TỪ BIỆT MỘT NGƯỜI ANH ĐỒNG NGHIỆP


TS Vũ Quốc Hiền là một trong những người đã tiến hành khảo sát, khai quật, nghiên cứu KCH Nam bộ từ những năm 1978, 1979 cho đến cách đây chỉ vài năm.
Anh và đồng nghiệp bảo tàng LSQG cùng với BTLS.TPHCM ròng rã gần 10 năm khảo sát khai quật nhiều di tích ở Cần Giờ -TPHCM. Những ngày khai quật ở đây cực nhọc vô cùng mà cũng hứng thú vô cùng. Từ đợt khai quật ở Cần Giờ tình bạn giữa những người tham gia khai quật trở nên thân thiết và bền chặt... Họ đã cùng trải qua bao khó khăn vất vả cũng như những vui buồn của công việc. Nhưng họ đều chia sẻ với nhau tất cả, kể cả tư liệu mới phát hiện, mới nghiên cứu. Vì, như họ vẫn nói vui – mà thiệt – với nhau: Chết có đem theo được đâu mà bo bo giữ riêng tư liệu?
Chính vì vậy khi chúng tôi công bố công trình “Khảo cổ học tiền sử và sơ sử TP. Hồ Chí Minh” (1998) có người đã nói “Công trình chỉ toàn tư liệu, chưa có phát kiến gì mới!”. Chúng tôi chỉ cười và nói: Vâng, giá trị của công trình là toàn tư liệu khai quật KCH. Nhưng là Tư liệu “xịn” vì được khai quật chỉnh lý cẩn trọng khoa học. Tư liệu ấy bất cứ ai sử dụng để nghiên cứu đều có thể yên tâm vì mức độ khách quan và chính xác của nó.

Công trình chung của chúng tôi “Khảo cổ học tiền sử và sơ sử TP. Hồ Chí Minh” được cả hai giáo sư, hai người thầy kính quý có Lời giới thiệu và Lời bạt
GS. Hà Văn Tấn trong Lời giới thiệu: “Trong số các nhà khảo cổ học, 6 tác giả tập sách này là những người đóng góp tích cực cho việc nghiên cứu tiền sử và sơ sử vùng đất Sài Gòn... Hiện tại tất cả họ đều là PTS khảo cổ học. Họ đã tiến hành nhiều cuộc điều tra và khai quật ở đây. Tôi đã có lần tham dự một cuộc khai quật của họ ở di chỉ Giồng Cá Vồ (Cần Giờ). Gần như đủ mặt cả 6 người. Hàng ngày họ phải đi thuyền đến nơi khai quật. Ở đó họ vừa đào vừa phải chống trả với đám muỗi đông nghịt. Tối về, trong căn phòng ngổn ngang các di vật đào được, họ làm việc tận khuya, và say sưa thảo luận về cuộc sống của người cổ ở vùng đất này”.
GS. Trần Quốc Vượng trong Lời bạt: “Các tác giả cuốn sách này đều là những “ông nghè” “bà nghè” khảo cổ - sinh học - sinh thái của thập kỷ 90 và trước đó đều là sinh viên của ĐHTHHN... Họ là những nhân tài làm gạch nối thế kỷ XX-XXI, người gốc Nam gốc Bắc hay giao hòa Nam Bắc, đa dạng về lối sống và phong cách tư duy và ngôn từ, song họ đều là những người Việt Nam yêu nước, đầy nhân văn tính, đau đáu một nỗi niềm tìm về cội nguồn...”

Nhớ những ngày như vậy trong gần 5 năm khai quật ở Cần Giờ, nước ngọt không có, ăn uống tằn tiện từng chút. Ông anh đồng nghiệp nói vui “May quá nhờ không có nước mà em Hậu không giục mình đi tắm” J Chẳng là mình hay giục mấy ông anh đi tắm thay quần áo, các “lão” ấy lười kinh khủng vì “đằng nào mai quần áo cũng bẩn, thay làm gì”. Khổ quá, cả tuần rồi ạ, bẩn khiếp! “Ơ cái con bé này, vợ thì không phải mà mày cũng ko yêu các anh, sao cứ bắt các anh sạch sẽ là thế nào” :D
Thật ra là các anh tiết kiệm nước nhường cho mấy đứa đàn bà con gái, ngày nào cũng bùn đất nước phèn dính đầy quần áo người ngợm. Nước ngọt thì hết, ghe đổi nước vài ngày rồi chưa thấy vô. Sấm đằng nguồn mà ở biển thì chưa mưa. Kinh rạch nước phèn xanh trong mà thò tay chân xuống thì ra nắng chút thôi là cháy sém.

Mùa này cũng là mùa hay trúng gió cảm cúm. Trẻ con người lớn ra vào máy lạnh, nóng nực dội nước ào ào… thế là sổ mũi sốt ho… Có lần mình bị cảm, khan tiếng rồi tắt tiếng luôn. Lại được nghe nhời có cánh “con bé này khi ốm cũng hay nhỉ, tắt đài! Sao vợ mình ở nhà chẳng bao giờ ốm như vậy?!”. Tức điên mà chỉ có thể khào khào như vịt, cãi không lại mấy ông anh cậu em khảo cổ lắm mồm “ngoa ngoắt”  :)

Từ thập niên 1990 đến sau này, không có cuộc khai quật nào của BTLSQG ở Nam bộ - hầu như đều có mặt anh Hiền - mà tôi không đến thăm hiện trường khai quật, để học hỏi, để biết thêm những phát hiện mới, để gặp gỡ các đồng nghiệp. Mới năm kia 2018, gặp nhau trong Hội nghị thông báo Khảo cổ học, anh Đặng Văn Thắng (nay là PGS) đã bàn với tôi và anh Vũ Quốc Hiền là sẽ cùng nhau chỉnh sửa, bổ sung để tái bản công trình trên. Hai mươi năm qua đã có nhiều phát hiện mới, nghiên cứu về di tích cũ hiện vật cũ nhưng tư duy tiếp cận lý giải đã mới hơn nhờ tư liệu mới và phương pháp hiện đại... nếu tái bản chắc chắn công trình sẽ có giá trị khoa học cao hơn nhiều!

Riêng tôi, luận án PTS về KCH Cần Giờ (1997) cũng như nhiều nghiên cứu khác của tôi đã nhận được sự giúp đỡ chí tình của anh Vũ Quốc Hiền, anh Đặng Văn Thắng và các anh chị đồng tác giả công trình này. Tôi rất may mắn có được các đồng nghiệp như vậy.
Nhận được tin anh mắc bệnh nan y, tôi đã hy vọng điều lành vì anh Hiền là người có sức khỏe và cuộc sống lành mạnh... Nhưng anh không qua được...
Từ biệt anh Vũ Quốc Hiền, người đồng nghiệp, người anh quý mến!

 SG 17.5.2020
Hình: khai quật tại Giồng Cá Vồ - Cần Giờ, 1994; Anh Hiền đứng phía sau Hậu.
Anh Thắng, anh Mý, chú Lê Trung, Hậu, thầy Hà Văn Tấn, chú Lợi- hàng sau: anh Hiền, chị Kim Dung.

Trong hình ảnh có thể có: 8 người, mọi người đang đứng, cây và ngoài trời


Trong hình ảnh có thể có: văn bản

Trong hình ảnh có thể có: văn bản


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

TRAO TẶNG TÀI LIỆU HIỆN VẬT CỦA NSUT - ĐẠO DIỄN NGUYỄN NGỌC BẠCH

  Lời đầu tiên, thay mặt gia đình tôi xin trân trọng cám ơn Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM, Hội Di sản văn hóa TPHCM, Bảo tàng TP.HCM đã nhiệt...