VĂN HÓA - THAY ĐỔI BẮT ĐẦU TỪ NHỮNG CÁ NHÂN
- Nếu phải tổng kết lại đời sống văn hóa Việt một năm qua, đối với bà, đâu là cái “được”, đâu là cái “đáng lo ngại”?
“Đời sống văn hóa Việt”… là lĩnh vực quá rộng lớn, chắc chắn tôi không thể biết hết để có cảm nhận chính xác. Có lẽ tôi chỉ nhận xét về một số họat động văn hóa mà (do công việc hiện nay) tôi quan tâm. Những họat động này được phản ánh qua giới truyền thông và chỉ là “bề nổi” của đời sống văn hóa mà thôi.
Năm qua, bên cạnh những công việc “thường ngày ở huyện” trong các lĩnh vực như bảo tồn bảo tàng, biểu diễn nghệ thuật, điện ảnh, thư viện, văn hóa cơ sở… thì đời sống văn hóa không thiếu các họat động nổi bật, này nhé: tham gia thi các kiểu hoa hậu thế giới này, bình chọn quốc hoa, đề xuất quốc tửu (và dân gian thì nhân tiện nêu thêm vài “Quốc” nữa), xét tặng các giải thưởng, phát động nhắn tin bình chọn cho Vịnh Hạ Long… Rồi trong năm có đến 3 di sản văn hóa của Việt Nam được Unesco công nhận “di sản văn hóa thế giới” là Thành Nhà Hồ, Quan họ Bắc Ninh và Hát Xoan… Như vậy, lĩnh vực văn hóa vẫn “đến hẹn lại lên” diễn ra sôi nổi như thể không có (và chẳng phản ánh) tình trạng lạm phát cao và đời sống ngày càng khó khăn. “Mặt được” phải chăng là như vậy?
Còn “đáng lo ngại” ư? Gần đây báo chí hay nói về hiện tượng vô tình hay cố ý “lộ hàng” của một số ca sĩ nghệ sĩ, gây ra những scandal. Tôi nhận thấy trong quản lý họat động văn hóa cũng có tình trạng “lộ hàng” vì những họat động văn hóa lại xảy ra nhiều sự cố “kém văn hóa”. Đó là vụ mất vài chục tỷ đồng của Cục Điện ảnh, kiện cáo trong việc xét chọn giải thưởng cao, thi người đẹp, thi hoa hậu hay cử đại sứ du lịch gì đó đều kèm theo những tai tiếng, việc thu hồi 2 cuốn sách mà lý do – như báo chí đưa tin – thì không đủ sức thuyết phục, rồi vụ buổi biểu diễn của ca sĩ Chế Linh và những quyết định gấp rút và trái ngược nhau, việc báo chí – nhất là báo mạng - tràn ngập những “thảm họa” trong sinh họat nghệ thuật, vài cuộc thi có tính giải trí cũng lùm xùm chuyện lộ trước hay là dàn xếp kết quả, rồi một vài phong trào bình chọn, việc xác lập kỷ lục... mà theo tôi còn mang nặng tính hình thức... Tất cả những sự việc ấy đều cho thấy cách thức quản lý chưa thay đổi đủ để phù hợp với thực trạng mới của đời sống văn hóa trong một môi trường xã hội phức tạp mà chủ thể của những họat động văn hóa cũng ngày càng đa dạng. Và cũng như nhiều năm trước, sự trông đợi một thành tựu “văn hóa đỉnh cao” trong các lĩnh vực trên vẫn còn xa vời...
- Nếu chỉ nhìn vào những tin tức mà truyền thông đăng tải ngày này qua tháng khác thì dễ thấy cái ác, và sự đổ lỗi cho những cá nhân ác. Nhưng sự tha hóa của con người liệu có thể bắt đầu từ việc vượt đèn đỏ, ngồi vào chỗ của người khuyết tật trên xe bus hay bạt tai một đứa trẻ? Nhiều người cho rằng, điều quan trọng trong giáo dục hiện nay là trang bị cho mỗi người bản lĩnh, nhận thức về cái ác, cách đốiphó với cái ác, làm sao để gặp ác mà không thành ác. Để có được bản lĩnh này, chúng ta phải bắt đầu từ đâu?
Cái ác bắt đầu rất đơn giản, có khi chỉ từ một lời nói nhục mạ con người, từ sự thờ ơ dửng dưng trước tai nạn của người khác, trước sự bất công trong xã hội… chứ không đợi đến một hành vi phạm pháp hay vô đạo đức. Mỗi ngày chỉ cần lướt qua vài trang báo là có thể thấy vô số tin “tức” về hành vi bạo lực mà nguyên nhân nào có gì to tát. Không thể không tự hỏi: vì sao trong xã hội bây giờ người ta nhục mạ nhau, đánh nhau, giết nhau… dễ dàng đến thế? Đó là vì hấu như ai cũng ngại không muốn can thiệp vào những việc trái tai gai mắt, “chủ nghĩa MAKENO” làm cho mọi giá trị đảo lộn, tốt xấu không còn phân biệt, rồi con người trở nên dửng dưng với cái xấu, dửng dưng với lẽ phải, với sự thật! Một gia đình, một xã hội mà mọi người dửng dưng với nhau chính là môi trường chứa đầy nguy cơ cho cái ác lộng hành. Ý thức cộng đồng đang băng hoại từ sự dửng dưng như thế! Trong đời sống xã hội hiện nay tình trạng khủng hỏang “niềm tin” vào điều thiện như những con sóng ngầm mà những hành xử vô văn hóa chỉ là bề nổi. Mất lòng tin vì một đời sống mà những ứng xử “lệch chuẩn” dần trở thành bình thường, không phải vì giá trị của những hành vi này thay đổi, mà vì chúng không được xã hội điều chỉnh đúng theo giá trị văn hóa chuẩn mực.
Nhận thức được cái xấu cái ác như thế thì việc bắt đầu là không làm điều xấu điều ác dù là nhỏ nhất. Mỗi hành xử tốt là lọai bỏ được một nguy cơ cái ác xuất hiện. Đồng thời, đứng trước cái ác cái xấu chỉ có một chọn lựa, đó là đòan kết chống lại nó. Một người chống lại cái xấu cần nhiều người ủng hộ và làm theo. Ít nhất là ngăn chặn cái xấu tác oai tác quái, rồi lọai trừ và tiêu diệt nó.
- Nếu con người cá nhân có thể cải biến văn hóa xã hội, và rồi xã hội văn hóa giáo dục, uốn nắn con người thành ra có văn hóa thì làm thế nào để ngăn chặn sự tha hóa ấy trong từng cá nhân để mối tương liên con người – xã hội kia trở nên tốt đẹp?
Mỗi cá nhân có “ý thức văn hóa” và thể hiện ý thức thành hành xử (có) văn hóa, đó là tự ngăn chặn sự tha hóa và “cải biến” chính mình. Mặt khác xã hội cũng phải tạo điều kiện (như luật pháp, các quy định chế tài…) để ngăn chặn cái xấu, lên án những hành vi vô văn hóa, để ý thức văn hóa phát triển và hành xử (có) văn hóa trở nên phổ biến trong xã hội. Nếu cần thiết phải đòi hỏi xã hội tạo ra những điều kiện đó! Ý thức của mỗi người trở thành ý thức chung tòan xã hội chắc chắn có tác động trở lại làm xã hội thay đổi.
- Chúng ta có cần một cuộc nghiêm khắc và thật thà xét lại văn hóa dân tộc để bảo tồn, thải loại những thứ đã hỏng hóc và cản trở, xây mới những gì phù hợp và giá trị, để có văn hóa VN thật, độc đáo và giá trị - nền tảng để nước Việt hùng cường lên, người Việt được nể trọng hơn? Và nếu cần thì chúng ta phải bắt đầu từ đâu?
Nhiều người trong chúng ta bây giờ không còn tự hào “mình nghèo mà giỏi”, ngược lại luôn tự hỏi “sao mình giỏi mà nghèo?”. Cũng như không chỉ ca ngợi những truyền thống tốt đẹp mà còn biết trăn trở “vì sao truyền thống của mình tốt đẹp mà bây giờ lại tha hóa như vậy?!” Tôi cũng cho rằng, có lẽ cần phải nhìn nhận thấu đáo hơn về những đặc điểm tạo thành “tính cách văn hóa” của con người và truyền thống của dân tộc Việt (dân tộc chiếm đa số trong cộng đồng 54 dân tộc của quốc gia Việt Nam). Cần biết mình rõ hơn, thật hơn, vì không biết mình đầu tiên là làm khổ chính mình, sau đó sẽ cản trở làm cho mình “không biết người”, dẫn đến luôn thua kém người. Nên chăng, bắt đầu từ việc vạch ra những gì làm cho chúng ta chưa thật sự tốt đẹp?
Cầm Phan thực hiện
(trích đăng cùng ý kiến của nhà văn Nguyên Ngọc, nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng và PGS.TS Trần Hữu Quang, chuyện đề VẤN ĐỀ VÀ SỰ KIỆN, TTCT Số ra ngày 1/1/2012
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét