BÀI VỀ ĐÀ LẠT 3. Quy hoạch Đà Lạt: "Đề bài" phải là của chính quyền chứ không phải của nhà đầu tư

Tạp chí Khám phá đã có cuộc trao đổi ngắn với TS Nguyễn Thị Hậu, nhà nghiên cứu văn hóa, khảo cổ học về bản quy hoạch khu trung tâm Đà Lạt.
@ Dưới góc nhìn bảo tồn - phát triển, bà đánh giá thế nào về đồ án quy hoạch Khu trung tâm Hoà Bình - Đà Lạt?
- Nói đến một đô thị, nhất là những đô thị hình thành vào thời kỳ cận - hiện đại thì di sản đô thị có một vị trí đặc biệt, bởi vì đó là những “dấu chỉ” để nhận diện đô thị, đồng thời cũng là những “cột mốc” phản ánh quá trình lịch sử của đô thị.
Khu vực trung tâm - nơi có vị trí đắc địa của đô thị - thường xây dựng các công trình quan trọng về chính trị, xã hội, công trình công cộng... luôn là “điểm nhấn” của đô thị, quen thuộc với nhiều thế hệ cư dân, tạo ấn tượng mạnh với du khách.
Trải qua thời gian khu vực trung tâm trở thành “di sản đô thị” vì đã tích lũy trong nó 3 giá trị to lớn. Thứ nhất là giá trị lịch sử (bằng chứng giai đoạn khởi đầu hoặc giai đoạn phát triển mới của đô thị, có thể là “chứng tích” của nhiều sự kiện lịch sử), trở thành “ký ức đô thị”, mang tính chất “không gian thiêng”.
Thứ hai là giá trị văn hóa - xã hội vì là “không gian cộng đồng” đặc trưng và quen thuộc nhất của đô thị, có những công trình tiêu biểu về kiến trúc, nghệ thuật...
Thứ ba là giá trị khoa học, là “không gian sáng tạo” vì các công trình kiến trúc hay quy hoạch cảnh quan mang dấu ấn của một thời đại.
Những giá trị này góp phần quan trọng tạo nên bản sắc đô thị. Chính vì vậy hầu hết các quốc gia đều coi trọng việc bảo tồn cảnh quan kiến trúc khu vực trung tâm các đô thị. Đồng thời với tích lũy giá trị lịch sử văn hóa khu vực trung tâm đô thị cũng tích lũy giá trị kinh tế (bao gồm đất đai, thương nghiệp). Nguồn “vốn xã hội” bắt nguồn từ giá trị lịch sử - văn hóa vì không có những yếu tố đó thì khu vực này không thể trở thành “trung tâm” để ngày nay có giá trị kinh tế cao.
“Hiện đại hóa” đô thị bằng cách thay đổi diện mạo khu vực trung tâm, hủy hoại nhiều yếu tố di sản đô thị, thực chất là chỉ là kiếm lợi trước mắt mà không biết bảo toàn “nguồn vốn”. Phá hủy di sản là hủy hoại nguồn vốn, cũng như phá hoại đầu nguồn sông thì đồng bằng sẽ chết dần. Từ góc độ bảo tồn và phát triển, với một đô thị đặc sắc như Đà Lạt, bản quy hoạch trung tâm thành phố (khu Hòa Bình) như vậy theo tôi là không phù hợp vì phát triển còn phải là bền vững, lâu dài chứ không chỉ là xây dựng công trình hiện đại.
@ Như vậy, đó không chỉ là khu trung tâm của Đà Lạt mà còn là một khu vực có tính cộng đồng cao và cũng là trung tâm của một đô thị di sản. Được biết, bản quy hoạch do một Công ty cổ phần đầu tư địa ốc tài trợ. Bà có ý kiến gì về vấn đề này không?
- Trong quá trình phát triển đô thị việc các chủ đầu tư tham gia xây dựng cơ sở hạ tầng, nhà ở, công trình công cộng... là bình thường, thậm chí tham gia những dự án lớn, hình thành các khu đô thị mới, kể cả tài trợ quy hoạch một khu vực... Tuy nhiên, vấn đề ở chỗ chính quyền, nhà quản lý “ra đề bài” thế nào cho nhà đầu tư chứ không phải là ngược lại! Nếu chính quyền không nhìn thấy giá trị di sản hoặc cố tình bỏ qua giá trị này mà chỉ hướng đến lợi nhuận kinh tế thì tất yếu dẫn đến việc nhà đầu tư “quy hoạch” xóa bỏ di sản.
Với nhiều nhà đầu tư “lợi nhuận kinh tế” là yếu tố hàng đầu, họ không quan tâm đến việc bảo toàn giá trị lịch sử - văn hóa mà chỉ tận dụng nó dưới góc độ giá trị đất đai. Khu vực di sản được các nhà đầu tư coi là “đất vàng, đất kim cương”. Tài trợ luôn đi đôi với quyền lợi, tài trợ vào đất vàng thì quyền lợi cũng phải tương xứng hoặc hơn!
Lợi ích của nhà đầu tư là “tiền tươi thóc thật ngay và luôn” còn lợi ích của cộng đồng là lâu dài, bền vững, giá trị kinh tế cùng với giá trị tinh thần. Chọn lựa, ưu tiên giá trị và lợi ích nào thể hiện tâm và tầm của chính quyền.
@ Thực tế, có nhiều ý kiến cho rằng Rạp hát Hoà Bình có kiến trúc không còn hợp thời hoặc không còn công năng như ban đầu, cần thay thế. Ngoài ra, khu Hoà Bình (30 hecta) đang quá tải, nhếch nhác, lộn xộn cần phải “dọn dẹp”. Theo bà, nếu buộc phải thay thế để phát triển thì phải nhìn nhận và tiến hành như thế nào cho phù hợp?
- Không thể phủ nhận một điều, trung tâm của nhiều đô thị khá lộn xộn thậm chí nhếch nhác, nguyên nhân chủ yếu là do một thời gian dài công tác quản lý đô thị không tốt, từ quản lý cảnh quan kiến trúc đến quản lý dân cư và các hoạt động đô thị. Những đô thị lớn hay trung tâm du lịch không kịp thích nghi với sự biến đổi nhiều mặt, sức ép phát triển kinh tế lên các đô thị cũng là nguyên nhân của tình trạng này. Các tình trạng trên ở Đà Lạt là do vậy.
Cần giải quyết từ nguyên nhân gốc, tìm ra giải pháp phù hợp cho những khu vực “quá tải, lộn xộn”. Không phải cứ “dọn dẹp, giải tỏa” là sẽ đâu vào đấy (phong trào “dọn dẹp vỉa hè” ở TPHCM năm qua là một ví dụ) mà tùy từng khu vực tính chất khác nhau thì có giải pháp khác nhau. Với khu vực di sản lại càng cần thận trọng vì những giá trị đã nêu trên.
Với di sản đô thị chưa được công nhận là di tích lịch sử văn hoá - như trường hợp khu Hòa Bình trung tâm Đà Lạt, việc định vị và tái định vị giá trị di sản rất quan trọng, cần khẩn trương thực hiện. Việc này phụ thuộc nhiều vào cơ quan quản lý Nhà nước. Tuy nhiên, khi có những ý kiến xuất phát từ các tổ chức xã hội nghề nghiệp, từ phương tiện truyền thông và đặc biệt từ cộng đồng… những chủ thể định vị rõ ràng nhất, công bằng nhất và phù hợp nhất giá trị của di sản đô thị, thì chính quyền cần xem xét lại. Từ đó đưa ra những đồ án quy hoạch khác đảm bảo sự kế thừa và bảo tồn di sản đô thị.
Mỗi thế hệ luôn có vai trò là trung gian gìn giữ di sản cho đời sau, phủ nhận hoặc lạm dụng vai trò đó để hủy hoại di sản, đó là một tội ác.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

TRAO TẶNG TÀI LIỆU HIỆN VẬT CỦA NSUT - ĐẠO DIỄN NGUYỄN NGỌC BẠCH

  Lời đầu tiên, thay mặt gia đình tôi xin trân trọng cám ơn Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM, Hội Di sản văn hóa TPHCM, Bảo tàng TP.HCM đã nhiệt...