BẢN NHẬN XÉT LUẬN VĂN THẠC SĨ
ĐỀ TÀI: THỰC TRẠNG VÀ HƯỚNG PHÁT TRIỂN DU LỊCH
TRONG VÙNG CƯ TRÚ CỦA NGƯỜI H’MÔNG TẠI SAPA
(Nghiên cứu trường hợp ở xã Lao Chải huyện Sapa)
Người nhận xét:TS Nguyễn Thị Hậu, Phản biện 2
Cơ quan: Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM
Luận văn Thạc sĩ Việt Nam học “Thực trạng và định hướng phát triển du lịch trong vùng cư trú của người H’Mông tại Sapa (nghiên cứu trường hợp ở xã Lao Chải huyện Sapa) của học viên Kasa Yukie – Khoa Việt Nam học trường Đại học khoa học xã hội và nhân văn TPHCM - là một luận văn có giá trị cao về khoa học và thực tiễn. Sau đây là một vài nhận xét của tôi về các giá trị trên.
- Tên đề tài luận văn đã tránh được lối mòn của nhiều luận văn có nội dung về các vấn đề thực tiễn: luận văn chỉ ra thực trạng và đề xuất “hướng phát triển” của du lịch Sapa chứ không đưa ra “giải pháp” – là việc của các cơ quan chức năng như Du lịch, văn hóa, chính quyền các cấp. Chính vì vậy luận văn đã dựa trên cơ sở lý luận về du lịch và du lịch cộng đồng để đề xuất một hướng phát triển có tính khả thi cho du lịch ở một địa bàn cụ thể và tiêu biểu là xã Lao Chải huyện Sapa.
- Lý thuyết về du lịch cộng đồng, như luận văn đã nêu rõ, không phải là “mới”. Tuy nhiên, ở Việt Nam việc ứng dụng, vận dụng lý thuyết này vào thực tế hầu như chưa được chú ý. Nguyên nhân quan trọng nằm ở câu hỏi: Ai là người được hưởng lợi chủ yếu từ sự phát triển du lịch? Câu trả lời trên thực tế là: chủ yếu là các doanh nghiệp lữ hành và chính quyền địa phương. Cộng đồng cư dân bản địa – mặc dù là chủ thể của những di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, là những “sản phẩm du lịch” – thì chỉ hưởng một phần rất nhỏ trong tổng thể lợi ích của ngành du lịch. Phần lợi ích này manh mún và không lâu dài, không bền vững.
- Những trường hợp mà tác giả luận văn đưa ra như những kinh nghiệm cho du lịch Sapa đều ít nhiều hữu ích - nhất là cho việc đề ra các chính sách, giải pháp. Tuy nhiên, nếu được phân tích so sánh một cách tổng thể, từ khái quát lịch sử đến quá trình phát triển văn hóa tộc người thì những so sánh này sẽ có tính thuyết phục cao hơn. Cần ghi nhận sự nỗ lực cao của tác giả luận văn trong việc điền dã thực tế, ghi nhận và rút ra những kinh nghiệm “sống” từ những khu vực đã hình thành và có sự phát triển nhất định loại hình du lịch cộng đồng.
- Luận văn đã trình bày khá đầy đủ những yếu tố cấu thành và những thành phần tham gia vào du lịch tại địa bàn nghiên cứu. Có thể nhận thấy những tài liệu này thể hiện cuộc sống của cộng đồng, do phương pháp khảo sát, điền dã của Nhân học xã hội mang lại. Nó cũng tránh được nhược điểm của nhiều công trình nghiên cứu thực tiễn: phần tổng quan hay thực trạng thường được trích dẫn từ các văn bản của ngành quản lý, của chính quyền.
- Những đề xuất và kiến nghị về hướng phát triển du lịch có hiệu quả hơn ở xã Lao Chải nhìn chung bám sát thực tiễn và khả thi. Đặc biệt, mô hình “du lịch cộng đồng” và đề xuất xây dựng “bảo tàng sinh thái” là hai thành phần gắn bó chặt chẽ với nhau, không chỉ từ góc độ du lịch hay văn hóa vì nó vốn có nguồn gốc từ sự gắn bó, hòa hợp của cuộc sống cộng đồng với môi trường sống của họ. Thấy được điều này mới có thể bảo vệ, bảo tồn văn hóa một cách toàn diện.
- Phần Phụ lục hình ảnh, tư liệu khá tốt, có giá trị tham khảo cao.
- Theo Danh mục các dân tộc Việt Nam (Ban hành theo Quyết định số 121-TCTK/PPCĐ ngày 02 tháng 3 năm 1979) của Tổng cục thống kê, theo Tổng điều tra dân số và nhà ở VN ngày 1/4/2009 của tổng cục thống kê thì tên gọi là dân tộc Hmông (không phải H’mông). tuy nhiên trong sách "Cộng đồng các dân tộc VN" của NXB Giáo dục, 2010 thì là dân tộc Mông. Luận văn cần xem lại và chỉnh sửa cho chính xác. Ngoài ra còn một vài lỗi diễn đạt bằng tiếng Việt, tuy nhiên đối với một học viên là người nước ngoài điều này không đáng kể.
- Nếu có gì luận văn cần bổ sung để hoàn chỉnh hơn thì đó là: bên cạnh việc đánh giá nguồn nhân lực chính quy của các Công ty du lịch đã được đào tạo thì cần có sự đánh giá nguồn nhân lực cộng đồng tham gia vào hoạt động du lịch, đặc biệt là vai trò của phụ nữ Mông, từ đó việc định hướng đào tạo và nâng cao kiến thức cho nguồn lực này như thế nào?
Tóm lại, tôi đánh giá cao kết quả của luận văn thạc sĩ của tác giả Kasa Yukie. Ngoài giá trị khoa học, tôi còn nhận thấy ở luận văn một tình cảm gắn bó với cộng đồng cư dân trong địa bàn mà tác giả nghiên cứu. Đây là điều cần thiết và rất đáng trân trọng của một người bước đầu nghiên cứu văn hóa, và là người nước ngoài nghiên cứu về văn hóa Việt Nam.
Luận văn xứng đáng đạt loại xuất sắc.
Chúc tác giả luận văn sẽ tiếp tục con đường nghiên cứu khoa học với những thành công lớn hơn, trên cơ sở của sự lao động nghiêm túc và có trách nhiệm từ công trình nghiên cứu đầu tay này.
Xác nhận của cơ quan TP Hồ Chí Minh ngày 6 tháng 3 năm 2013
Người nhận xét
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét