Biết về Lễ Tạ ơn đã lâu nhưng mình chỉ chú ý đến ngày Lễ này từ khi mình và bạn tìm thấy nhau nhờ thế giới mạng hỗn độn, ảo mà cũng thật - giản đơn!
Nơi bạn sống Lễ Tạ ơn có lẽ là ngày Lễ lớn nhất trong năm của từng gia đình, như bạn kể, các con đi đâu thì đi, ngày Lễ nào có thể không về nhưng Lễ tạ ơn thì dứt khoát phải trở về nhà, cả nhà tập hợp ở ngôi nhà chung nơi có cha mẹ, ông bà. Mặc dù chưa đến những ngày từ biệt năm cũ đón chào năm mới nhưng trong hình dung của mình, dịp lễ Tạ ơn giống như ngày Tết của quê mình, cũng có những món ăn truyền thống, cũng quây quần cả gia đình, cũng nghi lễ giản đơn mà trân trọng thể hiện lòng biết ơn những ai những gì đã mang lại cho mình một năm có cơm ăn áo mặc, có người thân yêu bên cạnh…
Tất nhiên so sánh nào cũng là khập khiễng, vì mỗi lễ hội truyền thống có nguồn gốc khác nhau, nhất là giữa hai thế giới Đông – Tây, giữa hai dân tộc có quá trình hình thành và tồn tại khác nhau, giữa vô vàn sự khác nhau về lối sống, phong tục tập quán và quan niệm đạo đức… Nhưng qua tất cả, trên tất cả lại là sự giống nhau ở tính nhân văn của những ngày lễ đó. Ở đâu cũng vậy, mình nghĩ, lòng biết ơn là nhân tính đầu tiên và cơ bản của con người. Biết ơn vũ trụ tươi đẹp đã bao dung cho loài người và cho mỗi con người, biết ơn ông bà cha mẹ đã tạo ra hình hài và dạy ta từng tiếng nói đầu tiên, biết ơn thế giới quanh ta cho ta những nhận thức và niềm tin, biết ơn Đất Mẹ cho vụ mùa bội thu, biết ơn từng cơn mưa từng dải nắng mang lại sức sống diệu kỳ cho mỗi rừng cây mỗi bông hoa… Tất cả đã nuôi dưỡng cho ta đủ đầy cả “bánh mì và hoa hồng”… Biết ơn từng ánh mắt dịu dàng từng bàn tay ấm áp từng bờ vai vững vàng ở bên ta mỗi khi khốn khó. Biết ơn sự chia sẻ niềm chung vui với ta trong từng khoảnh khắc của cuộc sống. Biết ơn từng nắm gạo từng hột muối từng cọng rau ta được chia sớt khi đói lòng…
Ở quê mình, lòng biết ơn ít khi được thốt ra bằng lời “cám ơn”, nhưng một nụ cười thay lời muốn nói, một lần thăm hỏi khi nhớ đến nhau, một nén nhang cho người mà ta mang ơn khi họ nằm xuống và nhiều năm sau nữa… Ơn người mang đến cho ta và rồi ta lại dành mang cho người khác… Làm ơn không nên nhớ mang ơn chớ nên quên, đạo lý ông bà cha mẹ đã truyền cho tụi mình như thế, phải không?
Nơi bạn ở, dù lời “cám ơn” và “”xin lỗi” có thể nghe thấy ở mọi nơi mọi lúc, luôn được nói ra với thái độ chân thành, vậy nhưng Lễ Tạ ơn vẫn là ngày Lễ quan trọng nhất của tất cả mọi người bất kể tôn giáo nào sắc tộc nào. Mình đọc ở đâu đó, rằng Lễ Tạ ơn mới hình thành chỉ vài trăm năm, so với nhiều lễ hội của các dân tộc khác đây là khoảng thời gian không dài. Vậy mà nó đã thu phục được những ai đến và sống trên mảnh đất ấy, dù họ thuộc tộc người nào đến từ châu lục nào và mang theo văn hóa truyền thống nào. Bên cạnh sự hòa nhập về lối sống, mình nghĩ, ý nghĩa nhân văn của Lễ Tạ ơn vẫn luôn được cộng đồng dân cư nơi đấy biến thành sự thật bằng những hành xử cụ thể và có hiệu quả để giúp đỡ những người mới đến. Dù con người đến và đi trong cuộc đời này chỉ là khoảnh khắc nhưng lòng nhân từ, sự biết ơn luôn nối tiếp nhau, Tạ Ơn đời đời…
Khi những Lễ hội được cộng đồng dân cư tiếp nối và duy trì như thế, Lễ hội đó thực sự là di sản văn hóa mà không cần đến một sự “vinh danh” giả dối từ bên ngoài.
Một Lễ Tạ ơn đầm ấm, vui vẻ và an lành cùng gia đình, bạn nhé!
Lịch sử ngày Lễ Tạ ơn (Thanksgiving Day) gắn liền với những cuộc di dân đến châu Mỹ, đi tìm tự do và khai phá vùng đất mới. Nam Kỳ cũng là vùng đất di dân lưu tán. Phải chăng Nam Kỳ cũng cần có một ngày Lễ Tạ ơn, bạn OK không????
Trả lờiXóaNhà thơ Phùng Quán sau bao nhiêu năm tháng thăng trầm lận đận, trở về quê hương yêu dấu, Ông đã quỳ sụp xuống đất cúi lạy làng quê, ràn rụa nước mắt và ứng tác bài thơ này. Bạn xem nhé!
Tạ
Phùng Quán
Ngày ra trận
Tóc tôi còn để chỏm
Nay trở về
Đầu đã hoa râm…
Sau cuộc trường chinh ba mươi năm
Quỳ rạp trán xuống đất làng
Con tạ…
Con tạ đất làng quê
Thấm đẫm máu bao anh hùng đã khuất
Không ngọn cỏ nào không long lanh nước mắt
Không lá cây nào không mặn chát gian lao!
Con tạ ơn cha
Đã yêu đằm thắm mẹ con
Con tạ ơn mẹ
Đã sinh con đúng lúc
Con tạ trời
Tạ đất
Đã mưa thuận gió hoà đêm mẹ lên giường sinh
Con tạ bà mụ vườn
Tạ lưỡi liềm cùn cắt rốn
Đã đỡ con ra đời
Vẹn toàn, sung sức…
Con tạ
Manh chiếu rách con nằm
Con tạ
Bát cơm nghèo mẹ con ăn
Con tạ
Câu dân ca mẹ con hát….
Tất cả thành sữa ngọt
Nuôi con ngày trứng nước…
Để hôm nay con được sống
Được lớn khôn…
Được chiến đấu hết mình
Vì tự do của Tổ Quốc
Được ca hát hết mình
Tổ Quốc thành thơ!
Cám ơn bạn đã chia sẻ một bài thơ tuyệt vời :)
Trả lờiXóaChúc chị Một Mùa Tạ ơn An Lành cùng gia đình!
Trả lờiXóaGia đình Bình Thảo &BEBO
Bạn viết mượt mà đằm thắm da diết ân tình quá! Cho tui tuyển vào Bài Văn Mẫu nhen. Tổng thống Obama mà đọc được bài này, ổng sẽ trân trọng mời bạn đến Toà Bạch Ốc ngay. Hehehehehe.
Trả lờiXóaBạn khiến tui nhớ đến mình cũng làm một bài thơ tạ ơn nho nhỏ trong những ngày lưu tán godautre ở miền Tây. Show hàng nhé. Xin đừng cười lớn!
Chúc bạn một mùa Thanksgiving thật vui và đầm ấm.
TB: Từ nay tui lấy tên là Dạ Bất Miên khi vào Blog của bạn, chứ để unknown nói chuyện với wellknown (Hậu KC) hoài kỳ quá!!!
Dạ bất miên là copy từ câu thơ của cụ Nguyễn Trãi:
Bình sinh độc bão tiên ưu chí
Toạ ủng hàn khâm dạ bất miên.
CẢM ƠN
Tới đây thì ở lại đây
Bao giờ bén rễ xanh cây hãy dzìa
(Ca dao Nam Kỳ)
Cảm ơn miền đất mới quen
Cho tôi nghiêng ngả say men tình người.
Cảm ơn điệu lý gọi mời
Cho tôi cạn chén giao bôi vơi đầy.
Cảm ơn bóng mát hàng cây
Cho tôi nắm chặt bàn tay hẹn hò.
Cảm ơn sông nước lững lờ
Cho thuyền êm ả cặp bờ bến vui.
Cảm ơn trời đất khiến xui
Cho con chim lạ đậu nơi đất lành.
Cảm ơn miền đất nghĩa tình
Cho tôi bén rễ tươi xanh ...mới dzìa.
Em thấy ngày này rất ý nghĩa, mình có nên du nhập vào như du nhập lễ Giáng Sinh không chị hi hi...
Trả lờiXóa@ Dạ Bất Miên: đừng làm "văn mẫu" khổ học trò bạn ơi :) Chúc bạn luôn có nhiều niềm vui nhé!
Trả lờiXóa@ Gia đình Bình Thảo &BEBO: Cám ơn nhiều và mong sớm gặp! Chúc mùa tạ ơn vui vẻ, chuẩn bị đón năm mới tốt lành nha!
@ Titi: công nhận em luôn tinh ý nhận ra chị muốn nói gì, hợp nhau ghê á :))
Trả lờiXóa