Trẻ sơ tán



(Post lại nhân ngày 18/12/1972 - 18/12/2012)

Sau sự kiện Vịnh Bắc bộ ngày 5 tháng 8 năm 1964, chiến tranh bùng nổ ở miền Bắc. Nhận biết đầu tiên về chiến tranh là khi má mang về nhà 5 cái ba-lô may bằng vạt bạt màu ghi.
-     Má ơi cái này là cái gì?
-     Ba lô con ạ.
-     Để làm gì má?
-     Để mang quần áo đi sơ tán.
-     Đi sơ tán là đi đâu má, có đu quay, có kẹo bông không, má?
-     …
Má lặng thing, mắt đỏ hoe. Tôi đã không biết rằng cái ba lô là dấu hiệu sự chia ly rất lâu của gia đình.
Một đêm Hà Nội tháng 10 cuối thu, gió mùa đông bắc sớm tràn về. Má đưa tôi lên nhà trẻ ở đầu Hàng Bông Thợ Nhuộm (bây giờ nhà trẻ này vẫn còn). Ở đó đã có mấy chục bà mẹ ông bố đưa con đi sơ tán. Bọn trẻ ngủ gà ngủ gật, bố mẹ thì thầm trò chuyện lo lắng vì để các con đi theo nhà trẻ, còn mình phải ở lại Hà Nội làm việc… Bỗng một tiếng còi huýt lên, bọn trẻ giật mình ngơ ngác, bố mẹ giật mình hoảng hốt… Đến giờ tôi vẫn ghét kinh khủng tiếng còi huýt, bởi vì nó đã cắt lìa tuổi thơ của tôi với ba má, nó ném tôi – con bé mới hơn 5 tuổi   vào những năm dài sơ tán một mình không có gia đình bên cạnh.  
Má đưa tôi lên xe, chọn   một chỗ ngồi cạnh cửa sổ vì biết tôi hay bị ói khi đi xe.Nhìn má đi xuống xe tôi bỗng hốt hoảng mếu máo: má ơi ngồi đây, má đi đâu rồi? Một tiếng nói gắt gỏng: con bé kia lớn rồi không được khóc, các bạn khóc theo bây giờ! Sợ quá, tôi nín bặt. Má tôi nắm chặt tay tôi, nước mắt lã chã… Nhưng rồi trong bọn trẻ cũng có đứa khóc òa… Đứa nào cũng biết từ đây mình phải xa cha mẹ… Xe chạy rồi tôi vẫn thấy má đứng đó với đôi môi mím chặt và những giọt nước mắt   tuôn rơi…  
Đình Chu Quyến (Sơn Tây). Mấy năm trời ở đó xa ba má. Tôi và vài đứa nữa là lớp lớn nhất của trại trẻ. Mỗi tối các cô bảo mẫu đều đi về nhà với gia đình của họ, cả bọn trẻ nằm trên sạp trong ánh đèn dầu leo lét. Mấy đứa lớn nhất thành “bảo mẫu bất đắc dĩ”, dỗ đứa nào khóc, thay quần áo cho đứa nào đái dầm, đắp chăn cho đứa nào lạnh co ro… Bây giờ gặp lại, nhiều người đã thành ông bà nội ngoại, vẫn nhắc bà này ngày xưa thay quần cho tui nè.
Thời gian trôi qua. Những ngày sơ tán bọn trẻ đã lớn lên rất nhanh, không phải là thể chất mà là tinh thần, tự lập sớm hơn, học và biết được nhiều điều từ cuộc sống ở nông thôn. Thế nhưng cái cảm giác “bị bỏ rơi”, cô đơn, tủi thân khi ốm đau khi nhớ cha mẹ của những ngày sơ tán ấy dường như không phai mờ… Rất lâu sau này trong cuộc sống, mỗi khi có gì khó khăn bế tắc,   nhiều người chúng tôi vẫn không thể chia sẻ với người thân, luôn co mình lại trước bạn bè… Sự tổn thương (không ai muốn) ngày thơ ấu đã để lại dấu ấn này, gây ra sự bất hạnh cho không ít người…  
Mấy chục năm qua, tất cả chỉ còn là ký ức. Sau này trong bất cứ hoàn cảnh nào không bao giờ tôi để các con tôi phải một mình như tôi lúc ấy! Và bây giờ tôi cũng không muốn những đứa trẻ khác rơi vào hoàn cảnh phải xa cha mẹ ông bà như những đứa trẻ năm ấy!
  Không hiểu sao trong những ngày này, tôi cứ nhớ lại những ngày đi sơ tán từ hơn 40 năm trước… Chiến tranh ư? Gây ra hay chấm dứt chiến tranh đều không khó! Nhưng ai đã từng trải qua mới biết, rất lâu về sau khi đã im tiếng súng thì chiến tranh vẫn chưa chấm dứt

(Đã in trong tập Buổi trưa trong quán cà phê 3/2012)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

TRAO TẶNG TÀI LIỆU HIỆN VẬT CỦA NSUT - ĐẠO DIỄN NGUYỄN NGỌC BẠCH

  Lời đầu tiên, thay mặt gia đình tôi xin trân trọng cám ơn Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM, Hội Di sản văn hóa TPHCM, Bảo tàng TP.HCM đã nhiệt...