KHẢO CỔ HỌC ĐÔ THỊ - BẢO TỒN VÀ PHÁT TRIỂN

Việc bảo tồn di sản văn hóa thể hiện thái độ của con người, của xã hội, của thời đại đối với lịch sử. Hầu hết các quốc gia đều có Luật về bảo vệ di sản văn hóa, được cụ thể hóa bằng chính sách chủ trương bảo tồn các di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh, những cổ vật, bảo vật quốc gia. Tuy nhiên hiện nay tình trạng nhiều di tích lịch sử - văn hóa bị hủy họai là khá phổ biến, nhất là ở những quốc gia đang phát triển. Từ mục đích phát triển kinh tế, dấu tích ít ỏi của lịch sử đã bị phá hủy, nhường chỗ cho những công trình hoành tráng với trang trí và vật liệu kiến trúc hiện đại. Tại các thành phố và những vùng đô thị hóa, việc “bảo tồn” hay di dời giải tỏa di tích để “phát triển” cũng đang bị đặt trên “bàn cân” mà trọng lượng thường nghiêng về phía “phát triển”. Vì vậy bảo tồn các di tích khảo cổ học đô thị như thế nào, để vừa xây dựng những đô thị có hạ tầng cơ sở hiện đại phục vụ dân sinh tốt, vừa bảo tồn di tích lịch sử - văn hóa và lưu giữ được giá trị di sản văn hóa đô thị, thực sự là một vấn đề nan giải.

Bảo tồn các di tích Khảo cổ học đô thị thường có hai giai đoạn:

- Đầu tiên là tiến hành thu thập thông tin dữ liệu từ nguồn sử liệu chữ viết và các dấu vết vật chất, qua đó những di tích và khu vực liên quan sẽ được nhận biết và kịp thời đưa vào bản đồ khảo cổ học của khu vực. Trên cơ sở đó lập kế hoạch nghiên cứu, ưu tiên khai quật trước những di tích đã bị xâm hại hay có nguy cơ bị xâm hại, như những di tích nằm trong khu vực quy hoạch xây dựng phát triển như những dự án mở đường giao thông hay các công trình công nghiệp lớn, kể cả khu vực mở rộng của các thành phố các đô thị. Mục tiêu của giai đoạn này là nhằm thông tin đến chính quyền đồng thời có những biện pháp tác động đến những ngành liên quan nhằm thiết lập sự hợp tác, thực hiện đồng bộ các kế hoạch.

- Khi lập dự án xây dựng tại những khu vực nói trên cần có sự tham gia của các nhà khảo cổ và bảo tồn di tích để họ tiến hành điều tra thám sát khu vực chuẩn bị xây dựng. Qua điều tra thám sát nếu phát hiện về di tích khảo cổ học có giá trị thì khẩn trương lập kế hoạch “khai quật cứu hộ” (salvage excavation) trước khi xây dựng công trình để hạn chế tối đa việc phá hủy di vật và di tích trong quá trình xây dựng. Các cuộc “khai quật cứu hộ” và quá trình nghiên cứu tiếp theo, nhằm phát hiện, thu thập, nghiên cứu giá trị của di tích, đồng thời đề xuất biện pháp bảo tồn, bảo vệ di tích và di vật phát lộ từ cuộc khai quật.

Đây là điều kiện nghiên cứu “lý tưởng” đòi hỏi sự phối hợp đồng bộ trên cơ sở cùng mục đích cho một đô thị “phát triển bền vững”: Các nhà quản lý, nhà đầu tư xây dựng không lâm vào tình trạng phá họai di tích hay vi phạm luật bảo vệ di dản văn hóa, các nhà khảo cổ học cũng có điều kiện thuận lợi để khai quật nghiên cứu, không “gây trở ngại” cho quá trình xây dựng. Hai bên cùng chủ động về thời gian kinh phí và tiến độ công việc, mang kết quả tốt cho việc bảo vệ di sản văn hóa.

Hiện nay ở nước ta khá phổ biến tình trạng di tích khảo cổ học bị hủy hoại do xây dựng tự phát của cư dân, do tiến trình xây dựng “theo quy họach” của nhà nước. Các công trình trong các thành phố hầu như không được điều tra thám sát khảo cổ học trước khi xây dựng. Do đó bên cạnh “khai quật cứu hộ” (hay còn gọi là “khai quật giải tỏa”) các nhà khảo cổ thường phải tiến hành các cuộc “khai quật chữa cháy”, tức là khai quật khi di tích đã xuất lộ hay bị phá hủy, nhằm cứu lấy những di tích di vật còn lại. Công việc này rất phức tạp, vì bản chất khai quật khảo cổ học không chỉ là “tìm kiếm cổ vật” mà còn là nghiên cứu di tích. Khi di tích đã bị phá hủy thì việc khai quật càng cần cẩn trọng hơn để có thể mang lại thông tin và nhận định khoa học chính xác. “Khai quật chữa cháy” càng khó khăn hơn đối với những công trình dân sinh vì nó có ảnh hưởng lớn đến đời sống sinh họat của dân cư. Câu hỏi của ngày hôm nay “di tích hay dân sinh” là sức ép rất lớn đối với các nhà khảo cổ, nhưng câu hỏi “giá trị, ý nghĩa di tích di vật thế nào, vì sao không bảo tồn/ bảo vệ di tích đó?” mà các nhà khảo cổ học phải trả lời cho mai sau cũng đang đè nặng lên vai họ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NGƯỜI THẦY ĐẦU TIÊN CỦA TÔI

1. Hơn bảy mươi năm trước, vào năm 1942, ba tôi tốt nghiệp trường sư phạm Lasan Taberd ở Sài Gòn và được phân về dạy tại Cái Răng, Cần Thơ. ...