Diễn từ nhận giải Dịch thuật - Phạm Nguyên Trường

http://phamnguyentruong.blogspot.com/2013/03/dien-tu-nhan-giai-dich-thuat.html#more

GIẢI THƯỞNG VĂN HÓA PHAN CHÂU TRINH 2012

Thưa quý vị và các bạn,
Tôi thật xúc động và hãnh diện khi được biết Hội đồng Quản lý Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh quyết định trao giải thưởng về dịch thuật năm 2012 cho tôi - nhất là khi Quỹ này lại mang tên một nhà ái quốc vĩ đại, một người đã giành cả đời mình cho sự nghiệp khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh, rất được nhân dân ngưỡng mộ và kính yêu. 
Nhân dịp này, xin cho tôi được nói đôi lời về bản thân và một vài điều tâm huyết của mình.

Tôi tốt nghiệp ngành vật lí kĩ thuật năm 1975, và cũng như các bậc thầy và các bậc đàn anh trong ngành vật lí đi trước; ngoài chuyên môn và cũng là lĩnh vực kiếm sống, tôi còn quan tâm đến văn học, triết học và xã hội học. Từ khi mạng Internet lan truyền một cách rộng rãi, tôi bắt đầu dịch và công bố trên mạng, cụ thể là trên website talawas.org  một vài tác phẩm văn học. Những dịch phẩm này đã nhận được sự đồng tình và đánh giá cao của ban quản trị mạng cũng như của bạn đọc gần xa. Nhưng chính cá nhân tôi lại thấy rằng trong tình hình có nhiều biến chuyển; xã hội, có thể nói, đang đứng trước ngã ba đường như hiện nay, sách văn học và dịch sách văn học không đáp ứng được nhu cầu nội tâm của chính mình và có thể là của cả bạn đọc nữa. Vì vậy mà tôi bắt đầu tìm và dịch những tác phẩm thuộc thể loại khác, ban đầu chỉ là những bài báo, viết về kinh tế và xã hội. Và trong quá trình tìm tòi đó, tôi đã bắt gặp tác phẩm có tên là The Road to Serfdom của Friedrich von Hayek. Tôi đã mạnh dạn viết thư cho Nhà xuất bản Tri thức xin được cộng tác và xuất bản tác phẩm này vì tôi biết rằng Nhà xuất bản đang có kế hoạch dịch từ 500 đến 1.000 tác phẩm kinh điển của thế giới. Thật may cho tôi là Giáo sư-Tiến sĩ Chu Hảo, Giám đốc - Tổng biên tập Nhà xuất bản đã có hồi âm hầu như ngay lập tức. Bức thư ngắn gọn, và những lời trọng thị, chân tình của ông đã động viên tôi rất nhiều và đấy cũng là bước ngoặt quan trọng trong quá trình dịch thuật của tôi. Một thời gian ngắn sau đó, tác phẩm này, mà tôi dịch là Đường về nô lệ đã được xuất bản, đúng như mong đợi của tôi. Kể từ đó, lần lượt những tác phẩm khác như: Chế độ dân chủ - Nhà nước và xã hội, Về trí thức Nga, Lược khảo Adam Smith, Thị trường và đạo đức, và gần đây là tác phẩm Ảnh hưởng của sức mạnh trên biển đối với lịch sử - 1660-1783 đã được Nhà xuất bản Tri thức ấn hành. Bên cạnh đó, những tác phẩm chưa được xuất bản, nhưng đã và đang lưu hành trên mạng như Giai cấp mới, 1984, Trại súc vật, Vòng tròn ma thuật và một vài tác phẩm khác vẫn thường xuyên nhận được phản hồi tích cực của bạn đọc. Bây giờ nhìn lại, đấy đều là những tác phẩm thuộc dòng khai dân trí mà 100 năm trước Phan tiên sinh đã chỉ cho chúng ta.  
Thưa quý vị và các bạn
Khi được tiến sĩ Nguyễn Đức Thành, học giả trẻ tuổi nhất trong Hội đồng Khoa học của Quỹ, thông báo rằng tôi được trao giải thưởng lần này, tôi đã rất mừng vì nghĩ rằng từ đây về sau những tác phẩm do mình dịch sẽ dễ dàng tiếp cận với độc giả hơn. Nhưng sau khi bình tĩnh lại, sau khi đã suy nghĩ một cách thấu đáo hơn, tôi nhận thấy rằng mình chưa đóng góp được bao nhiêu. Tôi coi đây là sự ưu ái rất lớn mà Quỹ Văn hóa Phân Châu Trinh đã dành cho tôi và tôi coi đây cũng là phần thưởng chung cho tất cả những người đã giúp đỡ và hợp tác trong công việc dịch thuật của tôi suốt mấy năm vừa qua. Nhân dịp này, tôi xin được cám ơn Ban Giám đốc Nhà xuất bản Tri thức, cám ơn các bạn Hồ Thị Hòa, Hoàng Thanh Thủy, Nguyễn Phương Loan và một số biên tập viên của Nhà xuất bản Tri thức mà tôi không thể kể hết tên ở đây, những người đã giúp đỡ và cộng tác rất hiệu quả với tôi trong thời gian vừa qua. Tôi cũng xin đặc biệt cám ơn anh Đinh Tuấn Minh, một nhà kinh tế học trẻ, người đã rất nhiệt tình trong việc hiệu đính những tác phẩm viết về kinh tế học do tôi dịch trong thời gian qua. Tôi cũng xin được gửi lời cám ơn nhà văn Phạm Thị Hoài, người đã động viên tôi rất nhiều trong những bước đầu trên con đường dịch thuật của tôi.
Thưa quý vị và các bạn
Nói đến dịch thuật, người ta thường nhấn mạnh khía cạnh truyền bá kiến thức của nó. Điều đó tất nhiên là đúng. Nhưng còn một khía cạnh nữa: ảnh hưởng của dịch thuật đối với ngôn ngữ thì dường như thường bị lãng quên. Và khi nói tới ảnh hưởng của dịch thuật đối với ngôn ngữ, người ta thường nhắc tới Martin Luther, người đã dịch Kinh tân ước (vào năm 1522) và Kinh cựu ước (vào năm 1534) từ tiếng Latin sang thổ ngữ của miền trung nước Đức và đã khiến cho bộ phận ngôn ngữ ấy sau này trở thành ngôn ngữ chuẩn của nước Đức. Dù không có những nghiên cứu về ảnh hưởng cụ thể của dịch thuật đối với tiếng Việt, nhưng tôi tin chắc rằng việc dịch Tam tạng kinh điển của đạo Phật, dịch các trước tác của Khổng giáo và các tiểu thuyết kinh điển của Trung Quốc sang chữ nôm và sau này là sang chữ Quốc ngữ, cũng như việc dịch các tác phẩm văn học và khoa học từ tiếng Pháp, tiếng Anh và tiếng Nga sang tiếng Việt đã có những đóng góp rất lớn vào quá trình phát triển của tiếng Việt hiện đại. Chỉ cần đọc một vài tác phẩm viết cách đây khoảng 100 năm và so sánh văn phong của những tác phẩm đó với những tác phẩm được xuất bản gần đây, chúng ta cũng sẽ thấy ngay rằng tiếng Việt đã rõ ràng, mạch lạc, trong sáng và hiện đại hơn rất nhiều. Tôi tin chắc rằng các dịch giả tiền bối đã có công rất lớn trong quá trình hiện đại hóa đó.  
Về phần mình, dù dịch tác phẩm nào, về kinh tế học, xã hội học hay triết học, trước khi ngồi vào bàn phím tôi đều tự nhắc nhở mình câu nói nổi tiếng của học giả Phạm Quỳnh: “Truyện Kiều còn thì tiếng ta còn; tiếng ta còn thì nước ta còn”. Tôi hiểu rằng, trải qua hơn một ngàn năm Bắc thuộc, tổ tiên của chúng ta, những người nông dân chân lấm tay bùn, một nắng hai sương đã dứt khoát không chịu dùng tiếng nói của kẻ cai trị, dứt khoát chỉ dùng tiếng Việt và hơn thế nữa, còn Việt hóa nhiều từ Hán, làm cho tiếng Việt ngày càng phong phú thêm. Và cùng với sự phát triển của tiếng Việt, tinh thần dân tộc cũng gia tăng để đến lúc nhân dân ta tự nhận thức được rằng “Sông núi nước Nam vua Nam ở”, hay nói như chúng ta ngày nay là “độc lập dân tộc”. Đấy chính là tinh thần đã hun đúc nên chiến thắng Bạch Đằng của Ngô Quyền, chấm dứt một ngàn năm Bắc thuộc. Trải qua hơn một ngàn năm nữa, ngày nay chúng ta có thể mạnh dạn nói rằng tiếng Việt đã phong phú đến mức có thể thể hiện được mọi cung bậc của tình cảm và đủ sức chuyển tải được những khái niệm khó khăn nhất của tất cả các ngành khoa học hiện đại. Và cùng với sự phát triển của xã hội, tiếng Việt vẫn tiếp tục phát triển và sẽ còn phát triển mãi. Tôi cho rằng dịch thuật và các dịch giả của chúng ta sẽ có những đóng góp xứng đáng trong quá trình phát triển đó. Đồng thời, tôi cũng tin rằng, dù có xảy ra những chuyện như thế nào, dù đất nước ta có trải qua những cuộc khủng hoảng về kinh tế, về xã hội và thể chế như thế nào đi nữa, nhưng nếu những người đang sống trên dải đất hình chữ S từ mũi Cà Mau tới Mục Nam Quan và mấy triệu kiều bào Việt Nam ở nước ngoài còn tiếp tục coi tiếng Việt là một trong những di sản quý báu nhất mà tổ tiên đã để lại cho chúng ta, tiếp tục giao tiếp với nhau bằng tiếng Việt, tiếp tục vun bồi để cho tiếng Việt ngày càng phong phú thêm, ngày càng trong sáng hơn thì nước Việt Nam ta nhất định sẽ còn như học giả Phạm Quỳnh đã nói. Tôi luôn tự nhắc mình rằng, là một người phu chữ, tôi xin mượn chữ của nhà thơ Lê Đạt để gọi mình như thế, nếu một giây phút nào đó mình lơ là với tiếng Việt, viết những câu chữ thiếu trong sáng và khó hiểu thì đấy là lúc mình đã mắc tội với tổ tiên và có lỗi với những thế hệ tương lai.
Còn một điều nữa, thưa quý vị và các bạn
Cụ Phan Châu Trinh đã dành cả đời mình cho sự nghiệp khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh. Làm một công việc vĩ đại như thế chỉ bằng ngòi bút và tiếng nói thì tự do ngôn luận chính là phương tiện hữu hiệu nhất. Cụ sẵn sàng hi sinh tự do thân thể của mình, Cụ đã từng đập đá ở Côn Lôn, thậm chí Cụ sẵn sàng hi sinh tính mạng của mình để bảo vệ quyền làm người căn bản đó. Tôi tin rằng hương hồn Cụ sẽ đồng ý khi tôi trích dẫn Voltaire, triết gia người Pháp, rằng tự do ngôn luận là: “Mặc dù tôi ghét cay ghét đắng điều bạn nói, nhưng tôi sẽ bảo vệ đến chết để bạn được quyền nói điều đó”. Và tôi cũng tin rằng hương hồn Cụ sẽ đồng ý khi tôi trích dẫn George Orwell, một nhà văn lớn ngưới Anh, rằng: “Nếu tự do có một ý nghĩa nào đó thì đấy chính là quyền nói cho người ta nghe những điều người ta không muốn nghe”. Lòng yêu nước, thương dân vô bờ bến, ước mong mang tri thức từ những chân trời xa xôi về để khai sáng cho đồng bào của mình và cuộc đấu tranh kiên cường cho tự do của chí sĩ Phan Tây Hồ là những bài học vô giá mà kẻ hậu sinh là tôi không bao giờ dám quên hay dám lơ là.
Đấy là những điều tâm huyết mà tôi xin được thưa cùng quý vị và các bạn trong ngày hôm nay.
Cuối cùng, tôi xin chúc Hội đồng Quản lý Quỹ Phan Châu Trinh, Hội đồng Khoa học của Quỹ, và những người đã và sẽ nhận giải thưởng cao quý này sức khỏe dồi dào, để chúng ta có đủ sức giương cao mãi ngọn cờ khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh của nhà cách mạng Phan Châu Trinh; đủ sức trao ngọn cờ đó cho những cánh tay rắn chắc và đáng tin cậy của các thế hệ đi sau, để cho tinh thần khai sáng của Người trường tồn mãi mãi cùng dân tộc chúng ta.
Thưa quý vị và các bạn
Nhân ngày giỗ chí sĩ Phan Tây Hồ, 24 tháng 3, sáng nay tôi đã cùng một vài bạn trẻ đến thắp nhang tại khu lưu niệm chí sĩ ở số 9 Phan Thúc Duyện, quận Tân Bình. Bây giờ, tại diễn đàn trang trọng này, một lần nữa xin được nghiêng mình trước anh linh của Người. Xin Người phù hộ cho tất cả chúng ta.
Xin cám ơn.

Vài phim mới xem (6): Leap year (Mỹ), Zik zin (Hồng Kông)

PHIM Leap year



Một cô gái từ Boston vượt hơn 3000 dặm đến Dublin để có thể tỏ tình với người yêu vào đúng ngày 29/2 – ngày mà 4 năm mới có 1 ngày. Cô và người yêu đã sống chung vài năm, nhưng anh quá bận rộn với công việc nên… Theo truyền thuyết vào ngày này nếu người con gái tỏ tình với người mình yêu thì sẽ được nhận lời và một đám cưới sẽ diễn ra.
Cô gặp bao nhiêu rủi ro, do thời tiết bão tố, do bị lạc vào một vùng hẻo lánh cách nơi cô cần đến hàng trăm cây số, do gặp (những) người đàn ông *thô lỗ* và cả do tính khí bướng bỉnh của cô. Cuộc hành trình của cô và anh chàng chủ quán trọ - người đã nhận lời đưa cô đến Dublin chỉ vì cần có tiền để trả nợ ngay - có cả bi, hài, cả lãng mạn và cả thực tế trần trụi.
Cuối cùng thì cô cũng gặp được người yêu ở Dublin, và thay vì cô phải tỏ tình như trong truyền thuyết thì ngược lại, cô được nhận lời tỏ tình và chiếc nhẫn đính hôn của người yêu. Đến đây tưởng phim đã có một kết thúc như ý. Nhưng…
Cuộc đời luôn rắc rối và cũng đáng yêu hơn ta tưởng. Cô gái bỗng nhận ra rằng, cô đã có cái mà cô MUỐN nhưng đó không phải là cái cô CẦN, cho suốt đời.
Để nhận ra điều mình muốn không phải là điều mình cần đâu có dễ. Có người suốt đời MUỐN nhiều thứ mà chưa từng hiểu mình CẦN gì quan trọng nhất, vì thế họ cứ đi tìm mãi, tìm mãi… Nhưng chẳng bao giờ bằng lòng với những gì mà họ có được.
Cứ rưng rưng khi cô gái ngả đầu vào vai chàng trai và ngủ ngon lành trên xe bus… Tình yêu đấy, đôi khi giản dị chỉ là sự tin cậy tràn đầy âu yếm…

26.3.2013



Phim Zik Zin (Hồng Kông, 2012)
 
Đạo diễn Lâm Siêu Hiền giải thích: "Cái tên phim Nghịch Chiến tôi đã muốn sử dụng lâu lắm rồi, với tôi nó rất có ý nghĩa. Nếu đã xem qua hai bộ phim Nhân Chứng và Kẻ Chỉ Điểm, các bạn sẽ biết theo suy nghĩ của tôi, trong cuộc sống có rất nhiều nghịch cảnh mà ta không thể nào trốn tránh được, mỗi lần đối diện nghịch cảnh là một trận chiến. Nghịch Chiến có thể hiểu là cuộc chiến đấu lội ngược dòng mà chúng ta chỉ có thể kiên trì, không thể bỏ cuộc. Câu chuyện phim lần này được xây dựng dựa trên tên phim như thế." Nói về các cảnh hành động trong phim lần này, ông chỉ dùng 4 chữ để hình dung là "kinh thiên động địa".
Bộ phim có sự hợp tác của hai chàng tài tử nổi tiếng nhất giới Cbiz là Châu Kiệt Luân và Tạ Đình Phong. vốn kinh phí đầu tư lên đến 200 triệu NDT. Bối cảnh phim thì quay ở Jordan, Malaysia...cũng có nhìều cảnh đẹp phố lạ, cho biết bối cảnh xã hội bất an của phim và của cả thế giới.
Là phim Hành động giống như phim Hollywood  cho dẫu Điện ảnh Hong Kong hiện tại cũng đã phát triển , nhưng công bằng mà nói, những Hiệu ứng với mảng Hành động trong phim Mỹ vẫn là hàng đầu thế giới. Tuy nhiên về tâm lý xã hội kiểu Hong Kong thì phim này đã khai thác khá nhiều khía cạnh trong một phim thuộc thể loại Hành động và đã đạt hiểu quả cao.
Mình hiếm khi xem phim hành động châu Á nhưng mình thích phim này. Cuối cùng thế giới còn gì sau tất cả những chiến tranh xung đột tham lam tàn nhẫn? Còn lại tình cảm gia đình ruột thịt, cái đã làm cho con người trở nên hướng thiện. Phim kiểu/ về "xã hội đen" nhưng vô cùng nhân văn.

Bụi quý




… Thường thường cứ hết ngày là Samet đổ đi tất cả những rác rưởi mà anh quét dọn ở các xưởng thủ công. Nhưng sau lần gặp Xuyzan, anh không đổ bụi ỡ những hiệu kim hoàn đi nữa. Anh giấu diếm đổ chúng vào một cái túi và mang về lều mình. Hàng xóm cho rằng anh chàng hót rác nọ đã trở thành ngớ ngẩn. Hiếm người biết rằng trong bụi đó có chứa bột vàng, bởi vì những người thợ kim hoàn khi làm việc thế nào cũng làm hao đi chút xíu kim loại quý đó.
Samet quyết định sẽ sàng bụi lấy vàng, đúc thành một thoi nhỏ và dùng nó đánh một bông hồng vàng mang lại hạnh phúc cho Xuyzan. Mà rất có thể, như mẹ anh đã nói, nó còn mang lại hạnh phúc cho nhiều người khác nữa. Biết đâu đấy! Anh quyết không gặp lại Xuyzan khi bông hồng chưa được làm xong.
…. Đến lúc có đủ bụi vàng để đánh thành thỏi thì đã mất nhiều thời gian lắm. Nhưng Samet chưa đưa cho người thợ kim hoàn đánh bông hồng vội.
Không phải Samet thiếu tiền thuê thợ. Bất cứ người thợ kim hoàn nào cũng bằng lòng đánh bông hồng để lấy tiền công bằng một phần ba thỏi vàng và như thế họ cũng đã hài lòng lắm rồi.
Duyên do không phải vì thế. Càng ngày, giờ gặp gỡ Xuyzan càng gần. Nhưng không biết từ lúc nào, Samet bắt đầu sợ cái giờ ấy.
Tất cả sự trìu mến từ lâu dồn nén trong đáy lòng, Samet muốn dành cho nàng, cho Xuzi.
… Lúc đó vào cuối thu. Màn đêm rung động vì gió và vì những đốm lửa nhấp nháy. Người thợ bạc nhớ đến nét đổi thay trên mặt Samet sau khi anh chết. Bộ mặt trở nên nghiêm nghị và trầm tĩnh. Người thợ bạc thấy niềm cay đắng hiện trên mặt anh còn tuyệt đẹp nữa là khác.

“Mỗi phút, mỗi lời tình cờ được nói ra và mỗi cái nhìn vô tình ta bắt gặp, mỗi ý nghĩ sâu sắc hoặc vui đùa, mỗi rung động thầm lặng của con tim, cũng như cả đến một bông xốp của hoa hướng dương đang bay hay lửa sao trong một vũng nước đêm - tất cả những cái đó đều là những hạt rất nhỏ của bụi vàng.
Chúng ta, những nhà văn, chúng ta bòn đãi chúng trong hàng chục năm, hàng triệu những hạt cát đó, lặng lẽ thu góp lại cho mình, biến chúng thành một hợp kim rồi từ hợp kim đó ta đánh “Bông Hồng Vàng” của ta - truyện, tiểu thuyết hay là thơ.
Bông hồng vàng của Samet! Đối với tôi có phần nào là hình tượng tương lai của hoạt động sáng tạo của chúng ta. Thật là lạ lùng khi chẳng có ai chịu bỏ sức lao động của mình ra nghiên cứu xem từ những hạt bụi quý ấy đã phát sinh ra nguồn văn học sinh động như thế nào.
Nhưng cũng giống như bông hồng vàng của ngừơi thợ hót rác già kia làm ra là để cho Xuyzan được hạnh phúc, sáng tác của chúng ta là để cho cái đẹp của trái đất, cho lời kêu gọi đấu tranh vì hạnh phúc, vì niềm vui và tự do, cho cái cao rộng của tâm hồn và sức mạnh của trí tuệ chiến thắng bóng tối cho chúng ta rực rỡ như một mặt trời không bao giờ tắt.”

Trích Bông Hồng Vàng – Pauxtopxki, Vũ Thư Hiên dịch.


Truyện 100 chữ (phần 2) 111-113



111. Ấp trứng vịt

Vịt vốn không biết ấp trứng nên nhờ gà ấp hộ. Gà nhiệt tình giúp. Vịt được thể càng đẻ nhanh đẻ nhiều, ổ gà không còn chỗ cho trứng gà nữa. Nghe mấy chị gà than thở, người bèn nghĩ ra cách ấp trứng vịt.
Nhưng vịt con chưa nở người đã có món ăn mới: trứng vịt lộn.
Vịt ân hận lắm, nhưng đã muộn. Làm biếng và ỷ lại cũng có giá của nó!


112. Ve chó

Mấy con ve bấu trên người con chó cũng tự phân chia thứ bậc. Căn cứ để xếp loại không phải theo loài to nhỏ mà theo vị trí: Con bấu trên đầu thuộc đẳng cấp cao hơn con bấu vào đít.
Thấy bọn ve đánh nhau tranh giành chỗ bám, chó khinh bỉ: dù bọn mày có chọn bám vào chỗ *chất xám* để nâng cao đẳng cấp thì vẫn chỉ là loài hút máu mà thôi.

113. Ý chí và Cảm xúc

Ý chí và cảm xúc là bạn thân. Ý chí nói: chỉ với cậu là tớ có thể nói tất cả. Thời gian trôi qua… họ ít trò chuyện hơn. Ý chí băn khoăn: ta có nhiều khác biệt…?
Tình bạn thường bắt đầu bằng sự giống nhau và kết thúc bằng điều khác nhau. Tình bạn bền vững khi qua vô vàn điều giống và khác ta tìm thấy những điều chung: Ý chí làm cho cuộc sống luôn mới mẻ còn Cảm xúc mang đến cuốc sống những ý nghĩa tốt đẹp hơn.

Vài phim mới xem (5): Phim hài Mỹ





Mấy phim mình xem có nội dung về đời sống hàng ngày, trong đó nhân vật chính đang gặp thất bại, có hoàn cảnh không may mắn: bị mất việc, hôn nhân sắp tan vỡ, kinh doanh thất bại… Nói chung là bi đát (nếu ở VN sẽ làm thành phim bộ dài tập với rất nhiều nước mắt mà đạo diễn tưởng rằng sẽ lấy được của khán giả). Thế nhưng phim Mỹ thường là những phim hài hước. Có thể nói ngay, hài hước từ tình huống, chi tiết rất thật trong cuộc sống, chứ không phải từ cái nhăn mày méo miệng câu đối thoại chọc cười vô duyên. Người xem vẫn thấy nhân vật chính đang đau khổ, lo lắng, tức giận, thậm chí tuyệt vọng trong hoàn cảnh của mình. Sử dụng thủ pháp hài hước trong phim *bi* làm rõ tính chất lạc quan: dù trong hoàn cảnh khó khăn đến đâu thì con người cũng tìm ra lối thoát. Và cuộc sống là như thế *niềm vui với nỗi buồn từng phút nối nhau qua*.
 
Một điều nữa mình nhận ra là sự thẳng thắn đầy lý trí (đến lạnh lùng, thậm chí là tàn nhẫn – theo quan niệm tình lý của người VN) khi quyết định một điều không may cho người khác: quyết định sa thải, quyết định chia tay nhau, quyết định tịch thu tài sản… Tất cả đều dựa trên lý lẽ và nguyên tắc của một bên *có quyền* ra quyết định, không có chỗ cho một chút cảm thông với *hoàn cảnh* bên kia! Cứ theo nguyên tắc (luật) mà hành xử vì đó là sự hợp lý! Còn anh khó khăn ư, khó chịu ư, tổn thương ư, tuyệt vọng ư? Là chuyện của anh không phải chuyện/ việc của tôi. Tự anh phải giải quyết! 

Vì thế nhân vật chính chấp nhận sự thật không may của mình, không than vãn, không *trình bày hoàn cảnh* dù có thể tuyệt vọng, cũng không sĩ diện khi phải từ bỏ những thứ quen thuộc: nhà cửa, xe hơi, hàng xóm, lối sống, quần áo, có khi cả vợ/ chồng/ người yêu… để buộc phải chuyển sang một môi trường sống khác thấp kém hơn. Khi anh gặp điều không may, có thể có người châm chọc, cay nghiệt với anh nhưng nói chung mọi người đều coi là bình thường. Dường như ai cũng nghĩ: điều không may của người này rất có thể một lúc nào đó sẽ là điều không may của chính mình. Nhưng biết đâu có thể điều không may của anh lại là điều may mắn của tôi thì sao? 

Tuy nhiên, qua phim ta thấy xã hội luôn tạo những điều kiện thuận lợi cho mọi người, miễn là anh biết tận dụng và cố gắng hết sức, anh sẽ có một cơ hội mới. Và những nhân vật chính luôn vượt qua được hoàn cảnh nghiệt ngã, họ như tìm thấy một bản thể khác hoàn thiện hơn. Do đó phim thường kết thúc có hậu.
Xem những phim này có lẽ mình hiểu thêm được một chút về *tính cách Mỹ*.



Tài sản vô giá của Thảo Cầm Viên (Cà phê chủ nhật - BÁO TUỔI TRẺ)

  TS Nguyễn Thị Hậu Tuần qua , tôi đi công tác miền Tây, theo kênh rạch vào “vùng sâu vùng xa” nên sóng điện thoại chập chờn, công việc l...