BUỔI TRƯA TRONG QUÁN CÀ PHÊ (hay là MƠ GHE)

Thỉnh thoảng, buổi trưa ra quán café ăn cơm văn phòng. Nói là ăn cơm nhưng chủ yếu là ngồi với bạn bè, “tám” đủ chuyện để xả xì-trét, lấy sức cho buổi chiều và cho vài hôm sau nữa.
Cũng thi thoảng, buổi trưa ra quán café, ngồi một mình, có khi ăn cơm có khi không, nhưng bao giờ cũng kêu ly café đá, nhâm nhi. Đọc một cái gì đó, nghe một cái gì đó, và gõ trên máy tính một cái gì đó, như bây giờ chẳng hạn.
Sài Gòn mấy bữa nay nắng rát người, mặt đường hực lên hơi nóng, oi bức quá thể… Ngồi trong phòng máy lạnh nhìn ra dường như ngoài đường mọi thứ đều uể oải: cây im không một ngọn gió, người trùm kín mít, xe phóng nhanh thế mà vẫn không thoát được cái nắng, đứng dưới bóng râm ven đường cũng không thấy mát hơn chút nào…Giờ này không muốn làm gì, chỉ muốn làm biếng, trôi đi đâu thì trôi, mà mắc vào đâu thì mắc (dưới gầm cầu hay dười giề lục bình cũng được nhưng hy vọng không bị mắc dưới kênh đen mà ở dưới sông Sài Gòn, đoạn gần ra đến cửa biển Cần Giờ thì càng hay).
Bỗng nhớ đến việc ai đó nhắn vô điện thọai mình (đùa hay thật cũng chả biết): “cần bán nhà ở trung tâm Phú Mỹ Hưng, có 3 mặt nhìn ra sông, giá 1 tỷ VND, miễn trung gian”. Sao rẻ thế nhỉ, với vị trí như thế thì rẻ quá, dù 1 tỷ với mình là số tiền rất xa lạ… không hình dung được là bao nhiêu và như thế nào. Nhưng vì ai mua đất mua nhà cũng đều nói số tiền từ vài tỷ trở lên nên mình nghĩ 1 tỷ là rẻ. Nghĩ mãi nghĩ mãi, thậm chí còn thì thầm với con gái “giá mẹ có tiền…”. Con gái cũng ngơ ngẩn một hồi rồi bảo: chắc là họ bán cái ghe đấy mẹ ạ, đậu giữa sông thì 4 mặt là sông, còn đầu sát bờ thì có 3 mặt sông còn gì? Ừ nhỉ, thế mà nghĩ không ra.
Nhưng bỗng ước gì có tiền mua ngay chiếc ghe ấy (gíá một tỷ thì ghe chắc còn tốt) để thực hiện ước mơ từ xửa xưa là được lang thang trên những con sông miền Tây Nam bộ. Đầu tiên là từ cửa Cần Giờ đi vào đến ngã ba Nhà Bè sẽ lại phân vân như người xưa “Nhà Bè nước chảy chia hai, ai về Gia Định, Đồng Nai thì về”. Bây giờ theo sông Đồng Nai ngược lên đến Cù Lao Phố đã là một vùng đô thị rồi, không còn một thương cảng sầm uất như thủa xa xưa… Ngược lên nữa đến Cù lao Rùa thuộc đất Bình Dương, nơi xưa kia có những ngôi nhà cổ tuyệt đẹp ẩn mình trong vườn trái cây sum sê quanh năm. Bây giờ nghe nói đất đai nơi ấy các đại gia về mua vườn lập villa hết rồi. Thôi thì đi ngược nữa lên qua thác Trị An đến vùng Đồng Nai thượng vậy… “rừng đã cháy và rừng đã hết”. Ở đó ta như nhiều người bỗng dưng “không chốn nương thân”.
Thôi thì theo sông Sài Gòn vào đất Gia Định vậy. A, đã không muốn ở thành phố mới mua ghe đi lang thang, vậy còn vô đây chi vậy? Kẹt xe ngập đường do trời mưa do triều cường do trời mưa kết hợp với triều cường chứ không phải do con người. Đằng nào cũng lội cũng bơi, vậy… ở ghe là đúng nhất rồi còn gì. Mỗi khi “phố bỗng là dòng sông uốn quanh” thì mình đã có sẵn ghe bơi tung tăng cho bà con nhìn thấy tức chơi, ở trên ghe mình còn nhóm bếp cà ràng nướng cá khô sặc trộn gỏi xoài dưa leo, ngồi nhâm nhi nhìn bà con dắt xe chết máy lội bì bõm… thiệt là một “thú vui tao nhã”…
Nhưng mà muốn thực hiện ước mơ mua ghe để có thể trở thành “người sang trọng có thú vui tao nhã” như thế thì phải có tiền, tức là phải đi làm vì mình không đủ tài để “bỗng dưng giàu có” như người khác. Tức là bây giờ phải đứng lên, trả tiền café, lao ra ngoài trời nắng hầm hập để về cơ quan, chịu đựng tất cả những gì có thể chịu đựng được, làm những gì phải làm, để kiếm tiền mà sống và… mơ ghe.
Có lẽ khi mình kiếm đủ tiền thực hiện ước mơ mua ghe, Sài Gòn của mình vẫn chưa hết những “dòng sông uốn quanh” để mình được “sống trên du thuyền” như người “sang trọng, tao nhã”.
Thôi mình đi về đi làm đây.

(Trong tập tản văn cùng tên, 2012)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

LÀNG NGHỀ SÀI GÒN MỘT THỦA VANG DANH

   (Người Đô Thị Xuân Giáp Thìn 2024) Nguyễn Thị Hậu Sài gòn là một đô thị từ khi khởi lập. Tính chất đô thị của Sài Gòn không chỉ ở chứ...