MỘT NGƯỜI TRẺ ĐI SUỐT NGÀN NĂM



Tôi biết Trần Quang Đức qua Facebook từ vài năm trước, qua những bài viết khoa học ngắn gọn mà nhiều thông tin về lịch sử, về chữ Hán, Nôm… lĩnh vực khá gần với chuyên môn của tôi là khảo cổ học. Rồi vào một ngày tháng ba ấm áp, lần đầu tiên chúng tôi gặp nhau ở Hà Nội, cuộc trò chuyện xoay quanh công trình Ngàn năm áo mũ lúc ấy còn chưa được xuất bản.
Trần Quang Đức mang đến cho tôi nhiều bất ngờ thú vị.

Quen nhìn gương mặt khá già dặn của anh trên facebook, tôi ngạc nhiên khi biết Trần Quang Đức còn rất trẻ. Anh sinh năm 1985 tại Hải Phòng. Năm 2004 khi đang là sinh viên năm thứ nhất Đại học quốc gia Hà Nội, anh đạt giải nhất cuộc thi Cầu Hán Ngữ lần thứ 3 cho sinh viên chuyên ngành tiếng Hán trên toàn thế giới. Nhận học bổng của Trung quốc, anh theo học tại Đại học Bắc Kinh và tốt nghiệp năm 2009. Năm 2010 Đức về nước làm việc, bắt tay nghiên cứu và viết công trình Ngàn năm áo mũ, cùng đó anh còn dịch sách văn học mà tác phẩm gần đây được nhiều bạn đọc yêu thích là Trường An loạn (nguyên tác của Hàn Hàn – một tác giả nổi tiếng của Trung Quốc cũng ở lứa tuổi 8x như Trần Quang Đức). Đến nay Ngàn năm áo mũ đã xuất bản và in đến 3500 bản, một con số đáng mơ ước của loại sách nghiên cứu khoa học. Như vậy là tốt nghiệp đại học chỉ mới 3 năm nhưng Trần Quang Đức đã có một số “vốn”tác phẩm khá đầy đặn, điều mà nhiều người nghiên cứu có thâm niên trong các Viện, Trường cũng chưa có được.

Lịch sử và những vấn đề văn hoá Việt Nam là niềm say mê của Trần Quang Đức mà anh mới chỉ “giải toả” phần nào trong công trình Ngàn năm áo mũ. Dường như ngàn năm quá khứ luôn sống trong anh từ nguồn sử liệu phong phú, đa dạng mà anh đã tích luỹ qua những năm đại học, thu nhặt trên những chặng đường điền dã từ Bắc vào Nam. Đọc sách của anh đã thú vị bởi văn phong mang hơi hướng cổ văn nhưng rất dễ hiểu, gãy gọn, thậm chí còn mượt mà nữa. Nhưng còn thú vị hơn khi nói chuyện cùng anh. Phong cách sôi nổi và hóm hỉnh, nụ cười tươi của anh đã làm cho những tài liệu ghi chép khô khan trở nên sinh động, anh phác dựng lại một sự kiện hay nhân vật lịch sử thì tất cả bỗng trở nên gần gũi như những con người những sự việc ta vẫn gặp hàng ngày. Nghe Trần Quang Đức kể về vua Trần Nhân Tông đối đáp với hoàng đế nhà Nguyên qua thư từ, cách hành xử rắn mềm của ông với sứ thần Nguyên và đám hàng binh bại trận Ô Mã Nhi… mới thấy cái gọi là “bản sắc truyền thống”được thể hiện ngay trong mỗi sự kiện lịch sử và từ những nhân vật lịch sử. Do đó, lịch sử là một phần quan trọng của văn hoá dân tộc, ngược lại, văn hoá với tất cả góc nhìn đa chiều cho phép ta nhìn về lịch sử một cách toàn diện hơn.

Có thể nhận thấy Trần Quang Đức có được một nền học vấn chuyên môn vững chắc, nhờ vậy anh dễ dàng link những tư liệu từ lĩnh vực này qua lĩnh vực khác để tìm ra mối liên hệ sâu xa giữa chúng, từ đó nhận biết bản chất của hiện tượng lịch sử thể hiện qua yếu tố trang phục, nhất là trang phục cung đình. Ngàn năm áo mũ của anh còn là ngàn năm bảo vệ độc lập quốc gia, đồng thời cũng là ngàn năm tự chủ về văn hoá bằng phương thức Đại đồng mà Tiểu dị về văn hoá trong “thế giới” Á Đông Hoa hoá mạnh mẽ. Hướng tiếp cận lịch sử từ lĩnh vực mới mẻ qua sự mô tả và diễn dịch của Trần Quang Đức trong Ngàn năm áo mũ không chỉ nói về lịch sử trang phục (chủ yếu là trang phục cung đình), mà còn khơi gợi nhiều hơn các vấn đề lịch sử - văn hóa Việt Nam.

Trong buổi giao lưu với độc giả Ngàn năm áo mũ ở Cà phê thứ Bảy tại TP Hồ Chí Minh, bà Tôn Nữ Thị Ninh đã tỏ ý mong muốn Trần Quang Đức sẽ tiếp tục con đường học vấn cao hơn, bởi vì những khả năng mà anh thể hiện, và vì anh còn rất trẻ! Với sức trẻ và sự say mê lịch sử văn hoá, Trần Quang Đức mang lại niềm hy vọng về thế hệ mới những người viết sử và những bộ sử được ghi chép một cách hiện đại, khoa học, trung thực nhưng đồng thời luôn hấp dẫn, giúp người đọc yêu thích hơn lịch sử nước nhà.

Có lần Đức nói với tôi: dịch sách văn học để “lấy ngắn nuôi dài” khi mà mức lương người mới vào làm việc nhà nước như Đức quá thấp; độc thân sống không đủ nữa là còn vợ, con. Nghiên cứu một công trình như Ngàn năm áo mũ mất 3 năm mà thù lao tính ra mỗi tháng cũng chưa bằng lương cơ bản. Nhưng vẫn cần làm và phải làm, bên cạnh những bài tạp chí, tham luận khoa học mang tính hàn lâm dành cho người nghiên cứu, nếu công trình được xuất bản thì cần viết sao cho nhiều người thích đọc. Làm sao phải bán được sách, không bán được sách thì ai sẽ xuất bản sách này? Sách khoa học mà không ai đọc thì mình nghiên cứu cho ai, để làm gì?

Ẩn sau nụ cười tươi và tính tình hồn hậu của Trần Quang Đức là một hướng đi đã được xác định rõ ràng: đưa khoa học đến với cộng đồng, bởi vì hiệu quả của nghiên cứu khoa học không chỉ ở kết quả đánh giá của giới nghiên cứu mà còn là của công chúng. Khi nhà khoa học góp phần nâng cao sự hiểu biết của xã hội cũng là lúc họ “hoàn lại” những gì họ đã nhận được từ xã hội.

Nguyễn Thị Hậu

(Người Đô thị số 2 ra ngày 25/9/2013)

2 nhận xét:

  1. Ồ, bây giờ em mới bit tác giả của NGàn năm áo mũ trẻ dư này. Quả là tài giỏi :)

    Trả lờiXóa
  2. Nhận xét này đã bị quản trị viên blog xóa.

    Trả lờiXóa

160 NĂM THẢO CẦM VIÊN SÀI GÒN

  https://nguoidothi.net.vn/160-nam-thao-cam-vien-sai-gon-42825.html   Nguyễn Thị Hậu Thảo cầm viên Sài Gòn là một không gian công cộng và...