Phụ nữ Việt Nam PV (số ngày 30/11/2012)





*Thả hồn mình bay bổng với những trang viết hay “đi và tìm trong đất”, lúc nào chị mới cảm thấy được là mình nhất?
Lúc nào cũng là mình, vì đều “hết mình” với công việc và với trang viết. Khi làm công tác khoa học hay công tác quản lý thì phải đặt 2 nguyên tắc: hiệu quả công việc và cộng đồng trách nhiệm lên trên hết để có thể hoàn thành tốt công việc. Tuy nhiên kết quả không phải lúc nào cũng như ý. Còn khi viết trước hết là viết cho chính mình nên thích gì viết nấy, không vì ai và vì cái gì cả: lúc lãng mạn khi thì hài hước, lúc lại một chút suy tư… May mắn là được nhiều người chia sẻ nên viết đã mang lại nhiều niềm vui bất ngờ. Cả hai đều cần cho tôi, giúp tôi cân bằng trong cuộc sống. Sống mà không có công việc thì không chịu nổi; mà không được là chính mình thì không phải là sống.

*Sau một số tập sách nghiêng về tạp bút và tản văn, chị vừa ra mắt độc giả tập truyện ngắn vô cùng ấn tượng: 101 truyện 100 chữ. Tham vọng của chị khi đặt ra tiêu chí “truyện 100 chữ” là gì?
Có tham vọng gì đâu, chỉ là một cuộc chơi thôi mà! Trước khi viết ra tôi đã thường kể cho bạn bè nghe, hoặc cùng bạn bè “bịa” cái kết cho những gì mình bất chợt bắt gặp trong cuộc sống. Vì vậy viết ngắn như một trò chơi vui vui bởi vì mỗi lần kể/ viết lại có thể đã là những chuyện/ truyện khác nhau. Chơi với chữ - nếu mình không định hại ai – thì không có gì nguy hiểm. Ngược lại chữ nghĩa giúp mình đến gần người thân, gần bạn bè hơn khi mà mỗi con chữ đụng vào được một góc nào đó mà chúng ta ít khi bộc lộ. Vả lại, người ta hay nói “văn mình…”, vậy thì thử xem có thể tự “biên tập” lại cho ngắn gọn đến đâu? Hóa ra nếu đừng quá “yêu” văn mình thì có thể cắt gọt đi khá nhiều những rườm rà thừa thãi, kiểu như cái biển đề “ở đây có bán cá tươi” bị xóa dần đến khi chả còn chữ nào người ta vẫn biết đấy là cửa hàng bán cá J… Cuộc sống đấy, có khi chỉ một ánh mắt, một cái nắm tay cũng đủ thay cho nhiều lời muốn nói.

*Cuộc sống bận rộn dường như dẫn đến một hệ quả: người ta thích xem, nghe, đọc những gì thật ngắn, không tốn nhiều thời gian. Trên thị thường đã xuất hiện những đầu sách theo dạng bỏ túi để người ta có thể đọc trên tàu, lúc đi xe bus... Tìm đến thế loại truyện 100 chữ, phải chăng chị cũng là người nhận ra xu thế này?
Không, đầu tiên là để “thỏa mãn” chính mình. Tôi thích viết ngắn, cả tản văn hay tạp bút đều như vậy. Viết như để ghi nhận, lưu lại cho chính mình những khoảnh khắc mà cuộc sống vội vã sẽ làm mình bỏ qua, quên mất. Thật ra tôi không để ý đến xu thế này cho đến khi nhiều bạn thích thú vì “tranh thủ thời gian” ngăn ngủi bất cứ lúc nào để đọc những cái ngăn ngắn của mình. Khi sách được xuất bản tôi nghĩ loại này góp phần làm phong phú thêm cho sách đọc, nhất là trong thời đại internet ấn phẩm in phải cạnh tranh quyết liệt với ấn phẩm điện tử. Tuy nhiên, là người đọc hay là người viết thì tôi cũng nghĩ không gì có thể làm sách in mất đi, cũng như sách giải trí không thể thay thế sách có giá trị văn học cao. Còn xu hướng thích đọc ngắn cũng không có gì đáng phải băn khoăn, ngắn dài đâu phải chỉ ở số lượng con chữ?

*Nhưng cũng có người lo ngại, những truyện cực ngắn như chị đang theo đuổi dễ khiến người ta quên ngay sau khi đọc xong. Theo chị, sức nặng của những truyện cực ngắn như vậy nằm ở đâu?
Thật ra tôi không theo đuổi truyện cực ngắn (hay văn chương nói chung), cảm thấy cần thì viết, chưa/ không cần thì không thể viết được. Nếu truyện cực ngắn có “sức nặng” thì có lẽ sức nặng đó nằm ở suy nghĩ của người đọc sau đó.

*Điều dễ nhận thấy là trong tập truyện thật ngắn lần này của chị luôn đầy ắp chi tiết, chúng không ở đâu xa mà chính trong cuộc sống vẫn diễn ra hàng ngày xung quanh chúng ta. Từ khi nào, chị có ý tưởng quan sát và nhặt nhạnh những chi tiết này?
Tôi hay nhận thấy và nhớ những chi tiết buồn vui sến hài… trong câu chuyện với bạn bè, trong cuộc sống chợt bắt gặp, có khi từ lâu lắm... Nó cứ làm tôi bận tâm, vậy là phải viết ra.

*Trong số 101 truyện, khá nhiều truyện chị đề cập tới nghề viết như Cái bóng, Thi sĩ, Giải Nobel, Chữ ký... với một ẩn ý rằng: nghề viết không dễ dàng và muốn có “quả ngọt” đòi hỏi phải có một thái độ lao động thực sự nghiêm túc và hết mình. Xin hỏi, đây phải chăng là quan niệm của chị khi đến với văn chương?
Tôi nghĩ rằng đấy là thái độ của bất cứ người nào có trách nhiệm với nghề nghiệp của mình.

*Đến với nghề viết, chị được gì và mất gì? Và so với công việc hiện tại của một nhà khảo cổ học, chị thấy công việc nào thú vị hơn? Chị có thực sự cảm thấy khó khăn để sắp xếp mọi thứ, từ thời gian, tâm lực cho đến cảm xúc để hoàn thành những vai trò của mình trong công việc lẫn cuộc sống.
Đối với nghề viết tôi chỉ là một người nghiệp dư nên có lẽ được nhiều hơn mất J: được thêm nhiều bạn bè khi họ đọc và chia sẻ, được in sách và… có nhuận bút để cà phê với bạn J Cả hai công việc đều thú vị nên tôi có thể tìm ra thời gian để có thể làm được việc này việc khác. Và chắc vì không đủ thời gian nên tôi hay viết ngắn chăng J

*Tôi dừng lại một chút ở truyện Cái bóng (trang 15). Theo quan niệm của chị, cái bóng không thể tồn tại vĩnh viễn, bất cứ ai cũng có thể rơi vào bi kịch nếu cứ khư khư giữ cái bóng của mình. Chị đã từng là “cái bóng” hay chịu ảnh hưởng của một “cái bóng” nào đó chưa và chị gặp áp lực phải vượt qua nó như thế nào?
May mắn là chưa, có lẽ vì tôi khá bướng bỉnh, ít chịu “a dua” theo ai. Thật ra nghề nào cũng có người quan niệm “sống lâu lên lão làng”, rất “mệt” cho thế hệ trẻ vì cản trở sự độc lập và sáng tạo của họ. Nhiều người không thích “núp bóng” người khác vì mỗi thế hệ có một con đường đi khác nhau, thế hệ trước nên chỉ ra những sai lấm vấp váp của mình để thế hệ sau lường trước mà tránh trên bước đường của họ.

*Thưa chị, người viết luôn luôn có những thách đố mà thấy rõ nhất là thể loại sáng tác. Ngoài những thể loại mà chị đã trải qua, còn có những thể loại cũng cực kỳ hấp dẫn như truyện ngắn, truyện dài, truyện vừa, tiểu thuyết... Chị đã nghĩ đến những cuộc chinh phục mới chưa?
Không, tôi chưa từng nghĩ mình cần phải chinh phục cái gì, vì… nếu là của mình thì nó sẽ tới. Tôi là người viết (nghiệp dư) nên khi viết cũng vậy, các thể loại khác nếu mình viết được thì khi cần, mình sẽ viết. Còn nếu các thể loại đó không phù hợp với mình, không viết được thì cố gắng chỉ làm khổ chính mình, và làm khổ người đọc.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

LÀNG NGHỀ SÀI GÒN MỘT THỦA VANG DANH

   (Người Đô Thị Xuân Giáp Thìn 2024) Nguyễn Thị Hậu Sài gòn là một đô thị từ khi khởi lập. Tính chất đô thị của Sài Gòn không chỉ ở chứ...