Nhân những hoạt động kỷ niệm 100 năm sân khấu cải lương Nam bộ, xin đăng lại bài viết của ba tôi (1922 - 1985) Đây là một trong nhiều công trình nghiên cứu của ông từ những năm 1970-1980 để chuẩn bị cho việc thành lập Viện nghiên cứu sân khấu Cải lương và Bảo tàng nghệ thuật cải lương.
Bài này đã in trong sách"Nguyễn Ngọc Bạch một đời sân khấu", NXB Trẻ, 2004.
Bài này đã in trong sách"Nguyễn Ngọc Bạch một đời sân khấu", NXB Trẻ, 2004.
Kỳ 1.
Cải lương là một hình thức ca kịch dân tộc. Nói đến ca kịch trước
hết phải đề cập đến vấn đề âm nhạc, vì âm nhạc là xương sống, là linh hồn của
kịch chủng.
Trước khi tìm hiểu về toàn bộ lịch sử nghệ thuật sân khấu cải
lương, cần tìm hiểu gốc của nó, linh hồn của nó, tức là âm nhạc.
NHẠC CỔ
Theo các tài liệu xưa, dàn nhạc cổ Việt Nam đã có từ rất
lâu đời. Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Trước đây (1437), Lương Đăng và Nguyễn
Trãi vâng mệnh định nhã nhạc. Nhạc tấu trên nhà có tám thanh như trống treo
lớn, khánh, chuông, đàn cần, đàn sắt, kèn, sáo quản, thược, chúc, ngữ, huân,
trì … Nhạc tấu dưới nhà thì có phương hưởng treo, không hầu, trống quản cổ, kèn quản
dịch”. Còn trong Vũ trung tùy bút của Phạm Đình Hổ chép: “Khoảng năm Hồng Đức
nhà Lê (1470 – 1497) … đặt ra hai bộ Đồng văn và Nhã nhạc. Bộ Đồng văn thì
chuyên ghép âm luật để hòa nhạc, bộ Nhã nhạc thì chuyên chú về giọng người,
trọng về tiếng hát, cả hai đều thuộc quyền quan thái thường coi xét. Đến như âm
nhạc dân gian thì có đặt ty giáo phường coi giữ “ … “Từ đời Quang Hưng (1578 –
1599) về sau, hai bộ Đồng văn Nhã nhạc có dùng một loại trống lớn Ngưỡng thiên
và một cái kèn lớn bằng trúc nạm vàng, cùng là cái long sinh long phách và các
loại đàn ba dây, bốn dây hoặc mười lăm dây, cái ống sáo, cái trống cảnh một
mặt, cái trống tang mỏng sơn son thiếp vàng, cái phách xâu tiền”.
Từ lúc còn ở miền Bắc, Trung, dàn nhạc cổ của dân tộc ta cũng đã
phát triển khá cao, có nhiều thứ nhạc cụ, bài bản có ghi chép chứ không phải ở
mức làn điệu truyền miệng.
Mở đường vào khai phá miền Nam, bên cạnh gươm, giáo, búa, rìu
(dụng cụ chiến đấu và sản xuất), tổ tiên chúng ta còn mang theo một nền văn
hóa, trong đó có một vốn nhạc phong phú bao gồm:
1) Nhạc lễ
(tụng đình)
2) Nhạc đồng
bóng
3) Nhạc nhà
chùa
4) Nhạc tuồng
(hát bộ)
Chưa kể vốn nhạc dân gian (dân ca) sẵn có trong nhân dân. Mỗi loại
nhạc có một nhiệm vụ nhất định.
NHẠC LỄ
Từ thời chúa Nguyễn, ở Đàng Trong đã có những đội quân của nhà
chúa. Trong số những người lên đường vào miền Nam khai hoang lập ấp
có những nhạc công xuất thân từ những đội quân nhạc, được cho định cư để sản
xuất tại các khu dinh điền. Vốn coi nhạc là nghề, cho nên không còn được phục
vụ bên cạnh chúa, họ lại quay sang phục vụ nhân dân trong các ngày tế lễ, ma
chay. Nhạc lễ từ chỗ chỉ dùng trong cung đình, được phát triển rộng rãi ra
ngoài nhân dân, song song với nhạc hát bội dùng trong việc cúng đình (lễ xây
chầu, đại bội) và trong các đám ma chay (trong chay ngoài bội).
Tổ chức dàn nhạc lễ gồm: bộ kéo, bộ gõ, bộ thổi
Xa triều đình, gần với quần chúng nhân dân trong sinh hoạt mới,
đất mới đối tượng mới, dòng nhạc lễ dần dần thay đổi chất và có điều kiện phát
triển. Trong các đám cúng tế, nhất là ma chay, nhân dân cần một thứ sinh hoạt
âm nhạc khác ngoài nhạc lễ. Nhất là ma chay: gia chủ và người trong nhà cần
thức. Trong đêm cúng tế, nhân dân muốn giữ cho không khí ấm cúng, về khuya, gia
chủ đặt tiền cho dàn nhạc lễ tiếp tục hòa tấu những bài bản nhẹ nhàng. Trong
buổi hòa tấu này, dàn nhạc lễ tước bớt những nhạc cụ như: trống, kèn, nhạc cụ
gõ, còn lại chỉ có “đàn cây”. Nghĩa là cũng tấu những bài nhạc lễ, nhưng không
dùng bộ gõ và bộ thổi, chỉ dùng bộ kéo và thêm bộ khảy.
Sinh hoạt âm nhạc “chơi đàn cây" được phổ biến và được nhiều
người ưa thích. Người ta thi nhau học nhạc cụ, làn điệu bài bản. Các tầng lớp
đều nô nức học: nông dân, trí thức, nhà nho, tiểu tư sản …
Khi sinh hoạt này phổ biến rộng rãi thì đối tượng của nhạc lễ thay
đổi: từ đối tượng trước kia là thần linh, chuyển sang đối tượng ngày nay là
quần chúng lao động, lần lần tự nó phải thay đổi chất. Từ tính chất tế lễ,
trang nghiêm chung chung, nhạc lễ chuyển sang chất mới cho phù hợp với đối tượng
mới.
Sự thay đổi chất của dòng nhạc lễ là một sự chuyển biến rất hợp
quy luật: văn nghệ phải phục vụ cho nhu cầu thẩm mỹ của đông đảo quần chúng lao
động. Danh từ nhạc tài tử ra đời.
NHẠC TÀI TỬ
Gọi là nhạc tài tử để phân biệt với nhạc lễ, nhạc hát bộ. Tài tử
tức là không phải nhạc công chuyên nghiệp, như chữ amateur của Pháp. Xưa những
nhà nho am tường các môn cầm, kỳ, thi, họa được gọi là những người tài tử.
Sự chuyển biến thay đổi về chất từ nhạc lễ sang nhạc tài tử được
thể hiện rất rõ ở ba điểm:
a) Tổ chức dàn nhạc:
Muốn đi sâu phản ánh tâm tư tình cảm của nhân dân thì phải bỏ bớt
những nhạc cụ ồn ào, gợi những không khí thần linh như trống phách (bộ gõ), kèn
sáo (bộ thổi); ngoài bộ kéo (hồ nhị), bổ sung thêm bộ khảy (đàn kìm, tranh,
sến, tam … ) để diễn tả tiếng lòng của con người đến từng phím tơ một, dàn nhạc
tách ra, qui mô nhỏ, ít tốn kém, phù hợp với điều kiện kinh tế phân tán. Sinh
hoạt này mất hẳn tính chất lễ bái mà đi vào cuộc sống trần tục (biểu diễn trong
những dịp cưới gả, tiệc tùng, họp mặt ở nhà hàng, chơi bời trong những đêm
trăng sau ngày lao động).
Do “chơi đàn cây” hòa tấu từng nhóm nhỏ hay độc tấu, nên kỹ thuật
diễn tấu ngày càng được trau chuốt và phát triển bằng những ngón, những kỹ xảo
tinh tế.
Nhiều nhạc cụ cổ được cải cách, đồng thời nhiều nhạc cụ mới được
sử dụng để chơi nhạc tài tử, khiến cho dàn nhạc tài tử ngày càng phong phú và
đa dạng.
b) Về bài bản, làn điệu:
Nhạc lễ với những bài như Long ngâm, Long đăng, Tiểu Khúc, Vạn Giá
… mang tính chất trang nghiêm không phù hợp với việc diễn tả tâm tư tình cảm
của quần chúng, vì vậy người ta thấy cần sáng tác những bài bản mới trên cơ sở
tiếp thu những tinh hoa của dân ca, trên cơ sở âm điệu dân tộc.
Dòng nhạc tài tử – ngoài việc sử dụng một số bài nhạc lễ – đã phát
triển nhờ ba nguồn chủ yếu:
1/ Sử dụng, phối nhạc và nâng cao các bài dân ca Huế và Nam Bộ
như: Lý con sáo, Lý ngựa ô, Lý cây chanh, Lý bánh bò, Lý chuồn chuồn, Lý giao
duyên, Lý vọng phu …
2/ Sử dụng và cải biên một số bài nhạc cổ Trung Bộ như: Kim tiền
Huế, Hành vân Huế, Nam xuân, Nam ai, Xuân tình, Lưu thủy, Phú lục, Xuân phong,
Long hổ, Tẩu mã …
3/ Sáng tác mới trên cơ sở âm điệu dân tộc như: Giang nam, Phụng
hoàng, Tứ đại, Phụng cầu, Văn Thiên Tường, Bình sa lạc nhạn, Đường thái tôn,
Chiêu quân, Ái tử kê, Bát man tấn cống, Tương tư, Duyên kỳ ngộ, Quả phụ hàm oan
…
Theo sự phân tích của các nhạc sĩ am tường nhạc mới thì các bản
nhạc tài tử:
a) Về mặt luật sáng tác: được sáng tác theo một cấu trúc
tương đối hoàn chỉnh, về giai điệu và khúc thức.
b) Về ký âm và hòa thanh: có bản nhạc riêng cho từng nhạc cụ
(tuy sự ghi chép không khoa học lắm), nên khi hòa tấu đã hình thành một sự hòa
tấu tự nhiên.
c) Về mặt nội dung tình cảm: dễ thể hiện được nhiều sắc thái
tình cảm, ngoài những bản nhạc trong nhạc lễ được phát triển cách diễn tấu, các
nhạc sĩ còn sắp xếp các bài bản theo từng loại điệu thức:
- Điệu thức Bắc: mang tính chất trong sáng, vui vẻ, khoẻ.
- Điệu thức Nam: mang tính chất man mác, nhẹ nhàng (đồng thời
được phân chia thành Nam Xuân, Nam Ai, Nam Đảo).
- Điệu thức Oán: mang tính chất bi ai, buồn thảm, là điệu thức
được sáng tạo sau này, hoàn toàn thoát ly những hình thức cấu tạo theo kiểu
nhạc lễ, nó có khả năng thể hiện tâm tư tình cảm của con người đương thời một
cách tinh vi, sâu sắc.
d) Về lời ca viết theo nhạc: nhạc lễ trước đây không có lời
ca. Khi chơi đàn cây trong các buổi ma chay, cúng lễ, có người uống rượu say.
Hứng chí ca cương mấy câu theo nhạc, sau đó có những trí thức Nho học nghĩ cách
soạn lời ca cho nhạc. Yếu tố thanh nhạc thêm vào khí nhạc, đó là một bước phát
triển quan trọng của nhạc tài tử, nhưng điều quan trọng hơn cả là qua việc sáng
tác lời cho nhạc, các tác giả phần nào đã phản ánh tâm tư ước vọng của quần
chúng cũng như tâm tư của chính họ. Lời viết thường dựa theo thơ ca cổ: Kiều,
Lục Vân Tiên …
Sinh hoạt âm nhạc tài tử rất hấp dẫn đông đảo quần chúng, do đó
phát triển rất mạnh. Vào khoảng năm 1900, sinh hoạt này đã phổ biến khắp Nam
Bộ. Xã nào cũng có người chơi nhạc tài tử. Sau Đại chiến thế giới lần thứ nhất,
sinh hoạt này phát triển mạnh nhất, nguyên nhân là nền kinh tế đã được ổn định
tạm thời. Nhiều ban nhạc, nhạc công và ca sĩ nổi tiếng đã xuất hiện.
Trung tâm phát triển của phong trào nhạc tài tử là các tỉnh Mỹ Tho, Vĩnh Long,
Sa Đéc, Cần Thơ, Bạc Liêu, Sài Gòn … là những tỉnh trù phú, nhiều lúa gạo, có
đường giao thông thuận tiện.
Có thể lấy năm 1909 là năm xuất bản tập sách dạy đờn ca của Phụng
Hoàng Sang (nhà in Đinh Thái Sơn) làm năm đánh dấu cái mốc định hình của nhạc
tài tử. Trong tập này đã có những bài bản chủ yếu của nhạc tài tử như: Lưu
thủy, Phú lục, Bình bán chấn, Xuân tình, Bình bán vắn, Bát man tấn cống, Tứ
đại, Phụng hoàng, Nam Xuân, Nam ai …
Năm 1915, năm mở màn của phong trào ca ra bộ – nhà in Phát Toán
cho in các tập sách dạy đờn ca của Phạm Đăng Đàn, Nguyễn Tùng Bá, Đỗ Văn Y …
Ngoài những bài mà tập sách năm 1909 đã có, chỉ thêm được một bài Lý ngựa ô Nam
mà thôi.
CA RA BỘ
Khoảng 1912 đến 1915, sinh hoạt đờn ca tài tử có một chuyển biến
mới. Hình thức ngồi trên bộ ván để đờn ca quá tĩnh, không thỏa mãn quần chúng
nữa. Người nghệ sĩ trong lúc đờn ca đã cảm thấy có nhiều nhu cầu diễn đạt bằng
động tác cụ thể, hành động cụ thể theo nội dung lời ca. Do đó đẻ ra một hình
thức mới là ca ra bộ (ca có động tác kèm theo).
Theo nhiều tư liệu, loại ca ra bộ phát khởi từ Vũng Liêm (Vĩnh
Long) nhà thầy Phó Mười Hai Tống Hữu Định từ năm 1916. Tống Hữu Định người làng
Long Châu, làm phó tổng Bình Long, từng tham gia phong trào Duy Tân, mượn lý do
trùng tu văn miếu Vĩnh Long (nơi có thờ Võ Trường Toản, Phan Thanh Giản và
Nguyễn Thông) để phát động cuộc dựng bia với thân hào nhân sĩ địa phương. Tính
ham mê đờn ca, chiều chiều ông thường cho mời những người yêu thích nhạc tài tử
đến nhà chơi như các ông Nguyễn Thành Điển, đốc học Lê Ninh Thiệp, trưởng tòa
Trần Chí Giang, kinh lịch Trần Quang Quờn, giáo sư Nguyễn Văn Hanh, nhạc sĩ
Trần Văn Diện tức Năm Diện, Ba Phương, Hai Giỏi, Hai Nghị, Trần Văn Thiệt (chủ
rạp hát Cầu Lầu), Lê Văn Hiến (tức Hai Hiến chủ gánh xiệc Thái Anh Tinh, gánh
xiệc này đã có xen kẽ các tiết mục ca tài tử). Thấy một người ca hoài, ông Phó
Mười Hai có sáng kiến đem bài Tứ đại oán Bùi Kiệm mê sắc Nguyệt Nga ra phân
vai, người ca đoạn Bùi Ông, kẻ ca đoạn Bùi Kiệm, người ca đoạn Nguyệt Nga, đối
đáp nhau vừa ca vừa ra bộ. Do nội dung bài ca có kịch tính lại được người biễu
diễn khá linh hoạt nên lớp ca dễ được hoan nghênh, và ngày càng được phổ biến
rộng rãi.
Tết ta 1917 tại Sa Đéc, gánh thầy Thận ra mắt mang tên “Gánh hát
Thầy Thận Cirque Jeune Annam et Ca ra bộ Sadec – amis”.
Thầy André Nguyễn Văn Thận (làm cò tàu cho công ty đường sông của
Pháp) mở gánh xiệc, xen những màn ca nhạc tài tử, ca ra bộ với những nghệ sĩ
như: Tư Hương (vai Bùi Ông), Bảy Thông (đày tớ của Bùi Kiệm), Tám Cang (Bùi
Kiệm), cô Hai Cúc (Nguyệt Nga) … Hình thức ca ra bộ xen kẽ vào các tiết mục
xiệc, vừa có tác dụng giải trí, vừa làm giãn thần kinh của khán giả nên rất
được hoan nghênh. Hình thức này phát triển từ 1 đến 2, 3 nhân vật đối đáp, từ
đơn giản đến có phục trang và hóa trang đơn sơ. Trang trí gần bộ ván ngựa nhỏ
để tài tử biểu diễn, hai bên bày hai chậu kiểng.
Ngoài tiết mục Bùi Kiệm mê sắc Nguyệt Nga, gánh thầy Thận còn biểu
diễn những tiết mục: Thằng Lãnh bán heo (Bảy Thông đóng vai thằng Lãnh), Hương
Hộ hà tiện (Bảy Thông đóng Hương Hộ, cô Hai Cúc đóng vợ Hương Hộ, Tám Cang đóng
đầy tớ).
Gánh xiếc của thầy Thận từng che rạp trước chợ Bến Thành, diễn rất
ăn khách rồi lập gánh hát với số tiền vốn của vài công tử ở tỉnh. Năm 1920,
gánh này rã, thầy Châu Văn Tú (tức thầy Năm Tú) ở Mỹ Tho rước nghệ nhân và sang
nhượng tranh cảnh đưa về tỉnh nhà, lập gánh hát chuyên nghiệp, lần hồi trở
thành gánh hát có uy thế, có quần chúng rộng rãi, gồm những nghệ nhân đứng đầu
Nam Bộ, do đó hãng dĩa Pathé – phone chịu thâu âm đem về Pháp, ép dĩa nhựa,
dành cho máy hát. Thầy Năm Tú mời ông Trương Duy Toản soạn tuồng.
Nguyên từ khi bị an trí ở Cần Thơ, ông Trương Duy Toản – từng là
chiến sĩ trong phong trào Duy Tân – đã soạn những bài đơn ca như: Lão quán ca,
Vân Tiên mù, Khen chàng Tử Trực, Thương nàng Nguyệt Nga (Rút từng đoạn trong
Lục Vân Tiên) hoặc Kiều oán, Từ Hải (rút từ truyện Kiều) cho ban tài tử Ái
Nghĩa Phong Điền (Cần Thơ) biểu diễn. Đến khi giúp cho gánh thầy Thận với ban
tài tử Bảy Đồng, ông lại nghĩ cách viết những bài liên ca như : Bùi Kiệm mê sắc
Nguyệt Nga (gồm ba vai Bùi Kiệm, Bùi Ông, Nguyệt Nga), Kim Kiều hạnh ngộ (gồm
hai vai Kim Trọng, Thúy Kiều). Khi giúp cho gánh thầy Năm Tú, từ những bài liên
ca “Kim Kiều hạnh ngộ”, “Viên ngoại hàm oan”, “Kiều mộng Đạm Tiên”, “Từ Hải”,
ông soạn lại vở Kim Vân Kiều I. Vở này là vở cải lương đầu tiên được trình diễn
năm 1920, đánh dấu cái mốc hình thành của sân khấu cải lương.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét