Vẻ đẹp của quá khứ dành tặng tương lai

TTCT - Trên một hành trình dài, bắt đầu từ Warsaw và Krakow (Ba Lan) sang Budapest (Hungary), qua Prague (Cộng hòa Czech) và Vienna (Áo), tôi chứng kiến sự hòa hợp kỳ lạ giữa cuộc sống hiện đại và sức sống từ các di sản hiện diện ngay trong lòng các đô thị ấy.

Quảng trường trung tâm Praha - Ảnh: Nguyễn Thị Hậu

Những thành phố kể trên đều là thủ đô từ thời trung cổ nên hệ thống thành cổ, cung điện, lâu đài, công trình công cộng được xây dựng qua vài thế kỷ được bảo tồn khá nguyên vẹn. Khu vực thành cổ hay những lâu đài lớn (của một dòng họ quý tộc) thường ở trên đồi hay sườn núi với tường thành xây bằng đá hoặc gạch, bên trong là quần thể cung điện, lâu đài, nhà thờ lớn ở trung tâm, xung quanh là khu phố buôn bán...

Bảo tồn di sản văn hóa không chỉ giới hạn trong phạm vi di tích mà đã trở thành một bộ phận quan trọng của quy hoạch đô thị và được ưu tiên hàng đầu trong quá trình phát triển đô thị, ở đó lịch sử hiện diện qua từng viên gạch trên đường phố, ở đó ký ức đô thị được lưu giữ trong từng ngôi nhà, từng hàng quán... bằng âm nhạc cổ điển, bằng tác phẩm của các danh họa... Đó chính là vẻ đẹp của quá khứ dành tặng tương lai.

Trong thành cổ Buda ở Budapest, khu vực khai quật khảo cổ học liền kề với những công trình còn nguyên vẹn, du khách có thể nhìn thấy nền móng của các kiến trúc đã sụp đổ, hầm ngầm, đường bí mật sâu dưới lòng đất... Có hố khai quật xong được lấp lại và trồng cỏ tạo thành vườn hoa nho nhỏ, có hố được giữ lại để khách có thể nhìn tận mắt các tầng văn hóa của di tích. Hiện vật tìm thấy được trưng bày trong bảo tàng nhỏ ngay tại tòa thành hay lâu đài ấy.

Công trường đang khai quật có mái che bảo vệ hiện trạng, di tích khai quật xong thì tất cả các lớp kiến trúc được bảo tồn làm bằng chứng cho từng giai đoạn xây dựng vào những niên đại khác nhau. Khu di tích nào cũng có một mô hình bằng đồng đặt gần lối ra vào, giúp khách tham quan nhận biết tổng thể khu di tích qua các công trình kiến trúc còn nguyên và những phế tích do khảo cổ học khai quật.

Hầu như không có công trình nào xây lại mới hoàn toàn trên nền móng cũ, riêng thành cổ Warsaw là một trường hợp đặc biệt vì Thế chiến 2 đã biến Warsaw thành những đống đổ nát, trong đó có thành cổ xây dựng từ thế kỷ 12, 13. Sau năm 1945, Ba Lan xây dựng lại Warsaw và tòa thành cổ như trước chiến tranh.

Trong thành, trên đường phố hẹp hay quảng trường rộng còn nguyên những viên đá nhỏ được lát thành hoa văn hình vỏ sò, hình xoáy ốc... vừa đẹp vừa dễ rút nước khi mưa và mùa tuyết tan, giảm trơn trượt khi băng giá. Tôi đã nhìn thấy một công nhân tỉ mỉ gắn lại vài viên đá bị bật lên trong khi người qua lại đi chậm và nhẹ chân hơn.

Lâu đài cổ ở Krakow - Ảnh: Nguyễn Thị Hậu

Những người đánh xe ngựa trong trang phục xưa đều là hướng dẫn viên nhiệt tình và thú vị, chính họ kể lại những câu chuyện xưa về thành cổ, về từng địa điểm, từng nhân vật lịch sử... Thành cổ lúc nào cũng nhộn nhịp du khách nhưng vẫn duy trì một nhịp sống bình thản, êm đềm.

Tháng 10, khi mùa du lịch cao điểm ở châu Âu đã qua, nơi đây vẫn không hề vắng khách. Những người làm bảo tồn và du lịch ở đây sáng tạo nhiều hình thức tham quan, đáp ứng nhu cầu, điều kiện khác nhau của du khách: tham quan toàn bộ lâu đài, cung điện hay chỉ một phần như hầm mộ trong lâu đài hoặc nơi liên quan đến một nhân vật nổi tiếng (như tour tham quan các phòng trong cung điện mùa hè ở Vienna, nơi hoàng hậu Sisi từng sống).

Có rất nhiều di tích tham quan miễn phí, nhất là những nhà thờ cổ, nơi ở của các nhân vật lịch sử và danh nhân văn hóa, nhà hát, kể cả những tòa nhà là công sở còn đang hoạt động. Tôi được chứng kiến lễ đón khách của tổng thống Hungary với đội danh dự duyệt binh trong khi du khách đứng xem trong sân dinh tổng thống, chỉ có vài cảnh sát làm nhiệm vụ giữ trật tự.

Di tích khảo cổ bảo tồn bên cạnh tòa nhà đang sử dụng ở Warsaw - Ảnh: Nguyễn Thị Hậu

Di tích khảo cổ trong thành cổ Buda - Ảnh: Nguyễn Thị Hậu

Bảo tồn di tích cổ là làm cho chúng trở thành những “bảo tàng mở”, ngược lại những “bảo tàng mở” ấy mang lại sức sống cho di tích được bảo tồn. Điều đó tạo điều kiện cho công chúng có thể tiếp cận di sản văn hóa một cách dễ dàng nhất, tiếp nhận những giá trị lịch sử - văn hóa một cách phong phú, hấp dẫn nhất.

Các đô thị ấy cũng đã qua “một thời đạn bom, một thời hòa bình”, cũng từng chịu sức ép của quá trình “đô thị hóa, hiện đại hóa” và phát triển kinh tế sau chiến tranh, nhưng các di sản văn hóa được gìn giữ trân trọng trước hết là cho chính mình và rồi “hữu xạ tự nhiên hương” trở thành di sản của thế giới. Thành công ấy có được từ một điều giản dị: di sản văn hóa phải có một đời sống của chính nó, nhờ con người và vì con người.

6 nhận xét:

  1. http://dulich.tuoitre.vn/Index.aspx?ArticleID=465621&ChannelID=100
    Tuổi trẻ cuối tuần ngày 20/11/2011

    Trả lờiXóa
  2. Praha của Czech được mệnh danh là thành phố vàng, là một trong những thành phố cổ kính và đẹp nhất Châu Âu. Tôi hy vọng rằng trong chuyến ghé thăm Czech ngắn ngày vừa rồi thì các bạn bè của chị tại Praha cũng bố trí chút ít thời gian để giới thiệu một số cảnh đẹp ở Praha và vài vùng lân cận.

    Trả lờiXóa
  3. Suýt nữa thì quên, hóa ra tôi và chị đều có một người quen chung là Đỗ Nghĩa, chủ quán cafe Anh Đỗ và cũng là chủ blog Anh Đỗ. Thế mới biết là trái đất của chúng mình tưởng to hóa ra lại nhỏ.

    Trả lờiXóa
  4. @ Phú Hòa: vâng, các bạn đưa đi tham quan thành phố thôi ạ, ko kịp đi những vùng xung quanh vì có 1 ngày :( Tự nhủ: thôi để dành lần sau :)

    Trả lờiXóa
  5. Xin phép bạn Hậu cho nói chuyện riêng.
    -Anh PH,
    Chỉ biết bạn Hậu là em chị Hiền (và anh K.T.Sô K5) thôi chớ chưa có nhậu chung, he he...

    Trả lờiXóa
  6. @ Đỗ: Vậy thì phải nhậu chung rồi :) Cho tui đ/c quán cafe của ông đi, tui tới quậy, hehe :))

    Trả lờiXóa

NGƯỜI THẦY ĐẦU TIÊN CỦA TÔI

1. Hơn bảy mươi năm trước, vào năm 1942, ba tôi tốt nghiệp trường sư phạm Lasan Taberd ở Sài Gòn và được phân về dạy tại Cái Răng, Cần Thơ. ...