CÔNG VIỆC CUỐI CÙNG CỦA NĂM 2013

"Gặp gỡ cuối năm" - Giao lưu trực tuyến liên tục 10 giờ:

Di sản "sống" được bao lâu phụ thuộc vào chính chúng ta

31/12/2013 15:57 (GMT + 7)
TTO - TS Nguyễn Thị Hậu trao đổi với bạn đọc về việc gìn giữ các dấu vết văn hóa, lịch sử trong chương trình gặp gỡ cuối năm - giao lưu trực tuyến liên tục 10 giờ tại tuoitre.vn từ lúc 16g.   
TS Nguyễn Thị Hậu

NỘI DUNG GIAO LƯU
* Tôi xin hỏi là tại sao chúng ta không xã hội hóa công tác bảo vệ và phát triển di sản? Tại sao không có những cá nhân VN kế tục và phát triển sự nghiệp nghiên cứu bảo tồn di sản của các nhà nghiên cứu Nhật Bản? Phải chăng chúng ta chỉ biết trông chờ chính sách nhà nước, hoặc bạn bè nước ngoài hỗ trợ?(congdanviet85, 85 tuổi, congdanviet85@yahoo.com)
TS Nguyễn Thị Hậu: Ở Việt Nam vẫn có công tác xã hội hóa và bảo tồn và bảo vệ di sản văn hóa, nhưng chỉ mới dừng lại việc duy trì các lễ hội cổ truyền và gìn giữ một số di tích lịch sử văn hóa, công việc trùng tu các di tích phần lớn là do cơ quan nhà nước đảm nhận vì phải thực hiện theo những nguyên tắc khoa học nhất định. Hiện nay đã có tình trạng một số di tích ở địa phương được trùng tu theo cách "làm mới" nên đã làm sai lạc nguyên gốc, từ đó làm giảm giá trị của di tích, đáng tiếc hơn là những di tích được trùng tu kiểu đó sẽ để lại cho đời sau một "bản sao" không chính xác.
Bảo vệ di sản văn hóa không phải chỉ trông chờ vào xã hội hóa hay vào vai trò của nhà nước mà là cần có những chính sách và nguyên tắc nhất quán, khoa học cho việc trùng tu di tích để toàn xã hội có thể chia sẻ những hiểu biết và góp thêm nguồn lực cho việc bảo vệ di sản văn hóa.
Chúng ta biết ơn và ghi nhận công lao của các nhà nghiên cứu nước ngoài đã góp phần mình vào việc bảo vệ di sản văn hóa Việt Nam. Bên cạnh đó những người làm công tác này ở Việt Nam vẫn đang tích cực thực hiện công việc của mình, tuy âm thầm nhưng trên thực tế vẫn có kết quả đáng ghi nhận.
Những di tích lịch sử cấp quốc gia hàng năm vẫn có nguồn kinh phí từ nhà nước hỗ trợ việc bảo tồn hoặc trùng tu. Tại các địa phương cũng dành một phần ngân sách nhất định cho việc bảo tồn các di tích và lễ hội tại địa phương, ngoài ra các nguồn kinh phí từ xã hội hóa như nhân dân đóng góp, các doanh nghiệp ủng hộ hoặc tài trợ vẫn được huy động và sử dụng trong công việc này. Nhưng đối với sự kỳ vọng của nhân dân thì những nguồn kinh phí này vẫn chưa thấm vào đâu.
Tổng biên tập báo Tuổi Trẻ - Phạm Đức Hải tặng hoa cho TS Nguyễn Thị Hậu tại buổi giao lưu trực tuyến "Gặp gỡ cuối năm" - Ảnh: Thuận Thắng
* Chào cô, trước cháu xin chúc cô một năm mới nhiều sức khỏe. Cho cháu hỏi ý kiến của cô về luồng ý kiến sau này Việt Nam sẽ đón Tết theo dương lịch chứ không ăn Tết nguyên đán nữa ạ? (Nguyễn Đức Hòa, 23 tuổi, hoanguyen100990@)
TS Nguyễn Thị HậuCảm ơn cháu và cũng chúc cháu một năm mới nhiều may mắn. Cô không nghĩ rằng chúng ta sẽ từ bỏ Tết nguyên đán và chỉ đón Tết dương lịch, mặc dù hiện nay ở các thành phố do nhịp sống công nghiệp nên năm mới dương lịch được chào đón như dịp lễ hội lớn giống như nhiều nước trên thế giới.
Tuy vậy Tết cổ truyền Việt Nam vẫn có những ý nghĩa đặc biệt như đây là dịp sum họp gia đình, nghỉ ngơi sau một năm làm ăn và chào đón năm mới với nhiều kì vọng tốt đẹp…
Những ý nghĩa này thể hiện bằng nhiều tập tục đã hình thành và duy trì qua hàng ngàn năm, đã trở thành những giá trị văn hóa hằn sâu trong tâm thức của dân tộc Việt Nam. Những giá trị như vậy làm nên bản sắc văn hóa Việt Nam, góp phần làm nên sự đa dạng văn hóa của khu vực và thế giới.
TS Nguyễn Thị Hậu trả lời những câu hỏi của bạn đọc về việc gìn giữ các dấu vết văn hóa, lịch sử tại buổi giao lưu trực tuyến - Ảnh: Thuận Thắng
* Một bộ phận thanh thiếu niên hiện nay chỉ thích xem phim Hàn, nghe nhạc pop, chẳng còn mấy ai thích nghe dân ca. Liệu đó có phải là xu hướng văn hóa tất yếu của giai đoạn phát triển hiện nay.
Những "di sản văn hóa" xa xưa liệu còn lưu truyền được đến bao giờ thưa bà? Xin cảm ơn bà (Hà Ngọc Thủy, 25 tuổi,ttkh@yahoo.)
TS Nguyễn Thị HậuThanh thiếu niên thì luôn luôn thích cái mới, nhất là trong lĩnh vực văn học nghệ thuật, nhưng không phải vì thế mà các em không quan tâm đến văn hóa truyền thống.
Tôi được biết nhiều bạn trẻ vẫn âm thầm tìm hiểu về dân ca cũng như đi đến các di tích lịch sử văn hóa, tìm đọc những cuốn sách về lịch sử để làm giàu them kiến thức cho mình.
Những di sản văn hóa xa xưa lưu truyền được đến bao giờ là do chính chúng ta bảo vệ và “di truyền” tình yêu với di sản văn hóa cho lớp trẻ nhiều thế hệ.
* Thưa cô Hậu, có nhiều ý kiến cho rằng “những nhà chuyên môn giỏi luôn luôn được cất nhắc để trở thành các nhà quản lý”. Vừa là nhà khảo cổ học, vừa là nhà quản lý, cô thấy bản thân gặp phải những khó khăn và thuận lợi gì trong quá trình công tác? Với cô, nhà nghiên cứu khoa học nào để lại cho Cô ấn tượng sâu sắc nhất? (Châu Tiến Lộc, 22 tuổi, chautienloc.napa@gmail.com)
TS Nguyễn Thị Hậu: Những nhà chuyên môn giỏi nếu được cất nhắc để trở thành nhà quản lý thì họ phải đối diện với 2 vấn đề:
-       Do có hiểu biết về chuyên môn nên họ có thể tạo điều kiện và giúp cho công việc của cơ quan thuận lợi, hiệu quả hơn. Nhân viên thì luôn muốn được làm việc với một người quản lý giỏi chuyên môn.
-       Bản thân họ phải biết cân đối thời gian để những công tác quản lý không ảnh hưởng nhiều đến công việc chuyên môn.
-       Với tôi trong cương vị quản lý tôi có những điều kiện thuận lợi để tiếp nhận nhiều nguồn thông tin, tư liệu, các mối quan hệ với nhiều cơ quan, cá nhân có liên quan đến công việc chuyên môn của mình, từ đó có them nhiều hiểu biết để có thể vận dụng vào công việc nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên khó khăn lớn nhất vẫn là thiếu thời gian vì phải đảm bảo chức trách của mình.
-       Người để lại ấn tượng và ảnh hưởng sâu sắc nhất với tôi là GS Trần Quốc Vượng.
TS Nguyễn Thị Hậu tại buổi giao lưu trực tuyến "Gặp gỡ cuối năm" do báo Tuổi Trẻ Online tổ chức - Ảnh: Thuận Thắng
* Nhiều người sống tại các khu phố cổ, là di sản văn hóa đang phải khổ sở với quy định bảo tồn phố cổ, không cho xây dựng trong khi nhà xuống cấp. Sao nhà nước không đứng ra mua lại hết các nhà dân để mà giữ gìn? Chứ không thì vì cuộc sống, người dân phải sửa chữa, thay đổi kiến trúc là điều hiển nhiên. Bà thấy vấn đề này như thế nào? (Trần Văn Luân, 45 tuổi, tranvanluan@)
TS Nguyễn Thị Hậu:
Các khu phố cổ, di sản văn hóa phải “được sống” cùng với thành phố. Cách tốt nhất không phải nhà nước đứng ra mua nhà cổ để giữ gìn, biến nó thành “bảo tàng” mà nhà nước phải tạo điều kiện để người dân vừa có thể sống trong di sản và di sản cũng không vì thế mà “chết” đi.
Cách bảo tồn các khu phố cổ tốt nhất là vẫn để người dân không chỉ sống trong đó mà họ còn có thể khai thác và phát huy giá trị ngôi nhà cổ của mình, giống như trường hợp phố cổ Hội An.
Một thực tế là kiến trúc các ngôi nhà cổ không phù hợp với những tiện nghi sinh hoạt hiện đại, do đó kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới là có thể cải tạo một phần công trình phụ bên trong ngôi nhà, tạo điều kiện cho người dân sinh hoạt thuận tiện hơn nhưng cũng không phá vỡ cấu trúc cổ. Bên cạnh đó cần phải giãn bớt dân cư trong từng ngôi nhà để phố cổ không bị quá tải.
Thưa cô Hậu, theo cô như thế nào là một người phụ nữ hiện đại thành công? Con kính chúc cô luôn mạnh khoẻ, thành công trong công việc, hạnh phúc trong cuộc sống! (Lâm Dũng, 22 tuổi, chautienloc.napa@)
TS Nguyễn Thị Hậu:
Theo cô còn tùy quan niệm của mỗi người thế nào là hiện đại, thế nào là thành công. Với cô phụ nữ đơn giản chỉ là phụ nữ. Người phụ nữ hiện đại là người cố gắng làm tốt công việc trong gia đình và đóng góp bằng chuyên môn của mình cho xã hội, thế cũng là thành công.
Cô cám ơn cháu và chúc cháu thành công trong cuộc sống.

Nhiều di sản văn hóa của VN ngày càng mai một, xuống cấp trong khi tiền ngân sách đổ vào đây không ít. Vì sao lại có chuyện tréo ngoe này thưa cô? Cách bảo tồn văn hóa, di sản của dân tộc hiện nay phải chăng chẳng có mục tiêu, phương pháp rõ ràng?(Lữ Mạnh Tùng, 51 tuổi, LuTung@)
TS Nguyễn Thị Hậu:
Tốc độ xuống cấp và mai một của các di tích phụ thuộc vào nhiều yếu tố: vật liệu xây dựng, thời tiết, khí hậu, ý thức con người, chưa kể những sự biến động như chiến tranh, thiên tai...
Cho nên bên cạnh dành ngân sách hay các nguồn kinh phí cho công tác bảo tồn di sản còn cần thêm những điều kiện khác như ý thức của toàn xã hội đối với việc bảo vệ di sản, việc đầu tư đào tạo cán bộ chuyên môn và phương tiện kỹ thuật để đáp ứng yêu cầu nghiêm ngặt của công tác trùng tu, bảo vệ và phát huy giá trị di tích.
Mục tiêu bảo tồn di sản văn hóa của chúng ta luôn luôn rõ ràng nhưng phương pháp thực hiện thì từng nơi, từng lúc vẫn còn bất cập mà nguyên nhân quan trọng xuất phát từ nhận thức chưa đúng, cụ thể là đối với việc trùng tu di tích và phục hồi một số lễ hội cổ truyền.
* Bà có thể dự báo TP.HCM trong 10 năm nữa sẽ ra sao với tốc độ tăng dân số tự nhiên và cơ học như thế này thì liệu TP.HCM có trở thành một đô thị "tả pí lù" với tất tần tật các nền văn hóa? Bà có giải pháp nào không?(Đỗ Tấn Hà, 22 tuổi, tanha92@)
TS Nguyễn Thị Hậu:
Quá trình hiện đại hóa và đô thị hóa ở Việt Nam hiện nay là tất yếu. TP.HCM cũng không nằm ngoài quá trình này. Hiện nay và trong vài năm sắp tới TP.HCM phải đối mặt với rất nhiều hệ lụy từ sự phát triển “rất nóng” dưới tác động của sự gia tăng dân số cơ học, dễ thấy nhất là sự quá tải của hạ tầng đô thị.
Cần phải nhìn nhận người nhập cư là một nguồn lực của sự phát triển đô thị, nhất là Sài Gòn – TP.HCM có vị trí là đô thị trung tâm ở phía Nam.
Lịch sử phát triển đô thị Sài Gòn – TP.HCM là lịch sử của nhiều cộng đồng dân cư với nhiều đặc trưng văn hóa khác nhau, tạo nên sắc thái đa dạng của văn hóa thành phố.
Quá trình hiện đại hóa không làm mất đi sự đa dạng này mà cùng với quá trình hội nhập, sự phong phú của văn hóa TP.HCM ngày càng được nhân lên.
Đó là mặt tích cực của một đô thị “tả pí lù” như Sài Gòn – TP.HCM.
---------------------------
TS Nguyễn Thị Hậu
TS Nguyễn Thị Hậu vốn quen thuộc với giới chuyên ngành khảo cổ, bảo tàng và cư dân mạng với nickname “Hậu khảo cổ”.
Chị xuất thân trong gia đình nghệ sĩ Nam bộ tập kết ra Bắc, là ái nữ của nghệ sĩ sân khấu Nguyễn Ngọc Bạch. Là một trong những “nữ đệ tử” hiếm hoi của GS Trần Quốc Vượng, chị tốt nghiệp chuyên ngành khảo cổ năm 1980, trực tiếp gắn bó với nghề, công tác trong ngành bảo tàng đến năm 2006.
Hiện chị là phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM. Tuy nhiên, mối quan tâm đến ngành khảo cổ, lịch sử, đặc biệt là tình hình di sản văn hóa nước nhà luôn thôi thúc chị lên tiếng, bằng nhiều bài trên các báo và tạp chí.
Sinh năm 1958, TS Nguyễn Thị Hậu có cái nhìn trẻ trung về những trí thức thế hệ sau, gắn bó với sinh viên Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, sinh hoạt với Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, Hội Sử học TP.HCM, chị đã có nhiều công trình nghiên cứu về các nền văn hóa Óc Eo, Đồng Nai, Sa Huỳnh, khảo cổ học đô thị Sài Gòn...
Đặc biệt, chị có cùng mối quan tâm về tình hình chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, từng viết bài “Tản mạn về truyền thông, biển Đông và lòng yêu nước” công bố hồi tháng 6-2013.
Chị cũng đồng hành cùng hành trình bảo vệ và phát huy di sản văn hóa Việt Nam nói chung và di sản tại TP.HCM nói riêng. Chị từng lên tiếng ủng hộ quan điểm bảo vệ di tích Ba Son với ụ tàu cổ có từ năm 1888, từng viết nhiều bài về khảo cổ học đô thị cũng như nêu ý kiến về nhiều nội dung quy hoạch tại TP.HCM. Có vẻ cùng trong thời gian lớn lên, trưởng thành và làm việc, TS Nguyễn Thị Hậu gắn bó với dọc chiều dài đất nước.
Chị từng tâm sự: “Ba má tôi là người miền Tây, năm 1954 tập kết ra Bắc và tôi được sinh ra, lớn lên ở Hà Nội. Cùng gia đình, tôi trở về Sài Gòn từ năm 1975, học đại học, đi làm, lập gia đình… và có lẽ sẽ sống hết đời ở nơi này. Hà Nội là tuổi thơ của tôi, còn Sài Gòn là nơi tôi trưởng thành. Nam bộ là quê hương của tôi”.
Cùng với chuyên mục Truyện ngắn 100 chữ trên trang Facebook cá nhân, đến nay TS Nguyễn Thị Hậu đã xuất bản các đầu sách: Đi và tìm trong đất (2008), Quay qua quay lại (2010), Khảo cổ học bình dân Nam bộ - Việt Nam (2010), Buổi trưa trong quán cà phê (2012), Văn hóa khảo cổ huyện Cần Giờ (2012) và chủ biên nhiều công trình nghiên cứu khác.

3 nhận xét:

  1. Xem thêm
    http://m.tuoitre.vn/news/detail?id=214949

    Trả lờiXóa
  2. http://m.tuoitre.vn/tin-tuc/Van-hoa-Giai-tri/Van-hoa-Giai-tri/215056,Nghe-audio-phong-van-TS-Nguyen-Thi-Hau-Su-hap-dan-cua-do-thi-chinh-la-o-lich-su.ttm

    Trả lờiXóa
  3. Cô Nguyễn Thị Hậu làm khảo cổ học đô thị ... - có ý kiến gì về quần xã di sản ạ http://goo.gl/maps/phjHa ?

    Trả lờiXóa

TRAO TẶNG TÀI LIỆU HIỆN VẬT CỦA NSUT - ĐẠO DIỄN NGUYỄN NGỌC BẠCH

  Lời đầu tiên, thay mặt gia đình tôi xin trân trọng cám ơn Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM, Hội Di sản văn hóa TPHCM, Bảo tàng TP.HCM đã nhiệt...