Báo Tuổi Trẻ ngày 9,11,2022
Gần đây dư luận xã hội nói chung và giới nghiên cứu văn hóa, bảo tồn
di sản nói riêng rất quan tâm đến việc một số cổ vật triều Nguyễn được thông
báo bán đấu giá tại Pháp. Trong số đó, chiếc ấn vàng
“Hoàng đế chi bảo” tới nay may mắn được “tạm hoãn” đưa ra sàn đấu giá và VN có thể thương lượng mua trực tiếp.
Đây không phải là lần đầu tiên dư luận xã hội quan tâm đến cổ vật VN đấu giá ở nước ngoài. Ở nước ta, giới sưu tầm
cổ vật (và sưu tầm tác phẩm hội họa của các họa sĩ nổi tếng) vẫn thường xuyên
theo dõi và tham gia các hoạt động này. Thời gian qua đã có những nhà sưu tầm “hồi hương” được một số cổ vật, tác phẩm hội họa của Việt Nam. Tuy nhiên, với các cổ vật như ấn vàng, bát vàng thuộc
triều Nguyễn (hay trường hợp bức tranh của vua Hàm Nghi vài năm trước) thì việc
“hồi hương” dù có ý nghĩa rất quan trọng vì giá trị
nhiều mặt của chúng, nhưng thực tế rất khó khăn thậm chí bất khả thi.
Các cổ vật quý hiếm qua các phiên đấu giá thì giá cả rất khó lường,
muốn chủ động tham gia đấu giá, kể cả việc “thương lượng mua” thì nhà nước cần có sẵn một khoản
ngân quỹ dành riêng cho việc này. Thiết nghĩ đã đến lúc nhà nước cần lập Quỹ
Di Sản văn hóa dành cho việc mua cổ vật từ nước ngoài và cả ở trong nước. Nguồn
quỹ này từ ngân sách nhà nước là chủ yếu, có thể có sự đóng góp của xã hội, với
mục tiêu mua lại cổ vật, bảo vật và lưu giữ, bảo quản, trưng bày tại các bảo
tàng công lập.
Bên cạnh đó nhà nước cần có cơ chế, chính sách tạo điều kiện để
các tổ chức xã hội ngoài công lập thành lập Quỹ Di sản từ nguồn đóng góp của tư
nhân… Hiện nay tại nhiều tỉnh thành có “Hội sưu tầm cổ vật” của các nhà sưu tập
tư nhân, họ đã có nhiều hoạt động phối hợp trưng bày hiện vật và biếu tặng hiện
vật cho bảo tàng địa phương. Tuy nhiên, việc trao đổi, mua bán cổ vật chưa có một
thị trường công khai, hợp pháp như các “sàn đấu giá” ở nước ngoài. Vì vậy rất khó
khăn trong việc tìm kiếm thông tin chính thức về những cổ vật, nhất là cổ vật
quý hiếm đang được cá nhân lưu giữ trong nước. Điều này cũng làm hạn chế việc
trao đổi, mua bán cổ vật giữa các nhà sưu tập với nhau và với bảo tàng nhà nước.
Xã hội hóa việc gìn giữ, bảo tồn và
phát huy giá trị di sản văn hóa không chỉ là kêu gọi, vận động xã hội đóng góp các nguồn kinh phí để trùng tu, tôn tạo di tích hay mua cổ vật, bảo
vật “biếu tặng
cho bảo tàng nhà nước”. Quan trọng hơn
là cần có ngay cơ chế chính sách cho tư nhân và tổ
chức xã hội có thể tham gia các nguồn lực vào công cuộc này, bao gồm nguồn
lực về tài chính, kinh nghiệm, tri thức, uy tín cá nhân... Nguồn “vốn xã hội” này cùng với bộ máy quản lý, chuyên gia của
ngành văn hóa sẽ giúp cho việc quản lý
di sản có hiệu quả hơn: từ xác định nguồn gốc, xuất xứ cổ vật, giám định chất lượng, định giá
theo thị trường hay “giá sàn” để đưa ra đấu giá trong và ngoài nước, hay trường
hợp tham gia đấu giá ở nước ngoài còn liên
quan đến vấn đề pháp lý… nâng cao tính minh bạch và khoa học. Đồng thời giảm
thiểu việc mất mát cổ vật tại các di tích, ngăn ngừa hiện tượng “chảy máu cổ vật”
ra nước ngoài.
Cổ vật, bảo vật được lưu giữ ở bảo tàng công cộng hay bảo tàng,
sưu tập tư nhân đều có giá trị như nhau, việc phát huy giá trị của chúng đối với cộng đồng tùy thuộc vào hoạt động nghiên cứu, trưng bày giới thiệu như
thế nào, bằng cách nào. Khi tính chất “hợp pháp” của cổ vật càng rõ
ràng thì công chúng càng dễ dàng tiếp cận và thụ hưởng những
giá trị của di sản văn hóa. Từ đó góp phần nâng cao ý thức, trở thành động lực để xã hội tích cực tham
gia vào công cuộc bảo vệ di sản văn hóa.
Hy vọng sắp tới
đây, Luật Di sản văn hóa sẽ được cập nhật, bổ sung các điều khoản cụ thể tạo cơ sở pháp lý cho việc lập Quỹ Di sản công lập và ngoài công lập, các điều khoản hướng dẫn thực
hiện việc “hồi hương” cổ vật VN ở nước ngoài. Sự hoàn thiện của luật pháp, sự
đồng bộ giữa các cơ quan liên quan đến quản lý di sản văn hóa sẽ tạo ra môi trường
thuận lợi để chính quyền, cộng đồng và xã hội
cùng thực hiện trách nhiệm và nghĩa vụ đối với bảo tồn Di sản văn hóa quốc gia.
Nguyễn Thị Hậu
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét