Bảo tồn và phát triển: để hai bên cùng thắng

Công trình nút giao thông Hoàng Hoa Thám – Văn Cao – Hồ Tây phải tạm dừng thi công thì không còn gì phải biện-minh-bàn-cãi, khi mới đây các nhà khảo cổ học đã phát hiện một số hiện vật được cho là từ thời Lý, Trần, Lê, và được xác định đây là một đoạn tường thành – La thành thời Lý, Trần (văn bản số 3229/UBND-VHKG ngày 10.5 tạm dừng thi công nút giao thông này để xem xét, nghiên cứu việc bảo tồn, bảo vệ và khai quật khảo cổ các di vật, di tích mới phát lộ).

Thế nhưng chiều ngày 13.5, Uỷ ban Nhân dân thành phố Hà Nội lại có văn bản số 3363/UBND-GT về việc tiếp tục thi công dự án đường Văn Cao – Hồ Tây. Theo đó, các nhà thầu sẽ tiếp tục hoàn thành nút giao thông, ngoại trừ một phạm vi nhỏ để các nhà khoa học nghiên cứu, thu thập hiện vật. Cũng trong văn bản này, thành phố Hà Nội giao sở Văn hoá – thể thao và du lịch chủ trì, phối hợp với viện Khảo cổ học, sở Giao thông vận tải tiến hành nghiên cứu thu thập hiện vật trong phạm vi đã phát lộ. Công việc này phải xong trước ngày 20.5, tạo điều kiện cho nhà thầu tiếp tục hoàn thành các hạng mục theo đúng tiến độ.

Nút giao thông nói trên là điển hình của tình trạng việc bảo tồn hay di dời giải tỏa di tích để phát triển tại các thành phố và những vùng đô thị hóa đang bị đặt trên bàn cân mà trọng lượng thường nghiêng về phía phát triển. Vì vậy bảo tồn các di tích khảo cổ học đô thị như thế nào, để vừa xây dựng những đô thị có hạ tầng cơ sở hiện đại phục vụ dân sinh tốt, vừa bảo tồn di tích lịch sử – văn hoá và lưu giữ được giá trị di sản văn hóa đô thị, thực sự là một vấn đề nan giải.

Nhưng sự “va chạm” giữa bảo tồn và phát triển không phải là không thể đạt được giải pháp cả hai bên cùng có lợi.

Bảo tồn các di tích khảo cổ học đô thị thường có hai giai đoạn:

– Đầu tiên là tiến hành thu thập thông tin dữ liệu từ nguồn sử liệu chữ viết và các dấu vết vật chất, qua đó những di tích và khu vực liên quan sẽ được nhận biết và kịp thời đưa vào bản đồ khảo cổ học của khu vực. Trên cơ sở đó lập kế hoạch nghiên cứu, ưu tiên khai quật trước những di tích đã bị xâm hại hay có nguy cơ bị xâm hại, như những di tích nằm trong khu vực quy hoạch xây dựng phát triển như những dự án mở đường giao thông hay các công trình công nghiệp lớn, kể cả khu vực mở rộng của các thành phố, các đô thị. Mục tiêu của giai đoạn này là nhằm thông tin đến chính quyền đồng thời có những biện pháp tác động đến những ngành liên quan nhằm thiết lập sự hợp tác, thực hiện đồng bộ các kế hoạch.

– Khi lập dự án xây dựng tại những khu vực nói trên cần có sự tham gia của các nhà khảo cổ và bảo tồn di tích để họ tiến hành điều tra thám sát khu vực chuẩn bị xây dựng. Qua điều tra thám sát nếu phát hiện về di tích khảo cổ học có giá trị thì khẩn trương lập kế hoạch khai quật cứu hộ (salvage excavation) trước khi xây dựng công trình để hạn chế tối đa việc phá huỷ di vật và di tích trong quá trình xây dựng. Các cuộc khai quật cứu hộ và quá trình nghiên cứu tiếp theo, nhằm phát hiện, thu thập, nghiên cứu giá trị của di tích, đồng thời đề xuất biện pháp bảo tồn, bảo vệ di tích và di vật phát lộ từ cuộc khai quật.

Đây là điều kiện nghiên cứu lý tưởng đòi hỏi sự phối hợp đồng bộ trên cơ sở cùng mục đích cho một đô thị phát triển bền vững: các nhà quản lý, nhà đầu tư xây dựng không lâm vào tình trạng phá hoại di tích hay vi phạm luật Bảo vệ di sản văn hóa, các nhà khảo cổ học cũng có điều kiện thuận lợi để khai quật nghiên cứu, không gây trở ngại cho quá trình xây dựng. Hai bên cùng chủ động về thời gian kinh phí và tiến độ công việc, mang kết quả tốt cho việc bảo vệ di sản văn hoá.

Hiện nay ở nước ta khá phổ biến tình trạng di tích khảo cổ học bị huỷ hoại do xây dựng tự phát của cư dân, do tiến trình xây dựng theo quy hoạch của Nhà nước. Các công trình trong các thành phố hầu như không được điều tra thám sát khảo cổ học trước khi xây dựng. Do đó bên cạnh khai quật cứu hộ (hay còn gọi là khai quật giải toả) các nhà khảo cổ thường phải tiến hành các cuộc “khai quật chữa cháy”, tức là khai quật khi di tích đã xuất lộ hay bị phá huỷ, nhằm cứu lấy những di tích di vật còn lại. Công việc này rất phức tạp, vì bản chất khai quật khảo cổ học không chỉ là tìm kiếm cổ vật mà còn là nghiên cứu di tích. Khi di tích đã bị phá huỷ thì việc khai quật càng cần cẩn trọng hơn để có thể mang lại thông tin và nhận định khoa học chính xác. “Khai quật chữa cháy” càng khó khăn hơn đối với những công trình dân sinh vì nó có ảnh hưởng lớn đến đời sống sinh hoạt của dân cư. Câu hỏi của ngày hôm nay di tích hay dân sinh là sức ép rất lớn đối với các nhà khảo cổ, nhưng câu hỏi “giá trị, ý nghĩa di tích di vật thế nào, vì sao không bảo tồn/ bảo vệ di tích đó?” mà các nhà khảo cổ học phải trả lời cho mai sau cũng đang đè nặng lên vai họ.

Theo cách giải quyết của UBND thành phố Hà Nội đối với sự vụ nêu trên thì có lẽ vấn đề “dân sinh” đã là ưu tiên để giải quyết (?). Trong tình thế như vậy các nhà khảo cổ học cũng không còn cách nào khác ngoài việc chấp nhận nghiên cứu một phần nhỏ di tích vừa được “khoanh vùng” – nếu các thủ tục kịp hoàn tất trước khi đoạn thành này tiếp tục bị giải toả. Bảo tồn – một lần nữa, lại chịu thiệt thòi để nhường cho phát triển.

Những di tích của “1.000 năm Thăng Long – Hà Nội” đang biến mất, do bị phá huỷ, do trùng tu xây dựng lại làm biến dạng… Mai này Hà Nội có còn gì là lịch sử?

http://sgtt.com.vn/Thoi-su/Goc-nhin/122450/Bao-ton-va-phat-trien-de-hai-ben-cung-thang.html
Bonus: http://sgtt.com.vn/Loi-song/Gia-tri-song/114191/Toi-thuoc-the-he-“vung-bien”.html

5 nhận xét:

  1. Bây giờ mới nhớ ra. Đáng lẽ phải đặt chị viết bài này cho báo em.

    Trả lờiXóa
  2. Bác haukhaoco co thông tin về di vật ở Thành Dền mới được phát hiện có thể chia sẻ cho pà con? Nhất là mấy hạt lúa 3000 năm mọc mầm? Cám ơn trước. :)

    Trả lờiXóa
  3. Mai sau giàu có, mình có thể thoải mái làm những con đường, xây những tòa building, nhưng những gì còn lại của cha ông, đã mất đi là mất hết, chẩng bao giờ lấy lại được nữa.

    Trả lờiXóa
  4. @ VM Cường: bị đặt viết trong có 3 tiếng, cũng chưa nói hết ý :)
    @ CN Cuong: hôm nay nhiều báo đăng rồi đấy, người công bố là PGS.TS lâm Mỹ Dung là 1 chuyên gia trong ngành và rất đáng tin cậy.
    @ A Thụy: "ăn" vào di sản ông cha để lại thì ko còn gì để nói, thế mới buồn anh ạ :(

    Trả lờiXóa
  5. Bên nhạc chúng em, nhìn người ta rẻ rúng nhạc cổ truyền cũng đau thương lắm chị ơi :-(

    Trả lờiXóa

NỖI ÁM ẢNH CỦA QUÁ KHỨ

  Trần Quốc Vượng   Nước Việt Nam ta hiện là một quốc gia kém phát triển về mọi mặt, vừa lạc hậu, vừa lạc điệu với một thế giới nhìn chung...