Giữ hình ảnh đô thị sông nước

 https://thanhnien.vn/giu-hinh-anh-do-thi-song-nuoc-18525022222324335.htm


Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu - Tổng thư ký Hội Khoa học lịch sử TP.HCM đánh giá đề án cải tạo gần 40.000 căn nhà ven kênh mà TP.HCM sắp triển khai xét về quy mô có thể ngang bằng với đề án phát triển đường sắt đô thị khi đụng chạm đến cuộc sống 40.000 hộ gia đình, ước tính hơn 100.000 người dân. Chuyên gia nhìn nhận có 3 yếu tố quan trọng khi triển khai gồm tái định cư, phát huy di sản văn hóa sông nước và thích ứng biến đổi khí hậu.

Dưới góc độ văn hóa đô thị, TS Hậu cho biết đây là dự án rất lớn nên cần điều tra xã hội học thực sự khoa học và khách quan để nhận được tất cả ý kiến đồng thuận và đề xuất giải quyết đời sống của người dân. Bởi lẽ, các dự án tái định cư trước đây TP.HCM làm chưa tốt, và nhà ở xã hội, nhà cho người thu nhập trung bình thấp hiện vẫn là điểm nghẽn rất lớn. Điều TS Hậu lo lắng nhất là khi giải tỏa khối lượng lớn thì bố trí tái định cư ra sao, không chỉ ở góc độ vật chất mà còn các tiện ích phục vụ đời sống. Và quan trọng hơn là tạo sinh kế mới cũng như tạo thuận tiện cho người dân gắn bó với sinh kế cũ và vùng lao động cũ.

Ở góc độ cảnh quan và văn hóa sông nước, TS Nguyễn Thị Hậu cho biết TP Băng Cốc (Thái Lan) vài chục năm trước không khác gì thực trạng hiện nay mà TP.HCM đang giải quyết. Khi đó, chính quyền thành phố Băng Cốc có kế hoạch chỉnh trang với mục tiêu đầu tiên là khơi thông dòng chảy, đảm bảo môi trường để bảo vệ sức khỏe người dân, cải thiện văn hóa. Lợi nhuận từ sức khỏe và văn hóa không thể đong đếm được bằng tiền và đây là lợi ích lâu dài. “Tôi rất mong muốn TP.HCM tiếp cận theo hướng ưu tiên yếu tố dân sinh lên đầu tiên để phát triển bền vững chứ không phải là thu lợi nhuận từ đất đai”, TS Hậu chia sẻ.

Chuyên gia này cũng lo ngại nếu TP.HCM giải tỏa trắng toàn bộ, đến mức 2 bên chỉ còn đường giao thông, bờ kè và công viên thì sẽ không giữ được bản sắc thành phố sông nước của Nam bộ nữa. Bà khuyến nghị nghiên cứu mô hình của Thái Lan và Campuchia về đô thị ven sông, hỗ trợ người dân sửa nhà quay mặt tiền ra sông, giữ gìn vệ sinh chung để tạo điểm đến phát triển du lịch. “TP.HCM có thể nghiên cứu giữ lại một số cụm dân cư điển hình ở Q.8, là nơi đông dân phải giải tỏa nhất. Mình muốn phát triển đường sông thì đầu tiên phải để cho người dân hưởng, rồi mới đến phát triển du lịch”, TS Hậu nói.

Về lâu dài, TS Nguyễn Thị Hậu cho biết với tốc độ biến đổi khí hậu diễn ra rất nhanh thì TP.HCM cần quay lại với tư duy thích ứng, sống chung với nước của ông bà ta trước đây. Muốn sống với sông nước thì thích ứng theo hướng xây nhà sàn bên sông, kênh rạch nhưng sử dụng vật liệu bền vững như bê tông.




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

VỀ NHỮNG TÁC PHẨM "NHÌN LẠI QUÁ KHỨ"

Đọc THUYỀN của NGUYỄN ĐỨC TÙNG. Có lẽ đã có nhiều bài viết rất hay về cuốn sách này qua hai cuộc giới thiệu sách và gặp gỡ tác giả ở HN và H...