ĐÌNH LÀNG NAM BỘ THỜI 4.0


Báo Lao động cuối tuần tết Kỷ hợi 2019
Nguyễn Thị Hậu

1. Ở Nam bộ lễ hội quan trọng nhất và phổ biến nhất của Đình làng là Lễ Kỳ Yên (cầu an) vào dịp đầu xuân. Cho đến nay các ngôi đình ở đô thị Nam bộ vẫn duy trì dịp lễ này, như một sự hồi tưởng của cộng đồng về những làng xóm thủa xa xưa đã nhường chỗ cho các đô thị phát triển.
Đình là một hình thái tín ngưỡng dân gian được hình thành rất sớm và đã trở thành “thiết chế văn hóa” quan trọng thâm nhập vào đời sống cộng đồng, trở thành biểu tượng của văn hóa làng xã VN. Đình làng thể hiện nhu cầu và những sinh hoạt cộng đồng gắn với đời sống xã hội như một dạng thiết chế văn hóa đa chức năng ở làng xã. Với tư cách là một hình thái tín ngưỡng dân gian, đình làng là nguồn mạch nuôi dưỡng đời sống tâm linh, tinh thần của cư dân nông nghiệp.
Ở vùng đất Nam bộ, theo nhà văn Sơn Nam, đình làng có ý nghĩa rất quan trọng trong bối cảnh lưu dân vào khai phá vùng đất mới: xây dựng đình thì làng mới tạo được thế đứng, tăng cường gắn bó vào cộng đồng dân tộc và càn khôn vũ trụ. Bằng không thì “làng chỉ như lục bình trôi sông, một dạng lưu dân tập thể. Cho nên, người lưu dân lập làng ở đâu dựng đình ở đó. Đình có vai trò “trung tâm” của làng xã, nơi tổ chức các lễ hội và những hoạt động văn hóa – xã hội khác.
Nhà nghiên cứu Trần Ngọc Khánh lại có một nhận định thú vị và chính xác: Đình Nam bộ có lẽ đáng chú ý hơn các nơi khác vì đó còn là “biểu tượng” văn hóa của chủ thể quốc gia dân tộc. Đối với người Nam bộ, đình từng là nơi thể hiện hầu như toàn bộ thế giới quan và nhân sinh quan của người lưu dân… Vẻ uy nghi trang trọng của đình, ngoài căn nguyên tín ngưỡng, còn là sự kết tinh của “hồn thiêng sông núi” được xây đắp qua nhiều thế hệ, bằng máu và mồ hôi khai phá và bảo vệ đất đai làng xóm. Vì vậy, bảo tồn gìn giữ sự hiện diện của đình làng là một cách bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, trong quá khứ cũng như hiện tại và tương lai.
Từ ý nghĩa khởi đầu đó, ở vùng đất Nam bộ đình làng là nơi lưu truyền những truyền thống của quê hương bản quán, nơi thờ cúng và ghi nhớ công lao các bậc Tiên hiền Hậu hiền khai hoang lập ấp. Do đó đình làng là “không gian cộng cảm” của cộng đồng có những ký ức chung, những sinh hoạt thực hành tín ngưỡng, văn hóa chung.

2. Từ sau năm 1975 đến nay ở Nam bộ, quá trình đô thị hóa nhanh cùng với việc quy hoạch phát triển các đô thị chưa thật sự chú ý đến thiết chế văn hóa truyền thống, đã làm cho đình không còn gắn bó với cộng đồng như xưa ngay cả ở nông thôn. Sau gần một thế kỷ chiến tranh tỉnh thành nào cũng có sự biến động dân cư nhưng ở các đô thị thì sự đột biến lớn hơn về về số lượng và “chất lượng” dân cư (nguồn gốc, lối sống nếp sống, cấu trúc dân cư, phân hóa xã hội...). Bên cạnh đó, sự xuất hiện và phát triển ngày càng nhiều hình thức sinh hoạt văn hóa nghệ thuật mới, sự phát triển truyền thông đa phương tiện, sự khôi phục nhiều lễ hội truyền thống khác... cũng có tác động đến nhu cầu của cộng đồng về sinh hoạt ở đình làng. Giá trị và ý nghĩa của đình làng không còn phổ biến trong cộng đồng như trước... Điều đó có nghĩa đình – như một thiết chế văn hóa - đang mất những cơ sở xã hội để tồn tại. Ngay cả ở nông thôn các chức năng của đình gần như không còn hiện diện ngoài dịp Lễ Kỳ Yên hàng năm, nhưng nhiều nơi cũng đã bị mai một.
 Hiện nay một số tỉnh Nam bộ đã thực hiện các công trình sưu tầm, kiểm kê và đánh giá về giá trị di sản văn hóa, trong đó có kiến trúc và tín ngưỡng đình làng. Tuy có những đề xuất giải pháp “bảo tồn và phát huy giá trị” nhưng chưa thể tiên đoán “số phận” của những ngôi đình sẽ đi về đâu, khi mà thực trạng cơ sở vật chất của nhiều ngôi đình đã xuống cấp, sự hoang vắng và thưa thớt trong những sinh hoạt đình làng ở nhiều địa phương. Liệu đình làng còn có vị trí và vai trò thích hợp nào trong cơn lốc đô thị hóa, tại những vùng “nông thôn mới” cảnh quan đã thay đổi theo hướng hiện đại hóa?
Từ sự thay đổi hoàn cảnh kinh tế - xã hội và “chất lượng sống” của dân cư làng xã và đô thị, nên chăng sinh hoạt cộng đồng tại đình cần có thêm hình thức, nội dung mới, trên cơ sở những giá trị cơ bản của đình làng. Một số nơi đã sử dụng, tận dụng không gian, mặt bằng đình làng cho những sinh hoạt cộng đồng có tính “thời điểm”: Hội họp phổ biến những chính sách, chủ trương mới, thảo luận, đóng góp ý kiến của cộng đồng cho các chủ trương, chính sách của chính quyền, phát động các phong trào xã hội... Không gian ở đình tạo sự thân thiện, gần gũi giữa chính quyền với người dân.
Những sinh hoạt khác phù hợp điều kiện cụ thể của địa phương như khuyến nông, khuyến nghề cho cộng đồng, tư vấn nghề nghiệp cho giới trẻ...Tổ chức sinh hoạt văn hóa nghệ thuật truyền thống (đờn ca tài tử, cải lương, hát bội...) với quy mô nhỏ ở đình làng để giới thiệu di sản văn hóa truyền thống cho cộng đồng. Cùng với việc duy trì Lễ Kỳ Yên hàng năm, sự tiếp nhận các giá trị văn hóa của đình, ý thức lưu truyền của cộng đồng sẽ mang lại hiệu quả tốt hơn.
          Khi chính quyền quan tâm thực sự đến sinh hoạt đình làng (như thường xuyên tham gia sinh hoạt tín ngưỡng tại đình với tư cách cá nhân trong cộng đồng chứ không phải là “quan chức”) thì sẽ không quan liêu, hiểu biết đúng về tín ngưỡng cộng đồng, tránh làm “biến dạng” lễ hội truyền thống khi có yếu tố “lãnh đạo” tham dự. Qua đó hỗ trợ các Ban quản lý , Ban trị sự đình phương thức, kinh phí hoạt động và nhất là nắm bắt nguyện vọng, nhu cầu của cộng đồng. Hiện nay có nhiều đình đã bổ sung nhân sự Ban quản lý, Ban trị sự là những người mới về hưu để có thể năng động hơn trong điều hành và kế thừa các nghi lễ tại đình.
Các cơ quan văn hóa địa phương phổ biến giá trị, ý nghĩa đình làng bằng việc dịch các tài liệu văn bản Hán – Nôm liên quan đến lịch sử đình, về danh nhân, nhân thần nhiên thần thờ tự... và lưu tại đình để mọi người có điều kiện tìm hiểu. Ban trị sự, ban quản lý đình phối hợp với các trường học tổ chức các buổi sinh hoạt truyền thống về lịch sử và di sản văn hóa địa phương trong đó có đình làng... Kết nối với ngành du lịch để đưa một số ngôi đình có giá trị tiêu biểu về kiến trúc nghệ thuật, về lịch sử... vào tuyến điểm du lịch của địa phương và kết nối với tuyển điểm du lịch quốc gia.  

3. Đình Nam bộ thể hiện rõ nét những giá trị của đời sống văn hóa Nam bộ. Trong quá trình hình thành và phát triển, cư dân Nam bộ đã có sự tiếp nhận nhiều yếu tố mới và biến đổi yếu tố cũ trong kỹ thuật sản xuất, lối sống, sinh hoạt, văn hóa cộng đồng... để phù hợp với môi trường tự nhiên và xã hội mới. Vì vậy, thiết chế đình làng ở Nam bộ cũng không nằm ngoài “quy luật” đó, đình làng Nam bộ không nên bị bó hẹp ở sinh hoạt tín ngưỡng truyền thốngcần thể hiện nhu cầu của đời sống mới bên cạnh lưu giữ lối sống nếp sống truyền thống.
Những hoạt động mới sẽ mang lại cho đình làng chức năng mới như loại hình “Nhà văn hóa”. Cả hai đều là thiết chế văn hóa của cộng đồng, phục vụ cho cộng đồng địa phương và rộng hơn bằng những sinh hoạt hữu ích với sự thân thiện, gần gũi. Nhưng đình còn là một di sản văn hóa, việc “tích hợp” vào nó chức năng văn hóa mới sẽ góp phần giảm thiểu kinh phí, công sức, nhân lực, mặt bằng… cho việc xây dựng và duy trì hoạt động của Nhà văn hóa, mà hiện nay ở nhiều nơi khá tốn kém không hiệu quả lãng phí. Quan trọng hơn là góp phần bảo tồn và phát huy giá trị một di sản kiến trúc – văn hóa độc đáo của dân tộc trong thời đại toàn cầu.
Đình nơi đô thị lại càng cần thiết được bảo tồn, vì đó là lịch sử đô thị, là dấu tích cho người tứ xứ đến đây biết rằng, mình đang sống trên mảnh đất từng có những lớp người xưa đã đổ biết bao mồ hôi nước mắt để khai phá và bảo vệ.
Mùa xuân đang về. Tiếng trống lễ hội đình làng luôn nhắc nhớ chúng ta về điều đó.

Sài Gòn 22.12.2018
Không có mô tả ảnh.

Trong hình ảnh có thể có: 2 người, mọi người đang cười, mọi người đang đứng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

LÀNG NGHỀ SÀI GÒN MỘT THỦA VANG DANH

   (Người Đô Thị Xuân Giáp Thìn 2024) Nguyễn Thị Hậu Sài gòn là một đô thị từ khi khởi lập. Tính chất đô thị của Sài Gòn không chỉ ở chứ...