BA TÔI CŨNG LÀ MỘT THẦY GIÁO

Nguyễn Ngọc Bạch - một đời sân khấu (nhà văn Nguyễn Quang Sáng)

Hơn nửa thế kỷ trước, năm 1942, thầy Nguyễn Ngọc Bạch về dạy ở trường tiểu học huyện Chợ Mới, tỉnh Long Xuyên, nay là An Giang. Thầy dạy lớp nhì một năm, tôi học lớp nhì hai năm. Tôi không học trực tiếp với thầy nhưng gần gũi với thầy hơn các học trò của trường. Là thầy nhưng thầy có “máu đờn ca xướng hát”. “Thầy mà cũng biết đờn tụi bây ơi!”, thầy giáo mà biết đờn đối với đám học trò chúng tôi là một điều lạ – Sau buổi học chiều, học trò lớp nào cũng được, thích hát thì thầy dạy. Thầy dạy hát với tiếng đàn “banjo” nghe dòn tan. Trường chúng tôi nằm ngoài phố chợ, lặng lẽ bên hàng cây “dái ngựa”. Tiếng hát của bọn trò nhỏ chúng tôi cứ vang xa, vang xa. Chính thầy là người mang niềm vui qua tiếng hát cho một phố huyện buồn. Rồi thầy tuyển chọn một số trong chúng tôi, thầy lập gánh hát, ngày hè, thầy dẫn chúng tôi đi khắp nơi, chúng tôi đi đến đâu dân làng vui đến đó …

Rồi kháng chiến, học trò trở về trường, nhưng thầy không dạy nữa, thầy đã vào bưng biền kháng chiến rồi, thầy đã “Cương quyết ra đi” như lời bài hát đầu tiên của thầy trên khắp nẻo đường kháng chiến, thầy lập đoàn hát “Cứu quốc đoàn” –“Tuyên truyền xung phong” từ sông Tiền dài xuống sông nước đất U Minh, từ đó thầy gắn với sân khấu, từ Nam ra Bắc rồi từ Bắc trở về Nam cho đến hết cả cuộc đời.

Sau này gặp lại, thầy không cho tôi gọi thầy bằng thầy nữa mà gọi bằng anh, anh Bảy. Tôi trở thành bạn vong niên của anh, ở cùng một thành phố, tôi thường gặp anh và bạn bè vào những buổi chiều, lai rai.

Quen với anh lâu vậy, nhưng tôi biết về anh quá ít. Tôi hiểu được điều này là nhờ những trang viết của anh – Trong quyển sách này đã có một số được in với hình thức là bài báo. Còn tất cả, từng đoạn đời của anh, và những điều sâu kín nhất của anh thì không ai biết – Anh viết nhật ký, đúng với cái nghĩa nhật ký, viết nhật ký là viết cho riêng mình.

Nhật ký của anh là những mẩu chuyện nhỏ, từng kỷ niệm không thể quên trên đường công tác của anh. “Bà má Năm”, “Một chuyến liên lạc”, “Má Hai vùng tạm chiếm” v.v… Đây là những mẩu chuyện trọn vẹn với nhân vật rất sống, rất sinh động – Đọc “Bà má Năm” ta nhớ những bà má chiến sĩ, nhớ từng gương mặt, từng cử chỉ lo lắng chăm sóc cán bộ, chiến sĩ từng miếng ăn cho đến giấc ngủ – Cách viết của anh giản dị như những con người giản dị của Nam Bộ thời kháng chiến. Đặc sắc là lời ăn tiếng nói của con người Nam Bộ, tiếng nói chân chất, thật thà nhưng rất hình tượng, thể hiện sâu sắc tấm lòng của người dân với Cách mạng.

“Tôi ngồi lặng he … Sao đứng lựng xựng vậy …”

Đã lâu, tôi quên đi ngôn ngữ này của người dân Nam Bộ, từ những ngôn ngữ ấy đã thổi lên trong tôi những năm đánh Pháp ở miền Tây Nam Bộ.

Xin bạn đọc cho phép tôi lạc đề. Ngoài lời giới thiệu của cuốn sách, tôi muốn ghi lại một kỷ niệm về anh mà trong quyển sách này không có.

Cũng lâu lắm, cỡ hơn hai mươi năm, anh Bảy đưa đoàn Văn công của thành phố mà anh vừa làm đạo diễn vừa làm trưởng đoàn về phục vụ Đại hội Đảng bộ tỉnh An Giang, là tỉnh nhà của anh Ham vui, tôi và nhạc sĩ Trịnh Công Sơn tháp tùng theo anh. Sau đêm phục vụ, trước khi về, anh, Trịnh Công Sơn và tôi đến Hội Văn Nghệ An Giang, vui chia tay.

Đúng 6 giờ chiều, khi vào mâm, anh tuyên bố:

- Chúng ta chơi đến 6 giờ sáng – Chúng ta lai rai, uống, nói chuyện và cùng nhau ca hát, không ai được nằm, kinh nghiệm một đời đi diễn của tôi, đang nhậu mà nằm là uể oải lắm, đã ngồi thì ngồi liền một mạch. Phải ngồi cho tới 6 giờ sáng rồi lên xe.

Theo “lệnh” và cũng quá vui, chúng tôi vừa lai rai, vừa chuyện trò, vừa hát hò cho đến sáng trắng, rồi lên xe về. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn nổi tiếng uống dai, ngồi lâu cũng phải ngán – Anh nghệ sĩ như vậy đó, thoải mái, phóng khoáng nhưng với nghệ thuật thì rất nghiêm chỉnh và sáng tạo.

Tôi có cảm giác, anh vừa đi lưu diễn vừa viết, viết với tâm hồn nghệ sĩ, viết miệt mài của một nhà giáo.

Thời chiến, thời bình, cả ba miền đất nước, lúc nào ở đâu, anh có mặt và hai cánh màn sân khấu mở ra, đều được ghi chép trên trang viết của anh, rất sinh động – Đọc “Nguyễn Ngọc Bạch, một đời sân khấu”* của anh tôi biết thêm nhiều nơi, nhiều điều dù đã qua, nhưng rất mới lạ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

TRAO TẶNG TÀI LIỆU HIỆN VẬT CỦA NSUT - ĐẠO DIỄN NGUYỄN NGỌC BẠCH

  Lời đầu tiên, thay mặt gia đình tôi xin trân trọng cám ơn Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM, Hội Di sản văn hóa TPHCM, Bảo tàng TP.HCM đã nhiệt...