Linh tinh lang tang (122). HỒI KÝ ĐỜN BÀ


Nhân đọc một bài nhận xét về một số hồi ký của phụ nữ, thấy người viết chê hồi ký của Khánh Ly (và nhân tiện chê luôn một số đàn ông viết – không – phải – hồi – ký nữa). Khen chê từ mỗi người sẽ khác nhau, cách nhìn của một nhà phê bình văn học có lẽ khác xa sự cảm nhận của một người bình thường.

Là một người đọc, mình thấy cả Lê Vân cả Khánh Ly đều có chuyện để mà hồi tưởng và ghi chép lại. Mỗi người phụ nữ này sống trong một bối cảnh xã hội khác nhau, có những ký ức những mối quan hệ khác nhau mà người sống cùng thời cùng bối cảnh sẽ thích thú, đồng cảm và mong muốn được nhớ lại, được biết thêm qua hồi ký của họ. Mình không sống cùng họ, sống như họ thì khi đọc họ  cũng hiểu thêm được nhiều điều. Hồi ký là quá khứ cá nhân nhưng phản ánh một phần quá khứ của chung.

Sao lại có thể phán xét rằng, người này người kia có hay không có chuyện để viết hổi ký? Nếu mỗi người đừng “độc quyền quá khứ” chỉ là “của tôi hay của chúng tôi” thì lịch sử sẽ xác thực, đa dạng và rõ ràng hơn, không phải là “lịch sử” nghèo nàn và khô cứng, thậm chí sai lầm mà chúng ta vẫn được học được biết.

Chưa nói đến nội dung thì giọng văn cách viết của hồi ký cần thể hiện dấu ấn cá nhân, vì vậy thích hay không thì cũng tùy từng người đọc. Mình nhớ, hồi xưa khi mình học phổ thông, phần lớn các thầy cô dạy văn ở miền Bắc đều so sánh văn chương Nguyễn Đình Chiểu “bình dân” và Nguyễn Du “bác học” như ngầm chê cái mộc mạc đời thường của cụ Đồ Chiểu. Nhưng mình thì luôn thấy văn cụ Đồ - như một từ mà chị Nguyễn Thị Minh Thái hay dùng là “chạm vào được trái tim”,  do đó tự nó thấm vào mình. Nhớ lâu hơn những lời văn lời thơ nên hiểu biết hơn tính cách và quý trọng người Nam bộ qua hành xử của các nhân vật trong tác phẩm của cụ Đồ Chiểu. Có lẽ vì mình là gốc miền Tây chăng?

Hồi ký, theo mình đó là phần quan trọng của cuộc đời một cá nhân, có thể thích hay không nhưng đánh giá giá trị cần cẩn trọng, càng cẩn trọng hơn khi nhận xét tác giả.
Mình thì luôn thích những tác giả hồi ký viết chân thành, tất nhiên, trung thực nữa, có thể vụng về mộc mạc câu chữ nhưng đừng “diễn” khi nói về sự thật, nhất là sự thật của bản thân.


Sài Gòn 18/6/2015

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

LÀNG NGHỀ SÀI GÒN MỘT THỦA VANG DANH

   (Người Đô Thị Xuân Giáp Thìn 2024) Nguyễn Thị Hậu Sài gòn là một đô thị từ khi khởi lập. Tính chất đô thị của Sài Gòn không chỉ ở chứ...