Không gian
nào để thở
Nhà tôi ở trong một hẻm nhỏ. Phía ngoài là một
con đường lớn nối trung tâm với ngoại ô lúc nào cũng ồn ào xe cộ, ngay cả nửa đêm thì vẫn có những chuyến xe chở rau trái tươi non
từ các trang trại vùng ven đi vào các chợ trong thành phố. Vậy nhưng hẻm nhỏ
luôn giữ được sự yên tĩnh hiếm có, là nhờ hẻm cụt, chỉ có người ở trong hẻm
ngày đi làm hai lần ra vào mà thôi.
Khoảng chục năm trước trong hẻm chỉ có mấy
villa ẩn khuất sau những tàng cây xanh rậm rạp. Có xoài có mít, có chuối có vú
sữa… mỗi nhà vài cây nhưng lúc nào cũng mát rượi, bước chân vô hẻm như bước vào
một không gian nào khác không phải là một thành phố ồn ào bụi bặm ngoài kia.
Vài năm gần đây mới có thêm nhiều ngôi nhà xây kiểu nhà phố, con cái lớn lên
dựng vợ gả chồng, xây nhà trong đất vườn nhà cha mẹ, nhiều nhà bán “đất nền”
cho người nơi khác đến mua… dân cư trong hẻm đông dần. Hẻm đất được đổ bê tông
rộng rãi hẳn, chiều chiều trẻ em đá bóng, cầu lông, thậm chí buổi tối mấy bà
mấy chị còn đi vòng vòng tập thể dục nữa. Nhà nhiều hơn mái ngói mái bằng nhà
lầu nhà trệt, đất “vườn” ít hơn nhưng màu xanh cây lá lại nhiều lên. Nhà nào
cũng trồng vài cây bông giấy, dàn dây leo, mấy giỏ lan. Ai cũng giữ gìn không
gian yên tĩnh sạch sẽ, nhờ vậy dù người đông hơn nhiều nhưng hẻm vẫn yên bình,
người ra vào gật đầu chào nhau thân thiết...
Mỗi buổi sáng nhìn qua nhà bên thấy trên cây vú
sữa có vài chú sóc đuôi xù chạy thoăn thoắt theo mớ dây điện chăng ngang qua
cây dừa phía bên kia vườn. Hương ngọc lan tràn vào từ khung cửa sổ, mấy chú
chim sẻ tròn quay nhảy lích chích dưới sân… Thiên nhiên sinh động hẳn lên với
sự hiện diện của những sinh vật bé nhỏ và mùi hương trong lành. Không gian sống
của con người nếu thiếu vắng thiên nhiên thì có còn đáng sống?
Thế nhưng chỉ cần bước ra khỏi hẻm thôi là đã
thấy vắng hẳn bóng dáng thiên nhiên. Đường lớn mà luôn chật chội bởi xe cộ lúc
nào cũng như nước tràn bờ, nhà cửa chen chúc bảng hiệu, hàng hóa bán buôn. Lề
đường mới được mở rộng nhưng hàng cây cổ thụ đã bị chặt hết để… trồng lại những
cây chỉ cao hơn đầu người còn chằng chống xung quanh. Giữa cái nắng cái gió cái
bụi và có lẽ cả cái ồn ào, thấy thương những cây non phải trân mình chịu đựng.
Nhà cao tầng san sát biến đường thành “hẻm”,
trước sau chỉ thấy tường kính bê tông, muốn nhìn xa hơn chỉ còn cách ngước lên
mảnh trời xanh cao tít trên kia. Vậy nhưng cả tháng nay tầm nhìn lên trời cũng
bị che nốt bởi hàng trăm dây trang trí chăng ngang đường, đèn nhấp nháy với
những bông hoa mai bằng nhựa to như cái mâm, nặng nề đè bẹp cả dòng người xe
phía dưới.
Thành phố đến dịp lễ lạc là như vậy. Đường Đồng
Khởi hoa chăng kín không để ai nhìn thấy Nhà Thờ Đức Bà, Đường Lê Lợi hoa giăng
chắn hết Nhà Hát Lớn, đường Nguyễn Huệ hoa treo khỏi thấy tòa nhà UBND. Năm
ngoái năm kia là hoa đào rồi hoa sen đỏ rực nhưng chỉ ở khu vực trung tâm. Kiểu
trang trí như vậy đã “lây lan” rất nhanh ra nhiều tỉnh thành khác!
Một lần từ sân bay Nội Bài về Hà Nội. Bác tài
taxi đi đường Lý Thái Tổ đến đầu đường Ngô Quyền bỗng... quay xe, miệng lẩm
bẩm
- Sao mình lại đi nhầm đường nhỉ?.
Tôi hỏi - sao anh không đi thẳng Ngô Quyền đến Tràng Tiền luôn?
Bác trả lời - Vâng, tôi cũng định đi đường Ngô Quyền mà lại nhầm.
- Nhầm đâu, đường Ngô Quyền đấy thôi!
- Sao trông khác thế, nhận không ra?!
Hóa ra vì những chùm đèn xanh xanh đỏ đỏ treo kín phía trên con đường, kín hai hàng cây. Không còn nhìn thấy Tòa nhà Bắc bộ phủ đẹp thế, những khách sạn sang trọng hai bên đường chìm hẳn dưới ánh đèn màu nhấp nháy! Đường Tràng Tiền, Tràng Thi cũng vậy. Tiếc nhất là Nhà hát Lớn hoàn toàn bị những hoa hòe chắn ngang tầm mắt, mà đó là "điểm nhấn" đẹp nhất của cả khu vực này.
- Sao mình lại đi nhầm đường nhỉ?.
Tôi hỏi - sao anh không đi thẳng Ngô Quyền đến Tràng Tiền luôn?
Bác trả lời - Vâng, tôi cũng định đi đường Ngô Quyền mà lại nhầm.
- Nhầm đâu, đường Ngô Quyền đấy thôi!
- Sao trông khác thế, nhận không ra?!
Hóa ra vì những chùm đèn xanh xanh đỏ đỏ treo kín phía trên con đường, kín hai hàng cây. Không còn nhìn thấy Tòa nhà Bắc bộ phủ đẹp thế, những khách sạn sang trọng hai bên đường chìm hẳn dưới ánh đèn màu nhấp nháy! Đường Tràng Tiền, Tràng Thi cũng vậy. Tiếc nhất là Nhà hát Lớn hoàn toàn bị những hoa hòe chắn ngang tầm mắt, mà đó là "điểm nhấn" đẹp nhất của cả khu vực này.
Giá mà thay thế những dây hoa lòe loẹt giống
hệt nhau khắp các con đường bằng việc chiếu sáng nghệ thuật từng công trình
kiến trúc tiêu biểu thì Hà Nội thì sẽ đẹp và sang trọng biết bao nhiêu! Nhưng
không, trang trí bao năm nay vẫn là kiểu "đẹp tập thể", nhất định
không cho "cá nhân" nào đẹp một mình.
Hóa ra bây giờ ở đô thị, muốn “nhìn xa” hơn,
thật hơn có khi lại phải chui vào trong hẻm. Vì hẻm là “của chúng mình” còn
ngoài đường là “của chúng ta”. Của chung tức là… không của ai. Không gian công
cộng dường như biến thành “của riêng” cho những “vẫy vùng” lỏe loẹt và lãng
phí. Khi những cây xanh bị đốn chặt không thương tiếc, khi mỗi năm “đến hẹn
lại… chăng” những đèn những hoa những băng rôn cờ quạt… thì chúng ta phải nhìn
“cái đẹp” giả tạo và già nua trên đường phố. Nhưng hàng cây cổ thụ qua hàng
trăm năm vẫn thế, luôn mang lại sự tươi trẻ mỗi khi chúng ta nhìn thấy nó, được
đi dưới bóng râm và làn gió mát của nó. Sức sống của đô thị là thiên nhiên mà
con người lưu tâm gìn giữ.
Không gian đô thị đã như cái hộp bốn bên kín
mít, còn chút bên trên để thở thì những hoa hòe cờ quạt đã bịt nốt!
Hai
cây tùng trong công viên
Công viên là một ô vuông đất như cái vườn nhỏ nằm giữa những dãy nhà cao
năm tầng lầu, xung quanh là đường nội bộ dẫn ra đường chính lúc nào cũng có thể
kẹt xe.
Là một khoảng lặng trong khu chung cư đông đúc, mỗi sáng mỗi chiều khi mọi
người tấp nập đi lại thì nơi đây vẫn yên tĩnh. Thảm cỏ xanh vài chú chim sẻ
lích chích, cây bàng tán rộng rợp bóng mát cả một khoảng vỉa hè, cây ngọc lan
cao cao, sáng sớm hương hoa vấn vít, vài cây dừa, mấy cây điệp vàng... Mấy chú
sóc nhanh nhẹn chạy từ cành nọ sang cành kia, có lúc còn mạnh dạn xuống đất đứng
nhìn người. Không biết cây cối ai trồng từ lúc nào, đặc biệt có hai cây tùng
vươn cao thẳng tắp, lá xanh ngắt cành nép vào thân, cây trông như mũi tên khổng
lồ. Dân cư ở quanh gọi đây là “công viên hai cây tùng”.
Vỉa hè quanh công viên có vài chiếc ghế đá. Sáng chiều có thêm vài bộ bàn
ghế nhỏ của quán cà phê, khách thích ngồi dưới tán lá xanh có những tia nắng
vàng lọt xuống nhảy nhót... nắng đến đâu bàn ghế kéo dạt đến đấy... rồi giải
tán khi mặt trời lên cao. Khách là các bác hưu trí trông còn trẻ trung, bác gái
bác trai quần ngắn áo thun giày thể thao, tay cầm vợt tennis hay vợt cầu lông,
đi xe máy đến thắng kít trước quán, gạt nhanh chân chống, kéo ghế ngồi ồn ào gọi
nước. Rồi rôm rả chuyện con dâu con rể, chuyện cơ quan cũ, chuyện đi du lịch...
Lại có nhóm các “cụ” chỉ bàn chuyện thời sự, có khi cao giọng cãi nhau về chính
trị trong và ngoài nước.
Có hôm nhóm khác đến ngồi quanh gốc cây tùng. Nhóm này trẻ hơn nhưng “đạo mạo”
ấm trà với đủ cả phích nước ấm chuyên chén tống chén quân, nói nhiều chuyện về
sách vở, thỉnh thoảng thấy khoe nhau sách mới và bàn tán vui vẻ... Trong công
viên còn có những bà nội bà ngoại, vài cô giúp việc ngày nào cũng đưa trẻ xuống
chơi. Thỉnh thoảng xe đạp bán hàng rong đi qua phục vụ các bà nội trợ tận nhà.
Chó ta chó kiểng ở nhà lầu được mang xuống đây đuổi nhau trông vui mắt... Hai
cây tùng cứ đứng đấy, im lặng lắng nghe mọi chuyện, thỉnh thoảng cành lá khẽ
đung đưa ra chiều hiểu biết hết...
Ngày nào cũng thế, công viên hai cây tùng trở thành nơi quen thuộc của nhiều
người... Cho đến một buổi sáng khi mọi người đến đây thấy có gì đó trống trải
là lạ... Nhìn quanh bỗng sững sờ, hai cây tùng cao vút đã biến mất chỉ còn lại
gốc cây bị cưa sát mặt đất nhựa đang tràn ra như nước, những cây điệp cây dừa
cây ngọc lan ngọn chặt ngang tỉa cành trụi lủi. Mới buổi sáng mà công viên đã nắng
gay gắt.
“Sao như vừa qua một trận bom thế này?!” – một bác cựu chiến binh bất bình
kêu lên. Mọi người như bừng tỉnh, nhìn nhau: ủa sao kỳ vậy, hôm qua còn nguyên
mà...? Hỏi thăm và truy mãi mới ra việc sáng sớm nay người ta lợi dụng việc tỉa
cành cây vì mùa mưa bão đã tùy tiện chặt cây mang đi, để lại bãi “chiến trường”
là thảm cỏ khô nước muốn héo, cành cây vương vãi khắp nơi, bầy chim sẻ và những
chú sóc trốn mất tiêu...
Sau đó mấy ngày tôi đi công tác về ghé lại nơi này. Ngồi ở ghế đá bữa trước
còn ẩn dưới gốc tùng, nay thì hai gốc cây đã xám đen mà nhựa vẫn ứa ra tràn trề
như dòng nước mắt trào ra từ đôi mắt bị thương... Quanh công viên thưa hẳn người,
quán cà phê vắng khách... Bọn trẻ ngơ ngác, cả mấy con chó cũng ngơ ngác vì
không nhận ra cảnh vật quen thuộc nữa.
Ở những nơi tôi vừa đi qua, tháng bảy mùa hè cũng nắng gay gắt.
Tất cả công viên lớn nhỏ vẫn xanh mướt bãi cỏ và những
hàng cây, trong thành phố ở đâu cũng có màu xanh từ hàng cây cổ thụ trên vỉa hè
đến những bồn cỏ chậu cây nơi góc phố. Những khu vườn nho nhỏ ở nhà bạn bè đều
có vài ba cây xanh và những cụm hoa, đến cả bệ cửa sổ bậc thềm nhà cũng được đặt
những chậu hoa chậu cây nhỏ... Ra khỏi thành phố là những con đường chạy giữa
hai bên rừng cây xanh ngút ngát. Bạn tôi mới dọn về một ngôi nhà có khu vườn
khá lớn, người của Sở công viên đến nói, nếu bạn muốn trồng cây gì và bao nhiêu
cây thì Sở sẽ đến trồng miễn phí, bạn chỉ cần tưới cây mỗi ngày, nếu thấy có gì
bất thường thì báo họ sẽ đến chăm sóc ngay... Khắp nơi là màu xanh bao phủ như
vậy mà chính quyền và người dân ở đó đã lo lắng và làm nhiều việc để hạn chế
tác hại của “biến đổi khí hậu toàn cầu”. Cây xanh mang con người đến gần thiên
nhiên hơn, phải chăng nhờ vậy con người thân thiện hiền hậu với nhau hơn?
Không nơi đâu có nhiều khẩu hiệu bảo vệ rừng và phong trào trồng cây như ở
nước ta, vậy nhưng dù đã có lệnh đóng cửa rừng vẫn thường xuyên phát hiện lâm tặc
vào triệt hạ, trồng rừng không hề bù đắp được số lượng cây đã bị khai thác. Cây
xanh đô thị hàng chục hàng trăm tuổi bị đốn hạ để mở đường làm cầu, những cây
non bị cắt tỉa sát thân không còn sức sống. Nhà cao tầng san sát những khối bê
tông ngột ngạt... Mỗi năm hè về cả thành phố như bị nung trong lò lửa khổng lồ,
chỉ mưa một trận trên núi thì lũ quét xuống ngay đồng bằng... Thế mà lại vừa có thông tin “Việt Nam là một
trong những nước xuất khẩu đồ gỗ nhiều nhất thế giới”, truyền thông còn hồ hởi
phấn khởi “nước ta phải thành cường quốc về xuất khẩu gỗ”.
Tôi luôn tin cây cối cũng có linh hồn như con người khi nó có đời sống tự
nhiên dài hơn và chứng kiến bao đổi thay của tự nhiên và của chính con người. Tận
diệt thiên nhiên là đã gây “nghiệp” cho cho chính chúng ta và con cháu. Xã hội
ngày càng nhiều tin tức bất an, có khi chỉ vì một cái cớ vụn vặt nào đấy, lẽ
nào không liên quan đến sự tàn phá thiên nhiên?
Dòng nhựa ứa ra từ hai gốc tùng vẫn chưa hết... Nước mắt con người sẽ còn tuôn chảy vì thiên
tai, mà nói cho cùng là hậu quả của chính con người.
Ngồi
ở sân bay
Trong những chuyến đi tôi thường đến sân bay sớm và
ngồi chờ đến giờ bay. Tâm lý đi tàu xe thời bao cấp làm cho tôi có thói quen
luôn sợ trễ giờ. Bây giờ người đi máy bay cũng đông như đi xe đò nên càng củng
cố thêm thói quen đó, dù máy bay lại hay trễ giờ hệt như xe đò ngày xưa.
Những năm 80 của thế kỷ trước khách đi máy bay phần
lớn là công chức và du khách nước ngoài, dân thường ít có dịp đi máy bay vì chỉ
có một hãng VNA, vé đắt và thủ tục khó khăn. Ngày ấy mua vé máy bay đi công tác
ngoài chứng minh thư còn phải có công văn, công lệnh của cơ quan, có khi còn phải
thêm vài chữ viết tay “phê duyệt” ở dưới. Xếp hàng cả ngày đến lượt lại hết vé
đúng ngày mình cần đi, về và phải đang ký “vé chờ” xem có ai không đi thì mình
“lấp chỗ trống”, đương nhiên sẽ đắt hơn. Sau này mới biết có những “vé chờ” là
vé dự phòng cho khách VIP hoặc “tiêu chuẩn” của “người trong ngành”, thế nên có
người nhà làm ở hàng không “oai” hơn người làm ngành thương nghiệp. Nếu nhà ở
xa có việc hiếu hỉ thì phải nhờ cậy qua mấy lượt người quen để mua vé máy bay
trong khi vẫn phải chầu chực mua vé tàu Sài Gòn – Hà Nội vì không chắc có vé…
Cũng là tình trạng chung của thời bao cấp, việc gì cũng phải “nhất thân nhì
quen” vì thiếu thốn và tình trạng cửa quyền phổ biến.
Đi ra sân bay cũng vất vả không kém. Ở Sài Gòn sân
bay gần thành phố nhưng ít taxi, xe bus không có, phải nhờ người nhà chở ra sân
bay bằng xe máy cồng kềnh túi xách, ba lô. Từ Hà Nội đến sân bay Gia Lâm hay
sau này là Nội Bài chưa có đường cao tốc, xe ca “Hải Âu” của hàng không đi con
đường qua làng xóm và những ruộng lúa ruộng rau, ổ gà ổ trâu xóc nảy tung người,
chưa lên máy bay đã có người say xe xanh mặt.
Ở sân bay nghe tiếng loa thông báo cũng lạ, thấy
cánh cửa tự động đóng mở cũng sợ, nhìn sàn nhà lau bóng loáng cũng ngại… Ít người
có thái độ tự tin và tự nhiên, phần lớn ai trông cũng bối rối, tồi tội. Nhà ga
thời đó khá yên tĩnh, chỉ thỉnh thoảng rộ lên khi có chuyến bay đến hay khi có
đoàn người đi xuât khẩu lao động kéo theo những người đưa tiễn. Người đi người
tiễn đều rụt rè và nhếch nhác dù xung quanh là vali hòm xiểng mới toanh.
Chừng từ đầu những năm 2000 (“Sài Gòn cô tiên năm
hai ngàn” – lời hát của thiếu nhi như một ước mơ của thời ấy) đi lại bằng máy
bay dễ dàng hơn: nhiều chuyến bay tuy giá còn cao nhưng dân đi lại thuận tiện
hơn. Rồi hàng không giá rẻ cạnh tranh, rồi
đại lý vé máy bay có khắp các tỉnh thành… Mua vé, thậm chí vé đi nước ngài cũng
chỉ cần alo hay lên mạng tìm kiếm, ứng giá vé thì có người mang đến tận nhà mới
lấy tiền, đổi trả dễ dàng miễn bù thêm tiền. Nhiều người đi công việc bằng máy
bay như đi chợ, sáng Sài Gòn trưa Hà Nội tối đã lại Sài Gòn. Nhiều tỉnh nhỏ
cũng xây sân bay, đi Côn Đảo, Phú Quốc không còn phải lo lắng vì thời tiết xấu
biển động… Việc đi máy bay dễ dàng như đi xe lửa, xe đò.
Nhưng trong khi bến tàu xe trở nên sạch đẹp xe chạy
đúng giờ hơn thì sân bay bắt đầu giống bến xe đò xe lửa hồi nào, dù ngày càng
to hơn và máy bay là phương tiện thông dụng hơn cho mọi người. Lượng hành khách
tăng vọt nhưng cơ sở vật chất phục vụ và nhà ga thay đổi chậm chạp, nơi đưa đón
hay phòng chờ lên máy bay luôn quá tải, đông đúc và lộn xộn nhất là khi tình trạng
delay phổ biến. Người đi máy bay thì tay xách nách mang đồ đạc lỉnh kỉnh túi bọc,
ngoài thói quen còn do ngại gửi hoặc không gửi vì quá cân cho phép, nhất là
hành khách đi máy bay giá rẻ. Khi qua cửa an ninh vừa mất thời gian vừa hay nhầm
lẫn…
Nếp sống văn minh nơi công cộng chưa phổ biến ở sân
bay: ngồi gác chân lên ghế, nằm ngủ như chốn không người, gọi nhau ơi ới như
ngoài chợ… Và phải xếp hàng thì vẫn chen chúc: chen lên rồi chen xuống dù thế
nào cũng được lên máy bay và ai cũng đã có chỗ ngồi, đến nơi thì ai cũng phải
ra khỏi máy bay… Lên máy bay thì tùy tiện
đổi chỗ để “ngồi cạnh người quen” – nhất là khách các đoàn du lịch – làm cho việc
sắp xếp hành khách, hành lý chậm chạp và bất tiện. Điện thoại cứ sử dụng bất kể
tiếp viên đã nhắc nhở mà có phải chuyện gì khẩn cấp đâu…
Nên chăng ở nơi công cộng, nhà ga và thậm chí trên
máy bay, xe lửa xe đò nên dán lời nhắc nhở “Đề nghị quý khách nói vừa đủ nghe”
bên cạnh một số lời nhắc đã có như “không xả rác bừa bãi” hay “đề nghị xếp
hàng”… Các công ty du lịch và hướng dẫn viên cần phổ biến quy tắc ứng xử nơi
công cộng đến du khách, thường xuyên nhắc nhở, giải thích và điều chỉnh những
hành vi không phù hợp của du khách. Chúng ta cứ chê bai du khách Trung quốc
nhưng thực sự nhiều du khách Việt cũng không khác.
Hiện đại hóa cơ sở hạ tầng ở các đô thị, trong đó có
các phương tiện giao thông cần đi cùng việc giáo dục ý thức và phổ biến quy tắc,
cách thức sử dụng vì phần lớn người dân chưa biết cách sử dụng cho phù hợp,
không phải ai cũng biết thích nghi nếu không học hỏi và được nhắc nhở thường
xuyên. Đồng thời, không chỉ người sử dụng mà cả người quản lý cũng phải thay đổi
tư duy, phương thức điều hành. Nếu cứ giữ tư duy và trình độ “đi xe đạp” thì
không thể sử dụng hay điều hành hệ thống phương tiện hiện đại như BRT, Metro
hay máy bay… mang lại hiệu quả tốt.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét