Tạp
bút, Nguyễn Thị Hậu
Quê tôi ở huyện Chợ Mới kế bên thị tứ Long Xuyên. Ông nội
tôi để lại một tập “Lưu niên ký sự” ghi chép về gia đình từ nguồn gốc đến khoảng
những năm 1940. Theo đó tôi được biết những lớp cư dân vô khai khẩn Long Xuyên
và vùng đồng bằng hoang sơ đầu tiên là từ Ngũ Quảng, với hai bàn tay trắng và
sự can đảm, lòng nhân nghĩa và cả sự liều lĩnh nữa đã tạo nên tính cách người
Nam bộ chính trực, phóng khoáng, “ân oán phân minh nghĩa tình trọn vẹn”. Cũng
từ cuốn ghi chép của ông nội mà tôi biết được nhiều điều về Long Xuyên – thành
phố của tỉnh An Giang ngày nay.
Long Xuyên là một thành
phố nằm bên bờ sông Hậu, được hình thành từ khoảng đầu thế kỷ 19 từ một chợ - bến
nổi tiếng: Chợ Đông Xuyên. Năm 1818, Thoại Ngọc Hầu cho đào kênh nối rạch Đông
Xuyên với Rạch Giá, chợ Đông Xuyên (tức chợ Long Xuyên) đã sớm trở thành đầu mối
giao lưu hàng hóa quan trọng của tỉnh. Từ đó đến nay Long Xuyên là đô thị trung tâm của vùng sản
xuất lúa gạo lớn nhất nước, từ sau 1975 còn là trung tâm nuôi và chế biến thủy
sản nổi tiếng với các sản phẩm từ cá basa.
Ngược dòng lịch sử về
những thế kỷ đầu công nguyên, vùng đất Long Xuyên thuộc nền văn hóa Óc Eo nổi
tiếng của vương quốc Phù Nam. Khảo cổ học phát hiện ở đây hàng chục đền tháp đồ
sộ, hàng trăm tượng thờ là những tác phẩm điêu khắc tuyệt hảo, hàng ngàn cổ vật
quý cho biết dấu tích một cảng thị sầm uất và trung tâm tôn giáo lớn nhất và
quan trọng nhất của vùng hạ lưu sông Mekong. Có thể coi khu vực cảng thị Óc Eo
– trong đó có Long Xuyên ngày nay là một đô thị cổ đại nằm trên tuyến thương mại
đường biển giữa Biển Đông và Ấn Độ dương và xa hơn, đến Địa Trung Hải. Tính chất
giao lưu kinh tế - văn hóa của vùng đất Long Xuyên đã được hình thành từ rất sớm.
Nằm trong vùng tứ giác Long Xuyên, lối sống của người dân ở đây khá tiêu biểu cho nền
văn minh sông nước và đặc biệt là thích nghi với mùa nước nổi hàng năm: lối cư
trú trên nhà sàn không chỉ ở ven sông rạch mà vẫn còn nhiều ngay khi phố chợ đã
hình thành, Chợ nổi Long Xuyên nằm trên sông Hậu là một trong những
chợ nổi hiếm hoi ở miền Nam còn giữ được những nét sinh hoạt rất nguyên sơ của
miền tây sông nước. Đến những
năm cuối thế kỷ 20, khi nguồn cá giống được lai tạo thành công trong nước và cá
basa xuất khẩu đang hút hàng, An Giang tới giai đoạn vàng son của nghề nuôi cá
bè, có tới vài ngàn bè cá ken nhau trên sông Hậu kéo dài từ Long Xuyên lên Châu
Đốc; ghe xuồng vẫn là phương tiện giao thông phổ biến để
đi lại và mua bán.
Nửa sau thế kỷ XIX với tổ chức hành chính của Pháp, các
đô thị ở Nam bộ lần lượt xuất hiện. Long Xuyên sớm được quy hoạch và xây dựng theo kiểu “đô thị phương Tây”
với hạ tầng và những thiết chế văn hóa đô thị. Từ lúc này các tuyến đường lộ nối
liền Long Xuyên với nhiều thị tứ khác đã được hoàn thành. Năm 1876, Châu Đốc và Long Xuyên đã có nhà
“dây thép” do người Pháp thiết lập, cuối năm 1930 chợ Long Xuyên bắt đầu có điện
do công ty Điện từ Cần Thơ tải sang, trước đó bùng binh “đèn đường bốn ngọn” đã
trở thành một địa danh quen thuộc trong thành phố. Cũng như nhiều đô thị ở Nam bộ, trong thành
phố luôn có “dòng sông uốn quanh” tạo
nên cảnh quanh sông nước hữu tình.
Từ đặc điểm này nhớ về Long Xuyên không thể
quên những cây cầu bắc qua sông Hậu và rạch Long
Xuyên. Năm 1897, để thay chiếc cầu gỗ, cầu Levis (còn
gọi là cầu Máy, cầu Quay) được khởi công xây dựng, đến năm 1899 thì hoàn
thành. Mỗi ngày ba lần, vào giờ giấc qui định, hai nhịp thép được nhấc lên để
tàu bè xuôi ngược. Năm 1985, cầu được khởi công xây dựng lại bằng bê tông cốt
thép trụ xi măng, cầu mới đặt tên là cầu Nguyễn Trung Trực. Một cây cầu khác bằng
gỗ bắc qua rạch Long Xuyên, năm 1892 được thay bằng cầu sắt có tên cầu Henry kiểu
Eiffel. Năm 1938, cầu Henry được đúc bê tông, năm 2000 một cây cầu mới được xây
bê cạnh thành cầu đôi Hoàng Diệu. Hiện nay từ thành phố Long Xuyên lên thành phố
Hồ Chí Minh vẫn phải đi qua phà Vàm Cống hoặc phà An Hòa nhưng cả hai nơi này
đang được xây cầu.
Không phải tự nhiên mà
Long Xuyên được mệnh danh là đất của “văn nhân” vì Long Xuyên – An Giang là quê
hương và là nơi sinh sống của nhiều văn nghệ sĩ và nhà văn hóa nổi tiếng. Từ tháng
7 năm 1917, kịch nghệ mới - hát cải lương xuất hiện, thử nghiệm biểu diễn ở chợ
Long Xuyên. Cũng thời gian đó cùng với An Hà báo của Cần Thơ, vào tháng 1 năm
1918, Đại Việt tạp chí ra hàng tháng. Đây là tờ báo chính thức của Long Xuyên Hội
Khuyến học Long Xuyên do Hồ Biểu Chánh, Đặng Thúc Liêng, Lê Thường Tiên phụ
trách. Một số hoạt động văn hóa thể thao
“kiểu Tây” xuất hiện khá sớm ở Long Xuyên: tháng 7 năm 1925 cuộc đua xe Long
Xuyên - Châu Đốc và ngược lại, cũng từ lúc này phụ nữ Long Xuyên biết đi xe đạp
như nam giới, thậm chí vào năm 1927 ở chợ Long Xuyên có tổ chức cuộc đua xe đạp
dành cho phụ nữ.
Long Xuyên không chỉ là
một đô thị “vùng ngập nước” mà còn là “cửa ngõ” đi vào vùng biên cương Thất Sơn
nhiều huyền thoại. Phía tây của thành phố Long Xuyên giáp huyện Thoại Sơn có
Núi Sập, núi Ba Thê và đồng bằng Óc Eo màu mỡ. Tính chất giao thoa của địa hình
và đa dạng về dân cư Việt – Hoa – Chăm – Khmer đã làm cho văn hóa Long Xuyên
phong phú từ âm thực đến trang phục. Về Long Xuyên mà không ăn mắm lóc, ăn canh
chua cá linh, không mua chiếc khăn rằn, không biết đến chiếc cà om đất nung thì
coi như chưa đến Long Xuyên. Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Hầu thì “Đông Xuyên nổi tiếng về hai đặc điểm:
trai chuộng lễ giáo, gái giồi công hạnh”, “trai hai Huyện gái Long Xuyên” là
câu thiên hạ nói về con người vùng này.
Thành phố Long Xuyên đã
to lớn hơn xưa nhiều lần, qua những biến động nhưng nhịp sống vẫn êm ả, con người
vẫn hiền lành. Có nhiều di tích nhiều địa điểm du lịch nhưng may thay nơi đây
chưa bị thương mại hóa mà còn lưu giữ nét chất phác của người dân miệt ruộng. Mai
này về quê qua cầu Vàm Cống mới xây sẽ nhớ hoài câu trách yêu của bạn: Bà mà
lâu không dìa, hễ dìa tui kêu phà Vàm Cống hổng cho qua phà cho chừa cái tật
làm biếng dìa quê!
Sài Gòn 13.1.2015
NGƯỜI ĐÔ THỊ TẾT 2015
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét