Bài trong Tạp chí Kiến trúc số ra tháng 11.2018
1. Bản sắc văn hóa của đô thị hình
thành từ cấu trúc, tính chất và chức năng của nó, và trên hết, cộng đồng dân cư
đã duy trì và (làm/góp phần) biến đổi nó. Việc tìm ra những đặc trưng của đô thị Sài Gòn – TP. Hồ Chí Minh từ cảnh
quan tự nhiên đến văn hóa của cộng đồng sẽ cho phép nhận biết di sản văn hóa
vật thể và phi vật thể của đô thị này.
Sài
Gòn là đô thị sông nước. Sông Sài Gòn là đường thủy quan trọng nhất, cảng Sài
Gòn là cửa ngõ thông thương với nước ngoài. Hệ thống kênh rạch dày đặc là những
con đường huyết mạch để vận chuyển lúa gạo và các loại nông sản, hàng hóa khác
từ đồng bằng sông Cửu Long lên Cảng Sài Gòn để xuất khẩu. Hệ thống sông rạch
làm nên cảnh quan “trên bến dưới thuyền” của Sài Gòn: những tuyến sông, kênh rạch tạo cảnh quan đặc trưng: sông – bến chợ
– phố chợ ven sông – hệ thống bến cảng - giao thông đường thủy – ghe thuyền – hệ thống cầu qua sông…
Sài
Gòn là đô thị của sự đa dạng văn hóa. Từ thế kỷ XVII đã nhiều lớp cư dân từ nơi khác đến khai phá vùng đất Nam
bộ. Sự hình thành đô thị Sài Gòn là quá
trình tụ cư và hội nhập văn hóa nhanh chóng của người Việt, người Hoa với
những tộc người bản địa. So với Hà Nội hay Huế thì di tích lịch sử ở Sài Gòn
không nhiều, niên đại muộn, đặc trưng kiến trúc, trang trí thể hiện sự giao tiếp văn hóa tộc người, vùng
miền đậm nét. Trải qua quá trình lịch sử hơn 300 năm Sài
Gòn luôn
dung nạp và
tiếp nhận tất cả các yếu tố văn hóa khác nhau. Điều này thể hiện rõ ở các công trình xây dựng dưới thời
của những thể chế chính trị khác nhau.
Sài
Gòn được xây dựng theo kiểu đô thị phương Tây. Lấy sông Sài Gòn làm chuẩn bắt đầu các con
đường chính, rồi những đường cắt ngang chia đô thị Sài Gòn (vốn trải dài ven sông, kênh rạch)
thành những ô phố vuông vắn. Trong đó khu trung tâm
hay là “vùng lõi” đô thị là
các công sở, trung tâm thương mại dịch vụ... Liền kề là những khu biệt thự, trường học, bệnh viện
và các công trình văn hóa công
cộng khác. Cảnh
quan khu trung tâm thành phố đã trở nên quen thuộc, tạo nên “dấu ấn Sài Gòn” như: Nhà thờ Đức bà, Bưu điện, Nhà hát
lớn, Ủy ban nhân dân, khu Eden, thương xá TAX, Chợ Bến Thành Tòa án thành
phố, các bảo tàng, các công trình tôn giáo… Có thể coi khu trung tâm Đồng Khởi - Nguyễn Huệ - Lê Lợi – Hàm Nghi là nơi “lắng hồn” đô thị Sài Gòn. Ngoài ra còn
những công trình dịch vụ như nhà máy điện, hệ thống cấp thoát nước...
Sài Gòn là đô thị - trung tâm kinh tế
“mở”. Là trung tâm của miền Nam, Sài Gòn có hệ thống sông lớn và cửa
biển Cần Giờ,
nơi đây là một cảng thị từ rất sớm, có
sự giao thương
mạnh mẽ qua đường biển. Từ khi xây thành Gia Định 1790 Chúa
Nguyễn Phúc Ánh đã xây dựng Xưởng Thủy tức công xưởng Ba Son sau này. Thương cảng Sài Gòn, từ góc độ lịch
sử có thể coi là đặc điểm chủ yếu của đô thị Sài Gòn. Dọc kênh Bến
Nghé, Tàu Hũ... từ Sài Gòn vô Chợ Lớn là hệ thống nhà máy và bến cảng được xây
dựng từ cuối thế kỷ 19 và phát triển mạnh mẽ đến năm 1975. Do đó sài Gòn còn là
một thành phố công nghiệp, nơi hình thành và phát triển giai cấp công nhân khá
sớm(1).
2. Từ những đặc trưng
đô thị Sài Gòn – TP.Hồ Chí Minh như trên, thông qua nghiên cứu liên ngành giữa
khảo cổ học đô thị với quy hoạch – kiến trúc, với trùng tu – bảo tồn di tích… để
có thể nhận diện tổng thể di sản kiến trúc đô thị niên đại từ cuối
thế kỷ 18 đến giữa thế kỷ 20. Hệ thống “di tích khảo cổ học đô thị” ở Sài Gòn –
TP. Hồ Chí Minh có thể chia thành 9 loại hình (trong đó quần thể di tích của
người Hoa ở Chợ Lớn với đặc trưng riêng biệt hợp thành một loại hình)(2).
1.
Loại hình di tích khảo cổ
học đã khai quật, dưới và trên mặt đất: như hệ thống di tích thời
tiền – sơ sử ở huyện Cần Giờ; Lò gốm cổ Hưng Lợi quận 8.
2.
Loại hình cảnh quan đô thị
(tuyến đường và bến sông): như các tuyến đượng Đồng Khởi, Lê Duẩn, Tôn Đức
Thắng, khu vực bến Bạch Đằng.
3.
Loại hình công trình kiến
trúc nghệ thuật: như Bưu điện TP, UBNDTP, Tòa án, Bảo tàng TP, Bảo tàng
Mỹ thuật (nhà chú Hỏa), Bảo tàng lịch sử, Dinh Độc Lập, Trụ sở Hải quan...
4.
Loại hình công trình tín
ngưỡng, tôn giáo: như Nhà thờ Đức Bà và các công trình công giáo, hàng
trăm đình, chùa, một số thánh đường...
5.
Loại hình nhà truyền thống
và biệt thự: như nhà cổ trong khuôn viên tòa Tổng Giám mục, nhà cổ
Vương Hồng Sển, nhà cổ kiểu Đông – Tây kết hợp, khu vực biệt thự đường Phạm Ngọc
Thạch (quận 1), đường Tú Xương (quận 3)...
6.
Loại hình công trình hạ tầng
và công nghiệp; như Lò gốm cổ Hưng Lợi quận 8, công xưởng Ba Son, hệ thống
cảng, bến bãi quận 4, quận 8, nhà đèn Chợ Quán, các tháp nước, những cây cầu, đường
sắt, đường bộ, vỉa hè, cầu cống...
7.
Loại hình di tích mộ
táng, lăng tẩm: hệ thống mộ hợp chất, lăng Ông (Bà Chiểu), lăng mộ
Trương Vĩnh Ký...
8.
Loại hình di tích thành
lũy và công trình quân sự: Lủy Bán Bích, dấu tích Thành Gia Định, hệ thống
trại lính, công sự...
9.
Loại hình quần thể di
tích của người Hoa ở Chợ Lớn: phố cổ Hải Thượng lãn Ông, Chợ Bình Tây, các đền,
chùa, hội quán...
Hệ thống
di sản kiến trúc trên đều có niên đại vào thời kỳ khởi lập và
giai đoạn phát triển đầu tiên đô thị Sài Gòn, các công trình - di tích quy mô lớn, có
mối liên hệ chặt chẽ với cộng đồng qua hoạt động liên tục và lâu dài của con người – tức là chúng đã từng hoặc đang có đời sống trong đô thị. Sự thay đổi cảnh quan hay biến mất một số công trình kiến
trúc thuộc loại này hay loại khác do quá trình phát triển của đô thị, tuy
nhiên, tác động của chúng đối với đời sống tinh thần của cộng đồng, với việc
lưu giữ dấu ấn lịch sử và đặc trưng văn hóa của thành phố thì khá “tiêu cực”.
Căn cứ vào bốn đặc trưng của đô thị Sài Gòn thì nhiều “bằng chứng của quá khứ”
đã biến dạng hoặc biến mất chỉ trong hơn mười năm gần đây.
Di
tích loại hình công nghiệp như Lò gốm cổ Hưng Lợi, công xưởng Ba Son... theo quy luật của quá trình đô thị hóa thì phải di chuyển đến khu vực khác phù hợp hơn, để
đảm bảo về môi trường và những vấn đề xã hội khác. Tuy nhiên, nếu bảo tồn được những kiến trúc lịch sử này và làm cho “đời sống” của công trình được duy trì bằng hình
thức khác: như một “bảo tàng”
sống động về một loại hình hoạt động của đô thị, hoặc mang chức
năng mới như khu thương mại,
trung tâm nghệ thuật... để phục vụ cộng đồng, du lịch, đồng thời mang lại yếu tố lịch sử cho khu đô thị mới, góp phần làm tăng giá trị kinh tế cho đô thị.
Quá trình biến đổi không gian lịch sử nên được xem là một cơ hội để phát huy tiềm
năng kinh tế và văn hóa của khu vực.
Những nhà máy điện, nước, hệ thống cầu
sắt qua kênh rạch ở vùng Chợ Lớn, những phiến đá xanh bó vỉa hè, ga xe lửa Sài
Gòn... xây dựng trong thời kỳ đầu phát triển đô thị đã lần lượt biến mất không
còn dấu tích. Lịch sử Sài Gòn đâu chỉ là các công trình hành chính hay nghệ
thuật mà còn là những công trình dân sinh.
Khu vực trung tâm thành
phố (đường Đồng Khởi, Nguyễn Huệ,
Tôn Đức Thắng) không chỉ thuộc về di sản văn hóa vật thể,
mà còn thuộc về di sản ký ức của cộng đồng. Thay đổi, phá hủy khu vực này dù với
lý do đáp ứng nhu cầu “hiện đại hóa” về cơ sở hạ tầng cũng là hành động xóa bỏ
ký ức lịch sử, cắt đứt sự “di truyền văn hóa” và tình cảm gắn bó với đô thị giữa
các thế hệ thị dân, đồng thời cũng làm mất đi những “đặc trưng” nhận diện Sài
Gòn – TP. Hồ Chí Minh đối với du khách, trong đó gồm cả đặc trưng về lối sống cởi
mở, phóng khoáng, quan hệ thân thiện, nghĩa tình của người Sài Gòn. Sự thay đổi
không gian lịch sử cần được cân nhắc và thực hiện hết sức cẩn thận, nếu làm
đúng cũng giúp không gian lịch sử trở thành giá trị mới cho thế hệ hiện tại, gia
tăng bản sắc và cảm nhận tích cực về đô thị. Sự
biến dạng như hiện nay của đường Đồng Khởi và khu vực vòng xoay Nguyễn Huệ - Lê Lợi, tuyến đường
Tôn Đức Thắng là một
thất bại trong việc bảo tồn gìn giữ “không gian lịch sử” hơn 100 năm của thành
phố!
3. Di sản kiến trúc đô thị còn hay mất là phụ thuộc
vào cách ứng xử của chủ thể di sản: cộng đồng dân cư nói chung, bao gồm người dân, nhà chuyên môn, nhà quản lý
và nhà đầu tư. Hiện nay ở các đô
thị Việt Nam, đối với việc bảo tồn di sản nói chung và kiến trúc đô thị nói
riêng, có
tiếng nói quyết định là chính quyền và nhà đầu tư, còn nhà chuyên môn và người dân góp tiếng nói quan trọng.
Có thể
coi công trình kiến trúc Dinh Thượng Thơ ở quận I TP Hồ Chí Minh là một trường
hợp điển hình mới nhất về mối quan hệ này (3). Sau khi Sở Quy hoạch
kiến trúc thành phố trưng bày mô hình “Cải tạo mở rộng Trụ sở UBNDTP” trong đó
có việc đập bỏ công trình Dinh Thượng Thơ (tại số 59-61 đường Lý Tự Trọng) để
xây công trình mới, đã có rất nhiều ý kiến đề nghị bảo tồn công trình Dinh Thượng
Thơ vì giá trị lịch sử và kiến trúc. Sau khi lắng nghe ý kiến cộng đồng, chủ yếu
là các nhà chuyên môn (kiến trúc, quy hoạch, trùng tu, lịch sử, khảo cổ, văn hóa...)
và của người dân qua báo chí, truyền thông, đồng thời tiếp nhận ý kiến của các
nhà ngoại giao... việc chính quyền thành phố chỉ đạo Sở Quy hoạch Kiến trúc tổ
chức Hội thảo khoa học để đánh giá giá trị nhằm bảo tồn công trình này là một động
thái cần được ghi nhận trong thời điểm công tác bảo tồn của thành phố có quá
nhiều hạn chế.
Cũng có ý kiến cho rằng, giá trị kiến trúc của Dinh Thượng
Thơ không đặc biệt, hay Dinh Thượng Thơ được ít người biết đến trước khi sự việc
xảy ra, có nghĩa là giá trị lịch sử của nó cũng... bình thường thôi. Tuy nhiên
cần đặt công trình có hơn 130 năm tuổi này trong bối cảnh của lịch sử đô thị
Sài Gòn chỉ hơn 100 năm, trong tương quan với cảnh quan đường Đồng Khởi đã mất
hết các công trình có tuổi tương đương thậm chí ít hơn, để thấy giá trị lịch sử
- kiến trúc còn lại không chỉ của Dinh Thượng Thơ. Và nếu như cộng đồng ít biết
đến giá trị của những công trình lịch sử - văn hóa dù ít “nổi tiếng” như Dinh
Thượng Thơ, thì không có nghĩa là chúng không có giá trị, mà đó là do các nhà
quản lý, nhà chuyên môn chưa làm tốt chức trách của mình.
Mặt khác, không nên coi ý kiến của người dân được tập hợp
bằng nhiều hình thức (như lấy chữ ký ủng hộ việc bảo tồn chẳng hạn) là một hành
vi mang tính cảm xúc. Bởi vì người dân hiện nay đã có sự quan tâm, hiểu biết và
thể hiện ý thức trách nhiệm. Tôn trọng ý kiến cộng đồng, đó chính là dân chủ -
điều kiện cần thiết để tập hợp trí tuệ và nguồn lực cho sự nghiệp bảo tồn di sản.
Ý
thức của cộng đồng càng cao thì vai trò và trách nhiệm quản lý của chính quyền về di sản văn hóa phải
càng cao hơn.
Chú
thích.
1.Nguyễn Thị Hậu, 2016. Khảo cổ học đô thị Sài Gòn – TP.HCM. Tạp chí Khoa học xã hội số 2
(210), tr.100-101. Viện khoa học xã hội vùng Nam bộ.
2. Nguyễn Thị Hậu, 2017. Đô thị Sài Gòn – TP. Hồ Chí Minh khảo cổ học và bảo tồn di sản. tr.67.
Nhà xuất bản tổng hợp TPHCM.
3. Nguyễn Thị Hậu, 2018. Những giá trị cần được bảo tồn của Dinh Thượng Thơ và khu vực trung tâm
TPHCM. Kỷ yếu HTKH ngày 28.9.2018: Đánh giá về giá trị và giải pháp bảo tồn
kiến trúc tại địa điểm số 59-61 Lý tự Trọng phường bến Nghé quận I TPHCM. Tr.66.
Sở Quy hoạch và Kiến trúc TPHCM.
TS. Nguyễn Thị Hậu
Tổng Thư ký Hội Sử học TP.HCM
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét