Sác hoa màu nhớ
Hình như một bài hát tựa
đề như vậy có câu mở đầu “hoa phượng rơi
đón mùa thu tới”? Ở Sài Gòn phượng đỏ thường trồng ở sân trường, nhất là mấy
ngôi trường được xây từ thời Pháp có khuôn viên rộng, nhiều cây xanh, rải rác
có những chiếc ghế đá… Những chùm phượng đỏ với tà áo trắng là bức tranh tuyệt
đẹp trên sân trường. Mùa hoa phượng báo hiệu ngày chia tay tuổi học trò mộng mơ
đang đến.
Sài Gòn còn nhiều sắc màu khác, rực rỡ mà vẫn
dịu dàng, tươi tắn mà luôn đằm thắm. Tháng tư, tháng năm là thời gian giao mùa
nắng mưa cũng là lúc nhiều đường phố Sài Gòn nở bung những sắc vàng tươi thắm. Một
trưa nào đó đứng trên tầng cao nhìn xuống con đường quen thuộc dưới kia, bạn chợt nhận ra hàng điệp vàng đã nở rộ từ
bao giờ mà mỗi ngày đi dưới bóng mát của nó bạn không hề để ý. Từ trên cao nhìn
xuống những vòm hoa như những mâm vàng trên nền lá xanh ngăn ngắt. Bông điệp nở
dày nhưng rất mong manh, chỉ cần một ngọn gió nhẹ lướt qua là cánh điệp lả tả
rơi xuống như mưa… Nhiều năm trước hàng điệp vàng và thảm hoa trên vỉa hè hay
trên đám cỏ xanh nổi bật trên đường Lê Duẩn, nhưng nay hai bên đường là những
ngôi nhà cao tầng kính xanh chói chang nên đi trên con đường này hình như chẳng
ai còn nhận ra mùa điệp vàng đã về…
Cả tháng nay dọc theo kênh Nhiêu Lộc, đoạn giữa cầu Nguyễn Văn Trỗi và cầu Lê Văn Sĩ, cả
hai bên đường Hoàng Sa và Trường Sa có nhiều cây hoa bò cạp vàng đang trổ bông
rất đẹp. Trên nhiều đường phố khác màu vàng rực rỡ mà dịu dàng như lụa của bò cạp
vàng làm cho cái nắng tháng năm không còn quá nóng bỏng. Do cây có hoa đẹp, tán rộng, mọc nhanh,
không quá cao nên bò cạp vàng thường được sử dụng trồng tạo cảnh quan, cây đường phố, dọc lối đi trong các khu biệt thự, nhà ở, khuôn viên trường học, bệnh viện… Hoa bò cạp vàng nở buông từng chùm như chiếc đèn lồng thu hết ánh nắng
rực rỡ. Trong công viên Gia Định năm nay có mấy cây nở hoa sớm, người qua đường
bất giác chạy xe chậm lại ngắm nhìn những chùm hoa đung đưa theo gió…
Mùa
hoa bò cạp vàng lặng lẽ đến rồi đi, cứ tự nhiên nở rộ làm đẹp cho những con đường
mà không cần nhiều lời ca ngợi, dù có nhiều tên khác nhưng cái tên thường gọi
cũng chẳng cầu kỳ. Như những cô gái Sài Gòn tươi tắn và hồn hậu, hoa bò cạp
vàng luôn làm lòng người chợt xao xuyến.
Cũng sắc vàng còn có hoa huỳnh anh (còn gọi là hoàng anh) thường
trồng phủ đầy hàng rào những ngôi biệt thự. Ở Sài Gòn huỳnh anh cho hoa nở quanh năm. Hoa đẹp nổi bật
với những chùm hoa to màu vàng tươi mọc đầu cành, màu vàng trông thật mượt mà
trên tàn lá màu xanh bóng, một
chùm hoa nở từng đôi nên trên cành luôn có hoa có nụ. Cây huỳnh anh dễ trồng ,
mọc nhanh, cành nhánh vươn cao nên thường được trồng làm cảnh, leo bờ rào, bờ
tường, cành dễ uốn nên thường được trồng làm cổng ra vào. Nhiều lần,
trên đường đi làm tôi rẽ vào một hẻm nhỏ, tránh con đường đông đúc ngòai kia. Hẻm
vắng vẫn giữ được nhịp sống bình thản thật đáng yêu, chạy xe dưới những bông huỳnh
anh rực rỡ trên nền lá xanh mướt vươn ra từ sau song sắt trên cao, mắt lơ đãng
buông theo ngoằn nghèo hẻm nhỏ, lòng thấy bình yên…
Nói về sắc
màu hoa Sài Gòn mà quên Bông Giấy thì thật là thiếu sót. Dàn bông giấy rực rỡ
những màu hồng, vàng cam, trắng, tím ở khắp nơi… Cũng như huỳnh anh bông giấy
thường được trồng che phủ hàng rào, có khi chỉ từ thân cây khô già cỗi nhô ra từ
một góc sân mà cả đoạn vỉa hè rực lên khiến ai cũng phải ngắm nhìn dù đã quen
thuộc. Gió lao xao làm những bông giấy mong manh đuổi nhau chạy trên đường phố.
Dưới dàn bông giấy hay có quán cà phê cóc, một chiếc xe đẩy, vài bàn ghế nhựa…
vậy là có một nơi hò hẹn bạn bè. Ngồi đó nhìn đường nhìn dòng xe ngược xuôi,
nghe giọng nói đủ vùng miền xung quanh, bỗng thấy Sài Gòn thân thương quá đỗi…
Trên những con đường Sài Gòn ta đó,
tháng năm mùa hoa rực rỡ… Một ý nghĩ thoáng qua,
Sài Gòn sẽ buồn biết bao nếu một ngày nào đó thiếu đi những sắc hoa màu nhớ.
Hàng cây lá xanh
gần với nhau
Câu hát trong ca khúc Mưa Hồng của Trịnh
Công Sơn đã mang lại cho những cơn mưa vẻ lãng mạn đẹp lạ lùng. Nghe bài hát
này tôi luôn nghĩ về cơn mưa Sài Gòn mau tới mau tạnh, gió ào ạt mưa cũng ào ạt
làm cho “đường phượng bay mù không lối
vào, hàng cây lá xanh gần với nhau”, và con người bỗng nhận ra “Cuộc đời đó có bao lâu mà hững hờ”.
Vậy đấy, những hàng cây
luôn gắn bó với những con đường, những ngôi nhà, với những con người thành
phố. Ai cũng hiểu cảnh quan đô thị không
thể thiếu những hàng cây cao vút toả bóng mát tạo khoảng xanh bình yên… Mỗi
thành phố, vô tình hay hữu ý, có loại cây đặc trưng riêng, như Hải Phòng “thành
phố hoa phượng đỏ”, Hà Nội “mùa hoa sữa”, Sài Gòn “cánh hoa dầu xoay tít bay
bay”… Trải qua thời gian, môi trường biến đổi, quy hoạch đô thị thay đổi, cây
xanh trong thành phố trở thành chứng nhân của sự thay đổi ấy.
Hệ sinh thái đô thị ngoài thành phần hữu cơ và vô cơ còn có thành phần thứ
ba là những gì con người xây dựng nên. Đô thị càng hiện đại càng mở rộng thì
các yếu tố tự nhiên càng mất dần vì không gian dành cho thiên nhiên bị thu hẹp.
Môi trường khí hậu đô thị thay đổi do sự can thiệp của con người bằng vật liệu
xây dựng và tiện nghi sinh hoạt hiện đại, do bị ô nhiễm từ nguồn nước, rác
thải, khói bụi, tiếng ồn… chưa kể sự biến đổi khí hậu toàn cầu. Hệ thống cây
xanh cần được nhận thức và đối xử xứng đáng với vai trò quan trọng của nó, bởi
vì đây là thành phần mang lại nguồn lợi cho sức khoẻ con người, bảo vệ môi
trường và cải thiện không gian sống, giảm thiểu tác hại của khí thải độc hại và
các nguồn ô nhiễm. Ở xứ nhiệt đới hai mùa mưa nắng như đô thị Sài Gòn thì những
nơi trồng cây không bị bê tông hoá còn như “nhà máy” lọc và tích trữ nước ngầm…
Cây xanh còn được sử dụng phổ biến trong
kiến trúc và tạo cảnh quan. Những tính chất của cây xanh như hình dạng (tán lá,
thân cây), màu sắc (lá, hoa, thân cây, trạng mùa của lá...) là những yếu tố
trang trí làm tăng giá trị thẩm mỹ của công trình kiến trúc cũng như cảnh quan
chung. Ở nhiều đô thị các bụi cây thấp, bờ dậu, đường viền cây xanh trang trí
trong vườn hoa công viên còn có tác dụng định hướng cho người đi bộ. Hàng cây
bên đường, nhất là vào ban đêm, các gốc cây có quét sơn phản quang là những tín
hiệu chỉ dẫn cho người tham gia giao thông.
Cây xanh thân thuộc hữu ích với cư dân đô
thị là thế, vậy nhưng chúng ta đã đối xử
như thế nào? Chiều nay đọc báo thấy tin hàng cây xà cừ lâu năm trên
đường Láng ở Hà Nội đã bị đốn hạ vì công trình đường sắt trên cao. Rồi một bạn
viết trên facebook “Hàng cây thuộc loại đẹp nhất của Sài Gòn nằm trên
đường Nguyễn Văn Cừ đang dần mất đi. Những cây to mấy người ôm đang bị đào tận
gốc, trốc tận rễ, cưa thành từng khúc. Tất nhiên họ có lý do để làm thế. Nhưng
ở thời mà niềm tin khan hiếm như thế này thì chả có lý do nào thuyết phục mình
nữa!”… Không hiếm những hành vi “giết” cây như đào rễ, đổ
axit, chặt cụt ngọn cây… chỉ để chiếm lấy vài mét vuông vỉa hè trước cửa nhà để
buôn bán. Rồi mưa giông làm gãy cành trốc gốc vì cây không được chăm sóc thường
xuyên, bên trong đã bị mối đục rỗng cả… Cứ vậy mỗi ngày những cây cổ thụ xanh
cứ mất dần, đô thị phô phang những khối bê tông tường kính, con người lọt thỏm
vào sắt thép, ngày càng trơ trụi và khô cằn.
Để “bù lại” bây giờ
người trồng cây gì? Rất hiếm thấy trồng mới loại cây thân gỗ, cây lâu năm để
sau này thành phố lại có những hàng cây cổ thụ toả bóng mát. Phần nhiều là cây
tạo cảnh, cây cắt xén, cây dây leo… tốn công chăm sóc nhưng cây không lâu bền,
chỉ một thời gian ngắn phải thay thế. Chưa kể nhiều bùng binh vòng xoay trồng
hoa theo kiểu xếp các giỏ hoa, vài bữa bốc lên xếp giỏ khác vào… Lại có lúc có
nơi đua nhau trồng cây hoa sữa dù chẳng hợp thời tiết, làm cư dân nơi ấy khốn
khổ vì mùi hoa sữa – mà ngay ở Hà Nội vào mùa thu, đoạn đường nhiều hoa sữa cư
dân ở đó cũng khổ sở vì cái mùi hắc nồng của nó. Cây ở đô thị trồng theo “phong
trào” như thế sẽ chẳng bao giờ có được một đô thị xanh.
Thôi thì không trồng
cây lâu năm thì hãy trồng loại cây có hoa, tạo ra “thương hiệu”như Nhật Bản với
mùa hoa Sakura nổi tiếng. Hà Nội giờ trồng nhiều bằng lăng, ngày đầu hè nhiều
con đường tím ngát nao lòng. Còn Sài Gòn sẽ trồng cây gì, “hoàng hậu bông vàng”
(bò cạp nước) từng chùm nở bung vàng tươi trong nắng có lẽ là một sự lựa chọn
hay. Còn bao nhiêu loại cây xanh đường phố đẹp không kém: Điệp vàng, phượng đỏ,
bàng Đài Loan, hoa ban “móng bò”… Mà đâu
chỉ cần làm đẹp cho những con đường, còn hai bên bờ những dòng kinh con sông
trong thành phố nữa. Cần tạo “thương hiệu xanh” cho từng thành phố, bởi vì một
thành phố xanh và đẹp giúp con người yêu thiên nhiên và sống tốt hơn, cả sức
khoẻ và tinh thần.
Ông bà mình luôn ví cây
với người: “Dụng nhân như dụng mộc”, “Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ich
trăm năm trồng người”. Nhìn cách trồng cây có thể biết cách “trồng người”. Nhìn
cách đối xử với cây có thể biết con người có được quý trọng hay không. Hình như
luôn có sự tương đồng như thế.
Vẫn nhớ về
những hàng cây xanh
Đối với tôi và nhiều người, những hàng cây cổ thụ ở Hà
Nội, Sài Gòn không chỉ là cây xanh, mà còn là kỷ niệm, ký ức, là nỗi nhớ là hồn
vía của đô thị, nơi nhiều người từng sống, đang sống và đến đây kiếm sống! Sống
lâu ở đô thị, mỗi hàng cây mỗi góc phố mỗi căn nhà đường phố trở nên thân quen,
nó mang lại cảm giác bình yên của một đô thị “đáng sống”, dù cuộc sống vẫn còn
quá nhiều bề bộn.
Chiều nay đi qua đầu đường Lê Lợi trông thấy cảnh những
cây cổ thụ bị cưa ngọn cưa thân một cách vội vã, lạnh lùng… Nhìn phố trơ trọi…
bỗng ứa nước mắt. Con đường Đồng Khởi có vài khoảnh xanh ở công viên Chi Lăng,
ở công viên trước Nhà Hát Lớn… từ gần trăm năm nay thế là không còn nữa. Mấy
tòa Vincom mọc lên, Eden biến mất, tòa nhà cổ 5 tầng đối diện Vincom cũng bị
san bằng rồi. Chưa biết đẹp ở đâu (và có đẹp không?) nhưng một phần ký ức rất
đẹp của Sài Gòn đã vĩnh viễn ra đi.
Có phải cứ hiện đại là phải trả giá bằng cách triệt hạ
thiên nhiên như thế này không?! Sài Gòn đã không còn gì của 300 năm, bây giờ
những gì của 100 năm cũng sắp mất hết! Nếu vì hiện đại mà chỉ biết chặt cây cổ
thụ, chỉ đập cũ xây mới, mà không hề có sự cố gắng giữ lại lịch sử thì có lẽ
công việc quản lý đô thị của các sở này ngành nọ, của việc quy hoạch với kiến
trúc thật quá dễ dàng!
Đô thị khác nông thôn chính là ở chỗ, mỗi cây xanh trên
phố khi trồng khi chặt đều được tính toán cẩn thận, nhất là khi nó đã gần trăm
năm tuổi, lại ở trung tâm thành phố, nơi mà có thể coi là tiêu biểu cho đô thị
Sài Gòn được xây dựng hơn 100 năm qua. Hàng cây trên đường phố đô thị không
phải như trong cái vườn nhà quê mà khi cần trồng rau hay cơi nới nhà của có thể
đốn chặt vài cây ăn trái, trừ khi đó là cây trồng với mục đích để lấy gỗ xây
nhà. Ở đô thị mà chỉ coi cây thuần túy là cây nên nhiều người đã nói rằng, để
có một thành phố hiện đại, để có giao thông hiện đại thì đánh đổi như thế cũng
được! Điều đáng nói là người dân thành phố không hề thấy, không hề biết chính
quyền đã có một sự cố gắng để tìm giải pháp nào khả dĩ giữ lại, hoặc trồng lại
cây ở đâu đó. Chặt luôn là tiện nhất! Với lý do "hiện đại" nên bao di
tích bao cảnh quan là cái hồn của đô thị đã bị phá hoại. Người Sài Gòn mai này
còn có gì để nhớ để nói về lịch sử Sài Gòn?
Hay là thôi, Sài Gòn cứ là của những người lạnh lùng đến
đến rồi đi, vô cảm lên rồi xuống, chẳng cần phải là Sài Gòn của bao người từng
ở, đang ở, từng đến đây và đang yêu quý Sài Gòn mỗi ngày…
Ông bà mình luôn ví cây với người: “Dụng nhân như dụng
mộc”, “Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ich trăm năm trồng người”. Nhìn
cách trồng cây có thể biết cách “trồng người”. Nhìn cách đối xử với cây có thể
biết con người có được quý trọng hay không. Hình như luôn có sự tương đồng như
thế. Chẳng lẽ lại cực đoan đến mức mong đừng ai cho vay tiền
để “hiện đại hóa” thành phố, vì khi có nhiều tiền nhưng sự hiểu biết và tính
nhân văn không tương xứng thì… những gì đã mất đi không bao giờ có thể làm lại
và thay thế được, vì đó chính là một phần lịch sử thành phố.
Đường Tôn Đưc Thắng Q1 TPHCM: trước và nay!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét