA TRỊNH HOÀI ĐỨC

Vài nét về công trình Gia Định thành thông chí Gia Định thành thông chí ( 嘉定城通志 ) còn có tên Gia Định thông chí ( 嘉定通志 ), là một quyển địa...