Từ ngày mẹ cho...

(note duy nhất hàng năm tái bản và luôn nêm nếm thêm gia vị)
 
Ba má chị sống xa quê hương nên mấy lần má chị một thân một mình sinh nở nuôi con vì ba chị thường đi công tác xa nhà. Ngày sinh chị cũng vậy. Lúc ấy ba chị đang lưu diễn tận miền Tây Bắc, trước khi đi ông ái ngại nhìn bụng vợ đã nặng nề, tần ngần hỏi “mình có sao không? Tui đi vài bữa chắc kịp về ngày mình nằm chỗ…”. Má chị cười “mình cứ đi đi, còn bà con lối xóm… có gì…tui lo được, hổng lẽ chờ mình về mới sanh?”
Vậy là ba chị lại đi. Như mọi lần. nhà chỉ còn má và chị Ba, anh Hai thì đang học ở trường nội trú. 
Một ngày mùa đông Hà Nội.  Gió mùa Đông Bắc tràn về từ chiều. Nhà hàng xóm đóng cửa ngủ sớm. Đêm đó, má chị trở dạ. Đem gửi chị Ba cho hàng xóm, một mình đi bộ từ phố Đặng Thái Thân qua phố Tràng Tiền. Cứ khó nhọc được vài bước bà lại dừng, ôm bụng nói thầm, con ơi ráng chút xíu nghe, gần tới nơi rồi. Đích đến của bà và đứa bé đang nóng lòng muốn chào đời là Bệnh Viện C trên phố Tràng Thi. Tại đó vào khỏang giờ Sửu bà đã sinh ra một bé gái mũm mĩm có cặp mắt to, khuôn miệng nhỏ và nước da đen thui. Sau này thỉnh thỏang bà vừa kể vừa cười “trời ơi lúc mới sanh nó xấu đau xấu đớn”, hic!
Sinh chị được 4 ngày thì ba chị về. Từ bến xe ông đi thẳng vô bệnh viện thăm vợ con. Anh Hai chị Ba sinh ra trong kháng chiến nên chỉ được gặp ba khi đã vài tháng tuổi, chị là đứa con duy nhất ông gặp mặt khi chưa đầy tháng, có lẽ vì vậy mà chị quấn quýt với ba nhất nhà dù ông vẫn luôn đi xa.
Hai tuổi. Má hỏi: lớn lên con thích làm gì? Lớn lên con thích đi hát lương! Giọng đớt đát cô bé trả lời, vì nhà trong khu tập thể của Đoàn Cải lương Nam bộ nên suốt ngày cô bé được nghe ca cải lương mà.
(Nhời bình của Hậu Khảo Cổ: eo ơi, sến từ nhỏ!)
Bốn tuổi. Má hỏi: lớn lên con thích làm gì? Lớn lên con thích đi ăn bún riêu! Suy nghĩ căng thẳng một lúc cô bé trả lời dứt khoát. A, đó là món khoái khẩu của cô nhỏ mà.
(Nhời bình của HKC: Trời ơi, tâm hồn ăn uống đã có từ rất sớm!!!)
Sáu tuổi. Má hỏi: lớn lên con thích làm gì? Lớn lên con thích đi chơi! Không chần chừ cô bé trả lời một cách nghiêm túc. Á, là vì đi học lớp 1 rồi, không được tự do chạy nhảy nữa mà.
(Nhời bình của HKC: Bụi đời rất hợp với tính iem!!!)
Tám tuổi. má nói đùa: Hôm nay má cho ăn phở, về đừng kể với chị nhé. Chạy vào nhà, cô bé nói với giọng rất vô tư lự: chị ơi, hôm nay má không cho em ăn phở đâu!
(Nhời bình của HKC: dù nhiều tính xấu nhưng còn may được cái thật thà kéo lại!!!)
Bây giờ, cô bé  ấy đã là một người đàn bà không còn trẻ nữa (ấy là hơi quá tự tin khi nói thế, lẽ ra cứ phải nói thẳng nói thật là… bắt đầu già rùi). Vẫn da nâu mắt to, miệng nhỏ. Vẫn sến như con sên bên cây chuối, ấy là tự nhận thế. Vẫn luôn quan tâm đến cái sự ăn uống, nhưng cũng biết nấu nhiều món khá lạ và ngon, ấy là nhận xét của hai công chúa và ông thân sinh ra chúng. Vẫn thích đi chơi nên đã chọn một cái nghề hay lang thang dù đôi lúc cũng hơi “ân hận”. Và vẫn thật thà, dù biết rằng “thật thà chịu nhiều xót xa” như lời một bài hát chị thường ngâm nga…
Ngày này xy năm trước chị đã có mặt trên cuộc đời. “Ngày chị sinh trời cho”… một số phận luôn SẾN + ĂN + CHƠI + THẬT (THIỆT) = THÀ như thế!
Vẫn nhời bình của HKC: Hừ hừ… Tính cách làm nên số phận, không được đổ trách nhiệm cho ông Giời đấy nha.




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

TRAO TẶNG TÀI LIỆU HIỆN VẬT CỦA NSUT - ĐẠO DIỄN NGUYỄN NGỌC BẠCH

  Lời đầu tiên, thay mặt gia đình tôi xin trân trọng cám ơn Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM, Hội Di sản văn hóa TPHCM, Bảo tàng TP.HCM đã nhiệt...