HÃY ĐỔI CÁCH ĂN TẾT


Nguyễn Thị Hậu 

Trong cuốn Việt Nam phong tục của Phan Kế Bính, mục Tết Nguyên đán ghi rõ “Mùng một đầu năm là tết Nguyên đán. Tết này ăn to hơn cả mọi tết trong năm”:  từ trước tết nửa tháng đã nhộn nhịp mua sắm… cho đến mùng bốn (có nhà đến mùng bảy) thì hóa vàng tiễn đưa ông bà. Nhưng suốt một tháng giêng thì ai ai cũng đi chơi thăm viếng cảnh chùa, hội hè hát xướng…

Thời điểm của tết truyền thống là vào lúc nông nhàn, mùa xuân bắt đầu, cho nên đây còn là dịp nghỉ ngơi sau một năm vất vả lao động bên cạnh ý nghĩa đón chào một năm mới. Chính vì vậy thời gian nghỉ tết kéo dài như vậy đã tồn tại hàng ngàn năm, trên cơ sở của nền kinh tế và lối sống nông nghiệp, môi trường nông thôn và chủ thể là nông dân.

Thời chiến tranh và giai đoạn hậu chiến, dù từ hai ba tháng Chạp cũng đã nhộn nhịp chuẩn bị nhưng tết thường chỉ gọn trong ba ngày từ ba mươi đến mùng hai. Ngày mùng ba coi như hết tết, mùng bốn các cơ quan bắt đầu làm việc, mọi sinh hoạt trở lại bình thường.

Từ khoảng mươi năm nay khi tuần làm việc 5 ngày thì việc nghĩ lễ, tết thường được linh hoạt hoán đổi để kỳ nghỉ dài hơn, có khi nghỉ tết đến 8,9 ngày. Ở nông thôn hay vùng kinh tế nông nghiệp thì việc này không làm xáo trộn nhiều nhịp sống và cách thức làm ăn. Nhưng ở đô thị, các khu công nghiệp thì việc nghỉ lễ, tết dài ngày đã có ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động kinh tế và cuộc sống. Ngoài ra dịp Noel và tết Dương lịch nhiều công sở liên quan đến nước ngoài không làm việc hoặc giảm hoạt động vì đây là kỳ nghỉ dài ngày của người nước ngoài. Do đó nhịp sống đô thị đã mang không khí tết từ cuối năm dương lịch.

Tết cổ truyền là nét văn hóa độc đáo của người Việt Nam, là dịp sum họp gia đình nên được nghỉ dài ngày thì thuận tiện cho số lượng lớn người nhập cư, người đi xa  có thể về quê thăm viếng nghỉ ngơi. Người thành phố có thể đi chơi xa, du lịch, nhu cầu tiêu dùng lớn nên dịch vụ ngày tết cũng phát triển hơn, các hoạt động văn hóa được tổ chức, lễ hội được phục hồi thể hiện sự bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống đồng thời thu hút khách nước ngoài. Có thể thấy đó là những yếu tố tích cực của tết “ta”.
Tuy nhiên những ảnh hưởng tiêu cực cũng không ít, nhất là trong giai đoạn “hội nhập” kinh tế mạnh mẽ hiện nay. Có thể nói gọn: nghỉ tết dài ngày làm duy trì tâm lý và thói quen “tháng giêng ăn chơi” gây nên sự lãng phí rất nhiều thời gian nhất là ở những cơ quan nhà nước. Trước tết và sau tết là chuyện căng thẳng tàu xe máy bay phục vụ nhu cầu đi lại của hàng triệu lượt người; là chuyện lợi dụng tết nhất để tăng giá vô tội vạ, biếu xén hối lộ, là chuyện nhậu nhẹt say xỉn và tai nạn giao thông tăng vọt… Nhiều người còn cho rằng có sự lãng phí khủng khiếp trong việc mua sắm ăn tết theo kiểu “no dồn đói góp” dù bây giờ không còn thiếu thốn như xưa.

Từ lối sống nông nghiệp với nhịp thời gian chậm nhưng luôn “linh hoạt” thay đổi tùy tiện chúng ta đang chuyển sang lối sống hiện đại với cơ cấu thời gian “hành chính” của công nghiệp hóa, nhanh hơn nhưng cũng chặt chẽ hơn. Do vậy ở các đô thị, trung tâm kinh tế, công nghiệp tất cả các hoạt động đều có liên quan, phụ thuộc vào nhau ít nhiều, không phải như ở nông thôn ruộng ai nấy cày trâu ai nấy chăn… Thế nhưng mỗi năm sau những ngày tết như hiện nay, nhiều khu công nghiệp đình đốn, vỡ hợp đồng sản xuất vì công nhân chưa, thậm chí không trở lại làm việc sau thời gian dài nghỉ tết, cơ quan hành chính thì rủ nhau đi lễ hội còn nhiều cơ quan kinh doanh thì “rồng rắn” đi lễ chùa cúng bái đầu năm… “Dân có cần nhưng quan không vội”.

Quá trình công nghiệp hóa – hiện đại hóa không chỉ là xây dựng cơ sở vật chất mà còn là sự thay đổi ý thức, lối sống từ xã hội nông nghiệp qua xã hội công nghiệp. Trong khi nông thôn chưa được “hiện đại hóa” sản xuất nông nghiệp thì sự thay đổi này thực sự khó khăn, bởi vì phần lớn người nhập cư đến các đô thị và khu công nghiệp là những người nông dân. Họ chưa có ý thức và hầu như không quen với tác phong công nghiệp. Thị dân hiện nay hầu hết sống ở thành phố chưa lâu, lối sống “văn minh hiện đại” tuân thủ luật pháp chưa thực sự trở thành ý thức tự giác. Trong bối cảnh xã hội như vậy việc duy trì tập quán ăn tết với nhiều hạn chế như hiện nay là điều dễ hiểu, lại được nhà nước “linh hoạt” thay đổi kéo dài ngày nghỉ nên thói quen này càng được “dung dưỡng”.

Với ý nghĩa độc đáo và đặc trưng văn hóa truyền thống thì không nên bỏ Tết âm lịch mà phải mạnh dạn thay đổi những gì không còn phù hợp, chỉ giữ lại một số sinh hoạt mang giá trị tinh thần quan trọng nhất. Nhưng tập quán “ăn tết” thì cần thay đổi gọn nhẹ, đơn giản, đỡ tốn kém hơn. Nếu chỉ nghỉ tết đúng ba (hay bốn) ngày gồm ngày 30 và mùng 1, 2 (và mùng 3) thì vẫn đủ thời gian để duy trì gìn giữ nét văn hóa cổ truyền ở gia đình và xã hội, đồng thời giảm thiểu được những lãng phí... Số ngày nghỉ lễ tết do nhà nước quy định, vì vậy muốn hạn chế yếu tố tiêu cực của tết cổ truyền thì vai trò quản lý nhà nước là đầu tiên.

Sau nữa, người dân cũng phải thay đổi nhiều thói quen, nhu cầu khác như chuyện về quê ăn tết của hàng triệu người, hoặc xã hội phải nâng cao gấp nhiều lần năng lực vận chuyện hành khách. Điều này trong vài năm tới đây có lẽ là bất khả thi. Khi phần lớn người đến thành phố không tìm thấy nơi “an cư”, chỉ là nơi kiếm tiền nhưng điều kiện sống không ổn định, thậm chí thiếu thốn thì giữa hai nơi đều “bất ổn”, quê hương bao giờ cũng là nơi người ta muốn trở về khi có điều kiện, dù chỉ là điều kiện thời gian..

So sánh tết “ta” với tết “tây” – ngay tết của Nhật bản - ở góc độ nào cũng có sự chênh lệch, bởi nền tảng xã hội và lịch sử không giống nhau. Muốn thay đổi những ảnh hưởng tiêu cực của tết ta thì cần nhìn nhận căn nguyên để thay đổi từ đó, không thể nóng vội vứt bỏ “sạch trơn” nhưng cũng không thể không thay đổi. Bởi vì “hội nhập” đòi hỏi phải xóa bỏ những “đặc thù” lạc hậu cản trở con người Việt Nam trở nên văn minh hơn.


Sài Gòn 29.1.2016
Bản đầy đủ, bản trên báo Người Lao động bị lược bỏ một số đoạn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

TRAO TẶNG TÀI LIỆU HIỆN VẬT CỦA NSUT - ĐẠO DIỄN NGUYỄN NGỌC BẠCH

  Lời đầu tiên, thay mặt gia đình tôi xin trân trọng cám ơn Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM, Hội Di sản văn hóa TPHCM, Bảo tàng TP.HCM đã nhiệt...