KHI SÀI GÒN BỊ "TRỌNG THƯƠNG"

 Vừa qua hai tuần giãn cách căng thẳng vì bùng phát mấy ổ dịch lớn ở Gò Vấp, Hóc Môn, TP. HCM tiếp tục giãn cách 2 tuần nữa vì hầu như tất cả các quận huyện đều đã phát hiện người nhiễm covid-19, thậm chí có nơi đã xuất hiện những nhóm người và chuỗi lây nhiễm lớn. Từ hai năm qua, trong cuộc chiến chống covid-19 của cả nước, chưa bao giờ Sài Gòn đứng trước nguy cơ “vỡ trận” như lần này.

            Những ngày này Sài Gòn rất vắng, nhưng không phải sự vắng lặng yên tĩnh của ngày lễ tết khi hàng chục ngàn người trở về quê nghỉ ngơi, mà là biểu hiện của một thành phố bị mất đi sức sống sôi động vốn có. Tình trạng “trọng thương” này có lẽ Sài Gòn chỉ bị vài lần trong lịch sử, gần nhất là thời kỳ “cải tạo” và đưa hàng loạt người thành phố đi “kinh tế mới” ngay sau năm hòa bình đầu tiên. Còn bây giờ, các công sở giảm số người làm trực tiếp chuyển qua làm việc online, nhiều công ty cho nhân viên làm việc ở nhà, những nhà máy lớn còn cho công nhận ở tập trung trong nhà máy, giảm đi lại để hạn chế nguy cơ tiếp xúc, lây nhiễm, phần lớn người dân tự giác ở nhà khi không có việc thật cần thiết phải ra đường... Tình trạng giãn cách đồng thời làm tăng sự khó khăn cho cuộc sống vì Sài Gòn là đất làm ăn, nhiều người sống ở Sài Gòn một ngày có việc là một ngày có ăn, một ngày ngưng làm là một ngày thiếu đói, dù chỉ là việc đơn giản nhưng không thể thiếu ở một đô thị lớn như mua bán ve chai, phụ hồ, bán hàng rong, các loại dịch vụ cá nhân...

Ở đâu cũng nhận thấy tình trạng này. Đầu hẻm nhà tôi là một siêu thị nhỏ, bên ngoài thường có mấy chị đi xe đạp chở theo hành tỏi, trái cây hay vài thứ đồ lặt vặt để bán cho mấy bà mấy cô đi siêu thị tiện mua luôn. Mọi bữa thấy các chị treo trên xe một hộp cơm hay hộp bún, mì xào để ăn trưa, nhưng cả tuần nay chỉ thấy một ổ bánh mì không hay hai ba củ khoai lang tím... Người đi siêu thị cũng vắng hơn, có mấy ai ghé mua hàng rong nữa... Bước chân ra đường thấy những quán cà phê, tiệm ăn trên các con đường cũng tạm nghỉ mà chưa biết lúc nào được bán lại. Ông bà già, trẻ em, người tàn tật bán vé số trơ trọi dưới nắng, chẳng còn ai ngồi quán xá mà vẫy tay mua giùm. Đằng sau những hàng quán đóng cửa, đằng sau những con đường vắng vẻ là bao nhiêu gia đình, bao nhiêu con người lao đao vì chưa dính bệnh đã phải chịu thiếu đói, mặc dù người Sài Gòn vẫn tự trào “đường hết kẹt xe thì ta lại kẹt tiền!”

Năm ngoái cũng trong tình hình dịch bệnh nhưng thành phố đã có nhiều cây “ATM gạo” cứu đói khẩn cấp cho những xóm nghèo, cho người cơ nhỡ. Người dân góp tiền góp gạo nấu những bữa cơm giúp bệnh viện, giúp khu vực nhiều người “đứt bữa” vì thiếu việc làm... Năm nay phong trào này không rầm rộ như năm ngoái, tuy vẫn có một số cá nhân và nhóm tình nguyện nấu cơm chia sẻ từng bữa cho bà con nghèo. Qua gần hai năm chống chỏi với tình trạng làm ăn vô cùng khó khăn, “sức người có hạn” huống chi một thành phố lớn với bao nhiêu lo toan và nghĩa vụ thì càng dễ bị tổn thương.

Thấu hiểu những khó khăn của Sài Gòn, nhiều người đã chia sẻ bằng cách này cách khác. Ca sĩ Hà Anh Tuấn với tâm sự “sống đúng như Sài Gòn đã dưỡng dạy” – đã góp gạo, trứng gà và dầu ăn cho nhiều bếp ăn từ thiện trên địa bàn TP.HCM với mong muốn lan tỏa thông điệp “Sài Gòn cùng nhau nấu cơm” để giúp đỡ những người có hoàn cảnh sống khó khăn. Bao nhiêu người bạn nơi xa, qua facebook đã gửi những lời động viên, tình yêu đến Sài Gòn và luôn cầu chúc Sài Gòn sớm bình an. “Rằng qua cơn hoạn nạn mới hiểu được lòng nhau” tình nghĩa đồng bào luôn là như vậy.

Nhưng, với trách nhiệm và nghĩa vụ của nhà nước thì cần lắm một chính sách khẩn cấp và thiết thực ứng phó cho thành phố. Có thể coi đây là một trường hợp “thiên tai” để có thể trợ giúp ngay hàng chục ngàn người thiếu đói, cũng như cung cấp cho người làm việc tại các bệnh viện và nơi cách ly có được những bữa ăn đủ chất, bổ dưỡng, đồ dùng trang thiết bị cần thiết, ưu tiên đảm bảo sức khỏe cho tuyến đầu chống dịch! Cần lắm, tiền hỗ trợ được phát ngay tận tay người dân, gạo hỗ trợ cần được đưa về từng gia đình, từng khu vực... Đừng để chỉ có “lá không lành đùm lá rách nát”, đừng để sau cơn “cảm cúm” nặng thành phố biến thành một cơ thể tàn tạ vì không đủ khả năng phục hồi!

Tôi vẫn luôn tin Sài Gòn của tôi, của chúng ta sẽ vượt qua cơn đại dịch, nhưng chúng ta sẽ vững vàng hơn khi được sự đồng hành của tình nghĩa đồng bào cả nước và trách nhiệm thiết thực của chính phủ.

 Sài Gòn 15.6.2021

Nguyễn Thị Hậu

 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

TRAO TẶNG TÀI LIỆU HIỆN VẬT CỦA NSUT - ĐẠO DIỄN NGUYỄN NGỌC BẠCH

  Lời đầu tiên, thay mặt gia đình tôi xin trân trọng cám ơn Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM, Hội Di sản văn hóa TPHCM, Bảo tàng TP.HCM đã nhiệt...