(Hay là Bảo tồn di sản văn hóa bắt đầu từ bảo tồn văn hóa của cộng đồng dân cư)
Khu vực Chợ Lớn hình thành vào khỏang thế kỷ XVII với những nhóm cư dân người Hoa làm nhiều nghề thủ công và buôn bán nhỏ. Lúc đó trung tâm thương nghiệp Đàng Trong là cảng sâu Cù Lao Phố trên sông Đồng Nai, cũng do người Hoa lập ra và phát triển. Sau cuộc chiến Tây Sơn – Nguyễn Ánh (1778), Cù Lao phố bị tàn phá, người Hoa ở đây đổ về Chợ Lớn và khu vực này trở thành một đô thị mang sắc thái kinh tế - văn hóa “khu phố Tàu” - trung tâm thương nghiệp, thủ công nghiệp với nghề làm gốm nổi tiếng.
Trong nửa đầu thế kỷ XX Sài Gòn – Chợ Lớn nối liền với nhau bằng vài trục chính (như đường Nguyễn Trãi, Trần Hưng Đạo và 3 tháng 2 ngày nay) bên cạnh đường sông là trục đường giao thông trọng yếu cho thương nghiệp, song vẫn là hai khu vực có chức năng khác nhau: Sài Gòn chủ yếu là trung tâm hành chính - chính trị còn Chợ Lớn là khu thương mại, tập trung các chợ đầu mối hàng hóa cho thị trường đồng bằng sông Cửu Long cũng như đầu mối thu gom nông sản, nhất là lúa gạo, từ đồng bằng sông Cứu Long để xuất khẩu.
Dự án Bảo tồn và phát triển Chợ Lớn trên cơ sở kiểm kê hệ thống di tích (nhà ở, cơ sở tôn giáo tín ngưỡng, cảnh quan kiến trúc đô thị, cảnh quan văn hóa…) đã lựa chọn đề xuất những tuyến, điểm tiêu biểu nhất để bảo tồn cảnh quan và không gian, những tuyến điểm khác sẽ có sự “phát triển” – xây dựng mới – khai thác giá trị hiện hữu của đô thị hóa nhưng vẫn phù hợp với không gian rộng lớn và lịch sử phát triển của cả thành phố. Khu vực “bảo tồn” là điểm tựa và khu vực “phát triển” là đòn bẩy để Chợ Lớn thực sự trở thành một “đô thị di sản” như nhiều đô thị di sản nổi tiếng trên thế giới.
Tuy nhiên, cũng như nhiều Dự án bảo tồn khác ở nước ta, ở khu vực bảo tồn dường như mục đích “phục vụ du lịch” (khai thác kinh tế) vẫn là hàng đầu và quan trọng nhất, mà lẽ ra, vì cộng đồng dân cư phải là mục đích chính. Bởi nếu không chú trọng đến cộng đồng đã tạo nên di sản văn hóa thì khó có thể bảo tồn và phát triển.
Nói đến Chợ Lớn là nói đến cộng đồng người Hoa và những sinh họat kinh tế - văn hóa đặc trưng. Tuy đã dự tính những tác động đến dân cư khi Dự án tiến hành nhưng đó mới chỉ là “bề nổi”, “bề sâu” là cần nhận biết kết cấu cộng đồng người Hoa ở khu vực này từ vài chục năm nay đã biến đổi thế nào và sự biến đổi đó tác động thế nào đến di sản văn hóa (vật thể và phi vật thể) ở đây? Đánh giá được điều này sẽ cho một dự báo, cảnh báo cho hiện tại và tương lai của khu vực Chợ Lớn.
Ta đã biết người Hoa có lối sống, truyền thống sinh họat từ gia đình đến cộng đồng rất gắn bó (tam tứ đại đồng đường, các bang hội nhóm…). Diện mạo di sản không thể tách rời diện mạo cộng đồng đã gắn bó và làm chủ di sản trong quá khứ. Cộng đồng nào thì sẽ xây dựng hoặc làm biến đổi di sản theo văn hóa của mình.
Thứ hai, ở các đô thị lớn nếu “mặt tiền” đường phố thể hiện sức sống thì những con hẻm chằng chịt phía sau, bên trong chính là mạch máu nuôi sống đô thị ấy. Ở khu vực Chợ Lớn điều này càng rõ ràng. Đơn cử ví dụ: cung cấp hàng hóa cho Chợ đầu mối Bình Tây và nhiều tiệm hàng hóa khác có một phần quan trọng từ những ngôi nhà là “kho hàng” trong các hẻm nhỏ, nghề “bỏ mối” hàng hóa bằng xe máy, xe ba gác rất linh họat đã nuôi sống nhiều người, chưa kể những cơ sở tiểu thủ công nhỏ lẻ trong các hẻm này.
Ngòai ra, có thể nói ở khu vực Chợ Lớn vẫn còn duy trì khá rõ mối quan hệ chặt chẽ giữa “huyết thống” và “cư trú” trong các hẻm (lý, hạng – theo cách gọi của người Hoa) Vì vậy, quy họach bảo tồn các “ô phố” gồm cả mặt tiền và hệ thống hẻm lớn nhỏ cần được dự án chú ý hơn.
“Bảo tồn và phát triển” là hai yêu cầu đồng thời là điều kiện quan trọng nhất của các dự án bảo tồn di sản văn hóa, nhất là đối với những "di sản sống cùng thành phố” như Chợ Lớn.
(SGTT 2013)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét