QÚA TRÌNH HÌNH THÀNH NGHỆ THUẬT CẢI LƯƠNG NAM BỘ (kỳ 2)


Kỳ 2. Những nguyên nhân hình thành nghệ thuật sân khấu cải lương

Nghệ thuật sân khấu cải lương là một hiện tượng văn hóa, sự hình thành và phát triển của nó có những nguyên nhân khách quan và chủ quan nhất định. Chúng ta hãy lần lượt tìm hiểu những nguyên nhân đó để thấy bối cảnh xã hội và thời đại đã tác động đến con người nghệ sĩ như thế nào để có thể khai sinh ra một kịch chủng mới.

I. KHÁCH QUAN

1.1 NGUYÊN NHÂN XÃ HỘI 

Muốn hiểu tại sao sân khấu cải lương lại hình thành ở Nam Bộ vào khoảng sau Đại chiến thế giới lần thứ nhất (1914 – 1918), phải tìm nguyên nhân ở tình hình kinh tế, chính trị, văn hóa xã hội ở Nam Bộ thời bấy giờ, để thấy sân khấu cải lương ra đời là một tất yếu lịch sử, bắt nguồn từ những điều kiện xã hội và thời đại nhất định.

a) Về mặt kinh tế:
Từ trước Đại chiến thứ nhất, tầng lớp tư sản Việt Nam đã ra đời và phát triển. Họ là chủ những công trường thủ công dệt the nhiễu, làm bát đĩa, làm gạch, xẻ gỗ, làm đường; chủ những xí nghiệp có tính chất cơ khí như nhà máy xay gạo, nhà máy in, xưởng sửa chữa xe hơi và chủ những công ty buôn bán lớn có tính chất tư bản chủ nghĩa.

Tuy vậy tầng lớp tư bản dân tộc mới xuất hiện này chưa đủ hình thành một giai cấp. Cuộc Đại chiến thế giới lần thứ nhất nổ ra, thực dân Pháp vì bận chiến tranh ở nước Pháp phải ngừng cuộc khai thác ở Đông Dương. Do đó, một số đông nhà tư sản Việt Nam nhân dịp bỏ vốn kinh doanh, mở xí nghiệp. Một số nhà tư bản thương mại cũng có nhiều chi nhánh ở trong nước và xuất cảng ra nước ngoài.

Ngoài lực lượng tư sản dân tộc Việt Nam phải kể đến lực lượng tư sản mại bản Việt Nam. Có những nhà buôn lớn chuyên buôn bán hoặc làm đại lý độc quyền cho các hãng tư bản ngoại quốc. Có  những  nhà tư  sản  Việt Nam đã chung vốn với tư bản ngoại quốc thành lập những công ty buôn bán hay những xí nghiệp. Có những công ty lớn chuyên thầu những công việc chính cho tư bản Pháp hay chính phủ thực dân …

Khi giai cấp tư sản Việt Nam đang trên đà phát triển thì cuộc Đại chiến thế giới lần thứ nhất chấm dứt. Tư bản Pháp ở Đông Dương, sau một thời kỳ bị đình trệ vì mắc chiến tranh ở bên nước Pháp đã hoạt động trở lại. Cuộc khai thác lần thứ hai bắt đầu, tư bản Pháp bỏ vốn kinh doanh ngày càng nhiều. Trước kia chúng chú ý vào việc tiêu thụ hàng hóa, đem hàng hóa ở bên Pháp sang độc chiếm thị trường Đông Dương, thì nay, ngoài việc bán hàng hóa, chúng đã đẩy mạnh việc xuất cảng tư bản với giá nhân công rẻ mạt ở Đông Dương để kiếm cho được nhiều lời.

Do sự tăng cường khai thác của thực dân Pháp, quyền lợi kinh doanh của tư  sản Việt Nam bị hạn chế lại. Nếu giai cấp tư sản Việt Nam thời ấy được tự do phát triển thì trên con đường tiến tới của nó tất nhiên theo lối đi của giai cấp tư sản ở các nước tư bản. Nhưng giai cấp tư sản Việt Nam lại sản sinh ra từ một nước thuộc địa, dưới sự  thống trị của thực dân Pháp nên đã gây nên một mâu thuẫn sâu sắc giữa sức phát triển của tư sản Việt Nam với quan hệ của thực dân Pháp. Mặt khác, do sự sản xuất theo phương pháp tư bản chủ nghĩa phát triển đã tạo nên cảnh phồn vinh giả tạo.

Về mặt nông nghiệp với kế hoạch đào kinh xáng để phát triển giao thông vận tải và cho trưng khẩn đất hoang bên kia sông Hậu, do viên toàn quyền Dumer khởi xướng. Giai cấp địa chủ ở Nam Bộ đứng ra chiêu mộ tá điền, bóc lột địa tô và cho vay nặng lãi khiến đời sống nông dân càng thêm cơ cực. Tầng lớp “điền chủ mới” thành hình. Nhiều người ở phía Hậu Giang nhưng không ít người xuất thân làm công chức lớn nhỏ phía Tiền Giang và Sài Gòn lãnh phần béo bở. Giới này làm giàu nhanh, tích lũy được chút ít vốn nhưng trước mắt vẫn thấy ba trở lực. Một là, thực dân Pháp đang khống chế về thuế vụ, giá cả. Hai là, giới mại bản Hoa kiều ở Chợ Lớn đưa vốn từ Hương Cảng và Singapo sang, độc quyền về thu mua tận miền quê, nắm luôn phương tiện chuyên chở (ghe chài, tải) và những chành (kho) ở khắp các điểm thuận lợi, tận chợ quận lại còn nắm gần như độc quyền về nhà máy xay xát. Ba là, giới “sét-ty” Ấn kiều chuyên nghề cho vay và đấu thầu thuế hoa chi các chợ, bến đò. Điền chủ người Việt làm ăn khá giả, nhờ vay vốn của tư bản Hoa kiều hoặc Ấn kiều, đem về cho tá điền vay lại.

Sau Đại chiến thế giới lần thứ nhất, ruộng đất càng tập trung nhiều, trái lại, nông dân càng phá sản nhiều. Ngoài những ruộng đất bị chiếm đoạt, người nông dân còn phải nộp tô nộp tức cho  địa  chủ, phú  nông, nộp thuế trực thu và gián thu cho bọn thống trị càng ngày càng nặng thêm. Do đó, mâu thuẫn giữa giai cấp nông dân với địa chủ và thực dân ngày càng thêm sâu sắc.

b) Vè chính trị
Sau khi chiếm được Nam Kỳ, thực dân Pháp lập một chính quyền quân sự đứng đầu là tên đô đốc, các tên chủ tỉnh, phủ huyện cũng đều là sĩ quan Pháp. Năm 1880, chúng đặt chức thống đốc, bên cạnh đó chúng đặt ra Hội đồng quản hạt Nam Kỳ, gồm sáu người Pháp và sáu người Việt do một số cử tri nhỏ cử ra. Nhưng cái màn thưa che đậy chế độ độc tài lõa lồ ấy không lừa bịp nổi ai. Cái hội đồng ấy không có quyền gì ngoài quyền đề đạt thuế vụ, ngân sách. Thực dân gấp rút lập trường thông ngôn, trường dòng … để có người làm tay sai cho chúng. Đến năm 1887, Pháp lập phủ Toàn quyền cai trị cả ba xứ Nam Trung Bắc, thì ở Nam Kỳ Hội đồng quản hạt mất bớt quyền hành, nhất là về ngân sách.

Sau Đại chiến thế giới lần thứ nhất, đề củng cố bộ máy chính quyền có một quy mô rộng lớn trên một nền kinh tế tư bản ở thuộc địa đương phát triển và tìm một chỗ dựa cho giai cấp địa chủ và giai cấp tư sản mới ra đời, thực dân Pháp chú ý mở rộng các cơ quan dân cử, kéo một số địa chủ, tư sản và trí thức tham gia chính quyền, đào tạo những tay chân mới từ một lớp người mới thay cho lớp người cũ. Cả đến bộ mặt các thành thị cũng được trang điểm thêm: công việc tuyên truyền cho chính sách “khai hóa” cũng phải ráo riết hơn.

Cũng trong thời gian này, các thứ thuế trực thu và gián thu đặt ra càng nhiều, vừa tinh vi vừa nặng nề hơn trước. Tất cả các thứ thuế mỗi ngày một chồng chất lên đầu nhân dân Việt Nam, làm cho đời sống của nhân dân ngày càng cơ cực.

Do bị áp bức bóc lột nặng nề, nhân dân Nam Kỳ đã nhiều lần đứng dậy chống thực dân Pháp. Nhưng sau khi phong trào Cần Vương thất bại, trong khoảng thời gian vài chục năm từ cuối thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX , cách mạng Việt Nam không được bất kỳ một giai cấp nào lãnh đạo. Trước tình hình “nước sôi lửa bỏng” ấy, một tầng lớp sĩ phu yêu nước – bộ phận tiến bộ nhất được phân hóa từ giai cấp phong kiến, có hấp thu ít nhiều “tân học” – đứng ra đảm nhiệm sứ mệnh lãnh đạo cách mạng Việt Nam.

Giữa lúc đang băn khoăn tìm phương hướng cứu nước, thì họ tiếp nhận được nguồn ảnh hưởng bên ngoài đưa lại: Cuộc vận động Duy Tân ở Trung Quốc, một trào lưu tư tưởng có tính chất cải lương tư sản do Khang Hữu Vi, Lương Khải Siêu đề xướng. Đó là sự kiện nước Nhật Bản từ sau cuộc Duy Tân đã tiến lên theo con đường tư bản chủ nghĩa với tốc  độ  khá nhanh: Năm 1904 đánh thắng hạm đội Nga hoàng ở Lữ Thuận … Những “tân thư, tân văn” từ Trung Quốc, Nhật Bản tới tấp tràn vào Việt Nam. Những học thuyết mới như tư tưởng triết học tiến hóa luận của Đác-Uyn, với những Xpen-xơ, Hớt-xlây, những lý luận về xã hội học với những Rút-xô, Mông-tét-xki-ơ, Von-te … đã lóe lên trong đầu óc những nhà yêu nước Việt Nam đang đi tìm đường cứu nước, biến thành những gợi ý đầy hấp dẫn để giải đáp các vấn đề lịch sử đang đặt ra. Họ đã đón nhận những lý luận chính trị, tư tưởng triết học và những quan điểm đạo đức đó như là một thứ vũ khí mới để ứng dụng trong cuộc chiến đấu mới của mình. Từ đó họ đã xốc lên được phong trào cứu nước mang màu sắc của thời đại mới, với cái tên “Cải cách duy tân” (1906 – 1908).

Đầu năm 1905, phong trào Đông Du sang Nhật đầu tiên của Phan Bội Châu, Tăng Bạt Hổ, kế đó là một số chí sĩ khác trong đó có Cường Để. Năm 1907 Phan Bội Châu soạn ra bài văn “Ai cáo Nam Kỳ phụ lão” để làm tài liệu vận động đồng bào Nam Kỳ. Phong trào Đông Du phát triển mạnh mẽ ở Nam Kỳ, vào khoảng 1907 – 1908, con số du học sinh cả nước ước chừng 200, riêng Nam Kỳ đã chiếm hơn 100.

Sau khi tiếp xúc với Phan Bội Châu, ở Hương Cảng, Trần Chánh Chiếu đại biểu cho tầng lớp tư sản dân tộc mới lên có mâu thuẫn quyền lợi với tư bản Pháp và lợi ích còn ít nhiều gắn bó với dân tộc, với nhân dân, đã đứng lên cổ động công khai ở Nam Kỳ một phong trào gọi là Cuộc Minh Tân (Cuộc tức là công cuộc, Minh Tân tức là minh đức, tân dân). Ông đề ra những công việc phải làm theo gương Duy Tân của Trung Quốc: Phát triển trường dạy học, phát triển công nghệ trong nước, mở mang trường quân sự dạy thủy quân, lục quân.

Đầu năm 1908, ông đứng ra thành lập công ty Nam Kỳ Minh Tân Công Nghệ nêu rõ kế hoạch hoạt động là lập lò chỉ (máy kéo sợi bằng chỉ), lò dệt, lò xà bông, thuộc da và làm đồ pha-lê. Ngoài công ty lớn trên đây, đáng chú ý là hai khách sạn  hoạt động với mục đích là làm kinh tài cho phong trào, đồng thời cũng là nơi tụ họp để che mắt bọn cầm quyền thực dân: Minh Tân khách sạn ở Mỹ Tho, Nam Trung khách sạn ở Sài Gòn. Cũng cần kể đến 15 tổ chức khác đã hưởng ứng phong trào rải rác ở Sài Gòn và các tỉnh ở Nam Kỳ, từ Biên Hòa đến Rạch Giá nhằm mua bán lúa gạo, lập quán ăn, lập nhà in hoặc nhằm mục đích cho vay nhẹ lãi, lập công ty y dược để bào chế thuốc bắc theo hình thức Âu dược. Lại còn sáng kiến lập công ty tàu thủy đưa đò để yểm trợ phong trào một tờ báo công khai ra đời lấy tên là Lục Tỉnh Tân Văn.

Tháng 9-1908, xà bông của công ty Minh Tân lại tung ra thị trường, cạnh tranh rất hiệu quả với xà bông của ngoại quốc. Đồng  thời  Lục  Tỉnh Tân Văn cũng có nhiều bài công kích chế độ thuộc địa, kêu gọi đồng bào đoàn kết chống quan lại tham nhũng khiến thực dân chú ý.

Cuối tháng 10-1908, ông Tổng lý là Trần Chánh Chiếu bị bắt nên công ty Minh Tân ngừng hoạt động và giải tán, Lục Tỉnh Tân Văn cũng bị rút giấy phép.

Sau vụ Hà thành đầu độc tháng 6-1908, thực dân Pháp đàn áp trắng trợn, phong trào Duy Tân bị tan rã. Nhưng Phan Bội Châu, Cường Để vẫn tiếp tục hoạt động. Năm 1911, cuộc cách mạng Tân Hợi ở Trung Quốc giành thắng lợi đã đem lại phấn khởi cho các nhà cách mạng Việt Nam và cho họ có điều kiện hoạt động dễ dàng hơn trên đất Trung Quốc. Năm 1912, Việt Nam Quang Phục Hội được thành lập tại Hương Cảng do Cường Để làm Hội trưởng và Phan Bội Châu làm Tổng lý. Khi cuộc Đại chiến thế giới lần thứ nhất sắp nổ ra, Cường Để qua Đức với Đỗ Văn Y và Trương Duy Toản định dựa vào Đức đánh Pháp nhưng cuộc vận động đó không có kết quả. Đức không chịu giúp đỡ Cường Để mặc dù lúc đó Đức là kẻ thù chính của Pháp.

Cũng trong thời kỳ Đại chiến thế giới lần thứ nhất, nhiều người yêu nước Việt Nam cho rằng nhân lúc Pháp đang mắc đánh nhau với Đức ở Châu Âu mà đứng lên đánh đuổi bọn thực dân thuộc địa đòi lại đất nước. Đêm ngày 23 rạng 24-3-1913, đã có cuộc nổi dậy của Phan Xích Long nhằm đánh chiếm Sài Gòn nhưng thất bại. Phan Xích Long chạy ra Phan Thiết nhưng bị bắt ở đó. Đêm 14 rạng 15-2-1916 lại nổ ra cuộc đánh khám lớn Sài Gòn với mục đích giải phóng những chính trị phạm trong đó có Phan Xích Long. Nhưng cuộc nổi dậy này cũng bị dập tắt vì lực lượng quá ô hợp và non yếu.

Cho tới cuộc nổi dậy của Phan Xích Long, những phong trào yêu nước do tầng lớp phong kiến tư sản hóa và tầng lớp nông dân lãnh đạo đều lần lượt thất bại. “Vào mấy chục năm đầu của thế kỷ XX, cuộc khủng hoảng về đường lối cách mạng diễn ra sâu sắc nhất … Cuộc khủng hoảng về đường lối thực chất là cuộc khủng hoảng về vai trò lãnh đạo cách mạng của giai cấp tiên tiến trong xã hội … Trước năm 1920, chưa một người yêu nước nào của nước ta nhìn thấy ánh sáng giải phóng trong đêm tối nô lệ của dân tộc.” (50 năm hoạt động của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà xuất bản Sự thật, từ  trang 22).

Trước tình hình đó, một số người yêu nước từng tham gia các phong trào Đông Du và Duy Tân, nhưng sau những thất bại liên tiếp về chính trị đã cảm thấy mệt mỏi, nên chuyển hướng qua hoạt động cải cách về văn hóa xã hội, trong đó có cả mặt cải cách sân khấu.

c) Về văn hóa xã hội:
Từ năm 1865, trước khi chiếm trọn Nam Kỳ, thực dân Pháp đã cho xuất bản Gia Định báo bằng chữ quốc ngữ. Tuy ban đầu là một thứ công báo của chính quyền xâm lược, tờ Gia Định báo cũng góp phần vào việc phổ biến chữ quốc ngữ ở Nam Kỳ. Năm 1868, xuất hiện Phan Yên báo do Diệp Văn Cương làm chủ bút, nhưng sau bị đóng cửa vì những bài có tính chất chính trị, công khai chỉ trích chánh sách của thực dân Pháp. Năm 1901, có tờ Nông Cổ Mín Đàm do Lương Khắc Minh rồi Nguyễn Chánh Sắt làm chủ bút. Năm 1907 có tờ Lục Tỉnh Tân Văn do Trần Chánh Chiếu làm chủ bút. Năm 1916, tại Cần Thơ có tờ An Hà nguyệt báo do một công ty in thành lập, trong ban trị sự có Đỗ Văn Y, từng hoạt động trong phong trào Duy Tân.

Về tiểu thuyết, năm 1887 xuất hiện cuốn truyện Thầy Lazaro phiền của Nguyễn Trọng Quản. Khoảng 1910, đã có Hoàng Tố Anh hàm oan của Trần Chánh Chiếu, Phan Yên ngoại sử Tiết phụ gian truân của Trương Duy Toản. Năm 1912, Hồ Biểu Chánh viết tiểu thuyết Ai làm được. Khoảng 1919 – 1920, Nguyễn Chánh Sắt lừng danh với tiểu thuyết Nghĩa hiệp kỳ duyên tức Chăng-Cà-Mum.

Trường Sát-sơ-lu Lô-ba ở Sài Gòn thành lập năm 1885. Cũng từ cuối thế kỷ XIX, trường trung học Mỹ Tho được thành lập, đã đào tạo số học sinh có trình độ tương đối cao, trở thành thơ ký lên huyện, phủ, đốc phủ. Tính đến tháng 12-1917, trường trung học Mỹ Tho là trường duy nhất ở tỉnh. Nhờ địa thế ở vào trung tâm đồng bằng, trường này thu hút học sinh từ các vùng Gò Công, Sa Đéc, Vĩnh Long. Trong khi ấy, phía Hậu Giang là đất mới, trường trung học Cần Thơ chỉ thành lập năm 1926.

Về trường tiểu học (gồm các lớp đồng ấu, dự bị, sơ đẳng), mỗi xã chỉ có thể xây cất nếu đạt con số 900 người đóng thuế (thuế đinh) để có đủ công nha (ngân sách) tài trợ về phòng ốc, lương bổng giáo viên. Nếu một xã không đủ con số 900 nói trên, hai hoặc ba xã mới được mở một trường. Bởi vậy vùng dân cư đông đúc của Mỹ Tho, Sa Đéc, Vĩnh Long nhờ dân số đông đúc ở thôn quê nên hầu hết ở các làng đã có trường học, trong khi phía Rạch Giá, Cà Mau nhiều xã suốt 80 năm thuộc địa, trẻ con chịu dốt.

Ở ba tỉnh đông dân đất tốt, các trường học mở tương đối nhiều tạm gọi là dân trí cao, thêm truyền thống cũ về học hành với chữ Nho, khá đồng bộ về lễ nhạc đình làng thành hình trước từ thời Tự Đức. Mỹ Tho là đầu mối đường xe lửa, xe đò, tàu thủy lên Sài Gòn, là thủ đô thứ nhì của Nam Kỳ thuộc địa. Mỹ Tho, Vĩnh Long, Sa Đéc nằm trên sông Tiền giao lưu với Campuchia dễ dàng.Những điều kiện trên đây giải thích tại sao, trong tình hình những năm đầu thế kỷ XX, ba tỉnh trên là cái nôi của sân khấu cải lương, nhất là Mỹ Tho.

Về xã hội, trong phong trào Duy Tân đã có chủ trương “di phong dịch tục”, thay đổi phong tục cũ, giảm bớt nghi thức khi có đám tang, chống hút thuốc phiện, cờ bạc, khuyến khích thể dục thể thao, bỏ mê tín dị đoan và đề xướng nếp sống mới như tiếp khách thết đãi theo người Âu, cắt tóc ngắn, bàn việc làm ăn tại nhà hàng …

Trong thời gian Đại chiến thế giới lần thứ nhất, giới địa chủ, tư sản làm giàu nhanh chóng. Họ thi nhau cất nhà ngói, thậm chí nhà lầu. Nhà ở đã cải cách, quần áo, giường ngủ theo tân thời, hằng ngày giao thiệp với công sở với phong cách mới: bộ điền, bằng khoán đất, thuế thân, cách xử kiện ở tòa dưới, tòa trên. Xe ô tô nhập từ 1906, đến năm 1914 đã phổ biến trong giới điền chủ lớn, tư sản và công chức, “trên ô tô, dưới thời ca nô”. Đời sống vật chất đã thay đổi, tất nhiên những nhu cầu về tinh thần cũng thay đổi, đó cũng là một trong những nguyên nhân dẫn tới sự hình thành một hình thức sân khấu mới phù hợp với xã hội và thời đại lúc bấy giờ.

Tóm lại, về nguyên nhân xã hội chúng ta thấy:


1/ Sự xuất hiện một tầng lớp mới thuộc giai cấp tư sản, tiểu tư sản với yêu cầu giải phóng cá nhân, chống lễ giáo phong kiến, đã thúc đẩy sự hình thành  một hình thức sân khấu mới, đáp ứng được tư tưởng tình cảm của họ.

2/ Việc cải cách sân khấu cũng nằm trong chương trình cải cách xã hội của phong trào Duy Tân khi phong trào này thất bại, một số người yêu nước chuyển hướng qua hoạt động văn hóa xã hội trong đó có cả việc cải cách sân khấu.

3/ Nông dân là những người chịu áp bức bóc lột của phong kiến thực dân sẵn có tấm lòng yêu nước và tinh thần dân tộc. Khi những sĩ phu yêu nước đề xướng ra phong trào cải lương thì nông dân là người góp phần phổ biến rộng rãi loại hình nghệ thuật này.

1.2 NGUYÊN NHÂN VỀ NHU CẦU THẨM MỸ :

Bộ môn văn nghệ được đồng bào mọi giới ở Nam Bộ yêu chuộng nhất từ thời các chúa Nguyễn vẫn là tuồng hát bội. Sách Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức mô tả dài dòng về thú ham mê hát bội đến mức trở thành hủ tục, lãng phí ở Nam Bộ: Gọi gánh hát đến rồi người mua dàn mời bạn bè đến xem như khách danh dự để lấy lại số tiền, tổng cộng lại, quả là lời gấp bội. Mỗi vị quan to như Lê Văn Duyệt, Nguyễn Văn Thoại (Thoại Ngọc Hầu) đều sắm đoàn hát bội  riêng. Trong  miếu  thờ  Lê  Văn Duyệt ở Bà Chiểu (Gia Định) dành riêng một vị trí thờ kép Hứa Văn lừng danh, từng được tả quân ưa thích lúc sinh thời.

Thực dân Pháp đến, hát bội vẫn tồn tại với những tuồng pho, tuồng Tàu, trong đó xuất sắc nhất vẫn là tuồng San Hậu. Với tình hình mới, hát bội không đáp ứng được nhu cầu thẩm mỹ của người xem vì quanh đi quẩn lại chỉ có vua quan không thể hiện được cuộc đời người dân: tình yêu, lao động … Đặc biệt không thể hiện được nội dung chống Pháp, chống giai cấp bóc lột. Những năm đầu thế kỷ XX, đã xuất hiện ngày càng đông đảo những loại người mới, từ bọn thực dân và quan lại công chức tay sai cho chúng đến những người thuộc giai cấp tư sản, tiểu tư sản … do đó có nhu cầu hình thành một loại kịch chủng phản ảnh được hiện thực xã hội lúc bấy giờ, đồng thời thể hiện được tư tưởng, tình cảm của nhân dân, đó là động lực hết sức quan trọng cho sự ra đời của nghệ thuật cải lương.

Lúc đầu người ta chỉ mới dám đề xuất việc “cải cách hát bội” chứ chưa dám mạnh dạn xây dựng một kịch chủng mới. Ngày 28-3-1917, ông Lương Khắc Ninh, chủ bút báo Nông Cổ Mín Đàm từng thành lập gánh hát bội Châu Luân ban ở Sài Gòn (1905), có diễn thuyết tại nhà hội khuyến học Sài Gòn về “Hí nghệ cải lương”. Khi ông Diệp Văn Kỳ chất vấn: “Trong cuộc hát phải có nhạc, mà nhạc An Nam còn phải sửa, vậy ai là ông nhạc sư mà sửa nhạc?” thì ông Lương Khắc Ninh trả lời: “Nói qua nhạc thì xin bãi nhạc đi. Đây tôi tính hát tiếng thường, không nam, không khách gì nên không kể đến nhạc. Hát tuồng diễn mà răn đời thôi” (theo Nông Cổ Mín Đàm số ra ngày 19-4-1917).

Báo Nông Cổ Mín Đàm đăng những vở tuồng Vì nghĩa quên nhà (19-7-1917), Báo nghĩa (21-8-1917), Ngô Công Nhược mắc lừa của Nguyễn Khắc Nương và Nguyễn Ngọc Ẩn (24-6-1920) cũng toàn là văn xuôi không hề có một điệu hát nào cả. Mặc dù báo Nông Cổ Mín Đàm, Công luận hóa đăng tin diễn vở Vì nghĩa quê nhà , Báo nghĩa (Hồ Biểu Chánh), Gia Long phục quốc Pháp Việt nhứt gia (của Đặng Thúc Liên và Nguyễn Văn Kiều) … đều gọi là “Cuộc hát cải lương” nhưng đó là hát bội cải cách chứ không phải cải lương như chúng ta hiểu hiện nay. Vở Pháp Việt nhất gia, diễn đêm 6-11-1918 tại nhà hát Tây Sài Gòn, soạn giả viết toàn văn vần, loại biến ngẫu gần như của hát bội, nhưng lại không có điệu Nam, Khách, Thán, Bạch, Ngâm … gì hết. Đào kép chỉ nói lối, khi thì theo điệu Ai, khi lại trở Xuân, không múa may gì, cũng không trống kèn inh ỏi. Trong hậu trường có dàn cổ nhạc nhưng chỉ để hòa tấu bản Madelen lúc sân khấu mở màn và sự hiện diện của toàn bộ đào kép khi đã hóa trang xong, đứng xếp hàng chào khán giả, gọi là táp-bơ-lô vi-văng (tableau vivant), sau đó thì đệm theo từng điệu lối của đào kép. Khi đó, nhà báo Lê Hoàng Hưu, trên báo chí Sài Gòn ca ngợi lối hát này và gọi nó là hát bộ, tức là một sự  cải tiến của hát bội.

Dẫu sao những cố gắng “cải cách của hát bội” nói trên cũng tạo tiền đề cho việc xây dựng một kịch chủng mới là sân khấu cải lương.

Báo Nông Cổ Mín Đàm số ra ngày 11-10-1917 có đăng bài Phương châm đắc sở của Lương Gia Tẩu (Chợ Lớn) trong có đoạn viết: “Tôi có tánh ham vui nên mỗi tuần tối thứ bảy thì tôi hay đi coi hát bội. Có đêm tôi gặp được kép hay tuồng giỏi, múa trúng điệu, hát phải hơi thì khoái lạc vô cùng; còn có bữa gặp hề vô duyên đào mới tập thì mỏi lòng không muốn ngó. Tôi thầm tưởng trên địa cầu này nước nào cũng cho hí trường là chỗ hóa dân trí, động nhân tâm, nên thảy thảy đều ngó nhau mà cải lương cho trọn lành trọn tốt”. Đoạn văn trên đã chứng minh việc cải cách sân khấu đã trở nên nhu cầu bức thiết về thẩm mỹ của quần chúng lúc bấy giờ.



https://vi.wikipedia.




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

DI SẢN LỊCH SỬ - VĂN HÓA CÁC ĐÔ THỊ NAM BỘ NHÌN TỪ GIA ĐỊNH THÀNH THÔNG CHÍ CỦA TRỊNH HOÀI ĐỨC

Vài nét về công trình Gia Định thành thông chí Gia Định thành thông chí ( 嘉定城通志 ) còn có tên Gia Định thông chí ( 嘉定通志 ), là một quyển địa...