TỪ NHIỀU NĂM NAY không khí Tết cổ truyền đã
khác đi rất nhiều.
Trong sinh hoạt gia
đình đã có nhiều thay đổi, ở các đô thị là “sự chuyển dịch” từ “truyền thống,
hướng nội” sang “hiện đại, hướng ngọai”.
Nếu trước đây ngày Tết mang ý nghĩa đón chào năm mới và sum họp gia đình
thì giờ đây, ý nghĩa đón chào năm mới đã đến sớm hơn, vào dịp Noel và Tết dương
lịch. Đó là vì nhịp sống đô thị và công nghiệp đã khá phổ biến ở các thành phố
lớn, nơi mà có rất nhiều người nhập cư vào thành phố lao động, học tập, làm việc…
Quá trình giao lưu và hội
nhập văn hóa giữa nước ta và thế giới cũng mang đến những sinh họat mang tính
quốc tế như Tết dương lịch là dịp có nhiều sinh họat văn hóa giải trí từ lễ hội
đến những chương trình trên các phương tiện truyền thông… Bài hát Happy
New Year của ABBA vang lên khắp nơi từ Noel tới Tết Âm lịch…
Ý nghĩa ngày Tết giờ đây
chủ yếu là lưu giữ truyền thống sum họp gia đình và mừng thọ ông bà cha mẹ. Còn
chuyện ăn uống cúng quảy thì được “chế” đi nhiều. Ngày trước lo cho ba ngày Tết
phải từ cả tháng trước, chủ yếu lo Ăn Tết: mua trữ nhiều lọai thực phẩm gạo nếp
bánh kẹo măng miến đậu xanh bánh tráng, rồi mua rau làm các lọai dưa muối… Từ
ngày Ông Táo 23 tháng Chạp đã lo mua thịt làm thức ăn sẵn như giò chả, rồi mấy
ngày Tết loay hoay nấu ăn cúng kiếng, có đi đâu cũng quanh quanh bà con, láng
giềng, ít đi chơi xa…
Nhưng bây giờ Ăn Tết,
chơi Tết có nhiều dịch vụ, từ các lọai thực phẩm đến các tour du lịch. Nhất là ở
thành phố thì hầu như không cần phải quá lo lắng đến việc ăn uống, vì chỉ cần
có tiền đi siêu thị một buổi là có đầy đủ. Câu ca dao “Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ. Cây
nêu tràng pháo bánh chưng xanh” thì đã mất cây nêu tràng pháo, còn câu
đối thì gần đây được phục hồi lại với nhiều ông đồ trẻ viết thư pháp chữ Việt
nhiều hơn chữ Nho… Hương vị ngày Tết có lẽ không ngon như xưa vì bây giờ thịt
mỡ dưa hành bánh chưng mứt kẹo ngày thường muốn ăn lúc nào cũng có.
Tất cả những điều đó vẫn
làm cho không khí Tết nay có một chút ngậm
ngùi vì cái vẻ “truyền thống mà hiện đại” của nó. Dường như sự bận rộn của lo lắng,
những biểu hiện tình nghĩa thời thiếu thốn, niềm vui ấm áp của sự sum họp… đang
mất theo ký ức của nhiều thế hệ. Bây giờ lo Chơi Tết hơn, từ tháng 9 tháng 10
đã tìm tour du lịch Tết mua sớm vì sợ hết chỗ. Sài Gòn, Hà Nội ngày Tết vắng
hoe, dân tình về quê, đi du lịch trong ngòai nước… Các thành phố trở nên yên
tĩnh lạ lùng…
Những thay đổi của Tết
thấy rất rõ ở TP. Hồ Chí Minh – một đô thị đang chịu tác động của “hiện đại
hóa” nhanh chóng. Xưa nay người Sài Gòn đều thích chơi Tết, đi ra ngòai ăn tiệm,
có bạn bè thường rủ nhau ra hàng quán, ít khi bày vẽ nấu nướng ở nhà. Và cũng
hay mua thực phẩm làm sẵn: việc đặt giò chả, bánh chưng bánh tét ở Sài Gòn phổ
biến từ rất lâu rồi, có lẽ do lối sống đô thị các dịch vụ phát triển sớm. Người
Sài Gòn trọng lễ nghĩa nhưng không quá câu nệ chuyện phải đi thăm viếng họ hàng
vào dịp Tết, họ có thể đến thăm vào trước hay sau Tết miễn là thuận tiện cho cả
hai bên.
Còn nay, Sài Gòn ngày
càng có nhiều người từ nơi khác đến làm ăn, vì vậy càng có nhiều quán ăn, đặc sản
của các vùng miền. Ngày Tết ở Sài Gòn bạn có thể thưởng thức nhiều món ăn khác
nhau chứ không chỉ có những món truyền thống. Rất nhiều người nhập cư về quê ăn
Tết nên thường khỏang mùng Hai mùng Ba họ lại lên Sài Gòn chuẩn bị đi làm, lúc
đó bạn bè mới gặp nhau… kéo ra quán nhậu. Tết cũng là dịp Sài Gòn còn đón nhiều
người Việt sống ở nước ngòai về ăn Tết cùng gia đình. Ngày Tết ở Sài Gòn các
khu vui chơi giải trí, rạp phim rạp hát, hàng quán bán như ngày thường, nhiều
quán bán ngay từ sáng Mùng Một, “ăn theo” là dịch vụ giữ xe và những hàng rong
khác… Tất nhiên, giá cả cũng là giá Tết! Tết còn là dịp “kiếm thêm” của nhiều
người, một khía cạnh nào đó có thể coi là sự “phân phối lại thu nhập” (một cách
tự phát) trong dịp Tết của những tầng lớp khác nhau trong xã hội.
Chính vì vậy có người nói,
những phong tục, thói quen được coi là truyền thống đẹp của người Việt mỗi dịp
Tết dường như chỉ còn… trên báo Tết chứ đời thường chúng ta đón Tết vội vàng,
cái gì cũng ồn ã.
Thật ra đây cũng là
“quy luật” của nhiều hiện tượng văn hóa. Những phong tục tập quán dần dần chỉ
còn lưu lại trong ký ức thế hệ trước, và may mắn là có báo chí, sách vở phim ảnh…
ghi lại, lưu truyền cho đời sau. Không thể bắt cuộc sống giữ nguyên tất cả
phong tục cũ vì có những điều không phù hợp, không thuận tiện cho đời sống hiện
đại. Bảo tồn truyền thống không phải là luôn luôn giữ nguyên mọi truyền thống.
Cái gì không phù hợp thì tự cuộc sống sẽ thay thế và xuất hiện những “truyền thống”
mới, còn truyền thống cũ sẽ ở lại sách vở, báo chí, phim ảnh… Phương tiện kỹ
thuật tạo điều kiện cho ta “vật thể hóa” di sản văn hóa phi vật thể để bảo tồn
truyền thống cho thế hệ sau biết về quá khứ.
Nguyễn Thị Hậu
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét