TỪ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG TỰ NHIÊN VÀ DI SẢN VĂN HÓA:
TRƯỜNG HỢP HUYỆN CẦN GIỜ (TP. HỒ CHÍ MINH)
1. 1. Kinh tế xanh
Khái niệm
Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP) đã đưa ra khái niệm về
kinh tế xanh: “Là nền kinh tế mang lại phúc lợi cho con người và công bằng xã hội,
vừa giảm thiểu đáng kể các nguy cơ về môi trường và suy giảm sinh thái”. Đây được
coi là định nghĩa chính xác và đầy đủ nhất về kinh tế xanh. Theo đó, kinh tế
xanh đơn giản là một nền kinh tế có mức phát thải thấp, sử dụng hiệu quả và tiết
kiệm tài nguyên thiên nhiên, bảo đảm tính công bằng về mặt xã hội. Trong nền
kinh tế xanh, sự tăng trưởng về thu nhập, việc làm thông qua việc đầu tư của
Nhà nước và tư nhân cho nền kinh tế làm giảm thiểu phát thải carbon, giảm thiểu
ô nhiễm môi trường, sử dụng hiệu quả năng lượng và tài nguyên, ngăn chặn sự suy
giảm đa dạng sinh học và dịch vụ của hệ sinh thái.
Nội hàm của kinh tế xanh bao gồm: Phát thải carbon thấp, sử dụng
hiệu quả tài nguyên và bảo đảm công bằng xã hội. Xét theo lĩnh vực, kinh tế
xanh được xuất phát bởi việc tăng cường đầu tư cho các lĩnh vực giúp bảo vệ và
phát triển vốn tự nhiên của Trái đất, hạn chế suy giảm sinh thái và các rủi ro
về môi trường, bao gồm: Năng lượng tái tạo, giao thông phát thải carbon thấp,
xây dựng nhà hiệu quả năng lượng, các công nghệ sạch, hệ thống quản lý chất thải
tiên tiến, hệ thống cung cấp nước sạch tiên tiến, và nông - lâm - ngư nghiệp bền
vững (UNEP, 2010). Đặc biệt, việc đầu tư này cần được hỗ trợ bởi các cải cách về
chính sách trong nước, chính sách quốc tế và những nỗ lực xây dựng cơ sở hạ tầng
của thị trường.
Với những ý tưởng về nền kinh tế xanh, một nền kinh tế vừa thỏa
mãn nhu cầu tăng trưởng kinh tế, vừa giải quyết được những thách thức về môi
trường đã được nhiều nhà nghiên cứu đề cập đến từ khá sớm. Trong đó, hầu hết
các nghiên cứu đều thống nhất quan điểm, xu hướng phát triển kinh tế xanh tập
trung sẽ bám sát vào 3 trụ cột chính, đó là: Công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ.
Các nhà nghiên cứu cũng khẳng định khái niệm “kinh tế xanh” không thay thế khái
niệm bền vững, nhưng nó ngày càng được công nhận là mô hình phù hợp, làm nền tảng
cho phát triển bền vững. Trong đó tính bền vững là một mục tiêu dài hạn quan trọng,
nhưng xanh hóa nền kinh tế là phương tiện đưa mỗi quốc gia đi tới đích phát triển
bền vững[1].
Có thể nhận biết kinh tế xanh là sự kết hợp giữa 3 thành tố: Kinh
tế + Xã hội + Môi trường. Kinh tế xanh có tính chất bền vững, bởi vì những hoạt
động trong nền kinh tế này tạo ra lợi nhuận hoặc giá trị có ích lợi, nhưng luôn
hướng đến phát triển cuộc sống của xã hội con người, đặc biệt là yếu tố văn hóa
cộng đồng. Đồng thời những hoạt động trong nền kinh tế này thân thiện với môi
trường tự nhiên và môi trường nhân văn. Ba yếu tố này đạt trạng thái cân bằng sẽ
thỏa mãn tính bền vững của phát triển xã hội.
Kinh tế xanh là mô hình đánh giá trực tiếp vốn tự nhiên và việc sử
dụng tự nhiên như một giá trị của kinh tế học, điều này không giống và đáng quý
hơn so với những mô hình kinh tế trước đó. Trong một nền kinh tế xanh, các chi
phí xã hội phải gánh chịu thông qua hệ sinh thái đều có nguồn gốc và phải được
hoàn trả bởi các thực thể có khả năng gây hại hoặc thờ ơ với một giá trị tự
nhiên.
Kinh tế xanh tạo ra việc làm, bảo đảm tăng trưởng kinh tế bền vững
và ngăn chặn ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu toàn cầu, cạn kiệt nguồn tài
nguyên và suy thoái môi trường.[2]
Đặc điểm của Kinh tế xanh
Các định chế quốc tế khác nhau đã đưa ra các đặc điểm và bản chất
khác nhau của nền kinh tế xanh. Một số đặc điểm chung là:
- Nền kinh tế xanh tạo điều kiện phát triển bền vững
- Kinh tế xanh là tài nguyên và năng lượng tiết kiệm
- Nền kinh tế này tạo ra công ăn việc làm xanh.
- Kinh tế xanh tôn trọng các ranh giới hành tinh, các giới hạn sinh
thái hoặc sự khan hiếm.
- Nền kinh tế này đo lường sự tiến bộ kinh tế ngoài GDP bằng cách sử
dụng các chỉ số / thước đo thích hợp.
- Nền kinh tế xanh mang lại sự bình đẳng, công bằng và chính đáng -
giữa và trong các quốc gia và giữa các thế hệ.
- Kinh tế xanh bảo vệ đa dạng sinh học và hệ sinh thái.
- Nền kinh tế này mang lại hiệu quả giảm nghèo, nâng cao đời sống,
sinh kế, bảo trợ xã hội và tiếp cận các dịch vụ thiết yếu.
- Nền kinh tế xanh giúp cải thiện khả năng quản trị và nhà nước pháp
quyền. Bao gồm: Dân chủ; có sự tham gia của cộng đồng; chịu trách nhiệm; ổn định[3].
2. 2. Khái quát về
huyện Cần Giờ TP. Hồ Chí Minh
Vị trí địa lý.
Cần Giờ là một huyện ngoại thành, cách trung tâm Thành phố Hồ Chí
Minh khoảng 60km về phía Đông Nam. Đây là cửa ngõ ra biển Đông của Thành phố Hồ
Chí Minh và của cả miền Đông Nam Bộ. Phía Bắc và Đông Bắc giáp tỉnh Đồng Nai, với
ranh giới là sông Đồng Nai, đoạn đổ ra vịnh Gành Rái là sông Lòng Tàu; phía Tây
Bắc là huyện Nhà Bè Thành phố Hồ Chí Minh ngăn cách bởi sông Nhà Bè; phía Tây
và Tây Nam giáp hai tỉnh Long An và Tiền Giang mà ranh giới là sông Soài Rạp đổ
ra vịnh Đồng Tranh. Phía Nam là biển Đông.
Với diện tích gần 700 km2 , Cần Giờ được coi là miền đồng bằng
chưa hoàn chỉnh ở hạ lưu sông Đồng Nai. Đặc điểm nổi bật của địa hình Cần Giờ
là khu vực này bị ngăn cách với đất liền bởi các con sông lớn. Phía Bắc là sông
Nhà Bè và sông Lòng Tàu, phía Đông là sông Đồng Tranh và sông Thị Vải, phía Tây
là sông Soài Rạp, còn phía Nam là biển Đông. Sông Lòng Tàu là nhánh tiêu nước
chính, lòng sông sâu nên cũng là trục giao thông chính từ cửa biển Cần Giờ vào
lưu vực Đồng Nai. Trên bề mặt toan vùng còn bị chia cắt bởi hệ thống hàng trăm
sông rạch chằng chịt.
Môi trường sinh thái.
Trên vùng đầm lầy ven biển này đã tồn tại một hệ sinh thái vùng ngập
mặn điển hình. Điều kiện có ý nghĩa quyết định cho kiểu rừng ngập mặn là đất
bùn lỏng và chế độ ngập triều. Để thích nghi, các cây rừng ngập mặn dù thuộc
nhiều họ khác nhau nhưng đều mang đặc tính chung là có bộ rễ hình nơm bám rất
chắc vào đất bùn, có khả năng mang cây mầm ngay trên thân (như cây đước), lá cứng
dày, mọng nước và cấu trúc chịu hạn sinh lý. Rừng cây ở vùng ngập mặn thường có
một tầng, cây không cao to, phổ biến là kiểu rừng “mắm trước, đước sau”. Đó là
một quá trình cây mắm phát triển và mọc thuần khi đất mới bồi chưa chắc. Vài
năm sau, đất dần được nâng cao, một phần do bồi tích của sông, biển, một phần
do thân cây, lá mục rụng. Đồng thời, đất bớt mặn thì loại cây đước, vẹt bắt đầu
phát triền để giữ đất. Khi đất cứng hơn, cao dần và bớt chua, các loại cây thấp,
cây bụi như ô rô gai, bần, chà là, nhất là dừa nước… xuất hiện.
Rừng ngập mặn giữ vai trò then chốt trong quá trình hình thành địa
hình ở đây, vì có tác dụng giữ đất, chống xâm thực, tạo môi trường cho thủy hải
sản nước mặn và nước lợ phát triển. Trong các khu rừng ngập mặn ở Việt Nam, Cần
Giờ là nơi có mức độ thủy hải sản tự nhiên vào loại cao nhất. Tiêu biểu là sự
phong phú, đa dạng của hải sản vùng đồng bồi cửa sông: các loài cá, các loài
giáp xác, nhuyễn thể. Ngoài ra còn có nhiều loại chim, thú mà phần lớn vẫn còn
đến ngày nay…[4].
Khí hậu ở Cần Giờ tương đối khắc nghiệt hơn những khu vực khác ở
miền Đông Nam Bộ. Mùa khô kéo dài hơn, lượng mưa trong mùa mưa ít hơn, tầng phù
sa cổ chứa nước ngầm cũng bị nhiễm mặn làm cho Cần Giờ hầu như không có nước ngọt.
Điều kiện sinh thái này không thuận lợi để phát triển nông nghiệp trồng trọt
nhưng thích hợp với các phương thức khai thác tự nhiên
Cần Giờ là huyện duy nhất
của thành phố Hồ Chí Minh có diện tích rừng lớn. Đây được coi là “lá phổi
xanh” của thành phố. Rừng ngập mặn Cần Giờ được Unesco đã công nhận đây là Khu dự trữ sinh quyển thế giới với hệ động
thực vật đa dạng độc đáo điển hình của vùng ngập mặn. Chính vì vậy việc bảo vệ môi trường ở huyện Cần Giờ là rất quan trọng, không chỉ
cho TP. Hồ Chí Minh mà còn cho toàn miền Đông Nam bộ - khu công nghiệp lớn nhất
nước.
Hệ thống di
sản văn hóa Biển đặc sắc
Di sản lịch sử văn hóa ở đây có giá trị cao:
đó là hệ thống di tích khảo cổ học có niên đại từ thời văn hóa Đồng Nai tiền
sử (3000 năm - 2000 năm cách ngày nay), đến thời kỳ văn hóa Óc Eo thuộc nền
văn minh Phù Nam (thế kỷ 1 – thế kỷ 7). Nổi tiếng nhất là di tích mộ chum
Giồng Cá Vồ - di tích lịch sử văn hóa quốc gia, có niên đại 2500 năm cách ngày
nay.
Môi trường tự nhiên và hệ thống di tích khảo
cổ học ở Cần Giờ đã cho thấy vào thời cổ khu vực cửa sông vịnh biển này không
phải là một vùng phát triển nông nghiệp trồng trọt như nhiều nơi khác. Cư dân
cổ ở đây có đời sống kinh tế khá đặc biệt là phát triển thương mại bằng đường
biển hướng ra khu vực ĐNA hải đảo và xa hơn, hướng vào ĐNA lục địa bằng đường
sông, định cư trên những giồng (gò) đất không lớn với hoạt động khai thác nguồn
lợi tự nhiên từ rừng ngập mặn, từ biển và phát triển các nghề thủ công độc đáo.
Chính vì vậy, các nhà nghiên cứu đã cho rằng Cần
Giờ hai ngàn năm trước đây là một “cảng thị sơ khai”, nơi tiếp thu và chuyển
hoá nhiều yếu tố văn hoá – kỹ thuật từ bên ngoài, đồng thời cũng là nơi tích tụ và phát tán
những yếu tố văn hoá bản địa.
Giai đoạn muộn hơn ở Cần Giờ có nhiều dấu tích
của những đoàn lưu dân theo sông nước vào khai phá vùng đất Gia Định – Đồng Nai.
Đó là những di tích cư trú, mộ táng, đình, chùa, miếu… và tín ngưỡng dân
gian như Lễ hội Nghinh Ông vào tháng tám âm lịch – một di sản Văn hóa Phi vật thể quốc gia.
Trong kháng chiến chống Mỹ, rừng sác Cần Giờ
là Khu căn cứ Cách mạng, đã được công nhận là Khu di tích lịch sử cấp Quốc gia.
Khu căn cứ này gắn liền với những chiến công của Đội Đặc công Rừng Sác anh hùng.
Đây là địa điểm nổi bật và thu hút được nhiều sự quan tâm của du khách.
Như
vậy, cùng với những di tích lịch sử văn hóa cấp thành phố, các địa điểm di tích
đang được đưa vào Danh mục kiểm kê di tích của TP. Hồ Chí Minh, huyện Cần Giờ
có 3 di tích văn hóa quốc gia nhưng thuộc 3 loại hình độc đáo, đồng thời tiêu
biểu cho 3 giai đoạn lịch sử của nơi này, kéo dài liên tục từ khoảng 500 năm
trước công nguyên đến thế kỷ 20. Hệ
thống di sản văn hóa vật thể và phi vật thể ở Cần Giờ có giá trị cao không chỉ
về nghiên cứu khoa học, giáo dục mà còn phục vụ phát triển dân sinh, đặc biệt
là phát triển du lịch [5].
3. Cần Giờ phát
triển từ “kinh tế xanh”
Đô thị biển
Cần Giờ.
Những năm gần đây, chính quyền TP. Hồ Chí Minh
đã có sự quan tâm thiết thực hơn nhằm thúc đẩy kinh tế - xã hội của huyện Cần
Giờ phát triển, vì đây là khu vực mà đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn. Tuy
nhiên trong một chừng mực nhất định, đã có những tác động không thuận lợi của
cơ chế thị trường đến việc bảo tồn các di sản văn hóa, mà nếu không có giải
pháp kịp thời thì hậu quả thật khó lường. Bởi đó là tác động từ việc đất đai
chuyển đổi mục đích sử dụng, khu vực ven bờ biển không còn có thể nuôi trồng
thủy hải sản, nhiều người dân – trong đó có ngư dân – phải chuyển đổi phương
thức kinh tế… Điều đó sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sinh kế của cộng đồng, đến không
gian lịch sử - văn hoá của một vùng đất, cảnh quan truyền thống của hệ thống di
sản văn hóa. Đây là một thực trạng ở nhiều địa phương đang trong quá trình “đô
thị hóa” và huyện Cần Giờ cũng không là ngoại lệ.
Theo dự án Đô thị biển Cần Giờ thì một
phần quan trọng của đô thị là diện tích lấn biến khá lớn – theo xu
hướng “hiện đại hóa” trong thế kỷ 20 của nhiều “quốc gia biển”. Tuy nhiên biển
Cần Giờ là vùng biển bồi và chế độ “bán nhật triều” mạnh, nơi có môi trường phù
hợp cho các lọai thủy hải sản sinh trưởng, thuận tiện cho việc nuôi thủy sản
ven bờ. Do đó “lấn biển” nhưng cần chú ý bảo vệ hệ sinh thái ven biển. Mặt khác
việc xây dựng đô thị tại vùng cửa sông vịnh biển trong điều kiện biến đổi khí
hậu nhanh chóng và phức tạp như hiện nay cũng cần tính đến hiện tượng biển
dâng sẽ làm biến đổi cảnh quan và môi trường.
Do đó, đô thị biển Cần Giờ sẽ có những dự
án phát triển bất động sản nằm trong khu vực có hệ sinh thái và di sản văn hóa cần
bảo vệ. Vì vậy phải hướng đến mục tiêu phát triển đô thị hiện đại và bảo tồn
môi trường sinh thái tự nhiên và hệ thống di sản văn hóa chứ không phải “hiện
đại hóa” bằng mọi giá!
Gần đây, trong buổi khảo sát và làm việc với huyện Cần Giờ của ông
Nguyễn Văn Nên - Bí thư thành ủy TP. Hồ Chí Minh vào tháng 4.2021, nhiều chuyên
gia kinh tế, một số nhà khoa học đã có ý kiến nhấn mạnh việc phát triển kinh tế
của Cần Giờ là cần mạnh dạn với cách tiếp cận mới (nhìn nhận lại vai trò của
Khu dự trữ sinh quyển thế giới/rừng ngập mặn), tận dụng lợi thế mặt tiền biển
và cửa sông để phát triển (xây đô thị lấn biển hiện đại), nhằm góp phần vào phát triển kinh tế của
TPHCM, của vùng và cả nước [6].
Điều đó không sai và cực kỳ cần thiết. Tuy nhiên, vấn đề là phải
phát triển ở Cần Giờ nên như thế nào? Muốn phát triển đúng hướng và bền vững,
bài học của thế giới là cần phải nhận biết đặc điểm của từng khu vực, từng địa
phương, để có thể hạn chế yếu tố tiêu cực và phát huy những yếu tố tích cực, nhất
là từ nguồn tài nguyên bản địa. Vậy đặc trưng của Cần Giờ - trong bối cảnh TP.
Hồ Chí Minh, Nam bộ và khu vực, là gì?
Cần Giờ có “3 ADN” là đặc trưng cơ bản để nhận biết và tạo “thương
hiệu”
“ADN” thứ nhất là hệ sinh thái rừng ngập mặn. Cần Giờ phát triển cần
phải có rừng ngập mặn. Đây là ADN chủ đạo, cần bảo tồn và phát triển. Việc
UNESCO công nhận rừng Cần Giờ là Khu dự trữ sinh quyển thế giới không chỉ
có ý nghĩa về mặt môi trường mà còn gián tiếp công nhận và vinh danh công lao của
Việt Nam, của TP. Hồ Chí Minh, trong việc chỉ một thời gian ngắn sau chiến
tranh đã khôi phục một diện tích rừng rộng lớn đã bị chiến tranh tàn phá nặng nề,
mang lại một môi trường mới cho cảnh quan và đặc biệt là cho con người có thể
sinh sống. Điều này không thể phủ nhận. Đây cũng chính là “ADN” giúp Cần Giờ và
TPHCM khác biệt so với nhiều nơi khác.
“ADN” thứ hai, đó là vị trí “mặt tiền” biển và cửa sông của vùng
Đông Nam bộ, là cửa ngõ của TPHCM để phát triển kinh tế biển cho đất nước. Vì
thế, phát triển huyện Cần Giờ không chỉ là phát triển cho một địa phương mà còn
là phát triển cho cả vùng. Ngoài ra cần lưu ý, Cần Giờ có vị trí chiến lược,
mang ý nghĩa quân sự quan trọng của TP. Hồ Chí Minh, miền Đông Nam bộ và vùng
kinh tế trọng điểm phía Nam. Trong lịch sử vào thời nhà Nguyễn, Cần Giờ là khu
vực phòng thủ từ xa cho thành Gia Định, và hiện nay nơi này trong địa bàn của
huyện vẫn có nhiều khu vực do bộ đội Biên phòng TP. Hồ Chí Minh quản lý.
“ADN” thứ ba, đó là hệ thống di tích ở Cần Giờ có giá trị rất đặc
biệt, mang tính độc đáo mà nhiều nước trong khu vực không có. Những di sản văn
hóa cho thấy vai trò của cộng đồng cư dân Cần Giờ từ thời cổ cho đến nay, đặc
biệt là những lớp người đến đây sinh sống và khai hoang trồng trọt, làm muối,
đánh bắt cá… từ sau 1975. Nếu không quan tâm đúng mức đến ADN này trong quá
trình hiện đại hóa, đô thị hóa thì sẽ gây ra nhiều bất ổn về xã hội.
Dựa vào các “ADN” này thì Cần Giờ phát triển đúng hướng và không bị
biến dạng, mất bản sắc. Tạo nên lợi thế này giúp phát triển du lịch văn hóa, du
lịch sinh thái bên cạnh phát triển dịch vụ của đô thị biển hiện đại.
Đây là “lợi thế cạnh tranh” của Cần Giờ trong giai đoạn “kinh tế
du lịch” phát triển mạnh mẽ. Làm sao cho môi trường tự nhiên và di sản có thể
tiếp tục sống trong đời sống đương đại, khi được con người hiện nay tiếp nhận sẽ
trở thành ký ức, quảng bá rộng rãi và “di truyền” cho thế hệ sau về các giá trị
văn hóa quá khứ đang được thế hệ hiện nay gìn giữ. Bảo tồn di sản và khai thác,
phát triển di sản như một nền kinh tế xanh, cân bằng giữa phát triển kinh tế và
bảo tồn di sản văn hóa, môi trường tự nhiên.
Xây dựng nền Kinh tế xanh để Cần Giờ phát triển bền vững
Từ cách tiếp cận của “KINH TẾ
XANH”, có thể nhận thấy Cần Giờ giàu tiềm năng để phát triển một cách bền vững,
từ sự kết hợp giữa phát triển kinh tế + bảo tồn di sản văn hóa + bảo vệ môi
trường tự nhiên. Ở Cần Giờ ba yếu tố này không thể tách rời, nếu hủy hoại một
yếu tố tức là làm cho hai yếu tố kia suy yếu và cũng sẽ biến mất. Hủy hoại một
yếu tố cũng là làm tổn hại tới cộng đồng dân cư, từ việc thay đổi, mất sinh kế
đế việc từ bỏ các thành tố văn hóa gắn liền với sinh kế ấy. Điều này có nghĩa
là cùng một lúc phải bảo lưu cho được những giá trị văn hoá truyền thống, bảo
vệ những di tích lịch sử, không gian, cảnh quan thiên nhiên vốn có, nhưng đồng
thời phải đảm bảo phát triển một cách hài hoà có định hướng (bảo tồn thích
nghi).
Việc xây dựng một đô thị tại vùng
cửa sông vịnh biển, trong điều kiện biến đổi khí hậu nhanh chóng và phức tạp
như hiện nay chắc chắn sẽ làm ảnh hưởng cảnh quan môi trường, tác động làm biến
đổi điều kiện tự nhiên, ảnh hưởng đến việc bảo tồn tự nhiên cũng là bảo tồn
cảnh quan di tích. Không thể bảo vệ được hệ thống di tích khảo cổ - lịch sử cũng
như làm biến dạng, biến mất các di sản văn hóa phi vật thể của Cần Giờ, cũng là
làm mất đi những di sản văn hóa có giá trị đặc biệt của TP. HCM và của cả nước.
Các phương án bảo tồn, phát huy
giá trị của hệ thống di sản văn hóa huyện Cần Giờ cần phải đặt trong qui hoạch
tổng thể khu vực Cần Giờ nói chung và bảo tồn, phát triển Khu bảo tồn sinh
quyển thế giới nói riêng. Di tích gắn liền với cảnh quan môi trường. Cần Giờ
còn may mắn giữ lại được hệ sinh thái rừng ngập mặn đã hình thành từ hàng chục
ngàn năm trước. Trải qua thời gian chiến tranh lâu dài, tuy bị tàn phá nặng nề
nhưng sự hồi sinh đáng kinh ngạc của rừng ngập mặn Cần Giờ không chỉ mang lại
lợi ích về môi trường, về kinh tế, mà còn có giá trị về lịch sử, vì đây chính
là môi trường sinh sống của chủ nhân những di tích khảo cổ hơn hai ngàn năm
trước đến ngày nay.
Khi bảo toàn được những “ADN” là
các đặc trưng của môi trường tự nhiên và môi trường nhân văn, cộng đồng dân cư
cũng được bảo toàn trong hoàn cảnh mới: kinh tế phát triển, nguồn sống và sinh
kế được bảo vệ đồng thời phát huy giá trị di sản văn hóa của họ. Phát triển bền
vững huyện Cần Giờ phải lấy việc bảo vệ môi trường và bảo vệ di sản làm “chìa
khóa” quan trọng nhất. Không phải chỉ để nghiên cứu mà phải dành cho người dân
tìm hiểu, nâng cao tri thức và được thụ hưởng di sản của ông cha để lại. Đồng
thời giới thiệu và quảng bá với du khách quốc tế, từ đó góp phần bảo tồn và
phát huy giá trị di sản văn hóa - lịch sử Việt Nam [7].
Như trên đã chỉ ra, Kinh
tế xanh mang lại sự bình đẳng, công bằng giữa các cộng đồng và giữa các thế hệ,
bảo vệ đa dạng sinh học và hệ sinh thái, đồng thời mang lại hiệu quả giảm
nghèo, nâng cao đời sống, sinh kế, bảo trợ xã hội và tiếp cận các dịch vụ thiết
yếu. Đấy chính là mục tiêu phát triển mà huyện Cần Giờ hướng đến. Muốn vậy,
trước hết và xuyên suốt là chính sách định hướng và giải pháp phù hợp của chính
quyền TP. Hồ Chí Minh, tạo điều kiện cho Cần Giờ phát triển mọi hoạt động của
nền KINH TẾ XANH một cách có hiệu quả tốt nhất.
TP. Hồ Chí Minh ngày 6.10.2022
TS. Nguyễn Thị Hậu
[1] https://daibieunhandan.vn/Giup-viec/Khai-niem-kinh-te-xanh-i260552/
[2]
Vikipedia – Kinh tế xanh
[3] https://doanhnghiepkinhtexanh.vn/kinh-te-xanh-la-gi-thuc-trang-kinh-te-xanh-tai-viet-nam-a5048.html
[4] Trần Bạch Đằng – Dương Minh Hồ (chủ biên), 1993: Sơ khảo huyện Cần Giờ. NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội.
[5] Nguyễn
Thị Hậu, 2012. Văn hóa khảo cổ huyện Cần Giờ TP. Hồ Chí Minh. NXB Tổng hợp
TP.HCM
[7] https://nld.com.vn/van-nghe/he-thong-di-tich-khao-co-hoc-huyen-can-gio-tp-hcm-nhung-gia-tri-cuc-ky-quan-trong-20220912194017719.htm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét