SẼ CÒN GẶP LẠI NƠI NÀY


Cà phê  Paris

 Khi đến bất cứ thành phố nào tôi cũng thường chú ý đến những quán cà phê.
Không phải là một tín đồ trung thành của lọai nước uống màu nâu thơm phức này nhưng cà phê luôn “quyến rũ” tôi, trước hết là vì nó giúp cho tôi tỉnh táo sau chặng đường dài hay chuẩn bị cho một ngày quay cuồng vì công việc. Và, điều này quan trọng hơn, quán cà phê là nơi tôi thường gặp gỡ bạn bè, đồng nghiệp, và những người bạn mới quen. 
Có thể đó là một tiệm cà phê sang trọng danh tiếng khắp thế giới, có thể là một tiệm nhỏ bên đường có bán cả bánh ngọt và thức ăn nhanh, mà cũng có khi là quán hàng bàn ghế bày ngòai lề đường dưới những cây dù màu sắc nhã nhặn hay sặc sỡ. Sự khác nhau giữa nơi này và nơi khác có lẽ là ở hương và vị ly cà phê, là phong cách phục vụ, là cách trưng bày trang trí, là những người cùng ngồi với tôi ở đó. Sự khác nhau còn ở thời gian tôi đến đó ngắn hay dài ngày, vào mùa nào trong năm. Và bạn có tin không, hương vị cà phê mỗi mùa mỗi khác đấy, nhất là ở những nơi có đủ bốn tiết Xuân, Hạ, Thu, Đông như những thành phố ở châu Âu.

Một ngày thu tôi trở lại Paris. Chuyến tàu từ Rotxterdam đến Paris băng qua màn mưa, ánh nắng thi thỏang hiện ra rồi nhanh chóng trốn sau đám mây xám âm u. Giang nói với tôi: phía trời hửng sáng kia là Paris đấy, hy vọng Paris đẹp trời vì thời tiết ở Pháp không thất thường như ở Hà Lan hay Bỉ. Khi tôi đến Paris không mưa tầm tã nhưng gió lạnh đã tràn về. Trưa chủ nhật, khu trung tâm Paris tìm không ra nơi đậu xe, anh chị T. phải chạy xe vòng vòng gần một tiếng mới tìm ra một chỗ hiếm hoi trước quán ăn đối diện Notre Dame. Thật may mắn vì đứng nơi đây có thể nhìn thấy tòan cảnh Nhà thờ Đức bà Paris.

Gió hun hút đôi bờ sông Seine bứt tung những chiếc là vàng rải dọc vỉa hè. Những kiốt sách cũ vẫn thế, nhưng hình như những người chủ quán không còn nét hồn hậu như xưa. Vài năm trước tôi qua Paris cũng đến đây tìm mua sách cũ, khi ấy nhiều người bán rất say mê chính những gì họ bán, một cuốn sách bán đi, một tấm bưu thiếp có người mua, một bức tranh có ngừơi chủ mới… người bán dường như phải chia tay với người bạn thân thiết, họ gửi gắm cho người mua cả tình yêu của mình đối với Paris, với nước Pháp. Vẫn đông khách ngắm nghía những tấm bưu thiếp, bức tranh, những cuốn sách cũ. Một Paris cổ xưa hiện lên cụ thể và đa dạng trên từng quầy sách. Tôi và G. trầm trồ trước những bức ảnh đen trắng, những bức ký họa chì chân dung những quý cô quý bà Paris duyên dáng. Cái duyên của những người phụ nữ thấm đẫm sự tinh tế và sang trọng của một Paris cổ xưa…

Quán cà phê nhỏ phía sau Notre Dame. Anh chị T. chọn bàn ngòai vỉa hè dưới cây dù nhỏ vì biết tôi thích như thế. Ngồi cà phê ở Paris thì ngồi ngòai vỉa hè mới cảm nhận hết không khí đặc trưng của Paris : dòng người nối nhau trên đường, những cặp tình nhân thong thả tay trong tay, những cửa hàng đồ lưu niệm tấp nập người ra vào. Bạn sẽ bảo : Ừ thì nơi nào chả thế, bất cứ thành phố du lịch nào mà không có những quán cà phê như vậy ? Nhưng với tôi gió trên những con phố này, những hàng cây lá vàng xào xạc nơi đây, dòng sông Seine lăn tăn sóng dưới kia, ly cà phê nhỏ thơm thơm, những người bạn thân quý ngồi bên tôi… tất cả làm cho ly cà phê không đường càng ngọt ngào hơn, ấm áp hơn…

Một vòng đồi Montmartre, mưa như rây trên những mái nhà ngói cũ, trên những bức tường dây leo xanh lá đỏ, trên những con đường dốc lát đá nhỏ vuông vắn từng viên. Khung cửa nhỏ ấm áp, tiếng nhạc nhè nhẹ, tiệm đồ gốm xinh xắn, ngày cuối tuần du khách rất đông … Từ nhà thờ trung tâm nhìn xuống Paris lô nhô ngút mắt.. Nghỉ chân trong quán cà phê nhỏ. Mưa đã tạnh mà Paris dưới kia sao vẫn mờ như sương… 
 
Mỗi lần cà phê ở Paris luôn mang lại cảm giác lạ mà quen. Cám xúc là lạ khi trở lại bởi tôi luôn giữ trong mình ấn tượng một Paris của những bài thơ những trang tiểu thuyết đã đọc từ thời thơ ấu. Nhưng sự thấp thỏm vì giờ chia tay đang đến gần thì quen lắm, Paris như muốn niu giữ người ra đi khi chiều nay mưa mùa thu đến sớm…

Ly cà phê chợt đắng…

Tôi còn nợ mùa hè nước Pháp

Tôi đến nước Pháp vài lần, vừa là cái duyên từ những ký ức qua văn chương thời thơ ấu, vừa là kỳ duyên với những người bạn vong niên thân quý. Năm nay ánh nắng ấm áp mùa hè nước Pháp theo tôi suốt những con đường tôi qua…
Paris tháng bảy là mùa du khách tấp nập trong khi người Paris bắt đầu “đi trốn” cái nóng. Nhân viên các công sở lần lượt nghỉ hè, cửa hàng cửa hiệu bắt đầu treo bảng “tạm nghỉ”… Những chuyến xe bus, metro thoát khỏi cảnh chen chân nhau lên xuống, những quán cà phê vỉa hè không còn quá đông đúc, có thể dễ dàng tìm thấy một vài bàn trống để ngồi đó thoải mái ngó nghiêng một Paris mà tôi yêu thích. Cà phê Paris cũng giống như cà phê Sài Gòn (có lẽ phải nói ngược lại mới đúng J ) là bạn có thể ngồi đó hàng giờ chỉ với một ly cà phê hay thêm một cái croissant, ngồi đó mơ màng, viết lách thậm chí chẳng nghĩ ngợi gì cả, giản đơn chỉ là đắm mình vào cái thú nhàn tản của người Paris. Ở Paris người ta chỉ “cắm mặt” vào thế giới ảo ở smarphone hay ipad khi đi bus hay metro, còn ở tiệm ăn hay quán cà phê thì người ta thưởng thức cuộc sống, trò truyện, ăn uống hoặc im lặng bên nhau… Người Paris “sống thật” hơn nhiều nơi khác.

Có lần tôi ngồi ở Café de Flore nổi tiếng trên đại lộ Saint-Germain. Được mở từ năm 1887, trong suốt thế kỷ 20, Café de Flore từng là điểm đến của rất nhiều nhân vật nổi tiếng nhưng người ta thường tự hào nhắc đến các nghệ sĩ như Jean-Paul Sartre, Picasso, Yves Saint Laurent, Ernest Hemingway... Cùng với Les Deux MagotsBrasserie Lipp, Café de Flore là một trong ba quán cà phê nổi tiếng của khu phố Saint-Germain-des-Prés.  Quán lúc nào cũng đông khách và hình như ai cũng thích ngồi ngoài vỉa hè có lẽ vì bên trong quán khá nhỏ, ngồi dưới bảng hiệu “Café de Flore” và trên nữa là những ban công hàng rào bằng gang đúc hoa văn mềm mại xen những chậu hoa mùa hè rực rỡ, phía sau thấp thoáng rèm thưa màu trắng tinh khôi… Một cảm giác thật là Paris.

Ở Paris có nhiều nơi để bạn đi chơi, nhìn ngắm và thư giãn: trong công viên, viện bảo tàng, những lâu đài cung điện, di tích thắng cảnh, các khu chợ trời, nhâm nhi cà phê hay tản bộ dọc theo sông Seine, kể cả những nghĩa trang yên tĩnh… Không cần phải vội vàng cứ thong thả dạo quanh thành phố,  có thể mang theo đồ ăn đơn giản, tìm một chiếc ghế mát dọc theo bờ sông, trên bãi cỏ trong công viên hay ngay trên những cây cầu dành cho người đi bộ, ngồi đó với bạn bè hay chỉ một mình thưởng thức bữa trưa ngoài trời. Paris ngày hè làm cho ai đến đây cũng  có cảm giác đang tận hưởng ngày cuối tuần kéo dài bất tận bởi vì đến chín, mười giờ đêm ngoài trời vẫn còn nhìn rõ mặt người.
Mỗi lần đến Paris như một lần gặp lại người thân yêu, quen thuộc lắm nhưng cảm xúc luôn mới mẻ, hệt như mỗi sáng “gặm” miếng bánh mì baguette còn nóng hổi thơm lừng mùi men mùi bột và cả mùi ban mai Paris tinh khiết.

Nhưng nước Pháp đâu chỉ có Paris?
Mùa hè nước Pháp trong ký ức tươi nguyên của tôi là ba sắc màu xanh, vàng và trắng. Màu xanh của cây lá khắp nơi, màu vàng của cánh đồng lúa mì đang mùa thu hoạch, của vệt dài hoa cỏ ven đường, và màu trắng lấp lánh của cánh quạt điện gió và những cánh chim bay về nơi cuối trời… Tất cả sắc màu tươi tắn hiện ra dưới ánh nắng trong như mật những ngày hè tháng bảy.
Mùa hè cũng là mùa gặt - ừ, bây giờ hay gọi là mùa thu hoạch bởi trên những cánh đồng lúa mì chỉ thấy những chiếc máy gặt đập thong thả cuốn từng vòng để lại phía sau lớp rơm rạ nằm ngay hàng thẳng lối. Đã lâu lắm rồi người nông dân châu Âu đâu còn phải cắm mặt xuống đất còng lưng cầm liềm hái gặt lúa nữa.

Mùa hè nước Pháp của tôi là những thành phố cổ kính, những ngôi làng xưa “đẹp nhất nước Pháp”, pháo đài cổ, nhà thờ, di tích khảo cổ hang động xưa hàng triệu năm, xưởng gốm cổ chuyên sản xuất phục vụ Hoàng gia Pháp… Những  ngọn đồi xanh mướt bên thung lũng xanh thắm nối nhau hiện ra rồi lùi lại phía sau… Và tôi, hệt như cậu bé Remi trong “Không Gia đình” khi ngồi trên đỉnh đồi nhìn xuống thung lung, nơi có ngôi làng và căn nhà nhỏ của má Bacboranh, lòng nao nao vì phải rời xa nó… Thấp thoáng đâu đó hương thơm dịu nhẹ của những bông hồng nở muộn và những bụi oải hương màu tím… còn đọng lại trong ký ức tôi. Cánh đồng lavender tím ngát tận chân trời, quyến rũ như người đàn bà tuổi vào thu đầy bí ẩn.

Trong nhiều làng cổ nước Pháp chợt tôi nhìn thấy cái nhà lồng chợ, quen thuộc như nhà lồng ở bất cứ thị tứ nào ở Nam bộ, đó là ngôi nhà rộng rãi, cao ráo chỉ có những cây cột và mái ngói, bốn phía trống không, nền cao. Khác với nhà thờ bao giờ cũng ở trung tâm của làng, nhà lồng thường nằm ngay “quảng trường” đầu làng, là chợ cũng là nơi hội họp chung khi cần. Xưa người ta họp chợ vào buổi sáng hay vào ngày phiên chợ, bây giờ không còn sinh hoạt này nữa, nhà lồng trở thành “di tích”, chỉ vào ngày cuối tuần khi du khách đổ về, trong nhà lồng là những quầy hàng thức ăn đặc sản, đồ lưu niệm đặc sắc của làng, xung quanh những ngôi nhà cổ trở thành hàng quán, tiệm ăn, khách sạn nhỏ… Làng cổ bình yên giữ nguyên cảnh quan và được đẹp thêm bởi hàng chục loài hoa nở rộ dưới hiên nhà, trên bệ cửa sổ, bởi những khuôn cửa trắng bình yên, bởi con đường uốn quanh sạch sẽ và những nụ cười của dân làng… Những ngôi làng với nhà lồng nơi xa dường như chẳng có gì liên quan lại làm tôi nhớ quá chừng những làng quê Nam bộ, cũng nhà lồng chợ xôn xao lúc ngày rạng sáng, cũng những gương mặt hồn hậu… chỉ còn thiếu tiếng mái chèo khua nhẹ trên kinh rạch và bóng chị bóng mẹ dịu dàng trên chiếc xuồng ba lá…

Mùa hè nước Pháp với tôi còn là sắc vàng trong những bức tranh của Van Gogh. Những cánh đồng bát ngát lúa mì vàng sậm, những cánh đồng tràn hoa hướng dương rực rỡ. Đắm mình trong không gian này mới hiểu và cảm nhận hết những sắc độ màu vàng trong những bức tranh của danh họa – người đã chọn nước Pháp làm nơi ra đi lần cuối - màu vàng đầy sức sống nhưng cũng đầy ám ảnh của sự chia ly mãi mãi.
Rời nước Pháp vào giữa những ngày hè rực rỡ nhưng chỉ ít ngày sau bạn nhắn, bên này trời chưa lạnh nhưng lá bắt đầu vàng, sắp sang thu rồi đấy. Tôi hay đi xa vào mùa thu nhưng chưa lần nào phải chia tay với ai vào cái mùa mà người ta mặc định là “mùa chia ly”. Nhưng khi chia tay mùa hè nước Pháp với cảm giác còn nợ một điều gì đó… cũng ám ảnh không khác gì màu vàng hoa hướng dương Van Gogh.
Bởi vì, ở tuổi mùa thu của chúng ta mùa hè không trở lại nữa mà phía trước sắp là mùa đông…

Những cánh đồng vắng bóng nông dân

Cuối tháng Bảy. Trải dài những con đường tôi đi qua nước Pháp là cánh đồng mênh mông lúa mì đang vào mùa thu hoạch. Một màu vàng nâu ấm áp của ruộng lúa chín, của rơm được bó ép thành những cuộn tròn khối vuông rải rác trên đồng vắng lặng. Thi thoảng nhìn thấy một hai chiếc máy gặt liên hợp thong thả làm việc, vậy thôi, không thấy bóng dáng người nông dân nào dù những ngôi làng nhỏ liền kề cánh đồng vẫn đông người qua lại…
Mùa này cũng là mùa hướng dương nở rộ. Vẫn những cánh đồng vàng rực rỡ sáng chiều ngả theo ánh mặt trời. Vẫn thi thoảng có vài chiếc máy chạy giữa cánh đồng hoa bạt ngàn, và không thấy ai ngoại trừ người lái máy.

Cánh đồng khô ráo với những sắc vàng in trên nền trời xanh đắm đuối của mùa hè nước Pháp, khắp nơi là màu xanh của lá và sắc màu rực rỡ của hoa, từ thành phố đến nông thôn, từ dọc đường quốc lộ đến đường làng, từ ban công vỉa hè phố cổ đến khung cửa sổ ngôi nhà làng quê bình yên. Thiên nhiên khắp nơi, con người như lọt thỏm vào màu sắc và không khí trong lành tự nhiên, mặc dù đây đó vẫn những khối bê tông kính ốp cao lớn đồ sộ.
Có thể dễ dàng nhận ra một làng quê nước Pháp như ốc đảo xanh giữa cánh đồng vàng. Ở đó từ xa đã thấy nhô lên cao vút tháp chuông nhà thờ cổ, xây bằng đá xám xù xì hay bằng loại gạch đỏ son đều nhuộm màu thời gian trầm lắng, ở đó có tháp nước cao vượt trên những nóc nhà. Bây giờ nhiều nơi còn có vài chiếc quạt điện gió cao ngất ngưởng thong thả quay từng vòng… Nông thôn có lẽ chỉ khác thành phố là nhà trải dọc đường làng như xương cá, những ngôi nhà gạch nhà gỗ, rèm trắng nhẹ nhàng lay trên khóm hoa nhiều màu sắc. Tầng áp mái như những con mắt dõi theo khách qua đường. Đi qua những làng quê như vậy tôi nghĩ, chẳng cần gì hơn, kể cả internet, để có được một khoảng không gian yên ả tránh xa những bề bộn nơi thị thành.

Mùa hè, khách du lịch đông như kiến, ở Paris, ở Toulouse, ở bất cứ làng cổ hay lâu đài nào tôi đến. Không chỉ là khách du lịch nước ngoài, người Pháp cũng đi thăm quan chính nước mình, và cả nông dân cũng nghỉ hè đúng vào mùa thu hoạch lúa. Tại sao không, khi mà chỉ cần một chiếc máy đã thay thế cho hàng chục hàng trăm người nông dân?
Không chỉ nước Pháp, nhiều quốc gia khác đã công nghiệp hóa nông nghiệp từ lâu rồi, máy móc thay thế sức lao động của người, của trâu ngựa từ hàng chục năm nay. Nông dân, kể cả trồng lúa, trồng cây công nghiệp hay chăn nuôi, cũng từ lâu rồi làm việc như những người công nhân điều khiển máy móc chứ không còn phải “bán mặt cho đất bán lưng cho trời”. Con đường hiện đại hóa ở nhiều nước có thể khác nhau ở ngành mũi nhọn, nhưng không nước nào không công nghiệp hóa từ nông nghiệp, bởi vì, có khi nào có nơi nào trên thế giới này loài người không cần lương thực và những nông sản khác?

Xe cứ chạy vút qua những cánh đồng nước Pháp vắng bóng nông dân. Nhớ thương quá chừng những cánh đồng mênh mông miền Tây Nam bộ cũng thưa thớt bóng nông dân… Thanh niên đổ lên thành phố và các khu công nghiệp-khu chế xuất hay đi làm thuê ở nước ngoài. Lúa cứ chín rục nhưng còn ai về gặt? Hạt lúa nuôi dân ta hơn bốn ngàn năm vẫn oằn lưng gánh bao trách nhiệm: xuất khẩu, xóa đói giảm nghèo, dự trữ lương thực… nhưng được trồng trên nhiều cánh đồng vẫn “con trâu đi trước cái cày đi sau”… Khu công nghiệp càng nhiều thì càng vắng bóng nông dân nhưng người đổ đến làm ở đó thì chưa hẳn là công nhân bởi rời đất ra họ đã có nghề nghiệp gì đâu.
Tỉnh nào cũng hiện đại hóa bằng khu công nghiệp nhiều ngành nghề dịch vụ nhưng hầu như bỏ ngỏ lĩnh vực chế tạo sản xuất máy móc nông nghiệp. Chế tạo ra máy này máy kia là do những người nông dân ít học tự mày mò vì công việc làm ăn của chính họ thôi thúc, sản xuất thành công rồi đăng ký bản quyền sáng chế cũng còn lắm thủ tục nhiêu khê…

Thời kỳ văn minh Đông Sơn ở đồng bằng sông Hồng, nông nghiệp trồng lúa nước với kỹ thuật dùng cày và sức kéo của trâu, bò là kỹ thuật tiên tiến. Hơn bốn ngàn năm đã qua, hiện nay và nhiều thế kỷ nữa nước ta vẫn là một quốc gia Nông nghiệp – Nông dân – Nông thôn, đó là một “hằng số” kinh tế và văn hóa. Nếu không lấy NÔNG làm đầu và làm trọng tâm thì nền nông nghiệp lạc hậu sẽ không bao giờ đủ sức làm “đòn bẩy” cho sự phát triển của đất nước.

Mỗi chúng ta ai không có một nhà quê, ai không có gốc gác nông dân, ai không ước mơ một ngày nào đó trên những cánh đồng lưu vực sông Cửu Long, sông Hồng cũng sẽ vắng bóng nông dân, nhưng làng quê lúc đó sẽ trù phú khang trang hơn gấp nhiều lần, thế hệ nông dân mới sẽ có học thức không thua kém ai, và có thể họ cũng sẽ “rời xa mảnh đất của mình” nhưng không phải vì không còn đất mà vì họ đã có nghề nghiệp đủ sống đàng hoàng, nếu ở lại quê hương chí ít cũng trở thành công nhân nông nghiệp làm việc trên những chiếc máy cày máy cấy máy gặt liên hợp.
Hơn ai hết, người nông dân Việt Nam xứng đáng và cần phải được như thế!

 Tùy bút, Nguyễn Thị Hậu









Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

DI SẢN LỊCH SỬ - VĂN HÓA CÁC ĐÔ THỊ NAM BỘ NHÌN TỪ GIA ĐỊNH THÀNH THÔNG CHÍ CỦA TRỊNH HOÀI ĐỨC

Vài nét về công trình Gia Định thành thông chí Gia Định thành thông chí ( 嘉定城通志 ) còn có tên Gia Định thông chí ( 嘉定通志 ), là một quyển địa...