Tạp bút, Nguyễn Thị Hậu
Ông bạn nhắn, bà rảnh không, cà phê?
Vậy là hai người về hưu gặp nhau ở quán cà phê góc đường
Nguyễn Huệ. Một không gian sang trọng kín đáo, ấm cúng và thoải mái như còn giữ
lại chút gì đó của một Sài Gòn ngày xưa, thật ra cũng không xưa lắm đâu, là những
ngày đầu tiên hai đứa từ Hà Nội vào đây, năm 1975.
Ngồi trong quán giữa trưa tháng Một (tháng mười một âm lịch
theo cách gọi bây giờ người trẻ ít biết là tháng Một, rồi đến tháng Chạp, tháng
Giêng…), nhìn ra con đường Nguyễn Huệ đã thành “quảng trường” lát đá rộng rãi,
hai bên là hàng cây lộc vừng chưa bén rễ sâu còn đang được chằng chéo, nắng
vàng rực nhưng không nóng gay gắt bởi có những làn gió mát từ sông Sài Gòn. Không
khí Giáng sinh đón năm mới dương lịch đã tràn ngập con đường trung tâm thành phố,
ông già Noel áo đỏ trên cỗ xe tuần lộc và cây thông xanh trên nền tuyết trắng
trang trí trước cửa hàng, khách sạn… làm cho hai bạn già nao nao nhớ về mùa
đông xứ Bắc.
“Nỗi nhớ mùa đông”, một nỗi nhớ rất riêng mà cũng rất chung
cho người xa Hà Nội. Nhớ cái lạnh đầu đông, nhớ mùa lá rụng, làn sương lảng bảng
hồ Tây hay phủ mờ hồ Gươm êm đềm giữa phố phương náo nhiệt, nhớ cây cầu cũ màu
thời gian, những màu hoa suốt bốn mùa, mùi thơm thoang thoảng của cốm mùa thu,
chén chè mạn nóng bỏng sớm mùa đông, của nắm xôi xéo gói lá sen già, của hàng
phở đầu đường cả phố thơm lây… Ngày xa Hà Nội ở tuổi mới lớn nhưng bạn còn kịp
nhớ hơi ấm của đôi tay bện xoắn vào nhau một đêm se lạnh cuối thu… Tất cả hoài
niệm bền chặt trong tâm tưởng. Thế mới hiểu vì sao nhiều người Hà Nội đi xa tâm
hồn bỗng hóa thành “thi sĩ”, và văn nghệ sĩ thì tỏa sáng hơn qua những tác phẩm
viết về Hà Nội từ nơi xa Hà Nội. Đau đáu một niềm nhớ nhung những cảnh những
mùa những ký ức xa xưa…
Câu chuyện của hai “bạn già” lan man từ chuyện các cụ (cha mẹ)
đi kháng chiến thế nào, rồi con cái lớn lên trong thời chiến ra sao, đến những
ngỡ ngàng ngày đầu vào Sài Gòn tới nay sống ở đây đã tròn bốn mươi năm. Ừ,
chúng ta đã sống ở Sài Gòn hai phần ba cuộc đời rồi đấy, ông bạn nói mà như
chưa tin vào điều đó.
Này, vì sao nhớ Hà Nội vậy mà mình vẫn sống ở thành phố
phương Nam này gần hết đời người? Ông bạn trầm ngâm kể lại. Hồi vô Sài Gòn ở
trong một chung cư nhỏ có khoảng chục căn nhà, trước là căn hộ cho thuê, sau 75
toàn người Bắc được “cấp nhà” ở đó. Hàng ngày có anh chàng bán và sửa valy,
giày dép cũ đến “mở tiệm” nhờ ở ngay cổng nhỏ, sáng chiều lúc dọn hàng anh quét
dọn vỉa hè sạch sẽ, hàng tháng anh gửi lại tiền “thuê mặt bằng” bằng cách trả
tiền đổ rác cho cả khu nhà dù không ai đòi và số tiền cũng nhỏ thôi, nhưng “sẵn
tiện tui trả luôn rồi”. Rồi sau có một nhà neo đơn khó khăn tối tối dọn cái bàn
với mấy cái ghế, bán vài chai nước ngọt bao thuốc lá… Cả khu nhà cũng không ai
nói ra nói vào gì cả, thỉnh thoảng còn mua giúp điếu thuốc cái kẹo sing gum. “Hình như Sài Gòn làm cho người ta rộng lòng với nhau
hơn”.
Còn tôi, ở Sài Gòn tôi thích nhất là khi đi chợ không lo bị
quát nạt mắng mỏ. Hồi mới từ Hà Nội về khi ra chợ nghe được người bán gọi bằng
con xưng dì ngọt ngào, không mua gì cũng cám ơn, nhắn nhe lần sau mua giúp
nghen con. Lời chào mời nhiệt tình nhưng không khách sáo, coi chuyện mua bán là
giúp nhau. Đến bây giờ ở những chợ hẻm lâu đời, ở chợ lớn mà đã quen thì người
bán người mua vẫn thân thuộc vậy, đi chợ nghe than hàng họ rau cỏ đắt đỏ nhưng người
bán vẫn cho thêm nắm hành ngò hay vài trái ớt, người mua cũng mua giùm mớ rau
miếng thịt đắt hơn mấy ngàn.
Từ những điều giản dị như thế trong cuộc sống, mỗi ngày chúng
ta yêu Sài Gòn hơn, như thể đây là nơi ta đã sinh ra! Nhiều người đến rồi ở lại
thành cư dân thành phố này đều có một tình yêu với Sài Gòn. Yêu Sài Gòn vì
không người Sài Gòn nào coi mình là “Sài Gòn gốc”, không làm ai mặc cảm là người
nhập cư hay nhà quê, dù nhiều người đến Sài Gòn thì kêu bằng “lên thành phố”. Yêu
Sài Gòn vì ai ở đây cũng có một quê hương, dù Bắc hay Trung hay miền Tây thì cũng
coi như gần, rảnh rang là lên xe đò phóng xe máy về quê, một hai ngày hay kỳ
nghỉ dài ngày lễ tết… Sài Gòn những ngày này vắng vẻ hơn yên tĩnh hơn, nhưng là
sự vắng lặng để chờ đợi những người góp phần làm nên sức sống kỳ diệu của thành
phố. Bạn cứ về quê, nghỉ ngơi đi, rồi hãy mang theo tình cảm gia đình lên Sài
Gòn. Sài Gòn đủ chỗ cho tất cả, cho mỗi người và cả nỗi nhớ quê hương mà họ
mang theo.
Yêu Sài Gòn nên không ai muốn tên gọi “Sài Gòn” bị gán cho
những tin tức cướp giật, cho tình trạng ngập đường kẹt xe, cho sự vô cảm, lối sống
chưa văn minh trên đường phố. Đô thị nào cũng là nơi dung chứa nhiều tình trạng
phức tạp, cũng là nơi thử thách trình độ quản trị của nhà quản lý, là nơi dân tứ
xứ tập cho mình nếp sống thị thành. Những gì tốt đẹp của Sài Gòn vẫn còn đó
nhưng ẩn dưới vô vàn bề bộn của thành phố đang trong cơn chuyển mình “hiện đại
hóa”.
Sài Gòn biết nhiều người sống với mình vẫn luôn nhớ
nhung một cõi quê xa. Có sao đâu, vì Sài
Gòn hiểu rằng tình cảm mọi người dành cho mình không bằng ngôn từ bóng bẩy mà cụ
thể hơn, đó là ở thành phố này mỗi người đều sống hết mình và rồi sẽ trở thành
người Sài Gòn.
Có tình yêu nào sâu nặng hơn như thế?
Sài Gòn 18/12/2015
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét