BÀI VỀ ĐÀ LẠT 2. Giá trị văn hóa bền vững hay "tiền tươi thóc thật"?


Nguyễn Thị Hậu

 Di sản văn hóa đô thị, có thể hiểu một cách cụ thể, là tập hợp các địa điểm, vị trí, khu phố, các công trình và tập quán mà một xã hội được kế thừa từ quá khứ, muốn bảo tồn và truyền lại cho các thế hệ tương lai.
Khu vực trung tâm các đô thị  thường tập trung nhiều công sở, công trình công cộng mang dấu ấn hình thành và phát triển đô thị. Đó là những công trình nếu chưa đẹp về kiến trúc (theo cách nhìn ngày nay) thì cũng là tiêu biểu của kiến trúc một thời, đồng thời ẩn chứa trong nó biết bao ký ức và câu chuyện về lịch sử và con người đô thị

Câu chuyện khu Hòa Bình – trung tâm thành phố Đà Lạt, theo quy hoạch mới sẽ phá hủy gần hết các công trình xưa, chỉ còn chợ Đà Lạt, nhằm thay mới bộ mặt nhếch nhác, lộn xộn hiện nay. Nhiều nhà chuyên môn về quy hoạch, kiến trúc, bảo tồn... đã lên tiếng không đồng tình với bản quy hoạch mới, vì không thể đánh đổi di sản tích tụ qua quá trình lịch sử lấy sự hiện đại “sang trọng” nhưng vô hồn vì không mang bản sắc Đà Lạt.

Tuy nhiên vẫn có những tiếng nói ủng hộ quy hoạch “hiện đại hóa” vì cho rằng khu Hòa Bình xấu xí, các công trình xuống cấp không có gì đẹp, cần xây mới để phục vụ du lịch, qua đó người dân Đà Lạt cũng có lợi về kinh tế. Thậm chí còn cho rằng, du khách thích check-in ở những công trình mới, hiện đại thì tại sao không “phát triển” để thu hút du khách...
Những ý kiến này cũng có lý vì xuất phát từ nhu cầu kinh tế hiện nay, vì nhu cầu “danh tiếng” càng nhiều càng tốt, vì mong muốn thành phố đẹp hơn theo kiểu hiện đại như nơi khác.

Kinh nghiệm phát triển của nhiều quốc gia đã cho thấy: Bảo tồn di sản đô thị thực chất là “kết quả dàn xếp các xu hướng mâu thuẫn” mà mâu thuẫn lớn nhất là di sản đô thị được coi là tài sản của cộng đồng dân cư nhưng thường bị coi là “gánh nặng” của chính quyền đô thị. Vì thế các thỏa thuận đạt được thường bấp bênh và nhạy cảm một khi có thay đổi dù là rất nhỏ về các giá trị. Khi chính quyền đô thị thực tâm hiểu và coi di sản chính là “nguồn vốn xã hội đặc thù” tham gia vào chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của đô thị thì có thể hạn chế và giải quyết mâu thuẫn này. Kinh tế di sản – khái niệm mới nhưng đồng thời là phương thức giải quyết hài hòa giữa bảo tồn và phát triển – đã được nhiều quốc gia thực hiện thành công, trong đó có những quốc gia có điều kiện lịch sử - xã hội không khác Việt Nam.

 “Tầm nhìn” hướng đến tương lai của một chính quyền đô thị nếu hạn hẹp về không gian trong khu trung tâm “đất vàng” thì việc xây dựng hạ tầng mới, công trình hiện đại sẽ phải phá bỏ những kiến trúc có giá trị lịch sử của đô thị. Nhưng nếu tầm nhìn rộng hơn thì việc mở ra những khu đô thị mới để giải quyết nhu cầu nhiều mặt ngày càng tăng của đô thị là giải pháp phù hợp, chứng tỏ cả tầm nhìn xa hơn về văn hóa. Bởi vì nếu bảo tồn khu vực này đồng thời xây dựng các khu đô thị mới chính là “phát triển bền vững”, bao gồm việc mang lại và làm tăng thêm giá trị đất đai và giá trị văn hóa của những khu vực khác, đồng thời bảo toàn di sản của cha ông cho những thế hệ sau còn được kế thừa.

Từ khoảng 20 năm nay “quá trình hiện đại hóa” đã làm mất đi và biến dạng quá nhiều di sản ở khu vực trung tâm các đô thị, thành phố. Đấy là sự “lấy đi” nguồn vốn xã hội dưới dạng di sản văn hóa, chúng ta sẽ phải trả giá cho sự phá hoại này bằng những thế hệ không quý trọng lịch sử, không tôn trọng tiền nhân, không hiểu biết về vẻ đẹp của sự đa dạng văn hóa bắt đầu từ đa dạng cảnh quan, kiến trúc từng đô thị, những thế hệ “robot” vì chỉ biết check-in cúng facebook với beton kính thép màu mè “hiện đại” như nơi khác mà không hề biết cảm thụ những giá trị văn hóa truyền thống độc đáo.

Phát triển bền vững là “Những thế hệ hiện tại cần đáp ứng các nhu cầu của mình, mà không làm tổn hại đến khả năng của các thế hệ tương lai trong đáp ứng các nhu cầu của họ”… Trong lĩnh vực bảo tồn di sản văn hóa, khái niệm “phát triển bền vững” này hoàn toàn phù hợp. Nó chỉ ra tính cấp thiết của thực trạng “nhu cầu hiện tại” của việc sử dụng di sản văn hóa (vật thể và phi vật thể), vừa chỉ ra nguy cơ các thế hệ tương lai sẽ không thể đáp ứng nhu cầu về di sản văn hóa nếu thế hệ hiện nay không điều chỉnh ngay việc sử dụng di sản văn hóa cho các mục đích kinh tế trước mắt. Xóa bỏ di sản văn hóa là tạo ra sự đứt gãy về lịch sử và văn hóa.

Bản quy hoạch khu Hòa Bình - Đà Lạt lại một lần nữa cho thấy tâm lý “ăn xổi ở thì” trong quản lý và quy hoạch đô thị đang có xu hướng gia tăng. Vai trò quan trọng của chính quyền đô thị là phải có quan điểm rõ ràng về bảo tồn di sản và thực thi bằng cách đưa bảo tồn di sản vào chiến lược phát triển bền vững, qua đó và từ đó, bảo vệ và phát triển những thế hệ con người có tri thức và nhân văn, biết tôn trọng lịch sử và sự đa dạng văn hóa của mỗi cộng đồng, mỗi địa phương.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

TRAO TẶNG TÀI LIỆU HIỆN VẬT CỦA NSUT - ĐẠO DIỄN NGUYỄN NGỌC BẠCH

  Lời đầu tiên, thay mặt gia đình tôi xin trân trọng cám ơn Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM, Hội Di sản văn hóa TPHCM, Bảo tàng TP.HCM đã nhiệt...