ƯỚC MƠ METRO THÀNH PHỐ




Tạp bút. Nguyễn Thị Hậu
Tôi có thói quen đi xa hay giữ lại những chiếc vé làm kỷ niệm: vé tàu xe, vé xem bảo tàng di tích lịch sử... Nhiều nhất có lẽ là vé metro/bus, vì đó là phương tiện đi lại chủ yếu ở nước ngoài. Mỗi lần nhìn lại những chiếc vé xinh xinh này tôi đều nghĩ đến một ngày nào đó Sài Gòn của tôi cũng sẽ có những chuyến metro “nhanh hơn điện - tiện như ga”, vì nhiều nhà ga giống như chợ nhỏ hay trung tâm thương mại, trong khi chờ chuyển tàu hoặc trước khi lên mặt đất có thể mua sắm đầy đủ những thứ cần dùng.
Không chỉ riêng tôi mà nhiều người Sài Gòn cũng ước ao như vậy.
Từ khoảng năm 2014 khu trung tâm thành phố có sự biến đổi lớn do nơi này bắt đầu xây dựng hai nhà ga đầu mối tuyến metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên. Từ đó đến nay tuyến metro này nhanh chóng hình thành dù có một thời gian dài phải tạm ngừng thi công vì thiếu vốn. Tôi thường có giờ dạy tại khu Đại học quốc gia ở Thủ Đức. Hàng tuần theo xe của trường đưa đón giảng viên đi về theo xa lộ Hà Nội (những chuyến xe như vậy đã có từ cuối những năm 1970 thời tôi còn là sinh viên), ngắm nhìn tuyến metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên mỗi ngày dài thêm, hoàn thiện hơn, nhiều giảng viên hỏi nhau, bao giờ sẽ được đi làm bằng metro?
Dự là trong năm 2020 tuyến metro Bến Thành – Suối Tiên sẽ đưa vào hoạt động... Không chỉ vậy, thành phố sẽ có 8 tuyến metro và một số tuyến tramway hoặc monorail. Sơ đồ 8 tuyến metro của Thành phô Hồ Chí Minh cho biết một mạng lưới kết nối với tất cả các quận huyện và tỏa ra đến địa bàn giáp các tỉnh lân cận, trong tương lai chắc chắn sẽ nối liền với hệ thống giao thông công cộng không chỉ của Đồng Nai, Bình Dương – những trung tâm của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam – mà còn với nhiều tỉnh khác, như đã từng nối liền các quốc lộ. Một ngày không xa cư dân ở Tây Ninh, Long An, Bình Dương, thậm chí tận Bình Phước... cũng có thể mỗi ngày đi làm ở thành phố Hồ Chí Minh mà chỉ mất không đến 1 giờ metro, mưa không đến mặt nắng chẳng đến đầu, cuối tuần chỉ ở nhà cũng như được đi resort nghỉ ngơi vì không phải hối hả chen chúc trong một đại – đô – thị. Viễn cảnh ấy nhiều nước quanh ta đã thành hiện thực như Thái Lan, Singapore.
***
Một đô thị lớn và là trung tâm của khu vực như thành phố Hồ Chí Minh, sau 45 năm hòa bình người dân mới được sử dụng phương tiện giao thông công cộng hiện đại thì quả là rất muộn! Nhưng “muộn còn hơn không”. Khi những tuyến metro hoạt động, người dân sẽ tiết kiệm được nhiều thời gian do tốc độ nhanh và mật độ dày đặc các chuyến metro nhất là vào giờ cao điểm, giảm tai nạn an toàn hơn, giảm bớt nguyên liệu và khí thải làm ô nhiễm môi trường, nhiều cơ quan công ty còn bớt được cả những chuyến xe đưa rước công nhân viên mỗi ngày... như trường tôi từ hàng chục năm qua.
Đô thị hiện nay có hai đặc trưng quan trọng, ấy là truyền thông và giao thông. Hai yếu tố này càng hiện đại thì xã hội càng phát triển nhanh. Internet tạo điều kiện cho con người giao tiếp “ảo” nhanh hơn thì phương tiện giao thông hiện đại cũng giúp con người giao tiếp thật nhiều hơn. Thị dân dường như luôn thiếu thời gian cho mọi hoạt động, mọi nhu cầu, vì vậy không đâu tập trung nhiều phương tiện và đầu mối giao thông như ở đô thị, đô thị càng lớn phương tiện giao thông càng nhiều, kéo theo hệ thống đường xá cầu cống phát triển và hoàn thiện. Nhu cầu giao thông trong đô thị và giữa các đô thị với nhau là yếu tố chủ đạo cho những phát minh mới về phương tiện và kỹ thuật giao thông, trong đó có phương tiện công cộng. Sử dụng phương tiện giao thông công cộng là một đặc điểm của thị dân, tạo nên và củng cố thói quen ứng xử nơi công cộng như tự giác sử dụng vé, đúng giờ, xếp hàng, tuân thủ quy định về an toàn giao thông, khuyến khích hoạt động cá nhân như đọc sách, nghe nhạc, lướt web… hạn chế thói quen gây ảnh hưởng đến người xung quanh như nói to, xả rác, chen chúc… Từ đó các cá nhân tạo được thói quen hành xử đúng mực ở không gian công cộng như nhà ga, vỉa hè, công viên... Văn hoá giao thông ở đô thị hiện đại không chỉ là chấp hành đúng luật lệ mà còn là văn hóa giao tiếp và ứng xử văn minh, lịch sự.
Dọc tuyến Metro Bến Thành – Suối Tiên đã mọc lên khu đô thị mới, hai bên xa lộ Hà Nội san sát khu biệt thự, chung cư cao cấp, tầng trệt đầy đủ tiện nghi sinh hoạt vật chất và tinh thần: trung tâm thương mại, rạp phim, nơi luyện tập thể thao, thẩm mỹ viện, nhà trẻ trường học quốc tế... Chỉ hơn cây số lại có một nhà ga, rất thuận tiện để đón những chuyến metro sắp sửa chạy qua. Cư dân những khu đô thị mới là “khách hàng tiềm năng” của tuyến metro vì hầu hết là các gia đình trẻ, thu nhập khá, công ăn việc làm trong nội thành, lại có phong cách sống khá hiện đại nên với họ, việc đi lại bằng giao thông công cộng hiện đại không xa lạ. Ngoài ra có nhiều gia đình công chức đã nghỉ hưu, mua căn hộ xa trung tâm để hưởng không khí trong lành, thỉnh thoảng có việc vào thành phố thì metro là sự lựa chọn tối ưu... Khu vực này còn có những biệt thự sang trọng của giới thượng lưu đi lại bằng xe hơi, nhưng biết đâu khi metro hoạt động họ sẽ dùng phương tiện này vì nhanh hơn, không bị kẹt xe, nhà ga toa xe đẹp đâu kém gì châu Âu.
Nhà tôi ở vùng Phú Nhuận, sau này ít nhất sẽ có hai tuyến metro đi ngang trước cửa. Nếu lúc đó tôi còn đi làm ở Thủ Đức thì chỉ cần một lần đổi tuyến, rất tiện lợi. Những khu phố cũ nằm xa đường lộ, tít sâu trong các con hẻm ngoằn nghèo rồi cũng sẽ thay đổi vì có tuyến metro chạy qua. Sự phân biệt “mặt tiền” “đường hẻm” sẽ ngày càng rút ngắn, bởi sự “bình đẳng” về giao thông sẽ tạo ra những ứng xử văn hóa mới... Biết đâu nhờ vậy người ta quay lại lối sinh hoạt xưa là tìm nhà trong những con hẻm nhỏ yên tĩnh chứ không nhao hết ra mặt tiền, bởi vì lúc đó người ta đi metro hay tramway, còn ai đi xe máy mà có thể tiện đâu ngừng đấy mà bán với mua?
***
Tôi đang đọc một cuốn tiểu thuyết Pháp do một người bạn dịch và đăng lên facebook. Bối cảnh của câu chuyện xoay quanh những chuyến metro mà nhân vật chính đi lại mỗi ngày: từ nơi cô ở đến nơi làm chính thức, nơi làm thêm, nhà người yêu, quán cà phê, tiệm ăn... Trong một lần di chuyển như thế, tại một ga metro cô nhìn thấy một người đàn bà rất giống mẹ của cô – người đã bỏ đi từ khi cô còn nhỏ và nghe nói đã chết ở một nơi xa. Từ đó cô lại có thêm những chuyến metro đi theo người đàn bà nọ, đến nơi bà ta ở, nơi bà ngồi ăn tối, mua hàng... Và rồi cô gái cứ mãi phân vân không biết đó có thực là mẹ mình hay không? không biết có nên đến gặp và nói với bà ta rằng, mẹ ơi con đây?
Những chuyến metro đơn giản chỉ là phương tiện giao thông đô thị nhưng có thể gắn với số phận từng con người, qua đó nhìn thấy cả một xã hội... Trong các tác phẩm văn học, phim ảnh nước ngoài luôn có hình ảnh những chuyến metro dọc ngang thành phố từ sáng sớm đến đêm khuya, từ vùng ngoại ô hẻo lánh đến trung tâm náo nhiệt... Metro như một dấu chỉ của đô thị hiện đại – dù nó được ra đời đầu tiên vào năm 1863 ở Anh và sau đó năm 1896 ở Budapest – thủ đô đế quốc Áo – Hung khi ấy, tính ra đến nay cũng đã gần hai thế kỷ. Và tất nhiên không thể không nhắc đến những ga metro ở Moskva nổi tiếng là “những cung điện trong lòng đất” bởi trang trí nghệ thuật hội họa và điêu khắc.
Thỉnh thoảng tôi vẫn xem lại sơ đồ về tám tuyến metro của thành phố như dõi theo ước mơ đang trở thành hiện thực. Bất chợt nhận ra, các tuyến metro của thành phố có nhiều đoạn trên mặt đất chứ không chỉ chui dưới đất như nơi khác. Điều này làm cho con người gần gũi thiên nhiên hơn, không bị giam hãm trong “lòng đất” sau một ngày dài làm việc trong những tòa nhà máy lạnh khổng lồ. Tuy nhiên những con đường trên cao nặng nề beton và hàng chục chuyến tàu chạy qua lại làm cho cảnh quan đô thị thiếu sự thân thiên với môi trường. Hy vọng các tuyến metro trên cao khác sẽ được xây dựng đẹp như tuyến Bến Thành – Suối Tiên, thêm nhiều mảng xanh, giữ sạch sẽ toàn tuyến trên cao và dưới quốc lộ... để con người được hưởng thụ trọn vẹn ánh mặt trời, không khí và thiên nhiên trong lành.
Báo Người lao động 30.4.2020
Trong hình ảnh có thể có: nhà chọc trời và ngoài trời

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

TRAO TẶNG TÀI LIỆU HIỆN VẬT CỦA NSUT - ĐẠO DIỄN NGUYỄN NGỌC BẠCH

  Lời đầu tiên, thay mặt gia đình tôi xin trân trọng cám ơn Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM, Hội Di sản văn hóa TPHCM, Bảo tàng TP.HCM đã nhiệt...