“Ảnh hưởng của mạng xã hội đến lối sống của giới trẻ (lưu tư liệu)

“Ảnh hưởng của mạng xã hội đến lối sống của giới trẻ (trẻ em). Đề xuất giải pháp tư vấn cho thanh thiếu niên trong việc sử dụng mạng xã hội” 
TS Nguyễn Thị Hậu Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM

 1. Thời đại thông tin ngày nay đã tạo những điều kiện và cơ hội cho con người giao lưu, liên kết, chia sẻ những sở thích, sự quan tâm, những ý tưởng, những việc làm bằng các phương tiện truyền thông hiện đại – nhất là sự phát triển ngày càng đa dạng của internet, trong đó có các mạng xã hội. Sự xuất hiện với những tính năng đa dạng, nguồn thông tin phong phú, mạng xã hội đã cho phép người dùngtiếp nhận, chia sẻ và chọn lọc thông tin một cách có hiệu quả, vượt qua trở ngại về không gian và thời gian, vượt qua khoảng cách giữa các thế hệ. Nó giúp nâng cao vai trò của mỗi công dân trong việc tạo lập quan hệ và tự tổ chức xoay quanh những mối quan tâm chung trong những cộng đồng thúc đẩy sự liên kết các tổ chức xã hội . Do chức năng đa dạng và sự gia tăng ngày càng nhanh số lượng thành viên, mạng xã hội đã có tác động làm thay đổi nhiều thói quen cũ và hình thành những biểu hiện mới của tư duy, lối sống, văn hóa… ở một bộ phận khá lớn những người sử dụng. Với sự phát triển ngày càng nhanh chóng và hiện đại của mạng xã hội, xu hướng mới của xã hội công nghệ thông tin đã đặt ra những câu hỏi khá lý thú nhưng cũng rất phức tạp về việc quản lý các mạng xã hội ảo như thế nào ? Làm sao để phát huy được mặt tích của loại tổ chức “ảo” phục vụ cho xã hội “thực”, nhất là đối với giới trẻ? 

 2. Đầu tiên có thể nhận thấy những ảnh hưởng của mạng xã hội đến lối sống giới trẻ hiện nay, thông qua việc tìm hiểu nhu cầu, mục đích và các hình thức sử dụng mạng xã hội của họ. Mặt tích cực của mạng xã hội, những tiện ích mà nó mang lại cho cộng đồng như sử dụng mạng xã hội trong học tập, giao tiếp và tìm kiếm cơ hội nghề nghiệp. Những thành viên trong các mạng xã hội liên kết hợp tác với nhau thành các nhóm người có cùng sở thích, cùng sự quan tâm, cùng ý nguyện có thể gặp gỡ, trao đổi trên mạng rồi tiến tới sinh họat offline, nhiều nhóm cộng đồng có tính chất tích cực từ “mạng ảo” đã xuất hiện trong “đời thực” như tổ chức các hoạt động từ thiện nhân những ngày Lễ Tết, giúp đỡ trẻ đường phố, tổ chức những sinh hoạt văn hóa lành mạnh; nhóm các bà mẹ trẻ trao đổi kinh nghiệm nuôi dạy con cái; nhiều nhóm chia sẻ sở thích du lịch kết hợp việc làm từ thiện ở vùng cao biên giới hẻo lánh; những nhóm quan tâm đến các vấn đề lịch sử văn hoá Việt Nam, lập diễn đàn trao đổi tranh luận, những nhóm tìm về các giá trị văn hoá cổ xưa như đồ cổ sách cũ, chưa kể nhiều nhà văn nhà thơ đã sử dụng mạng xã hội để trực tiếp đưa tác phẩm đến với bạn đọc, qua sự tương tác với bạn đọc để hoàn chỉnh tác phẩm của mình… Nhiều cuộc trao đổi tranh luận quanh các vấn đề chính trị - xã hội cũng đã giúp nâng cao nhận thức của người dân về nhiều mặt. Nhiều phong trào mang ý nghĩa lớn lao như tuyên truyền về Biển – Đảo Việt Nam cũng thông qua nhiều mạng xã hội để đến với giới trẻ. Đây chính là những tác động tốt mà mạng xã hội mang lại. Mạng xã hội, tuy rất rộng lớn,đa dạng và phức tạp nhưng cũng chính là cái màng lọc mà mỗi thành viên của nó có thể sử dụng để tìm ra những gì phù hợp với sở thích, khả năng, suy nghĩ và hành động của mình. Nó làm cho mỗi người rèn luyện khả năng chọn lựa thông tin, từ đó góp phần không nhỏ vào việc hình thành và phát triển ý thức xã hội của công dân, bởi vì nó tạo điều kiện cho các thành viên bày tỏ thái độ và hành động vì cộng đồng, qua đókhuyến khíchtinh thần trách nhiệm cá nhân với thái độ và hành động của chính mình.

 Bên cạnh những mặt tích cực thìviệc sử dụng mạng xã hội cũng gây không ít “phiền toái” cho người dùng đặc biệt là những người trẻ, phổ biến nhất là đã làm nảy sinh biểu hiện “nghiện” mạng xã hội ở một số thành viên như tiêu tốn thời gian “lướt mạng” truy cập và tìm kiếm những thông tin vô bổ, thậm chí có hại; chơi game online bất kể giờ giấc và nhiều người sa vào những game bạo lực, khiêu dâm... Mạng xã hội còn tiềm ẩn nguy cơ khi những thông tin, nội dung, hình ảnh riêng tư được đưa lên mạng để chia sẻ với người thân, bạn bè… nhưng vô tình bị kẻ xấu lợi dụng và sử dụng vào mục đích xấu, hoặc là người sử dụng mạng xã hội chưa có ý thức, vô trách nhiệm trong việc đưa thông tin xấu lên mạng gây ảnh hưởng không tốt đến suy nghĩ của một bộ phận cư dân mạng và dư luận xã hội. Những cá nhân dễ “nổi tiếng” nhờ mạng xã hội nhưng cũng dễ bị mạng xã hội “ném đá”, vùi dập nhân cách, có khi dẫn đến những tai hoạ khôn lường. Sự tương tác tức thời và “không biên giới” của thế giới mạng có sức quyến rũ mê hoặc ghê gớm đồng thời là một sức mạnh có thể“hủy diệt”một cá nhân chỉ trong chốc lát. Thế giới mạng như một tấm gương của cuộc sống, chỉ có điều cần lưu ý, nó là tấm gương phóng đại nhiều lần những tốt đẹp hay xấu xa của mỗi con người, của một xã hội.

 3. Chính vì vậy, để có thể quản lý, giáo dục, hướng dẫn việc sử dụng mạng xã hội cho giới trẻ, hướng đến những hành vi và lối sống tốt đẹp, có ích cho bản thân và cho cộng đồng thìđầu tiên, nền tảng đạo đức, lối sống của gia đình, ảnh hưởng của môi trường sống, trình độ nhận thức về văn hóa xã hội của người lớn… là những nhân tố quan trọng giúp giới trẻsử dụng mạng xã hội một cách tích cực. Một kinh nghiệm mà nhiều bậc cha mẹ, thầy cô đã sử dụng trong việc tư vấn cho con em mình khi tham gia mạng xã hội, đó là bản thân người lớn cũng cần có sự hiểu biết về mạng xã hội, cần biết sử dụng mạng xã hội với những tiện ích của nó cho công việc, cho giải trí lành mạnh,không nên phê phán bừa bãi hay chỉ lên án những tiêu cực của mạng xã hội mà cấm đoán giới trẻ... Khi người lớn đã không biết sử dụng một tiện ích phổ biến của cuộc sống hiện đại lại còn nói bừa nói ẩu thì không thể thuyết phục, tư vấn cho trẻ. Bởi vì để có thể tận dụng và phát huy những lợi ích tích cực mà mạng xã hội đem lại, tự hạn chế và loại bỏ những tiêu cực do số ít thành viên mạng xã hộigây rathì người sử dụng cũng cần có trải nghiệm thực tế và“tích luỹ kinh nghiệm”. Các bậc cha mẹ cũng nên tham gia các mạng xã hội để có thể quan sát sinh hoạt của con em trong môi trường đó, tạo điều kiện cho con em chia sẻ tâm sự những điều khó có thể trực tiếp nói chuyện với nhau, có thể cùng bàn luận các vấn đề xã hội, tạo điều kiện cho con em trao đổi bộc lộ nhận thức...Khi người lớn tư vấn cho giới trẻ bằng chính kinh nghiệm của mình thì có tác dụng tốt nhất và hiệu quả nhất. 

 4. Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của Internet,với những tiện ích của mạng xã hội và tốc độ người tham gia vào mạng xã hội của cư dân mạng, có thể thấy rằng, xu hướng phát triển của mạng xã hội sẽ ngày càng phát triển và thu hút ngày càng lớn, rộng hơn những cư dân tham gia. Trong thời gian vừa qua Bộ TTTT đã ban hành nhiều văn bản về quản lý nhà nước đối với các mạng xã hội nói riêng và quản lý hoạt động Internet nói chung. Trong những văn bản này đã đề cập đến vai trò của từng đối tượng: Nhà Nước; tổ chức/ doanh nghiệp (doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mạng xã hội trực tuyến) và cá nhân (chủ trang blog). Nhìn chung các văn bản này nhằm mục đích tạo điều kiện cho việc quản lý của các cơ quan chức năng nên đã đặt Internet và mạng xã hội ở thế “đối lập” với nhiều tác hại, tiềm ẩn nhiều nguy cơ…mà chưa thực sự nhìn thấy lợi ích và khuyến khích, hướng dẫn những người sử dụng Internet và mạng xã hội phát triển theo hướng lành mạnh. Do đó khi triển khai vào thực tiễn gặp không ít khó khăn, thậm chí không phù hợp. Bên cạnh nhiều biện pháp kỹ thuật và quản lý hành chính nặng về “chống”mà các các cơ quan quản lý đã đề ra, chúng tôi cho rằng việc “xây” một thế giới mạng lành mạnh, tốt đẹp khó khăn hơn, bởi vì trong thế giới ảo, việc quản lý về mặt kỹ thuật không hề dễ dàng do tiến bộ kỹ thuật luôn đi nhanh hơn văn bản quy phạm của nhà nước. Vì vậy, để thực sự có hiệu quả đối với xã hội, những văn bản quản lý cần chú ý tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức và cá nhân sử dụng internet và mạng xã hội như một công cụ hữu ích cho công việc và sinh hoạt, cho sự phát triển của xã hội công dân – nền tảng của một xã hội thực sự dân chủ… Chính trong môi trường Internet và mạng xã hội, việc giáo dục từ phía gia đình và xã hội sẽ có tác dụng tích cực hơn cho giới trẻ. Hơn nữa trình độ nhận thức của phần đông những người sử dụng Internet và mạng xã hội ở nước ta không hề thấp kém, họ là những người biết cách ứng xử nghiêm túc, thích hợp trên mạng. Những cá nhân ứng xử thiếu văn hóa, không phù hợp luôn nhận được sự phê phán, thậm chí bị tẩy chay, từ cộng đồng mạng xã hội. 

Cũng như nhiều thành tựu khoa học kỹ thuật khác, mạng xã hội được sáng tạo và phát triển là nhằm phục vụ lợi ích của xã hội, tuy nhiên sử dụng nó như thế nào thì sẽ chịu tác động tích cực hay tiêu cực, điều đó phụ thuộc vào mỗi con người. Không thể phủ phận những mặt tích cực mà mạng xã hội đã mang lại, vì nó giúp thế giới “phẳng hơn, nhỏ hơn, gần hơn”. Qua đó con người nhận biết, tiếp thu, nâng cao được tầm hiểu biết, tri thức, kiến thức. Có lẽ đây là một đặc trưng quan trọng của xã hội hiện đại– xã hội thông tin mà mạng xã hội chỉ là một trong những công cụ. Trong xã hội thông tin này, nếu giới trẻ hôm nay nắm vững được công cụ hữu ích này sẽ trở thành chủ nhân của một đất nước vững bước hội nhập vào thế giới toàn cầu ngày mai.

 ( Tháng 9/2013)

1 nhận xét:

  1. Viết theo đề nghị của CV này:

    QUỐC HỘI KHÓA XIII
    ỦY BAN VĂN HÓA, GIÁO DỤC,
    THANH NIÊN, THIẾU NIÊN VÀ NHI ĐỒNG

    Số: 866 /UBVHGDTTN13
    V/v mời viết bài cho Tờ tin số 12

    Hà Nội, ngày 28 tháng 8 năm 2013

    Kính gửi: TS. Nguyễn Thị Hậu
    Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh

    Nhằm cung cấp cho đại biểu dân cử những thông tin cần thiết về công tác xây dựng pháp luật, đề xuất chính sách liên quan đến trẻ em và việc thực hiện quyền trẻ em thông qua hoạt động của đại biểu dân cử và các ngành chức năng; Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội xuất bản Tờ tin “Đại biểu dân cử với trẻ em” số 12 phục vụ đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh.
    Thường trực Ủy ban trân trọng kính mời đồng chí viết bài cho Tờ tin với nội dung:
    “Ảnh hưởng của mạng xã hội đến lối sống của giới trẻ (trẻ em). Đề xuất phải pháp tư vấn cho thanh thiếu niên trong việc sử dụng mạng xã hội”

    Trả lờiXóa

160 NĂM THẢO CẦM VIÊN SÀI GÒN

  https://nguoidothi.net.vn/160-nam-thao-cam-vien-sai-gon-42825.html   Nguyễn Thị Hậu Thảo cầm viên Sài Gòn là một không gian công cộng và...