Cuộc đời, được mất vô chừng


http://www.anninhthudo.vn/Blog-nghe-si/Cuoc-doi-duoc-mat-vo-chung/478161.antd

Thứ tư 12/12/2012 07:38
ANTĐ - Có những câu chuyện nhỏ, hàng ngày xảy ra trong cuộc sống, nhưng không phải ai cũng có thời gian nghĩ lại, dù khoảnh khắc nào đó có nghĩ đến thì lại “chép miệng cho qua” vì còn bao bộn bề phía trước… Và từ những câu chuyện nhỏ đó, Tiến sĩ Khảo cổ học Nguyễn Thị Hậu đã nhặt nhạnh để cho ra mắt bạn đọc một cuốn sách nhỏ, với những mẩu chuyện cực ngắn, nhưng đáng để đọc và suy ngẫm.


1. Trong mắt tôi, chị là một người đàn bà đẹp. Thi thoảng gặp chị trong những kỳ cuộc về khảo cổ tôi vẫn thắc mắc, nhan sắc thế kia, không hiểu sao chị lại chọn nghề… khảo cổ làm gì cho vất vả. Đó là nghề tưởng như chỉ dành cho những gì xưa cũ, luôn phụ thuộc vào những chứng cứ cụ thể và ít có chỗ dành cho sự lãng mạn. Chị cười rất tươi trước câu hỏi “thiếu hiểu biết về khảo cổ” của tôi và bảo, nếu nhìn cái nghề “bạ đâu cũng muốn đào” này một cách thuần túy thì đúng là như vậy, nhưng trong các lĩnh vực thuộc ngành Khoa học Xã hội thì khảo cổ học lại là nghề ẩn chứa nhiều tính lãng mạn nhất. 

Ngoài dựa trên những chứng cứ cụ thể, còn cần rất nhiều sự lãng mạn, hay nói đúng hơn là mẫn cảm nghề nghiệp, dựa trên những kiến thức nhất định. Sở dĩ, chị chọn nghề, rồi “bắt chết” tên mình với nghề - “Hậu khảo cổ” còn là bởi, chị thích được đi đây đi đó. Dù những chuyến điền dã đa phần là cực khổ, thiếu thốn, đôi khi là nguy hiểm, nhưng lại rất đáng trải nghiệm. Người “truyền lửa” để chị yêu nghề và gắn bó với nghề chính là những người thầy đầu tiên của chị. 

Tiến sĩ Khảo cổ học Nguyễn Thị Hậu lý giải, vai trò của những người thầy rất quan trọng, chính sự truyền nghề một cách bản năng cùng tình yêu và tinh thần trách nhiệm đã tiếp cho những lứa học trò theo học một chuyên ngành “khó nhằn” lòng yêu nghề, bằng lòng với nghề và theo nghề đến cùng. Và chị, một người vốn ham thích cái mới, ưa “xê dịch”, cho đến giờ tình yêu đó vẫn ở lại. Dù hiện giờ, chị đã nhận nhiệm vụ mới - Viện phó Viện nghiên cứu Phát triển thành phố Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam.

2. Trong mắt tôi, giữa văn học và khảo cổ có rất ít sự liên quan đến nhau. Nhưng Tiến sĩ khảo cổ Nguyễn Thị Hậu lại vừa trình làng tập truyện cực ngắn, mỗi truyện chỉ có 100 chữ. Cuốn truyện khiến không ít người đọc xong phải giật mình, bởi thấy chính bản thân trong đó, hoặc cũng có thể mình đã gặp đâu rồi, và cũng có thể khi gấp sách lại, người đọc mỉm cười đấy mà xót xa đấy. 

Đó là chuyện, hai vợ chồng giận nhau, vợ chở con về nhà ngoại. Khi biết vợ “mượn cớ” trở về lấy một số đồ dùng (biết đâu lại chẳng có cơ may hàn gắn), người chồng đã thay ổ khóa. “Đàn ông nông nổi giếng khơi” là thế! (Khóa). Đó còn là, gã đàn ông nhiều lần sợ trễ hẹn với bồ đã phóng xe vượt đèn đỏ. Lần nào gặp cảnh sát giao thông gã cũng hớt hải: “Thằng nào vừa chở con vợ anh, chú cho anh qua đuổi theo”. Nhưng đến lần hắn nhìn thấy vợ ngồi rất tình tứ sau xe máy của một gã đàn ông khác, thì gã bị giữ lại lập biên bản” (Đèn đỏ). Các cụ bảo “Đi đêm lắm có ngày gặp ma” cấm có sai. Rồi còn là, ngày yêu nhau, anh chở chị đi chơi bằng xe đạp, mỗi lần chị hỏi có mệt không, anh đều mỉm cười: “Có gì đâu!”. Cưới nhau rồi, cũng con dốc ấy khi đạp xe qua, chị âu yếm hỏi: “Có mệt không?”. Anh gắt: “Trâu đâu mà không mệt!”. 

Đúng là hiện thực vốn phũ phàng! Các truyện 100 chữ của Nguyễn Thị Hậu như một khoảnh khắc trong cuộc sống, có khi là ánh chớp lóe lên trước cơn giông, có khi là cơn mưa bất chợt giữa ngày hè oi bức, có khi là cú vấp trên đường… Người viết, luôn quan sát nắm bắt được những giây phút bất chợt ấy một cách tỉnh táo, nhưng lại cảm nhận bằng trực giác, từ trái tim, sự “đe dọa” ẩn trong ánh chớp, sự nhẹ nhõm sau cơn mưa, cả cảm giác choáng vì đau của cú vấp ngã… Và với vai trò “người viết”, Nguyễn Thị Hậu đã nắm bắt trọn vẹn khoảnh khắc ấy, chuyển đến người đọc. Cuốn sách “101 truyện 100 chữ” ra đời tình cờ, bởi người viết chỉ muốn chia sẻ cùng bạn bè trên blog, và mạng xã hội Facebook chứ không ấp ủ cái ước mơ trở thành nhà văn, dù có là “con nhà nòi”. Và dù cho đây là cuốn sách thứ 4 của chị về văn học, sau 3 tập ký và tản văn, tạp bút: “Đi và tìm trong đất”, “Quay qua quay lại” và  “Buổi trưa trong quán cà phê”.

3. Gặp chị ở nhiều kỳ cuộc, tôi luôn nghĩ chị là người Bắc bởi chất giọng đặc sệt… Hà Nội của chị. Nhưng hóa ra chị là người Nam bộ chính gốc. Cha mẹ chị từng là cán bộ tập kết ra Bắc những năm 1954-1955. Hai mươi năm sau, những người di cư vì công việc và thời cuộc ấy mới lại đặt chân về quê hương… Hai mươi năm là một khoảng thời gian dài để một thế hệ mới ra đời và lớn lên ở Hà Nội - miền Bắc, đó là thế hệ của Nguyễn Thị Hậu - một thế hệ có hai quê. Giờ mỗi lần ra Hà Nội, chị đều chọn nghỉ ở một khách sạn nhỏ kề bên Nhà hát Lớn. Chị bảo đó là con phố mà chị thấy thân thuộc, chứ ở những phố mới chị thấy không quen và xa lạ. Chị muốn mỗi lần ra Hà Nội là một cuộc trở về nhà của mình. Bởi chị là người có hai quê, một Chợ Mới - An Giang và một - Hà Nội. Kể từ cái ngày chị xa Hà Nội, trở về Nam, chị vẫn giữ nguyên giọng nói của con gái Bắc, ai hỏi chị sao không nói giọng Nam, chị đều vặn lại “Tại sao phải nói giọng Nam?”. 

Tôi hỏi chị, cứ mải mê góp nhặt những câu chuyện, rồi viết, một ngày nào đó, người ta không gọi chị là “Hậu khảo cổ” nữa mà là “Hậu nhà văn” thì chị tính sao? Chị bảo, cách người khác nhìn mình thế nào không đoán định được. Nhưng quan trọng là mình phải tự biết mình là ai. Lĩnh vực nghệ thuật vốn thiêng liêng. Ở đó không chỉ có tài năng mà còn cần sự lao động cực khổ, nếu thiếu hai yếu tố đó, không ai có thể đi xa trên con đường này. Cái duyên văn chương đối với chị chỉ là những vương vấn, những nhân vật có thật, ở đó không có sự toan tính thiệt hơn. Chị quan niệm rằng, cuộc đời vốn không nhiều nhặn gì, đừng mang nỗi đau tới cho nhau, trong khi được mất thì vô chừng…

Quỳnh Vân

1 nhận xét:

  1. Ảnh này khắc họa rõ nét của chị quá, rất đẹp và mềm mại :)

    Trả lờiXóa

TRAO TẶNG TÀI LIỆU HIỆN VẬT CỦA NSUT - ĐẠO DIỄN NGUYỄN NGỌC BẠCH

  Lời đầu tiên, thay mặt gia đình tôi xin trân trọng cám ơn Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM, Hội Di sản văn hóa TPHCM, Bảo tàng TP.HCM đã nhiệt...