Vài nét về công trình Gia Định thành thông chí
Gia Định
thành thông chí (嘉定城通志) còn có tên Gia Định thông chí (嘉定通志), là một quyển địa chí do Trịnh
Hoài Đức (1765-1825) biên soạn, viết về địa lý-lịch sử-văn hóa của miền đất Gia
Định (Nam Bộ ngày nay).
Công trình Gia Định thành thông chí là cơ sở
của nhiều bộ thông sử của triều Nguyễn, là tài liệu cơ bản và quan trọng để nghiên cứu
lịch sử Nam bộ, Việt Nam thời cận
đại và nhất là nghiên cứu các vấn
đề về triều Nguyễn. Nội dung của công trình đề cập một cách toàn diện, chi
tiết các lĩnh vực địa lý, lịch sử, văn hóa, con người… của vùng đất Gia Định
xưa thời nhà Nguyễn (lúc đó gồm 5 trấn
Biên Hòa, Phiên An, Định Tường, Vĩnh Thanh, Hà Tiên). Các thị tứ, các trấn
được khảo tả chi tiết và sinh động, toàn diện các lĩnh vực như kinh tế - xã hội
– văn hóa – con người – xây dựng đô thị... Đặc biệt hệ thống địa danh dân
gian và hành chính ghi chép
trong Gia Định Thành thông chí là vốn tư liệu quý giá về ngôn ngữ, về đời sống
cộng đồng, về quá trình hành chánh hóa vùng đất Gia Định.
Đây là công
trình khoa học mẫu mực của thể CHÍ. Đặc biệt cách tiếp cận và tâm thức
của Trịnh Hoài Đức thể hiện trong công trình vừa từ
góc độ “bên ngoài” – ông gốc người
Minh hương, có khác biệt nhất định về văn hóa lối sống để có những nhận biết rất
tinh tế và khách quan; vừa từ góc độ “bên trong” – ông với tư cách một đại thần triều Nguyễn - để phân tích, đánh giá, nhận xét một cách sâu sắc.
Đã có nhiều bản
dịch và giới thiệu về công trình này. Năm 2019 Nhà xuất bản Tổng hợp TP. Hồ Chí
Minh xuất bản bản dịch mới của Phạm Hoàng Quân. Bản dịch này phân tích kỹ văn bản
gốc, chú giải và khảo chứng, qua đó đính chính được rất nhiều chỗ sai lầm hoặc
giải thích chưa rõ của các bản dịch trước. Bản dịch của Phạm Hoàng Quân đưa
công trình đến gần độc giả hiện nay hơn, vì giúp độc giả hiểu rõ về địa lý – lịch
sử Nam bộ nói chung và từng địa điểm, địa danh dược ghi chép trong công trình
Gia Định thành thông chí nói riêng.
Chúa Nguyễn mở mang vùng đất Gia Định
Giai đoạn Chúa Nguyễn mở mang vùng đất Nam bộ cũng
là giai đoạn họat động ngọai thương ở khu vực Đông Nam Á khởi sắc. Ngòai thương
cảng Hội An nổi tiếng từ thế kỷ XVI, các trung tâm thương nghiệp mới như Cù Lao
Phố (Biên Hòa, Đồng Nai), Mỹ Tho, Hà Tiên... cũng phát triển nhờ lợi thế của hệ
thống giao thông đường thủy (cảng biển, sông rạch...).
Mùa xuân
Mậu Dần 1698, năm thứ 8 của chúa Nguyễn Phúc Chu, triều đình sai Thống suất Chưởng
cơ lễ thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh vào Nam kinh lược, “ông lấy đất Nông Nại đặt làm phủ Gia Định,
đặt xứ Đồng Nai làm huyện Phước Long, dựng dinh Trấn Biên, xứ Sài Gòn đặt là
huyện Tân Bình, dựng dinh phiên Trấn…”. Phủ Gia Định lúc này bao gồm khắp miền
Đông Nam Bộ, có một phủ, hai huyện, hai dinh. Mỗi dinh đều đặt các chức lưu thủ,
cai bạ, ký lục để quản lý, các cơ độ thuyền thủy bộ tinh binh và thuộc binh. Mở
rộng đất đai hơn nghìn dặm, dân hơn 4 vạn hộ, chiêu mộ lưu dân từ châu Bố Chánh
đến lập nghiệp, lập ra xã thôn phường ấp, phân định địa giới, trưng thu ruộng đất,
định mức tô thuế, lập sổ đinh sổ điền[1]. Kể từ
thời điểm này nền hành chính tại Gia Định được thiết lập, tính pháp lý về chủ quyền quốc gia được xác lập trên vùng đất này.
Từ đầu thế kỷ 18,
chính quyền chúa Nguyễn đã chiêu mộ
thêm dân để đẩy mạnh tiến trình khai hoang, mặt khác khuyến khích những người
giàu có tại các vùng ở Đàng Trong di cư vào đất Gia Định. Mặt khác, chúa Nguyễn
tạo điều kiện dễ dàng cho việc khai khẩn bằng chính sách thả nổi cho lưu dân tự
chiếm đất hoang để trồng lúa, trồng cau, lập vườn, xây nhà mà không phải qua một
thủ tục hành chính nào cả. “Đất Nông Nại xưa vốn nhiều đầm ao rừng
rú, buổi đầu mới lập ra ba dinh, mộ dân đến
lập nghiệp, phép tắc hãy còn khoan dung giản dị... không hề ràng buộc, cốt sao
khiến cho dân khai hoang mở đất cho thành ruộng, lập nên thôn xã mà thôi”.[2]
Diện mạo các đô thị ở Nam bộ khoảng đầu thế kỷ 19
Năm
1808, vua Gia Long đổi trấn Gia Định thành Gia Định Thành, bao gồm 5 trấn:
Phiên An (địa hạt Gia Định), Biên Hòa, Vĩnh Thanh (sau chia ra Vĩnh Long và An
Giang), Vĩnh Tường (sau này là Định Tường) và Hà Tiên.
Gia định thành thông chí đã cho biết các trấn thời Nguyễn
ở Nam bộ vào đầu thế kỷ XIX đã là những trung tâm kinh tế sầm uất, cùng thành trì là trung
tâm hành chính thì nhà cửa phố xá bến chợ luôn được nhắc đến như
một thành phần quan trọng của một trấn. Sau đây là vài miêu tả trong phần Thành
trì chí.
Trấn
Phiên An có
Chợ phố Bến trước thành, phố chợ, nhà cửa rất trù mật... tụ tập hàng trăn thứ
hàng hóa, dọc bến sống thuyền buôn lớn nhỏ đi lại sn sát (tr.553). Phố Sài Gòn (Chợ Lớn) đường phố lớn, thẳng suốt ba đường
giáp đến bến sông... đan xuyên nhau như chữ điền, phố xá liền mái, người Việt
và người Trung quốc cùng sinh sống... Hai bên nam - bắc bến sông không thứ gì
là không có (tr.559); Ngoài ra còn có
các chợ khác cũng nổi tiếng như Chợ Khung Dong (chợ cây da còm), Chợ Điều
Khiển, phố chợ Lịch Tân (chợ Bến Sỏi), chợ Tân Kiểng...
Trấn
Biên Hòa có
phố lớn Nông Nại – cù lao Đại Phố. mái ngói tường vôi, lầu quán cao ngất, dòng
sông rực rỡ, ánh nhật huy hoàng, liền nhau tới 5 dặm, chia làm 3 đường phố,
đường phố lớn lát đá trắng, đường phố ngang lót đá ong, đường phố nhỏ lót đá
xanh, toàn thể đường bằng phẳng như đá mài, kẻ buôn tụ tập, thuyền đi biển, đi
sông đều đến cuốn buồm neo đậu, đầu đuôi thuyền đậu kế tiếp nhau, thật là một
chỗ đô hội… (tr.568)
Trấn
Định Tường có
chợ và phố lớn Mỹ Tho, mái ngói cột chạm phủ, đình cao, nha thự rộng, thuyền bè
sông biển ra vào, buồm thuyền trông như mắc cửi, thật là nơi đô hội lớn phồn
hoa huyên náo. (tr.571)
Trấn
Vĩnh Thanh có
chợ Vĩnh Thanh, chợ Long Hồ phố xá liền nhau hàng hóa cả trăm món, dài đến 5
dặm ghe thuyền đầu suốt bến, miếu thần, đình làng mọc lên, đờn ca náo nhiệt, là
chợ phố lớn của trấn. Chợ Sa Đéc: phố chợ nằm dọc theo bờ sông, mái nối mái
liền nhau đối nhau san sát như vảy cá... trên bờ dưới sông có hàng trăm thứ
hàng hóa tốt đẹp, nhìn ngợp mắt thỏa lòng, quả là chốn phồn hoa. (tr.576)
Trấn
Hà Tiên:
đường xá giao nhau, phố xá nối liền. Người Việt người Hoa người Cao Miên người
Chà Và tụ họp chia ở, thuyền biển ghe sông qua lại như mắc cửi, thất là nơi đô
hội góc biển vậy. (tr.576)
Như
vậy, từ những ghi chép, khảo tả của Gia Định Thành thông chí, có thể nhận biết
ngay từ khi khởi lập, các đô thị Nam bộ luôn ở trung tâm của mạng lưới giao
thông đường thủy từng khu vực, tận dụng sự thuận tiện của hệ thống sông, kênh
rạch, đường biển và chế độ thủy triều… Từ những bến – chợ đã hình thành các
cảng thị như Sài Gòn, Cù Lao Phố, Mỹ Tho, Ba Vát (Bến Tre), Hà Tiên…sau này có
Cần Thơ, Long Xuyên, Sa Đéc… Giữa các tỉnh hầu như đều có ranh giới tự nhiên là
những giòng sông lớn nhỏ, trên trục lộ chính cứ qua một bến phà (nay là một cây
cầu) là vào địa phận một thành phố lớn/trung tâm một tỉnh.
Có
thể nói tính chất của đô thị Nam bộ là “đô thị sông nước”, người ta biết đến đô
thị không chỉ là những thành trì, các công trình hành chính hay tôn giáo mà còn
được biết đến vì cảnh quan “trên bến dưới thuyền”. Nếu ở vùng nông thôn “dưới
thuyền” quan trọng vì hàng hóa nông sản nhờ ghe thương hồ chuyên chở, lưu thông
thì tại các thị tứ, “trên bến” dần hình thành những cảng thị (sông, biển) nổi
tiếng với sự phong phú của hàng hóa, sự giao lưu trao đổi buôn bán trù mật, sự
đông đúc đa dạng của cư dân.
Từ
thị tứ trở thành các Trấn khi được bổ sung thêm chức năng hành chính, chính trị
và quân sự. Trung tâm hành chính của các Trấn ở
Nam bộ thời Nguyễn đã là những đô thị sầm uất phát triển thương mại, gắn liền
với đường sông và đường biển. Do vậy các đô thị ở Nam bộ hình thành có phần
khác biệt so với Thăng Long/Hà Nội, Huế hay Phố Hiến, Hội An… Tuy bước đầu hình
thành các đô thị này mang tính chất là trung tâm hành chính – quân sự nhưng
không thể thiếu cơ sở quan trọng là kinh tế - yếu tố này trong quá trình phát
triển ngày càng nổi bật.
Tính chất
đô thị rõ nét qua đường phố, nhà cửa, chợ búa, phố nghề/phố chuyên doanh… Gắn
bó chặt chẽ với vùng nông thôn xung quanh nhưng không làm “nông thôn hóa” mà
ngược lại luôn có xu hướng “đô thị hóa” cho vùng xung quanh. Tính chất kết nối
với các đô thị khác rất cao theo sông nước, do là những trung
tâm kinh tế và tính chất thị trường.
Dân cư – con người vùng đất Gia Định
Đến
cuối thế kỷ 17 ở Gia Định, “con cháu
người Hoa ở Trấn Biên thì lập thành xã Thanh Hà, ở Phiên Trấn thì lập thành xã
Minh Hương, đều biên vào hộ tịch”, đây là bộ phận người Hoa đã sớm có mặt cùng người
Việt, người Khmer, người Chăm và các tộc người bản địa khác chung sống và xây
dựng vùng đất Sài Gòn nói riêng và vùng Nam Bộ nói chung. Chính
quyền của chúa Nguyễn ở Đàng Trong đã xem người Hoa như thần dân của mình và
họ đã trở thành một bộ phận hữu cơ của cư dân Nam Bộ, góp phần tạo dựng và phát
triển kinh tế thương nghiệp và thủ công nghiệp.
Từ
khi Gia Định trở thành trung tâm của Đàng Trong thời Chúa Nguyễn, nơi đây đã là
nơi dân tứ xứ thường xuyên đổ về. Trong Gia Định thành thông chí, mục
Phong tục chí ghi chép như sau: “Vùng Gia Định nước Việt đất rộng lương nhiều,
không lo nạn đói lạnh, nên ít dự trữ, dân quen thói xa hoa, sĩ phu phong khí
phấn phát. Do người bốn phương tự cư nên mỗi nhà đều có tục lệ riêng”. “Gia
Định là cõi Nam nước Việt, lúc mới khai thác, lưu dân nước ta cùng người Đường
(...), người Tây dương (...) Cao Miên, Đồ Bà (...) đến ngụ cư đông đúc xen lẫn,
mà người các nước ấy thì y phục đồ dùng đều theo kiểu của dân tộc họ”[3].
“Gia Định ở về phương Nam, gần ánh sáng mặt
trời, người phần đông có tánh trung dũng khí tiết, coi nặng việc nghĩa coi nhẹ
tiền tài, cho dù phụ nữ cũng vậy”, “Ở Gia Định khi có khách đến nhà, đầu tiên
gia chủ bày trầu cau, sau đó dọn cơm bánh, tiếp đãi chu đáo đầy đủ. Bất kể là
người thân hay sơ, quen hay lạ, tông tích ở đâu, đã đến thì phải đón tiếp đãi
đằng. Nên nhiều người đi chơi không cần mang theo lương thực, nhưng lại khiến
người né xâu trốn thuế đến xứ này nhiều, bởi có chỗ ăn chỗ ở”.[4]
Trải
qua hai trăm năm với bao biến cố xã hội nhưng tính cách, lối sống đặc trưng của
người Gia Định vẫn không thay đổi mà ngày càng được duy trì đậm nét. Cho đến
nay, người nhập cư vẫn là thành phần hữu cơ của TP. Hồ Chí Minh. Sài Gòn – TP.
Hồ Chí Minh luôn là nơi được nhắc đến bởi những việc làm thiện nguyện của các
tổ chức xã hội, các cá nhân, là nơi luôn đi đầu trong những đợt cứu trợ “nhường
cơm xẻ áo” cho các địa phương khác khi gặp thiên tai, cũng là nơi đùm bọc sẻ
chia mọi cơ hội việc làm cho “người tứ xứ”. Sự hội tụ nhân lực từ mọi miền, mọi
nguồn gốc, cùng với nhiều thế hệ dân cư ở
Sài Gòn – TP. Hồ Chí Minh đã duy trì, phát triển sức sống trẻ trung, phát
huy những phẩm chất, truyền thống tốt đẹp của thành phố.
Truyền thống cần
lưu giữ và lan tỏa
Truyền
thống của một vùng đất, một cộng đồng là những gì được lắng đọng và lưu truyền
qua quá trình lịch sử dài lâu, hình thành từ sự thích ứng với thiên nhiên và
tính cách văn hóa của cộng đồng. Cũng có thể coi những đặc điểm trên đây của
các đô thị và con người Gia Định hồi đầu thế kỷ 19, qua công trình của Trịnh
Hoài Đức, là một truyền thống quý giá và đặc sắc của vùng đất Nam bộ.
Trong quá trình đô thị hóa
– hiện đại hóa, quá
trình quy hoạch phát triển các đô
thị ở Nam bộ cần chú ý những đặc điểm của “thị tứ, trấn” của vùng
Gia Định đã được chỉ ra trong Gia Định Thành thông chí. Đó là sự thích ứng, thích nghi với Phong, Thủy, Thổ của
vùng đất, là sự chủ động, sáng tạo của con người vùng đất này. Bên cạnh đó cần thiết phải nhận diện những đặc trưng văn hóa, lối sống, tính cách của
con người vùng Gia Định để lưu giữ, lưu truyền và lan tỏa cho những thế hệ dân
cư đến sau đang sinh
sống trên vùng đất Nam bộ.
Đặc biệt cần sưu tầm, lưu
giữ các địa danh dân gian và địa danh hành chánh đã được ghi chép trong Gia
Định thành thông chí. Nên
bảo tồn và trong nhiều trường hợp cần khôi phục địa danh cổ, ví như ở Đồng Nai
– Biên Hòa (nơi có khu mộ Trịnh Hoài Đức – một di tích lịch sử quốc gia) có các
địa danh đã đi vào lịch sử và tâm thức cộng đồng một cách bền vững và thân
thương như Cù Lao Phố (nay là phường Hiệp Hòa), Cầu Gành (nay gọi là Cầu Ghềnh)...
Hệ thống địa danh là di sản văn hóa vì phản ánh
và tích hợp giá trị lịch sử - văn hóa, nguồn gốc và quá trình dân cư… Hệ thống di sản qua địa danh cho biết vùng đất Gia Định, Nam bộ có quá trình lịch sử lâu
dài, có nền văn hóa độc đáo và nhân văn. Vì vậy cần có những nhận thức, quan
điểm và ứng xử phù hợp với con người và vùng đất Nam bộ.
Trước
mắt, cần đưa công trình Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức vào giảng dạy trong phần “lịch sử địa phương” ở
tất cả các tỉnh Nam bộ, bằng hình thức giới thiệu nội dung và giá trị của công
trình này. Từ đó lớp trẻ được tiếp nhận kiến thức, tri thức lịch sử - văn hóa
của quê hương ngay từ sử liệu gốc. Truyền thống lịch sử - văn hóa mang tính bền vững, được
truyền lại và bổ sung qua từng giai đoạn, trở thành “sợi chỉ đỏ xuyên” suốt từ
quá khứ đến hiện tại và tương lai của một cộng đồng, một vùng đất.
TP. Hồ Chí Minh, tháng 4.2024
Nguyễn Thị Hậu
[1] Trịnh Hoài
Đức, 2019, Gia Định
thành thông chí. Phạm Hoàng Quân dịch, chú và khảo
chứng. NXB Tổng hợp TPHCM và Saigonbooks.
Tr.289
[2] Trịnh Hoài Đức, 2019, sđd, tr.292
[3] Gia định thành thông chí, sđd, tr.490 - 491
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét