Không thể là số 1 nếu thiếu bảo tồn di sản văn hóa

http://sggp.org.vn/chinhtri/2016/5/419908/

TS Nguyễ̃n Thị Hậ̣u - Phó Tổng Thư ký Hội Khoa học lịch sử Việt Nam

Mỗi thành phố được hình thành với những đặc điểm riêng, địa thế, môi trường, lịch sử và con người đã tạo nên tính cách của nó. Bởi thế không có thành phố nào giống thành phố nào. Sài Gòn - TPHCM cũng vậy
Một góc trung tâm TPHCM. Ảnh: VIỆT DŨNG
Với lợi thế của vị trí địa lý thuận tiện cho thông thương và giao lưu kinh tế - văn hóa, là một đô thị trẻ, năng động, sáng tạo, TPHCM đang đẩy mạnh quá trình đô thị hóa, xây dựng thành phố có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại và hướng đến mục tiêu phát triển bền vững. 

Nhưng Sài Gòn - TPHCM còn là một đô thị có “vốn” di sản văn hóa giàu có và phong phú. Khu vực trung tâm TPHCM tập trung nhiều công trình kiến trúc và không gian đô thị, được xây dựng từ khi đô thị Sài Gòn hình thành. Đó là khu vực di sản đô thị ẩn chứa trong nó biết bao câu chuyện về lịch sử và con người thành phố qua vài trăm năm. Từ khoảng hai mươi năm nay “quá trình hiện đại hóa” đã làm mất đi và biến dạng quá nhiều di sản ở khu vực này, cũng là làm mất đi nguồn vốn xã hội dưới dạng di sản văn hóa.

Phải là một thành phố sống tốt, thành phố đáng sống cả về vật chất và tinh thần, rồi mới hướng đến và vươn lên vị trí số 1. Trong bối cảnh của sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng, “phát triển bền vững” không chỉ là mối quan hệ giữa con người và môi trường tự nhiên, mà chủ yếu là mối quan hệ giữa phát triển kinh tế và các vấn đề văn hóa - xã hội. Phát triển kinh tế mà không bảo tồn, gìn giữ di sản văn hóa vật chất và tinh thần thì đó là sự phát triển què quặt, không cân đối… Sự phát triển què quặt, không cân đối sẽ dẫn đến sự đổ vỡ của quá trình phát triển kinh tế và xã hội, tức là không đạt được mục tiêu “phát triển bền vững”.

Như vậy, từ góc độ lịch sử văn hóa, dù có thể bây giờ đã trễ, nhưng phải ngừng ngay việc hủy hoại di sản văn hóa đô thị ở khu vực trung tâm TPHCM. Nếu chúng ta chỉ biết lấy mà không biết giữ gìn hay đền bù trở lại thì sẽ sớm phải trả giá cho sự phá hủy một phần lịch sử quan trọng của thành phố. Bảo tồn di sản văn hóa chính là bậc thang quan trọng để TPHCM đi lên vị trí số 1 với nền tảng vững chắc của lịch sử và văn hóa.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

LÀNG NGHỀ SÀI GÒN MỘT THỦA VANG DANH

   (Người Đô Thị Xuân Giáp Thìn 2024) Nguyễn Thị Hậu Sài gòn là một đô thị từ khi khởi lập. Tính chất đô thị của Sài Gòn không chỉ ở chứ...