NGƯỜI NẶNG LÒNG VỚI ĐÔ THỊ SÀI GÒN



PGS.TS Nguyễn Minh Hòa là một trong những chuyên gia đầu ngành về Đô Thị học của Việt Nam nói chung và tại TP. Hồ Chí Minh nói riêng, cả từ góc độ nghiên cứu lý thuyết và công tác thực tiễn.

Ông là người đã có nhiều công trình nghiên cứu về lĩnh vực mới mẻ này từ sự tiếp cận, tiếp thu tri thức ở những quốc gia có sự phát triển đô thị hài hòa giữa “bảo tồn và phát triển”, nơi mà những đô thị dù được xây dựng hiện đại thế nào vẫn luôn hướng đến sự nhân văn và thân thiện cho cộng đồng dân cư. PGS.TS Nguyễn Minh Hòa cũng là người mở ra ngành đào tạo mới – ngành Đô Thị học - tại trường Đại học khoa học xã hội và nhân văn TPHCM, tại đây sinh viên được trang bị lý thuyết và thực tiễn tiên tiến của thế giới đồng thời với việc tiếp cận thực tế còn quá nhiều bất cập của các đô thị Việt Nam, nhằm đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực thực thi những vấn đề dặt ra trong quá trình đô thị hóa – hiện đại hóa ở VN.

Những điều đó được nhiều người biết đến và qua công việc đã khâm phục, quý mến ông. Riêng tôi, bậc đàn em của PGS.TS Nguyễn Minh Hòa cả về tuổi đời và nghề nghiệp, cả về những trải nghiệm thực tiễn trong hành trình bảo vệ di sản văn hóa đô thị, xin được chia sẻ vài cảm nhận về tập sách mà quý vị đang cầm trên tay – như sự đồng cảm của một người cùng thế hệ và phần nào có cùng tâm thức với tác giả.

Tôi và anh Nguyễn Minh Hòa cùng là lứa sinh viên đầu tiên sau 1975 của trường Đại học Văn khoa Sài Gòn (sau là Đại học Tổng hợp và nay là ĐHKHXH&NV. TPHCM). Anh Hòa là bộ đội được giải ngũ và theo học Khoa Chính trị học, còn tôi là học sinh vừa hết lớp 12 thi vào học khoa Lịch sử. Tuy khác khoa nhưng hai anh em biết nhau nhờ các hoạt động ngoại khóa văn – thể - mỹ. Vài năm sau khi ra trường lứa sinh viên đầu như chúng tôi hầu như ít liên lạc với nhau vì đều phải lo cơm áo trong thời kỳ bao cấp cuối cùng đầy khắc nghiệt. Bẵng đi rất nhiều năm, tôi và anh Nguyễn Minh Hòa “gặp lại” qua những bài báo về việc bảo vệ di sản đô thị, về xây đựng đời sống văn hóa hiện đại và lối sống văn minh... Tuy xuất phát từ hai chuyên ngành khác nhau nhưng cùng hướng đến một mục tiêu chung là bảo tồn di sản hướng đến phát triển bền vững, vì vậy chúng tôi chia sẻ được với nhau nhiều vấn đề về văn hóa đô thị, nhất là về thực tiễn phát triển ở TP. Hồ Chí Minh.

Sự đồng cảm và chia sẻ còn đến từ “hoàn cảnh lịch sử”: chúng tôi đều từ miền Bắc về sinh sống ở Sài Gòn từ 1975: gia đình tôi là miền Nam tập kết trở về còn anh Hòa là bộ đội giải ngũ. Sống tại một thành phố lớn nhất nước, từ nhiều bỡ ngỡ và xa lạ ban đầu dần dần chúng tôi trở thành “người Sài Gòn” một cách tự nhiên không chỉ vì đã sống cả đời ở đây, mà vì chúng tôi thực sự hòa hợp và coi thành phố là một phần quan trọng của cuộc đời mình.

Trong nhiều bài viết của tập sách này độc giả có thể cảm nhận tình yêu Sài Gòn của tác giả rất da diết mà cũng rất tỉnh táo. Đó là vì sự “phân thân” của người viết: vừa là người Sài Gòn vừa là người “từ nơi khác đến”, vừa là người dân bình thường vừa là nhà nghiên cứu, vừa là người mang trong mình “văn hóa” của một vùng miền khác lại vừa sống và hòa nhập với văn hóa một nơi chốn mới, vừa là người thụ hưởng di sản văn hóa vừa là người có tiếng nói góp vào chính sách bảo tồn hay không những di sản ấy... Tất cả điều đó mang đến sự khách quan của “người trong cuộc” chứ không phải sự khách quan lạnh lùng của những nghiên cứu hàn lâm xa vời, cũng không phải là sự đánh giá chủ quan đầy “cảm tính” của một người có những gắn bó riêng tư sâu đậm với thành phố này.

Tôi nghĩ rằng, những tiếng nói bảo vệ di sản văn hóa Sài Gòn có được sự đồng cảm từ cộng đồng, sự ủng hộ của nhiều nhà khoa học và thậm chí, nhận được sự chú ý tiếp nhận của các cấp chính quyền - thì không thể thiếu sự khách quan như vậy! Nghiên cứu văn hóa của một nơi chốn, dù là đô thị hay thôn quê, đều cần có cái nhìn công tâm của người nhà khoa học trong vị thế một cá nhân của cộng đồng. Điều đó sẽ đưa đến những đề xuất mang tính định hướng hoặc giải pháp phù hợp với thực tiễn chứ không phải là những giải pháp “luôn đúng mà không trúng”!

Những gì PGS.TS Nguyễn Minh Hòa đã làm, và sẽ còn tiếp tục , chính là những nỗ lực như thế! Là người có thể được gọi là đồng nghiệp với anh, tôi chia sẻ là quý trọng anh vì điều đó.
Tập sách này – như anh nói với tôi - là những gì “máu thịt” của anh với Sài Gòn. Tôi hiểu và trân trọng điều đó. Và cũng xin được chia sẻ với bạn đọc tình cảm này!

Sài Gòn, tháng Tư 2019
Nguyễn Thị Hậu
Không có mô tả ảnh.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

TRAO TẶNG TÀI LIỆU HIỆN VẬT CỦA NSUT - ĐẠO DIỄN NGUYỄN NGỌC BẠCH

  Lời đầu tiên, thay mặt gia đình tôi xin trân trọng cám ơn Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM, Hội Di sản văn hóa TPHCM, Bảo tàng TP.HCM đã nhiệt...