Trích BCKH tại Hội nghị quốc tế 90 năm xác lập và nghiên cứu Văn hóa Hòa Bình (1932 – 2022)
3. III.- Tiếp cận từ
môi trường sinh thái
3.1 Điều kiện tự
nhiên, môi trường sinh thái vô cùng quan trọng với cuộc sống của con người, nhất
là trong thời nguyên thủy. Khi khẳng định “Lao động đã sáng tạo ra xã hội loài
người” thì F.Engels cũng nói rõ “Kỳ thực thì lao động phải gắn liền với tự
nhiên mới thực sự sản xuất ra của cải” [1]. Tất
cả các cộng đồng người đều tác động lên môi trường sống của họ, trong phạm vi địa
phương hẹp hay vùng rộng lớn. Trong đó, ảnh hưởng quan trọng nhất của con người
đến môi trường tự nhiên là việc thuần hóa động thực vật, cách thức loài người
quản lý, khai thác môi trường tự nhiên và nguồn tài nguyên thiên nhiên. Có thể
lấy thành tựu nghiên cứu về khảo cổ học Thời đại đồ đá Việt Nam minh chứng cho
điều này.
Khi nghiên cứu tiền sử Việt Nam cũng như Đông Nam Á, khảo cổ học hết
sức chú ý đến môi trường sinh thái ở khu
vực này phản ánh qua lối sống, cụ thể trong hoạt động săn bắt hái lượm của cư
dân tiền sử. Căn cứ vào tàn tích thức ăn động thực vật, khảo cổ học nhận biết
người cổ đã sử dụng nhiều loại thức ăn nhưng mỗi loại một ít, lại tùy theo mùa
và thức ăn thực vật khá phong phú. Trong khi đó thức ăn động vật có được do hoạt
động săn bắt không nhiều, phổ biến các loại động vật thủy sinh nhất là các loài
nhuyễn thể nước ngọt, nước lợ… Khảo cổ học gọi đây là lối hái lượm theo phổ rộng.
Từ đặc điểm này có thể nhận dạng hệ sinh thái ĐNA – Việt Nam là hệ sinh thái Phổ
tạp với đặc trưng chỉ số đa dạng cao, số loài nhiều nhưng số cá thể ít, thực vật
nổi trội hơn động vật về giống loài và số lượng, động vật thủy sinh chiếm ưu thế.
Hệ sinh thái Phổ tạp phân bố ở khu vực nhiệt đới khí hậu nóng ẩm, mưa nhiều,
môi trường sông nước phổ biến…Trong môi trường sinh thái này, từ lối sống hái
lượm theo phổ rộng và trội vượt hơn săn bắt, khi tiến lên nền kinh tế sản xuất
thì cư dân ở đây sẽ phát triển một nền nông nghiệp đa canh, tức là thuần hóa
nhiều loại thực vật một lúc và trồng trọt sẽ trội vượt hơn chăn nuôi [2]. Tiến
trình từ thời đại đồ đá (các văn hóa khảo cổ như văn hoá Sơn Vi, Hoà Bình, Bắc
Sơn, Hạ Long, Quỳnh Văn, Đa Bút, Hoa Lộc, Bàu Tró)…đến thời đại kim khí (văn
hóa khảo cổ Đông Sơn, Sa Huỳnh, Đồng Nai) là sự thể hiện sinh động của quá
trình này, đồng thời cũng cho thấy sự phát triển văn hóa đa dạng của thời tiền
sử.
Về cơ bản hai nền văn hóa Hòa Bình và Đồng Nai khác biệt về niên đại
và không gian văn hóa – môi trường sinh thái. Tuy nhiên cho đến nay đã có những
phát hiện, ghi nhận về công cụ đá kiểu Hòa Bình ở vùng đồi badan thuộc tỉnh Đồng
Nai. Mặt khác những nghiên cứu về khảo cổ học Nam bộ đều cho biết “săn bắt hái
lượm” là phương thức sinh sống chủ đạo trong một giai đoạn dài của thời tiền sử
Đông Nam bộ. Đây cũng là phương thức chính của cư dân văn hóa Hòa Bình. Có thể
coi đó là “hình ảnh” của văn hóa Hòa Bình, một sự “tái hiện” trong điều kiện tự
nhiên tương tự nhưng ở không gian khác và thời gian muộn hơn. Điều này có thể
giải thích từ quá trình hình thành và phát triển khác nhau của địa chất, địa
hình và môi trường sinh thái của hai nền văn hóa khảo cổ này [3].
Nét cơ bản của môi trường tự nhiên mà con người sinh sống là địa
điểm cư trú và các yếu tố ảnh hưởng đến việc chọn lựa địa điểm cư trú. Thông thường
thì đó là khu vực có nguồn nước hoặc vị trí thuận lợi cho di chuyển, tìm kiếm
thức ăn, hoặc thích hợp về nhiệt độ (bóng mát, luồng gió…). Sự tương đồng đầu tiên của “người Hòa
Bình” và “người Đồng Nai” là sự lựa chọn nơi/địa điểm cư trú thích nghi với địa
hình và khí hậu. Văn hóa Hòa Bình còn được định danh là “văn hóa thung lũng,
văn hóa hang động” do đây là khu vực cư trú chủ yếu của người Hòa Bình, không
chỉ trong tỉnh Hòa Bình mà đặc điểm này còn hiện diện ở nhiều khu vực khác. Còn
trong văn hóa Đồng Nai giai đoạn thời đá mới muộn, di tích phân bố ngoài trời
tập trung ở khu vực đất đỏ badan - “thế giới
thực sự của các nón núi lửa” – di tích của hàng trăm ngọn núi lửa hoạt động từ
hàng triệu năm trước thời cánh tân Pleitocene. Trong thời toàn tân Holocene toàn
vùng Nam bộ bị ngập do biển tiến trong khoảng thời Holocene sớm từ 10.000 năm
cách ngày nay, đến Holocene giữa khoảng 6.000 năm biển tiến đến mức cực đại và
lùi dần từ khoảng 4.000 năm[4]. Vì
vậy nơi đây là địa bàn thuận tiện và phù hợp nhất cho lớp người cổ xưa sinh sống
vì là khu vực khá cao ráo so với các khu vực khác.
Miền Đông
Nam bộ nói chung và vùng đồi badan nói riêng có khí hậu mang đặc điểm chung của ĐNA là
nóng ẩm và mưa nhiều, nhưng chia làm hai mùa mưa/nắng rõ rệt, lượng mưa cao. Trải
qua hàng ngàn năm nơi này đã hình thành các khu hệ rừng thưa thực vật rất
thích hợp cho sự phát triển
phong phú của các loài động vật trên cạn, dưới nước trong các dòng
chảy sông suối, đầm lầy, rừng ngập nước.
Người cổ Đồng Nai lấy hái lượm và săn bắt/bắn là phương thức sinh sống chính, họ có thể dùng tay hái lá, nhổ cây, bẻ trái, hoặc bắt cá tôm cua
ốc, hoặc bắt các loại thú nhỏ bằng bẫy đơn giản làm bằng tre nứa, dây rừng… Những
cách thức này không để lại dấu tích khảo cổ học nhưng có thể khảo sát qua đời sống
của một số dân tộc bản địa tại miền Đông Nam bộ cũng như nhiều nơi khác [5].
Khai thác
thực vật, động vật theo phổ rộng, có tính chu kỳ
“mùa” nên người cổ Hòa Bình và người cổ Đồng
Nai có kinh
nghiệm về các loại thực vật, động vật sử dụng làm thức ăn, họ thường xuyên đánh bắt động vật thủy sinh dưới sông suối hơn là săn bắt động vật trong rừng nhiệt đới. “Sự xuất hiện của đồ gốm trong văn hoá tiền sử nói chung không nhất
thiết phải gắn với kinh tế sản xuất với lối sống định cư, mà là do nhu cầu bức
thiết của kinh tế hái lượm, đánh bắt những loại thuỷ sinh như ốc, cua, cá… Sự hiện diện của các tầng ốc dày trong các di chỉ Hoà Bình thể
hiện một lối sống định hướng ven sông, ven suối, ven biển. Để làm chín thức ăn
từ nguồn thuỷ sinh đó, họ không thể duy trì cách nướng từng con ốc, con cua,
con cá. Sự ra đời của đồ gốm với chức năng là đồ nấu dường như là một hệ quả tất
yếu của những cư dân Hoà Bình chuyên “ăn ốc”[6]. Đồ
gốm đã xuất hiện sớm trong văn hóa Hòa Bình với chức
năng được lý giải như vậy. Có thể cho rằng những đồ gốm có mặt tại di chỉ Cầu Sắt cũng có chức năng tương tự, tuy tàn tích thức ăn không phong phú
như trong các hang động văn hóa Hòa Bình, do mật độ dân cư và thời gian chưa đủ
để tích tụ như vậy.
3.2 Trong một bối cảnh rộng hơn cần đặt văn hóa Đồng
Nai, nhất là giai đoạn hậu kỳ đồ đá, với khu vực Nam Tây Nguyên. Về mặt địa
hình, Đông Nam bộ có thể coi là vùng “chân núi, trước núi” của phần Nam dãy Trường
Sơn, có quá trình lịch sử địa chất liên quan mật thiết với nhau. Ngoài ra sông
Đồng Nai – Đạ Đờn luôn là yếu tố liên kết giữa miền núi, trung du phù sa cổ và
đồng bằng cửa sông ở ven biển Đông Nam bộ từ thời tiền sử.
Những phát hiện gần đây về những hang động có di tích thời đồ đá,
thậm chí di tích thời đá cũ đã hiện diện chắc chắn. Kết quả hợp tác khai quật
Việt - Nga tại hệ thống di tích đá cũ An Khê (Gia Lai), Hội thảo quốc tế về Kỹ
nghệ sơ kỳ Đá cũ An Khê đã đánh giá, khẳng định thêm một bước giá trị của di tồn
văn hóa Đá cũ An Khê, với sự xuất hiện của người nguyên thủy sớm nhất hiện biết
ở Việt Nam. Cuộc khai quật hệ thống hang động núi lửa Krong Nô, tỉnh Đắk Nông,
các nhà khoa học đã thu được những kết quả rất quan trọng với nhiều di vật được
phát hiện như đồ đá, đồ gốm, răng xương động vật. Đặc biệt là tìm thấy di cốt của
người tiền sử có niên đại cách đây 7.000 năm. Phát hiện này có ý nghĩa cực kỳ
quan trọng bởi đây là những phát hiện khảo cổ học người tiền sử đầu tiên ở
hang động núi lửa ở Tây Nguyên.
Di tích Thác Hai (H. Easup, Dak Lak) được phát hiện đầu năm 2020 bên
cạnh công cụ lao động như rìu bôn đá, đồ gốm và các mộ táng, các nhà khảo cổ
còn thu được hơn 1000 mũi khoan (gồm cả những phác vật đang trong quá trình
hoàn thiện) bằng các loại đá opal, đá silic, phtanit… cùng hàng vạn những mảnh
tước nhỏ (vảy tước). Di chỉ có khung niên đại cách ngày nay từ khoảng 3.500 năm
đến 2.000 năm và tồn tại kéo dài khoảng 1.000 năm, với hai giai đoạn phát triển
sớm muộn khác nhau. Giai đoạn sớm thuộc Hậu kỳ Đá mới, đại diện là lớp văn hóa
chứa mũi khoan, có mộ nồi, mộ đất, đồ tùy táng chôn theo chủ yếu đồ đá và đồ gốm.
Giai đoạn muộn thuộc thời đại đồ Sắt, với lớp văn hóa chứa hạt chuỗi thủy tinh,
mộ nồi vò chôn theo hạt chuỗi thủy tinh…[1]
Trong chuyên khảo bàn về “Hoà Bình ở Đông Nam Á: Văn hoá, những
văn hoá hay phức hợp kỹ thuật” được công bố năm 1994, GS. Hà Văn Tấn đã lưu ý về
tính đa dạng, phức tạp của bản thân khái niệm văn hoá Hoà Bình. Từ không gian
phân bố trải rộng khắp ĐNA trên nhiều địa hình, trong khung thời gian kéo dài
hơn 10.000 năm, nhiều nhà khảo cổ học khác đã đề xuất và sử dụng khái niệm “Phức
hệ kỹ thuật Hoà Bình” (Hoabinhian Technocomplex) hay văn hóa Hòa Bình như “một
phức hợp kỹ thuật” [2].
Tất cả phát hiện mới ở Nam Tây Nguyên càng cho thấy cần phải tìm ra mối liên hệ
giữa văn hóa Đồng Nai với các văn hóa, di tích mới phát hiện ở Nam Tây Nguyên.
Đặt văn hóa Đồng Nai trong bối cảnh sinh thái Nam Trường Sơn – Đông Nam bộ để nghiên cứu như hiện tượng “dư
âm” của “làn sóng chấn động” từ giai đoạn văn hóa Hòa Bình phát triển cực thịnh
ở phía Bắc vài ngàn năm trước. Điều đó cũng sẽ góp phần minh định những khái niệm
mang tính công cụ, lý thuyết nói trên.
Trong tiến
trình khoa học đương đại, ngành khảo cổ chuyển dần vị
trí từ là phương tiện chứng minh lịch sử sang tham khảo lịch sử để hiểu di tích
cổ.
Bản thân lịch sử cũng tìm đến nhiều lối tiếp cận khác
nhau để lý giải (making sense) quá khứ. Khảo cổ cũng tìm sang các nguồn bổ sung và khu vực ứng
dụng mới như nhân học, văn hóa học, khu vực học, du lịch,
thậm chí còn tham gia tích cực vào lĩnh vực phát triển cộng đồng và truyền thông, công nghiệp giải
trí… Ngành khảo cổ
hiện
nay không chỉ đơn giản là bảo tồn và tái hiện, diễn giải
di tích, mà còn tái dựng (reconstruction) một kết cấu lịch sử, xã hội và
văn hóa cả theo chiều không gian lẫn thời gian trong một “hệ tọa độ” mà người nghiên cứu sử dụng để khảo sát và nghiên cứu [1].
Thực trạng phát hiện, nghiên cứu văn hóa Hòa Bình qua 90 năm, văn
hóa Đồng Nai gần 50 năm đã mang lại những giá trị “vật thể” và “phi vật thể” của
di sản khảo cổ thời đại đồ đá mới Việt Nam. Đó là những chất liệu tuyệt vời để
có thể tái dựng lịch sử, văn hóa và xã hội thời tiền sử vào giai đoạn có sự chuyển
biến mạnh mẽ, từ phương thức săn bắt hái lượm “phụ thuộc” tự nhiên chuyển qua hoạt
động trồng trọt làm phương thức chính. Những “bảo tàng tại chỗ” như một số di
tích của văn hóa Hòa Bình đã phần nào thể hiện được những giá trị đó. Còn đối với
văn hóa Đồng Nai, cần sự quan tâm nhiều hơn mới có thể bảo vệ và phát huy giá
trị của những di sản khảo cổ đa dạng và phong phú tại đây.
Hiện nay, quá trình biến đổi khí hậu toàn cầu ngày càng cực đoan,
sự tham gia tích cực vào việc “giải mã” quá trình lịch sử xa xưa của khảo cổ học
tiền sử, khảo cổ học cộng đồng là một phương thức quan trọng, góp phần mang lại
những bài học hữu ích từ sự ứng xử phù hợp với thiên nhiên nhân loại từ thời tiền
sử.
Nguồn: C. Mác và Ph. Ăng-ghen. Toàn tập, tập 20. Nxb.
Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1994. Phiên bản điện tử: http://www.cpv.org.vn
[2] Hà Văn Tấn
(1982), “Các hệ sinh thái nhiệt đới tiền sử Việt Nam và Đông Nam Á”, Tạp chí Khảo
cổ học, số 3. tr.3-8
[3] Lê Bá Thảo,
2004. Thiên nhiên Việt Nam. NXB Giáo dục
[4] Bùi Chí
Hoàng (chủ biên) 2017. Sách đã dẫn. Tr. 16
[5] Bảo tàng
lịch sử VN, Bảo tàng LSVN.TPHCM, 1998. Khảo cổ học tiền sử và sơ sử TP. Hồ Chí
Minh. NXB Trẻ. Tr,338-347
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét