MÙA BÁO TẾT


Khoảng rằm tháng chạp các sạp báo rực rỡ hẳn lên bởi muôn sắc màu bìa báo Tết, mặc dù bình thường thì bìa của các tạp chí báo tuần bán nguyệt san nguyệt san cũng đã trăm hoa đua nở.
Sạp báo lớn nhỏ, cố định hay di động, lề đường hay trong nhà… cũng đều bán ít nhất vài tờ báo Tết, như là một phần không thể thiếu được của sạp báo. Nếu như trước đó sạp báo bán bloc lịch và những cuốn sách tử vi báo hiệu năm mới dương lịch đang đến thì báo Tết ra sạp kéo cái Tết đến gần hơn với mọi nhà

Trước đây, năm mới âm lịch cầm tinh con gì thì bìa báo tết thường có hình ảnh con vật đó: tranh Đông Hồ đàn chuột bầy gà cho năm Tý năm Dậu, tượng chú chó đá canh làng canh cổng cho năm Tuất, hoa văn điêu khắc rồng Lý Trần cho năm Thìn… Mỗi bìa một nét vẽ bay bổng tài hoa của những họa sĩ nổi tiếng. Tết dân tộc mà, bìa báo là những bức tranh cũng đậm màu truyền thống. Nhìn bìa báo thấy ấm áp như nhìn thấy quê nhà, vùng nông thôn chỉ cách đô thị vài giờ xe máy. Nói không ngoa chứ bìa báo hồi ấy dù chỉ vẽ một lần theo “chủ đề đặt hàng” thì thật sự vẫn là những tác phẩm nghệ thuật làm người ta nhớ rất lâu, Tết qua rồi nhiều nhà còn nâng niu tờ báo tết nhiều khi chỉ vì cái bìa đẹp quá!

Bây giờ bìa báo phần nhiều toàn hình ảnh của nhiếp ảnh gia, trong hình là người mẫu ảnh nổi tiếng, hoa hậu á hậu, nghệ sĩ, người của công chúng, những nam thanh nữ tú trong vai gia đình hạnh phúc hay lớp trẻ vươn lên… Nhưng tất cả đều khuôn vào một khổ: tươi cười rạng rỡ trên nền hoa đào hoa mai, nền đỏ rực rỡ hay những công trình cao vút hiện đại. Tết mà, Xuân mà, sao không rạng rỡ! Chỉ khác là ngày thường hình bìa tạp chí báo “lá cải” thì toàn “chân dài váy ngắn” còn báo tết thì chân dài áo cũng dài, vậy thôi.

Chiều đi làm về ghé sạp báo quen, chị chủ nói “báo tết có rồi nè, vô lựa vài tờ mở hàng đi em”. Năm nào tôi cũng mua nhiều báo Tết, phần để xem, phần mang biếu má tôi, bà nghỉ hưu lâu rồi nên tiền nong eo hẹp, mấy chục ngàn một tờ báo làm bà phải phân vân lắm. Chị chủ sạp nhanh tay lấy mấy tờ đưa tôi xem, tôi cười hỏi “sao không đưa cho em mấy tờ kia?” Chị chủ bảo, chị bán quen rồi, biết ai thì mua loại báo nào. Như em, em chỉ mua những tờ nhiều tin đứng đắn (trời, có tin “đứng đắn”  nữa hả?), còn người bán hàng buôn bán chợ búa thì mua toàn báo cướp giết hiếp đọc cho vui, loại báo nào cũng có người đọc của nó đấy em ạ. Như cậu xe ôm đằng kia, ngày nào cũng đến đây đọc ké một tờ, hỏi sao không coi báo khác, nó nói coi báo này để… học kinh nghiệm kiện cáo trong gia đình, hóa ra anh em nhà nó đang tranh chấp mảnh đất ông bà già để lại ở dưới quê!

Báo và báo tết dạo này bán được không? Chị chủ sạp được dịp kể lể. Nhiều người nghĩ bán báo nhàn nhã không cần vốn mà có lời. Đâu có, bán sách còn được chiết khấu cao chứ bán báo thì lấy nhiêu tờ thì ráng bán hết, dư cũng đâu trả lại được? Mà báo tới tay mình cũng còn qua người giao báo từ 2,3 giờ khuya, họ cũng còn phải kiếm ăn nữa chứ… Tết năm nay trễ nên báo tết cũng ra lai rai, người ta nay ghé mua một tờ mai mua tờ nữa, họ không ngán tiền.

Sao bìa báo cứ phải là người đẹp nhỉ? Có thế người ta mới mua. Đàn ông mua nhiều hả chị? Ừ, đàn bà lo chuyện chợ búa cơm nước nên tiết kiệm hơn mấy ông. Hình phong cảnh thì sao chị? Mấy hình đó trên lịch còn đẹp hơn! Rồi xong, chẳng cần lý giải lằng nhằng về “bất bình đẳng giới” hay định kiến xã hội hay gì nhé. “Nghiên cứu” có khi lại làm rối mù những thực tế đơn giản thế thôi.
  Có cô kia ghé mua vài tờ “cướp giết hiếp”, trả tiền rồi còn quay lại lựa thêm cuốn sách tử vi. “cuốn vàng 10 nghìn cuốn đỏ 20 nghìn”, “sao cuốn đỏ đắt hơn?”, “vì nó nhiều thứ hơn tất cả tiền tình vận mạng của mình. Muốn biết gì có nấy!” – chị chủ nói chắc như bắp. “mười lăm nghìn nhé, em lấy?”. Cô kia đi khuất chị chủ chép miệng, đấy em xem, vận mạng cả năm chỉ tốn có 15 nghìn thì biết, đúng sai chả biết đâu nhưng nhiều người cũng tin lắm đấy.

Lại có ông ghé mua cuốn lịch bàn. “Sao đắt thế, qua hết tháng Một rồi còn gì?”, “vâng, nhưng cũng còn 11 tháng nữa, lại có bao nhiêu ngày nghỉ ngày lễ hội, bác mua trễ chứ có phải lịch in trễ đâu nào”. Ông kia vừa lật cuốn lịch vừa lầm bầm “gớm, chưa tết mà nghe chỉ còn 11 tháng lại thấy tết nữa rồi!”. Chợt nhớ ngày xưa có người tặng cho cuốn lịch sổ tay, trang đầu có dòng chữ “cả một năm trong tay, chọn một ngày đi chứ?”,  câu thơ này của ai nhỉ?

Lựa có vài tờ báo tết mà hết mấy trăm ngàn, có một sự xót ruột không hề nhẹ. Mà mấy tờ báo cũng nặng trĩu tay. Thấy mừng, ừ báo Tết còn in được dày dặn, lại có nhiều trang quảng cáo, bạn bè làm báo viết báo tết sẽ vui, “thu hoạch lúa vụ xuân” năm nay chắc năng xuất cao. Nghe nói tương lai báo in trên toàn thế giới chẳng sáng sủa gì, nhưng thôi lo xa làm chi khi chỉ với vài tờ báo tết là mang bao nhiêu chuyện vui tin lành về nhà trong những ngày năm hết tết đến.

Đôi khi mua một tờ báo Tết cũng như mua… một cuốn sách tử vi để xem “vận mệnh” quốc gia năm tới thế nào qua tiên đoán của chuyên gia các ngành các lĩnh vực. Cũng có khi như mua một cuốn lịch để được biết nhiều điều thú vị về năm mới. Như năm nay chẳng hạn, thế nào mà chẳng có những bài về con DÊ.
Nhưng mà hơi tiếc, giá mà bìa báo tết có nhiều hình DÊ hơn thì chắc mấy ông sẽ mua báo nhiều hơn. À mà chưa chắc, mấy ổng thì còn mua dê thêm làm gì nữa.

Hà Nội 29.1.2015

tặng các bạn tôi làm NGHỀ BÁO ;)


 Báo Tuổi trẻ cuối tuần, số tất niên ra ngày 6/2/2015

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

TRAO TẶNG TÀI LIỆU HIỆN VẬT CỦA NSUT - ĐẠO DIỄN NGUYỄN NGỌC BẠCH

  Lời đầu tiên, thay mặt gia đình tôi xin trân trọng cám ơn Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM, Hội Di sản văn hóa TPHCM, Bảo tàng TP.HCM đã nhiệt...