MẸ CHỒNG



Tôi gọi bố mẹ chồng bằng cậu, mợ theo tục lệ bên chồng ở Việt Trì, Phú Thọ.

Gia đình tôi sống xa quê chồng. Bchồng tôi các anh em đã có lần vô SG nhưng mẹ chồng tôi chưa vào với con cháu lần nào. Nhiều lần chúng tôi mời bà vào chơi nhưng bà chẳng muốn đi đâu “thành phố ồn ào nhức đầu lắm, mợ không thích”, bà luôn trả lời vậy, dù nhà của ông bà bây giờ cũng thuộc thành phố Việt Trì. Ba má tôi đã ra quê thăm ông bà, dù ở những hoàn cảnh khác nhau nhưng ba má tôi và bố mẹ chồng tôi luôn quý trọng nhau và đối đãi rất chân tình, hai bên một lòng yêu thương con cháu. Ông ngoại và ông nội các con mất trước, sau này khi sức khỏe bà ngoại bà nội  yếu đi nhưng mỗi khi chúng tôi về nhà hai bà vẫn thăm hỏi sức khỏe của nhau và mong có dịp được gặp lại.

Mợ (mẹ chồng) tôi rất đẹp, người nhỏ nhắn, da trắng, mặt trái xoan, đôi mắt hiền từ, mái tóc rất dài được vấn trong tấm khăn nhung đen. Bà có hàm răng đen và nụ cười tươi, bà còn thuộc nhiều ca dao, tục ngữ… Trong những bữa ăn quây quần cả gia đình chúng tôi hay trò chuyện tếu táo, bà cười vui vẻ và hay góp câu chuyện, những câu thơ ứng khẩu rất vui. Mợ hay gọi tôi là “thím” như anh chị Cả vẫn gọi, mỗi khi tôi ra thăm mợ lại nhắc chị Cả đi chợ mua cua nấu bún riêu ăn với rau sống – món ăn mà tôi thích nhất mỗi khi về quê. Thỉnh thoảng trên đường công tác tôi cùng bạn bè ghé về nhà, mợ và các anh chị, các em vui vẻ tiếp đón trò chuyện, coi các bạn tôi như con cháu trong nhà.

Khi còn khỏe hàng ngày mợ dậy sớm, đi bộ ra chùa làng cách nhà hơn cây số, thắp hương thờ Phật, trò chuyện với các cụ trong làng, túc tắc ra chợ mua mớ rau, con cá rồi về nhà, cùng chị Cả chăm sóc ruộng lúa, vườn rau, con bò, con lợn, đàn gà. Hồi xưa nhà trồng mấy cây mít rất sai quả, chi chít từ gốc đến ngọn. Có lần mợ gánh ra chợ mấy quả mít rất to, nặng oằn vai... đến trưa lại thấy gánh về vì “rẻ quá, thôi mang về băm cho bò ăn còn hơn”. Mỗi năm tôi về thăm bà hay dúi cho tôi “ít quà cho hai cháu Quyên”, thế nhưng hai cháu mừng tuổi bà hay chúng tôi biếu bà chút ít “ăn giầu” thì bà quầy quậy không nhận, bảo “chú thím ở SG đắt đỏ giữ lấy mà tiêu pha, mợ đã có các bác các chú ngoài này”. Nói mãi bà mới cầm và “bà để dành cho đám cưới hai cháu”.

Tôi ở xa mỗi năm chỉ về “làm dâu” cậu mợ vài ngày, khi ông bà đau yếu toàn các anh chị, các em các cháu chăm sóc ngày đêm, may được cậu mợ và cả gia đình yêu thương thông cảm, tôi hiểu đấy là phúc của ông bà dành cho hai cháu nội ở xa. Mới tháng mười năm 2018 tôi và con gái Mai Quyên ra quê vào ngày giỗ ông, bà còn ngồi chơi với con cháu, mái tóc bạc trắng phải cắt ngắn sau mấy lần ốm nặng nhưng rất mượt mà, các cháu khen bà có “quả đầu model” bà lại cười vui vẻ. Bà còn thích uống cà phê 3 trong 1, uống thuốc rất đúng giờ, ăn ngủ điều độ, minh mẫn, chỉ là sức yếu đi theo tuổi ngày càng cao...

Hơn mười ngày nay bà đã yếu lắm, chúng tôi vẫn hy vọng bà qua được như những lần trước... Nhưng bà đã đi về cõi Phật, về với ông... Ngôi nhà ở Việt Trì giờ đã vắng bóng bà ngồi nơi thềm nhà chờ con cháu về...
Mợ ơi, tối nay con về quê và ngồi với Mợ lần cuối, đứa con dâu ở xa chỉ thỉnh thoảng về quê nhưng trong lòng con và các cháu, Mợ luôn gần gũi và đầy yêu thương... Cầu chúc Mợ luôn thanh thản nơi miền cực lạc. Con và các cháu sẽ luôn nhớ Mợ, Mợ ơi...

Ngày buồn 20.3.2019

Kết quả hình ảnh cho hoa tím


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

DI SẢN LỊCH SỬ - VĂN HÓA CÁC ĐÔ THỊ NAM BỘ NHÌN TỪ GIA ĐỊNH THÀNH THÔNG CHÍ CỦA TRỊNH HOÀI ĐỨC

Vài nét về công trình Gia Định thành thông chí Gia Định thành thông chí ( 嘉定城通志 ) còn có tên Gia Định thông chí ( 嘉定通志 ), là một quyển địa...