NGHĨ KHÁC VỀ CHIẾC ĐŨA


Nguyễn thị Hậu

Hình như “tư duy bó đũa” chỉ có ở người Việt trong số những dân tộc dùng đũa để ăn?
Từ nhỏ đã được học một bài học qua hình tượng bó đũa: người cha gọi các con đến và đưa ra một bó đũa, nói các con bẻ thử xem. Không ai bẻ được. Người cha bèn bẻ từng chiếc, tất nhiên những chiếc đũa lần lượt gãy hết. Bài học: các con phải đoàn kết.

Nhưng, đũa chỉ thành “bó” khi có người bó buộc chúng lại. Còn chúng vốn là những chiếc rời rạc, khi cần người ta chỉ sử dụng hai chiếc thành “đôi đũa” để và cơm gắp thức ăn, thỉnh thoảng gặp đôi đũa vênh thì bực hơn lấy phải cô vợ dại (“vợ dại không hại bằng đũa vênh”, dân gian nói thế). Đũa cả (để xới cơm) hay đũa bếp (để nấu thức ăn) thì to hơn dài hơn đấy, nhưng cũng chẳng ai sử dụng cả bó. Túm lại, khi thành từng bó thì đũa chả làm được gì ngoài việc làm cái ẩn dụ nói trên; còn khi có tác dụng thật thì chúng chỉ là từng đôi, kết hợp chiếc này với chiếc khác đều được, miễn là (tương đối) bằng nhau. Mà cũng có thể dùng từng chiếc xiên xỏ cũng đưa được miếng ăn lên miệng.

Lại có câu chuyện liên quan đến đũa là Cây tre trăm đốt: bị lừa đi tìm cây tre có trăm đốt làm đũa cho đám cưới, anh nông dân phải nhờ Bụt ban cho câu thần chú khắc nhập khắc xuất mới lấy được con gái phú ông. Hẳn 100 đốt tre làm đũa cho cả làng dùng trong đám cưới, xong rồi cả nhà anh nông dân dùng hết đời cũng không hết. Chắc vậy nên sau đó không thấy có chuyện cổ nào có nói đến chiếc đũa nữa.

Ở phương Tây người ta không dùng đũa để ăn nhưng các bà Tiên (hay phù thủy) lại thường cầm đũa thần nhưng cũng chỉ một chiếc, không thấy tiên nào cầm cả đôi đũa thần. Chắc sợ lúc vung lên mỗi chiếc lại ra một phép thần khác nhau thì hỏng hết mọi việc.

Lớn lên lại có bài học về so bó đũa chọn cột cờ. Ý là khó chọn lựa lắm, thôi thì trong cái đám sàn sàn như nhau ấy chiếc nào nhỉnh hơn tí thì được chọn. Thoắt cái đổi đời từ đũa thành cột mà lại làm hẳn “cột cờ” cơ đấy! Thế mới biết cái sự “được chọn” ấy nó mong manh nhưng mang lại may mắn thế nào cho chiếc đũa chỉ dài hơn cả bó một tẹo. Bình thường chắc chiếc đũa ấy không được việc gì vì chả thành đôi với chiếc nào khác để mà sử dụng, bà nội trợ rửa chén bát gặp chiếc đũa như thế thì vứt bỏ ngay. Thế mà khi cần thì một chiếc đũa “không giống ai” cũng có thể trở thành “cột”.  Tất nhiên, khi chiếc đũa vào vai “cột cờ” thì mặc nhiên người ta cho rằng đám đông kia ai cũng như ai, tất cả “bằng đầu” như một bó đũa, và giá trị của “cột cờ” này thế nào là nằm ở ý đồ người chọn.

“Tư duy bó đũa” là một kiểu tư duy cào bằng, không coi trọng giá trị của từng cá nhân. Thử hình dung một xã hội mà mọi người như những chiếc đũa giống hệt nhau từ chất liệu đến màu sắc kích thước như được làm từ máy! Mà bây giờ còn phổ biến loại đũa dùng một lần xong thì vứt bỏ dù có nhẵn đẹp hay còn vướng cọng xơ tre, chẳng có giá trị gì lâu bền. Kể cả đũa ngà đũa bạc mà vua chúa thường dùng chỉ quý vì là đồ dùng của bậc vua chúa chứ không phải vì giá trị “làm đũa” của nó.
Vậy, đừng tự hào là danh giá nếu được chọn làm “cột cờ”, bởi vì bản chất vẫn là chiếc đũa, ngồi vào vị trí cao quá khả năng thì chỉ làm vị trí ấy tầm thường đi mà thôi.

 “Tư duy bó đũa” còn là sự đánh lừa chính mình. Làm gì có sức mạnh của cả bó đũa! Dù có đứng chung trong một ống đũa hay được buộc thành một bó thì đũa vẫn chỉ là những chiếc đơn lẻ dễ dàng bị tách khỏi cả bó. Một người thần kinh bình thường chẳng ai cầm cả bó đũa mà bẻ. Họ sẽ bẻ từng chiếc, lần lượt từng chiếc đến hết cả bó, vì tất cả những chiếc đũa không thể tự dính chặt vào nhau! Hoặc, điều này nguy hiểm hơn, họ quăng cả bó vào đống lửa, và do rời rạc nhỏ bé nên cả “bó đũa” sẽ bùng cháy nhanh chóng!

Đũa thì cứ là đũa, đừng cố gắng đua chen làm cột. Nhưng hãy thật cứng cỏi để không ai có thể dễ dàng bẻ gãy dù chỉ là một chiếc đũa. Mỗi chiếc đũa cứng cỏi sẽ tạo nên sức mạnh của cả “bó đũa” chứ không phải là ngược lại.

Sài Gòn 5.5.2016

 Báo TUỔI TRẺ CUỐI TUẦN, 13/5/2016, mục PHIẾM ĐÀM








Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

TRAO TẶNG TÀI LIỆU HIỆN VẬT CỦA NSUT - ĐẠO DIỄN NGUYỄN NGỌC BẠCH

  Lời đầu tiên, thay mặt gia đình tôi xin trân trọng cám ơn Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM, Hội Di sản văn hóa TPHCM, Bảo tàng TP.HCM đã nhiệt...